Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/04/2021

Điểm tuần báo Pháp - Phương Tây suy tàn, Trung Quốc chớp lấy thời cơ

RFI tiếng Việt

Tin chắc phương Tây suy tàn, Trung Quốc chớp lấy thời cơ để tung hoành

The Economistnhận định "Trung Quốc tin chắc phương Tây đang trên đà suy tàn không thể cứu vãn". Giới lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng đây là thời cơ của mình và vội vàng nắm lấy. 

suytan1

Biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Canada ở Washington kêu gọi Canada và các nước coi việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là phạm tội diệt chủng. Ảnh chụp ngày 19/02/2021.  Reuters – Leah Millis

Bắc Kinh thô bạo hơn, với chủ nghĩa dân tộc hung hăng

Khao khát trở nên giàu có và hùng mạnh, 40 năm qua Trung Quốc hiếp đáp những nước yếu hơn và thận trọng đối với bất cứ nước nào có khả năng trả đũa. Tuy nhiên gần đây Bắc Kinh dường như đã thay đổi trong cách tính toán rủi ro. Trước hết, Dương Khiết Trì đã lên mặt giảng đạo đức cho các nhà ngoại giao Mỹ tại Alaska, và sau đó được coi như người hùng tại Hoa lục. Tiếp theo, Bắc Kinh trừng phạt các chính khách, nhà ngoại giao, giáo sư, luật sư, nhà hoạt động dân chủ Anh, Canada, Châu Âu, để trả đũa các trừng phạt của phương Tây về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.

Gần đây nhất ngành ngoại giao và tuyên truyền Trung Quốc ra sức nói rằng các báo cáo về cưỡng bức lao động để sản xuất bông ở Tân Cương là "dối trá, bóp méo thông tin", hoan nghênh các công dân đã tẩy chay những thương hiệu nước ngoài từ chối sử dụng bông Tân Cương. Một lãnh sự Trung Quốc còn tweet rằng thủ tướng Canada là "con chó theo đuôi Mỹ" !

Dân tộc chủ nghĩa hung hăng khiến các nhà ngoại giao phương Tây nhìn Bắc Kinh một cách sững sờ. Các đặc sứ bị triệu mời vào nửa đêm để nghe các quan chức nói rằng Trung Quốc không phải như cách đây 120 năm, khi các đạo quân ngoại quốc và những khẩu đại bác buộc Thanh triều phải mở cửa. Một số coi đây là bước ngoặt của ngoại giao Trung Quốc, một nhà ngoại giao kinh nghiệm có nhận xét đáng buồn là Bắc Kinh coi phương Tây là vô kỷ luật, yếu đuối, tìm cách chà đạp dưới chân.

"Phương Đông trỗi dậy, phương Tây đang tàn lụi"

Tại Mỹ và một số nước, có những tiếng nói cho rằng Trung Quốc đã sai lầm khi tỏ ra vụng về, hấp tấp. Khả năng Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn hiệp ước đầu tư với Trung Quốc nay trở nên mong manh, sau khi Bắc Kinh trừng phạt nhiều nghị sĩ Châu Âu.

Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng sự quyết đoán của họ là hợp lý. Thứ nhất, họ tin Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong một trật tự thế giới mới. Tại Liên Hiệp Quốc, đa số nhà nước thành viên ủng hộ Trung Quốc - chủ nợ không thể thay thế, người xây dựng hạ tầng cơ sở và cung cấp công nghệ giá phải chăng, kể cả hệ thống giám sát cho các chế độ độc tài đang lo sợ bị lật đổ.

Thứ hai, Trung Quốc ngày càng chắc chắn rằng nước Mỹ đang suy tàn một cách lâu dài và không thể đảo ngược, cho dù các nước phương Tây quá ngạo mạn và kỳ thị để có thể chấp nhận "phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang tàn lụi" - theo cách nghĩ của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Nay Trung Quốc làm đau theo liều lượng được tính toán để gây sốc cho phương Tây, cho đến khi họ chịu nhận ra rằng trật tự cũ do Mỹ dẫn đầu đang kết thúc.

