Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/04/2023

Điểm báo Pháp - Án tù nặng cho đối lập Nga

RFI tiếng Việt

Nga : Án nặng chưa từng thấy cho những nhà đối lập cuối cùng

Các báo hôm nay đều chú ý đến sự kiện nhà đấu tranh Vladimir Kara-Mourza hôm qua bị tuyên án 25 năm tù - bản án nặng nề nhất dành cho một nhân vật bất đồng chính kiến tại Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Les Echos nhận thấy "phương Tây phẫn nộ", Le Figaro gọi là "bản án kiểu Stalin".

antu1

Nhà đối lập Nga Vladimir Kara-Mourza trong phiên tòa ở Moscow City Court

"Những kẻ gây chiến mới là tội phạm"

Những tiếng nói hiếm hoi chỉ trích cuộc xâm lăng Ukraine biết những gì đang chờ đợi họ. Cựu nhà báo Vladimir Kara-Mourza, 41 tuổi, là một trong những nhà đối lập cuối cùng vẫn chưa ở sau song sắt nhà tù, đi lưu vong hoặc ra nghĩa địa. Sau phiên xử kín, tòa tuyên bố bị cáo "phản quốc", đưa tin "sai lạc" về quân đội Nga và làm việc cho một tổ chức "không tốt". Ông sẽ bị tù khổ sai. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu, Pháp, Đức, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đều kịch liệt phản đối bản án.

Hôm 11/04/2022, trên CNN, ông Kara-Mourza đã lên án việc Nga xâm lược Ukraine, và đoán rằng chế độ Putin sẽ sụp đổ vì cuộc chiến tranh này. Ông bị bắt ngay trong ngày hôm đó ! Vladimir Kara-Mourza tuyên bố : "Tôi biết rằng đến một ngày, bóng tối đang bao phủ đất nước chúng ta sẽ tan đi, khi những ai khởi động cuộc chiến này sẽ bị coi là tội phạm, chứ không phải những người cố gắng ngăn nó lại".

Thẩm phán có tên trong danh sách bị trừng phạt

Nhà hoạt động này là người thân cận của cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov, bị ám sát năm 2015. Bản án được tuyên bởi thẩm phán Sergey Podoprigorov, người hoàn toàn có lý do để nặng tay với Kara-Mourza. Chính ông Podoprigorov hồi tháng 11/2008 đã ra lệnh bắt Sergey Magnitski, vị luật sư đã tiết lộ một xì-căng-đan tham nhũng rất lớn của chính quyền Nga. Một năm sau, Magnitski qua đời trong nhà tù Moskva do bị ngược đãi và tra tấn.

Cùng với Boris Nemtsov, Kara-Mourza đấu tranh ở Hoa Kỳ, Canada và Châu Âu, nhờ đó luật "Magnitski" đã ra đời năm 2012. Thế nhưng, trong "danh sách Magnitski" trừng phạt khoảng 30 người liên can đến cái chết của luật sư trên, có cả… thẩm phán Podoprigorov. Vladimir Kara-Mourza bị bắt vào mùa xuân 2022 sau khi trở về Nga, như Alexei Navalny.

Và cũng như Navalny, ông suýt chết sau hai lần bị đầu độc, bị hôn mê. Trước đó, dân biểu đối lập Ilya Yashin bị 8 năm tù vì tố cáo trên YouTube việc sát hại thường dân Ukraine ở Bucha. Yevgeny Roizman, cựu thị trưởng Yekaterinburg, thành phố lớn thứ tư ở Nga, sắp tới cũng có nguy cơ lãnh án 10 năm tù vì nói về "cuộc xâm lăng Ukraine", thay vì dùng từ ngữ chính thức "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Xe tăng "đồ cổ" trên chiến địa

Trên chiến trường Ukraine, Les Echos cho biết "ở miền đông, những chiến binh Ukraine chờ đợi các xe tăng phương Tây". Đặc phái viên tờ báo đến thăm lữ đoàn xe tăng số 3. Những chiếc xe tăng của họ chủ yếu là T-72, ra đời từ năm 1972. Có chiếc còn mang dấu vết một trận đánh mới đây : đại bác bị pháo vát đi một mảng. Sĩ quan phụ trách báo chí của lữ đoàn cho xem video môt xe tăng T-84 Oplot đang hoạt động. Đây là phiên bản hiếm hoi của T-84 Liên Xô, chỉ mới xuất xưởng có 10 chiếc từ nhà máy Malishev ở Kharkiv. Một số lượng rõ ràng không hề đủ để thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Đạn 125 ly cũng không có đủ, và đã quá đát từ lâu.

