Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/04/2021

Điểm báo Pháp – Thổ Nhĩ Kỳ muốn hòa hoãn với Châu Âu và Hoa Kỳ

RFI tiếng Việt

Ankara – Bruxelles : Erdogan, bắt tay Châu Âu, mắt nhìn sang Mỹ

Theo đề nghị của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen có chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ. Mục tiêu là sưởi ấm quan hệ đôi bên sau một năm 2020 đầy sóng gió. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ, buộc nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ phải hạ nhiệt căng thẳng với các đối tác Liên Hiệp Châu Âu.

ankara1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, trong một cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, ngày 19/03/2021.  AP

Le Figaro trên trang nhất đặt câu hỏi lớn : "Châu Âu – Thổ Nhĩ Kỳ, khó có thể hòa giải ?". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt một năm qua không ngừng có những hành động và lời lẽ khiêu khích : mở cửa biên giới cho di dân tràn qua phía Hy Lạp : tiến hành thăm dò dầu khí trên vùng biển phía đông Địa Trung Hải có tranh chấp lãnh thổ với Athens : thóa mạ các lãnh đạo Liên Hiệp Châu  hay can dự vào các cuộc xung đột tại Syria, Iraq và Libya cũng như là tại vùng Thượng Karabagh.

Ở trong nước, tổng thống Erdogan tiếp tục có những hành động trấn áp trong vấn đề nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Một ngày trước khi hai lãnh đạo Châu Âu đến hội kiến, tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ ban hành lệnh bắt giam 10 cựu đô đốc vì đã dám chỉ trích dự án "kênh đào Istanbul" của ông Erdogan.

Vì sao Ankara lại tỏ ra dịu giọng với Bruxelles vào lúc này ?

Theo Les Echos Le Figaro, ngoài việc đây là dịp để Ankara đàm phán lại thỏa thuận di dân ký kết năm 2016, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ giúp Liên Âu kềm giữ 3,6 triệu người tỵ nạn Syria để đổi lấy nguồn hỗ trợ tài chính, cuộc gặp cấp cao giữa đôi bên lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Tăng trưởng suy thoái, đồng nội tệ rớt giá thê thảm, lạm phát tăng vọt, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Châu Âu (chiếm đến 40% tổng kim ngạch xuất khẩu) tụt giảm mạnh, niềm tin của các nhà đầu tư bị xói mòn…

Liên Âu cho biết sẵn sàng lật sang "một trang mới", như đề xuất tăng cường liên minh thuế quan, mở lại các cuộc đàm phán về hợp tác trên phương diện an ninh, môi trường và y tế hay tạo thuận lợi cho việc cấp thị thực nhập cảnh… nhưng với điều kiện Ankara phải đưa ra nhiều bảo đảm về các vấn đề nhân quyền.

Bruxelles cảnh báo vẫn duy trì quyền sử dụng "tất cả các công cụ và mọi giải pháp có sẵn để bảo vệ các lợi ích của mình". Nói một cách khác, khả năng trừng phạt, được lập ra trước cuối năm 2020, hiện vẫn còn nguyên giá trị.

Ankara thật tâm muốn hạ nhiệt căng thẳng ?

Cựu đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Marc Pierini, nhà nghiên cứu cho Carnegie Europe, trả lời phỏng vấn báo Le Figaro tin rằng đó chẳng qua chỉ mang tính "chiến thuật". Vì Liên Hiệp Châu Âu kiên quyết không nhượng bộ về vấn đề biên giới lãnh hải trên biển Aegean, tổng thống Erdogan buộc phải cho rút các tầu thăm dò.

Vì những tính toán bầu cử, tổng thống Erdogan cũng phải chiều lòng phe bảo thủ chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nên, lập trường cơ bản là không thay đổi từ việc tranh chấp lãnh hải với Hy Lạp, đến hồ sơ Cyprus. "Riêng về Libya và lệnh cấm vận vũ khí, quan điểm của Ankara là mập mờ. Nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về phía NATO khi điều đó có lợi cho họ, và sẵn sàng chống nếu điều đó cũng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ", ông Marc Pierini nhận xét.

Do vậy, theo vị cựu đại sứ, chuyến đi này là một món "quà tặng", một sự "ủng hộ hiển nhiên" mà ông Erdogan đang cần đến vào đúng thời điểm ông ấy gia tăng trấn áp nhân quyền trong nước. Đây thật sự là một sai lầm chính trị từ phía Liên Âu bởi vì Erdogan muốn gạt vấn đề Nhà nước pháp quyền ra khỏi cuộc đối thoại với Liên Hiệp Châu Âu.