Trung Quốc, đất nước đang có quá nhiều kẻ thù

Những người đang cai trị Trung Quốc duy trì quyền lực bằng cách thuyết phục các công dân rằng thịnh vượng, an ninh và sức mạnh quốc gia đòi hỏi một đảng độc quyền có bàn tay sắt. Lợi ích của đa số được đặt lên trên thiểu số : các nông dân bị trục xuất để xây đập thủy điện, các sắc dân thiểu số bị cải tạo để trở thành những người lao động ngoan ngoãn, các nhà ly khai bị bịt miệng.

Không ít quan chức ở Hoa lục tin rằng trật tự được xây dựng sau 1945 với nhân quyền, các chuẩn mực và quy định giữa kẻ mạnh và kẻ yếu, là trở ngại cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nếu tuân theo các quy tắc này, Bắc Kinh sẽ khó đạt được mục tiêu. Trong một Trung Quốc kiêu ngạo và hoang tưởng, một số quan chức tin rằng EU sẽ sớm bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến Tân Cương, bởi vì Châu Âu không thể phục hồi sau đại dịch mà không có Bắc Kinh.

Các quan chức Trung Quốc khác lo lắng rằng đất nước của họ đang tạo ra quá nhiều kẻ thù. Tiếc thay, số này không đông đảo bằng những người cho rằng Trung Quốc bị ghét bỏ vì phương Tây ganh tị đối với thành công của họ. Nhà cầm quyền Bắc Kinh chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu lâu dài, rõ ràng là đầy nguy hiểm cho Trung Quốc lẫn phương Tây.

Mạng lưới tay chân tuyên truyền giùm Trung Quốc tại Pháp

Trong số báo cuối tuần, Libération có bài điều tra tiết lộ, để bù đắp lại sự hạn chế của các chiến lang hung hăng, Trung Quốc còn dựa vào các tay trong ở Pháp để mở rộng ảnh hưởng, phổ biến những lời lẽ hoa mỹ về Tân Cương.

Biển Đông, Tây Tạng, Đài Loan, Tân Cương, Con đường tơ lụa, Covid-19… Dù là đề tài nào, Bắc Kinh cũng muốn dẫn dắt câu chuyện theo hướng của mình, đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế. Những ai lên tiếng tố cáo việc viết lại lịch sử, như chuyên gia Antoine Bondaz, bị tấn công không thương tiếc : bị đại sứ quán Trung Quốc gọi là "tiểu tốt", "linh cẩu điên"… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn có mạng lưới gồm "trí thức, chính khách, nhà báo, mà các lời lẽ của họ được báo chí Hoa lục dùng để tuyên truyền" - theo Marc Julienne của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI).

Cuốn sách của nhà văn Maxime Vivas "Duy Ngô Nhĩ : Chấm dứt với fake news" là một trong những ví dụ mới nhất. Tác giả là một người về hưu ở Toulouse, không biết tiếng quan thoại lẫn Duy Ngô Nhĩ, đưa ra những lý lẽ không khác kiểu tuyên truyền của Bắc Kinh và ngay từ đầu tháng Ba đã được Vương Nghị dùng để chứng minh về các "trại huấn nghệ". Phía sau cuốn sách này là nhà xuất bản bí ẩn mang tên "Con đường tơ lụa", được thành lập năm 2017 bởi một người Pháp tên Sonia Bressler. Bà này tự giới thiệu là "chuyên gia về ngôn ngữ và truyền thông gây ảnh hưởng", nói với Libérationlà "phải có khả năng nghe một tiếng nói khác".

Những "chuyên gia" nói theo giọng điệu Bắc Kinh

"Kiểu nói khác" ấy, bà Bressler rất quen. Thường xuyên trả lời phỏng vấn Hoàn Cầu Thời Báo với tư cách "chuyên gia về Trung Quốc", bà khẳng định Tân Cương là nơi "các dân tộc sống hài hòa với nhau", còn trên Nhân Dân Nhật Báo, thì nói rằng các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông được "các tập đoàn đa quốc gia phương Tây" tài trợ.