Quân Nga cũng chẳng hơn gì : một bức ảnh đăng hôm 14/04 cho thấy một chiếc T-55 vừa đến Zaporizhzhia. Kiểu xe tăng này được sản xuất từ năm 1958, đã bị Hồng quân loại biên từ thập niên 80. Theo chuyên trang Oryx, Nga đã bị mất gần 2.000 xe tăng kể từ đầu cuộc chiến, số thiệt hại của Ukraine chỉ bằng 1/4. Kiev đang nóng lòng chờ đợi 150 xe tăng hạng nặng của phương Tây, được coi là điều kiện cần thiết để phản công thắng lợi.

Người hùng Ukraine trẻ tuổi diệt địch bằng drone

Đặc phái viên Le Monde mô tả "tại Donbass, một bậc thầy về drone tiêu diệt quân Nga". Andri Skyba, "người bắn tỉa" trên không chiến đấu ở sát bên trận địa với những cỗ máy đã được cải tiến. Mới 23 tuổi, nhưng Skyba đã được đồng đội coi là "con ách" trong ván bài, một mình lấp đầy một nghĩa trang và nhiều bệnh viện quân đội Nga : khoảng 600 quân địch đã bị tử thương vì những quả bom và lựu đạn từ drone của anh thả xuống. Trước đây là công nhân một nhà máy luyện kim, anh phục vụ cho quân đội chưa đầy một năm, và đã có những sáng kiến để chế các drone bình thường của Trung Quốc thành những quả bom bay gây kinh hoàng cho quân xâm lược.

Andri Skyba nay là mục tiêu hàng đầu của quân Nga. Khi phát hiện những người điều khiển drone, Nga lập tức trùm hỏa lực lên họ bằng rốc-kết đa nòng Uragan hay điều chiến đấu cơ đến. Skyba kể, một hôm, Nga bắn sang hai hỏa tiễn đạn đạo Iskander (loại có thể mang theo nửa tấn thuốc nổ), một quả rơi cách anh chỉ 30 mét. Lúc đó đang trong chiến hào kiên cố, nhưng Skyba vẫn bị hất tung sang nơi khác. Người chiến binh này suýt chết nhiều lần nhưng luôn phải chiến đấu cách tiền tuyến 700-800 mét.

Sudan loạn lạc vì hai tập đoàn quân sự quyết chiến

Nhìn sang Châu Phi, các báo cho biết Sudan có nguy cơ hỗn loạn vì sự đối địch giữa hai phe trong tập đoàn quân sự. Những trận đánh dữ dội từ ba ngày qua đã chấm dứt tiến trình chuyển đổi dân chủ, đe dọa việc cung cấp thực phẩm và dịch vụ thiết yếu cho 45 triệu dân của quốc gia thuộc hạng nghèo nhất thế giới.

Những vụ đụng độ giữa quân đội chính quy và lực lượng dân quân, cho đến nay vẫn là đồng minh, đã làm hơn 100 thường dân thiệt mạng. Các loạt súng, vụ nổ liên tục làm rung chuyển thủ đô Khartum. Điện bình thường vốn chỉ có vài tiếng đồng hồ mỗi ngày, từ thứ Bảy tuần trước đã bị cúp tại một số khu phố và nước cũng vậy. Những tiệm thực phẩm hiếm hoi còn mở cửa báo động chỉ còn dự trữ cho vài ngày, nếu các xe tải chở hàng không vào được thủ đô.