Ngoài cuốn sách của Maxime Vivas, nhà xuất bản của Sonia Bressler còn ấn hành tạp chí Đối thoại Trung-Pháp, phối hợp với ban biên tập Trung Quốc Ngày Nay – một ấn bản thuộc sở hữu của China International Publishing Group, định chế công được Mao Trạch Đông lập ra, đặt dưới sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản.

Trên Đối thoại Trung-Pháp có thể đọc được những bài của các nhân vật quan trọng thân Bắc Kinh như cựu thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, cựu ứng cử viên tổng thống Pháp François Bayrou. Tạp chí này còn có một "ban chuyên gia", trong đó có Christian Mestre, trưởng khoa danh dự trường đại học Strasbourg, từng bị Le Point tố cáo trong một bài điều tra và sau đó chối bỏ các tuyên bố về Duy Ngô Nhĩ, cho rằng mình đã bị Bắc Kinh lợi dụng.

Đài truyền hình Trung Quốc chế ra một "nhà báo Pháp" ảo

Trang web của Le Monde cho biết đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN tiếng Pháp thậm chí còn sáng tác ra một "nhà báo Pháp độc lập" mang tên Laurène Beaumond, bác bỏ các cáo buộc về đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Nhân vật này cho biết đã sống 7 năm ở Trung Quốc và "do một sự tình cờ, có thân nhân sống tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương".

Vấn đề là "Laurène Beaumond" không hiện hữu ! Nhật báo uy tín đã kiểm tra, không có ai trong danh sách của Ủy ban cấp thẻ nhà báo Pháp mang tên này, trong khi theo CGTN thì người phụ nữ "có hai bằng cử nhân về lịch sử nghệ thuật và khảo cổ học của Sorbonne cùng với một bằng thạc sĩ báo chí, từng làm việc cho nhiều tờ báo trước khi đến Bắc Kinh".

Chuyên gia Antoine Bondaz phát hiện tài khoản mang cái tên giả mạo này được lập trên Twitter vào cuối năm 2020, bênh vực cho Bắc Kinh về dịch bệnh từ Vũ Hán. Ông cho biết không thể nào tưởng tượng được việc một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc lại sáng tạo ra cả một nhà báo ảo.

Biden, đại diện cho thế giới tự do trong cuộc chiến tranh lạnh mới ?

Nhìn sang Hoa Kỳ, nguyệt san Le Monde Diplomatique số tháng 4/2021 khen ngợi kế hoạch tái thúc đẩy 1.900 tỉ đô la của tân tổng thống Joe Biden (tương đương 10% GDP Hoa Kỳ), coi đây là chương trình mang tính xã hội nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trên 100 triệu người Mỹ có thu nhập dưới 75.000 đô la/năm đã nhận được tấm chi phiếu 1.400 đô la, trong khi từ một phần tư thế kỷ qua, đa số Nhà nước phương Tây đặt mức trần thu nhập ngày càng thấp. Hiện thời ít thấy ai phàn nàn, ngoài báo chí chuyên về tài chính và… Trung Quốc cộng sản.

Tuần báo L’Obsđược cho là thiên tả, trong bài "Joe Biden, tổng tư lệnh thế giới tự do" nhận định, nhân vật được cho là mềm yếu này đã đưa ra vô số tuyên bố gây sốc đối với Bắc Kinh, Moskva và các chế độ độc tài. Ông kêu gọi các nền dân chủ đoàn kết lại, gợi nhớ đến thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây.

Nếu cuộc gặp đầu tiên giữa chính quyền Donald Trump và phái đoàn Trung Quốc diễn ra trong thời tiết ấm áp ở Mar-a-Lago (Florida), thì các viên chức của Biden tiếp xúc với phía Bắc Kinh trong giá lạnh của Anchorage (Alaska). Không khí cũng lạnh lẽo : phát biểu ngắn gọn nhưng gay gắt của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, và Dương Khiết Trì trả đũa đến 16 phút, đốp chát rằng "Hoa Kỳ không có tư cách gì để nói chuyện với Trung Quốc trên tư thế kẻ mạnh".

Chiến tranh lạnh mới chăng ? Hơn 70 năm sau "cold war", thế giới đã thay đổi hẳn. Điểm giống nhau là chạy đua quân sự Mỹ-Trung ngày càng gắt gao cộng với cạnh tranh khoa học, công nghệ ; đối đầu giữa hai quan điểm chính trị và kinh tế hết sức khác biệt. Đối mặt với Trung Quốc không chỉ có Hoa Kỳ mà cả phương Tây dân chủ tự do. Tuy nhiên điều khác biệt là phương Tây và Trung Quốc có mối liên hệ chằng chịt về kinh tế.

Dư luận phương Tây ác cảm với Trung Quốc chưa từng thấy

Chuyên gia Bonnie Glaser của CSIS nhấn mạnh, công nghệ hiện đóng vai trò trung tâm, còn đối với giáo sư Aaron Friedberg, cựu trợ lý an ninh quốc gia thời George W. Bush, cạnh tranh công nghệ trước đây thiên về quân sự, nay mang cả tính kinh tế. Thế giới cũng không chia làm hai khối rõ rệt mà phức tạp hơn nhiều, ngay cả phía các chế độ độc tài, cho dù Nga và Trung Quốc có vẻ thuận thảo hơn so với cách đây nửa thế kỷ.

Theo Bonnie Glaser, cả hai nước cùng muốn phá hoại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và trật tự quốc tế - Moskva muốn lật đổ còn Bắc Kinh muốn thay đổi. Họ cùng sợ hãi các "cuộc cách mạng màu". Vladimir Putin và Tập Cận Bình gặp nhau nhiều lần, nhưng khi Putin gợi ra khả năng liên minh, Trung Quốc làm ngơ : Bắc Kinh không muốn bị dắt dây vào các lò lửa xung đột của Nga.

Rốt cuộc theo L’Obs, dư luận quần chúng sẽ quyết định xem một phần của thế giới hướng có về một dạng chiến tranh lạnh mới hay không. Tại Hoa Kỳ và Châu Âu, cái nhìn đối với Bắc Kinh đã lạnh lẽo đi một cách ngoạn mục, với 73% người Mỹ ác cảm với Trung Quốc, theo thăm dò của Pew Research Center. Nhưng họ cũng không muốn lao vào một cuộc chiến. Dư luận Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, hay Mỹ đánh vào Iran, Bắc Triều Tiên ?

Hiện chưa đến nỗi như thế. Đối với Nga, ê-kíp Biden đã nhanh chóng đàm phán về việc gia hạn hiệp ước START nhằm hạn chế vũ khí nguyên tử. Còn với Trung Quốc, khi cuộc họp với những lời đả kích công khai ở Anchorage vừa kết thúc, không còn những camera và máy ảnh, đôi bên đã lại họp kín và thảo luận một cách nghiêm túc hơn.

Chính sách ngoại giao hai mặt của Joe Biden

Cũng về nước Mỹ, bài xã luận của tuần báo cánh hữu Le Pointđề cập đến "Ngoại giao hai mặt của Joe Biden". Tân tổng thống muốn tỏ ra đạo đức hơn người tiền nhiệm, nhưng ngoại giao và đức độ không phải lúc nào cũng có thể đi chung với nhau.

Trong suốt bốn năm qua, ông Donald Trump bị cáo buộc gây rối loạn quan hệ quốc tế, làm hại cho mối liên hệ với các đồng minh của Mỹ. Ông Biden cách đây một năm hứa hẹn trong nhiệm kỳ của mình, nước Mỹ sẽ lại "lãnh đạo thế giới", "dân chủ tự do sẽ chiến thắng phát xít độc tài". Gần 100 ngày sau khi nhậm chức, Biden đã thực hiện được phần đầu : hòa thuận với các đồng minh Châu Âu, Châu Á, cứng rắn với Bắc Kinh và Moskva.