Các bệnh viện quá tải người bị thương, hai bệnh viện phải sơ tán vì rốc-kết và đạn ghim đầy trên tường, bác sĩ không đủ máu để truyền và dụng cụ để chăm sóc bệnh nhân. Phi trường do Lực lượng Hỗ trợ nhanh (FSR), tức dân quân của tướng Hemedti, kiểm soát đã đóng cửa, nhiều phi cơ dân sự và quân sự bị đốt. Trong lúc 1/3 dân chúng đang cần viện trợ nhân đạo, Chương trình Lương thực Thế giới (PAM hay WFP) hôm Chủ nhật đã ngưng hoạt động sau khi ba nhân viên thiệt mạng vì trận đánh ở Darfur.

Khartum đầy mùi thuốc súng, dân chúng đóng chặt cửa nhà, những cột khói đen khổng lồ vẫn bốc lên ở trung tâm thủ đô, nơi có trụ sở các định chế chính trị và quân sự. Trên màn ảnh truyền hình mà cả hai phe đều nói rằng đang kiểm soát, chỉ có những bài ca ái quốc được phát, như hồi đảo chánh tháng 10/2021 do quân đội và FSR cùng tiến hành. Hai phe này nay trở thành thù địch vì bất đồng về điều kiện sáp nhập dân quân vào quân chính quy, tình hình rối loạn này gây bất ổn cho khu vực Tây Phi.

Trung Quốc "đả hổ" tài chánh, "tẩy não" Hồng Kông

Tại Châu Á, Les Echos nhận thấy "Ngành tài chánh Trung Quốc bị rung chuyển vì chiến dịch chống tham nhũng". Từ cuối tháng Ba, Bắc Kinh đã tung ra một loạt cuộc thanh tra nhắm vào 30 công ty quốc doanh, trong đó có năm định chế tài chánh. Phạm Nhất Phi (Fan Yifei), phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân rồi đến Lưu Liên Khả (Liu Liange), chủ tịch Ngân hàng Trung ương ; Lý Hiểu Bằng (Li Xiaopeng), chủ tịch ngân hàng quốc doanh Everbright chuyên quản lý tài sản, lần lượt bị đặt trong vòng điều tra. Bao Phàm (Bao Fan), người sáng lập ngân hàng đầu tư China Renaissance thì mất tích bí ẩn từ tháng Hai, và nay được biết là đang "hợp tác" với nhà chức trách.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết chính quyền Hồng Kông áp đặt các chiến dịch tuyên truyền trong ngành giáo dục để bóp chết mọi tiếng nói chỉ trích. Tại trường đại học Hồng Kông (HKU) nổi tiếng, không còn dòng chữ "minzhuqiang" (Dân Chủ Tường) và chú thích "Democracy Wall" (bức tường dân chủ) ở phía dưới. Khung kiếng từ nhiều thập niên được dán lên những bài thơ, khẩu hiệu, biếm họa nay trống rỗng, thay vào đó là những camera giám sát. Ở CityU, "bức tường dân chủ" bị chắn bằng những khối nhựa lớn. Sinh viên bị buộc phải coi đến hết một video tuyên truyền dài 10 tiếng đồng hồ mới được đi thi.

"Đa cực" : Chiêu bài của độc tài để tấn công phương Tây

Trên bình diện địa chính trị, Le Monde nói về "Trung Quốc, Nga và sự tai ác của một thế giới đa cực". Giáo sư Jean-Sylvestre Mongrenier của Viện Thomas-More tố cáo những hạn chế của khái niệm "đa cực" mà ngoại giao Pháp theo đuổi, vì Trung Quốc và Nga đang lợi dụng để làm yếu đi phương Tây.

Chuyến đi thất bại của ông Emmanuel Macron đã chôn vùi ý tưởng Trung Quốc là nhà kiến tạo hòa bình cho Ukraine. Còn lại vấn đề đa cực. Dựa vào Đức, Pháp hy vọng sẽ lãnh đạo một "Châu Âu hùng mạnh" để làm đối trọng với Hoa Kỳ. Cựu tổng thống Jacques Chirac từng bênh vực Nga và đề nghị dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Trung Quốc.

Thế nhưng nay hai nước độc tài này đang giương ngọn cờ "đa cực" trong việc Nga-Trung liên minh - tuy không chính thức, cộng thêm Iran. Cả ba tin rằng thời cơ đã đến, thế giới sẽ ngả sang Châu Á. Trong viễn cảnh này, Đài Loan không có lý do để hiện hữu. Cũng không thể đánh giá thấp khả năng phá hoại của Bắc Triều Tiên, là công cụ nhằm tiêu diệt các liên minh của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng quan điểm về một thế giới đa cực thăng bằng, chừng mực và ổn định chỉ là ảo tưởng.

Thương mại : Mỹ quay sang Đông Nam Á, Châu Âu vẫn lệ thuộc Trung Quốc

Cũng về địa chính trị, Les Echos nhận thấy "Liên Hiệp Châu Âu kêu ca, còn Hoa Kỳ tổ chức để đối phó với Trung Quốc". Trong khi Mỹ giảm hẳn lệ thuộc thương mại vào Bắc Kinh, Châu Âu vẫn ở thế yếu, dễ dàng bị Trung Quốc lợi dụng. Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu vừa cảnh báo Bắc Kinh về việc ủng hộ Nga, hung hăng với láng giềng, độc tài, muốn thay đổi trật tự quốc tế, vi phạm nhân quyền. Những tuyên bố này sẽ có trọng lượng hơn nếu Châu Âu biết cách giảm dần thâm hụt trong giao thương với Trung Quốc.

Hoa Kỳ hành động rất hiệu quả : không chỉ giới hạn buôn bán với Bắc Kinh mà còn phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia Châu Á khác. Từ khi khởi động thương chiến, nhập khẩu từ các nước Châu Á, chủ yếu là Đông Nam Á vào Mỹ đã tăng 64%, còn từ Trung Quốc chỉ tăng có 6%. Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là ba nước dẫn đầu. Ngược lại, Châu Âu từ 5 năm qua lệ thuộc nhiều hơn vào hàng Trung Quốc. Chính sách hợp tác tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đề ra năm 2022 vẫn chưa đủ, thương mại đã bị bỏ quên trong chiến lược đối phó với Bắc Kinh.

Libération và nửa thế kỷ làm báo

Trang nhất của Le Figaro, Le Monde  Les Echos cùng đăng ảnh tổng thống Pháp Macron : trong bài nói chuyện tối qua ông tự dành cho mình 100 ngày để tái thúc đẩy những năm còn lại của nhiệm kỳ. La Croix quan tâm đến tiền lương của giáo chức, riêng Libération ra số đặc biệt kỷ niệm 50 năm thành lập tờ báo. Những gì đã diễn ra trong nửa thế kỷ tồn tại khó thể gói gọn trong một số báo, với những buồn vui theo cùng năm tháng, những sự kiện nổi bật…

Chẳng hạn tối 13/11/2015 tòa soạn Libération tổ chức lễ hội để hôm sau dọn sang trụ sở mới. Khách mời lần lượt đến từ 21 giờ, nhưng không ai ngờ tại những quán ăn cách đó chỉ 900 mét, bọn khủng bố Hồi giáo đang tàn sát người vô tội bằng những tràng kalashnikov. Tin tức bắt đầu rộ lên, các nhà báo chạy đến chỉ 15 phút sau vụ thảm sát, rồi đến nhà hát Bataclan... Các phóng viên báo bạn đến dự cuộc vui cố nén cảm xúc, vội vàng viết bài trên máy tính tòa soạn cho mượn. Lần đầu tiên những tờ báo lẽ ra sáng hôm sau phát hành trở thành giấy vụn để nhường cho ấn bản mới. Tối hôm đó có 13 người chết tại hai quán bar mà nhiều thế hệ Libération vẫn quen thuộc ; tổng cộng 131 người thiệt mạng, 400 người bị thương. Một trong những sự kiện không thể quên trong đời người làm báo.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 214 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)