Tuy vậy phần thứ hai có vẻ ngoài tầm với. Dù tổng thống Trump đã ra đi, thế giới vẫn hỗn loạn, mà đại dịch chỉ là một lý do. Những đả kích của Biden không làm Trung Quốc và Nga sợ hãi mà còn xích lại gần với nhau. Tân tổng thống không có giải pháp nào cho Afghanistan, sự trở lại của phe Taliban khó thể tránh khỏi. Bắc Triều Tiên thách thức bằng hỏa tiễn, Iran thản nhiên gia tăng làm giàu uranium cho quả bom nguyên tử tương lai.

"Đạo đức giả" về di dân và vac-xin

Tân tổng thống trừng phạt "kẻ sát nhân" Putin và các quan chức Trung Quốc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ, nhưng tránh mạt sát thái tử Saudi Arabia vì quá cần Riyad để chống lại Tehran. Tương tự với Erdogan, tuy Biden không liên lạc nhưng ngoại trưởng Mỹ lặp lại Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu đời.

Đạo đức giả còn về vấn đề nhập cư : Joe Biden khi tranh cử tố cáo việc tách rời trẻ vị thành niên di dân với cha mẹ. Không những chính sách này vẫn tiếp tục, mà số lượng trẻ em chen chúc trong các trại ở biên giới Mêhicô tăng lên đến 60% trong tháng đầu nhiệm kỳ. Về vac-xin cũng vậy, tân tổng thống giữ lại đa số đã sản xuất được, áp dụng khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của người tiền nhiệm mà ông cho là đáng xấu hổ.

Joe Biden không phải là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bị rơi vào khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế. Donald Trump tránh được nghịch lý này vì không quan tâm đến Nhà nước pháp quyền bên ngoài nước Mỹ. Biden theo xu hướng đạo đức đang lên của cánh tả Mỹ, nhưng Le Point phê phán, khi dùng nhân quyền làm công cụ chống lại các chế độ độc tài, ông lại bên trọng bên khinh.

Paris hoang vắng trong mùa dịch

Courrier Internationaltuần này dành hồ sơ cho "Một Trung Đông mới", cònL’Expresschạy tựa "Thời kỳ hậu dầu lửa đã bắt đầu". Trang bìa The Economistcó hình vẽ một lá cờ Châu Âu rách te tua, với câu hỏi "Có điều gì sai ?" (trong việc xử lý đại dịch). L’Obsđăng ảnh ba phụ nữ thuộc ba thế hệ khác nhau, nhân kỷ niệm 50 cuộc đấu tranh về quyền phá thai ở Pháp. Cựu thủ tướng Édouard Philippe chiếm trang nhấtLe Pointnhân việc ông trình làng cuốn sách nói về đời sống chính trị Pháp.

Về y tế, nước Pháp vừa bước vào đợt phong tỏa thứ ba. Theo mô tả của nhà báo Patrick Besson trên Le Point, một Paris tháng Tám đã bắt đầu ngay từ cuối tháng Ba. Người dân đổ xô ra khỏi thủ đô cứ như là đã giữa mùa hè. Paris không du khách - họ vẫn ở lại nước mình, không giới trưởng giả - đang lánh dịch ở các nhà nghỉ mùa hè. Đại lộ Clichy vắng lặng, khu sex shop không người. Dấu hiệu của cuộc sống là hàng người trước một phòng thí nghiệm, để xét nghiệm hoặc chích ngừa. Quán cà phê nổi tiếng "Sans souci" (Vô tư lự) đóng cửa. Những dãy taxi với ánh đèn xanh đáng buồn trên nóc cho thấy không có khách, có nghĩa là họ không có việc làm. Taxi lại còn bị cạnh tranh bởi xe buýt – giờ đây chạy nhanh hơn vì ít khách không phải dừng nhiều trạm, và không còn ai kiểm soát vé. Kim tự tháp ở viện bảo tàng Louvre chưa bao giờ mang vẻ Ai Cập như thế : hoang vắng như sa mạc.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 471 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)