Vẫn theo nhà cựu ngoại giao, sở dĩ Liên Âu có thái độ mập mờ trong hồ sơ nhân quyền với Thổ Nhĩ Kỳ đó cũng vì một phần áp lực đáng kể từ thủ tướng Angela Merkel với các đối tác trong khối. Trong bối cảnh đảng CDU gặp khó khăn, bà không thể cho phép mình kết thúc nhiệm kỳ bằng một cuộc khủng hoảng với Ankara, có nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội trong nước, bởi ở Đức có một cộng đồng người Thổ đông đúc và quan trọng.

Liên Âu trông đợi gì từ chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ này ?

Sử gia Pierre Razoux, nhà nghiên cứu địa chính trị thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Địa Trung Hải (FMES), trả lời các câu hỏi của Les Echos cho rằng Châu Âu nên tự hỏi "Liên Âu có thể đề xuất hay áp đặt được điều gì ?" hơn là hỏi "Tổng thống Thổ có thể cho Liên Âu cái gì ?".

Tình hình địa chính tiến triển nhiều trong những tháng gần đây và nhất là việc ông Joe Biden đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng buộc tổng thống Erdogan hiểu ra rằng ông sẽ không còn có được "sự ưu ái từ Nhà Trắng" như trước đây. "Nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ giờ phải thương lượng và thỏa hiệp với một chính quyền mới ở Mỹ, vốn dĩ sẽ không tặng cho ông một món quà nào nữa như dưới thời Donald Trump", sử gia Razoux giải thích.

Trong bối cảnh thế giới có xu hướng phân cực giữa các nền dân chủ do Mỹ và phương Tây đi đầu và các chế độ chuyên chế mà Nga và Trung Quốc được cho là những đại diện, câu hỏi mà Joe Biden đang đặt ra cho các đối tác đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, và cả Israel, Saudi Arabia, thậm chí là Đức nữa, những nước đang tỏ ra quá khoan dung với khối chuyên chế, đó là "Bạn chọn phe nào ?". Trong khi nước Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan hiện nay lại có xu hướng "dân chủ nửa vời", nghĩa là một nền dân chủ mang nặng dáng dấp của độc tài chuyên chế.

Trong hoàn cảnh này, Erdogan sẽ phải làm gì ?

Nhà sử học Pierre Razoux cho rằng trong khi Trung Quốc không ngừng tiến các con chốt khắp nơi, Erdogan hiểu rằng ông phải đưa ra chọn lựa của mình. Ankara phải trấn an được đồng minh Mỹ bằng cách nối lại đàm phán với Athens, và hạ nhiệt căng thẳng với Paris, cũng như là có chính sách hòa dịu hơn tại Libya.

Về mặt cơ bản, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng tình thế đã khác, nhưng ông đối mặt với một thế lưỡng nan mới : Một mặt, về kinh tế, Ankara bị phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Mặt khác, Nga – nước cung cấp khí đốt và đối tác xây dựng những trung tâm khai thác hạt nhân dân sự, lại là nguồn cung cấp vũ khí mới cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự gần gũi này với Nga của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính là điểm gây chia rẽ Liên Hiệp Châu Âu, bởi vì nước Đức của bà Angela Merkel tỏ ra rất "chiều lòng" Thổ Nhĩ Kỳ, do việc nước này hiện đang cho tạm trú đến 3,6 triệu người tị nạn Syria và tại Đức có một cộng đồng người Thổ đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng Đức từng tuyên bố rất rõ ràng là bà sẽ không làm bất cứ điều gì bất chấp những hành động khiêu khích của Erdogan tại Đông Địa Trung Hải những tháng qua. Sử gia Pierre Razoux kết luận : "Người ta có cảm giác rằng trên bình diện địa chính trị, điều quan trọng duy nhất đối với nước Đức chính là xuất khẩu xe ô tô và các loại máy móc công cụ của mình".

Vac-xin Covid-19 : AstraZeneca, bài học nhớ đời cho Liên Âu

Vac-xin ngừa Covid-19 của hãng dược Anh – Thụy Điển tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Trang nhất Libération chạy tựa lớn : "AstraZeneca, kẻ không được thương".

Nhật báo có bài điều tra dài giải thích vì sao hãng dược này tập trung nhiều tranh cãi đến thế, từ việc chậm trễ giao hàng, tác dụng phụ đôi khi dẫn đến tử vong… nhưng vẫn không thể nào bị đánh bật. Libération thắc mắc vì sao AstraZeneca, vốn dĩ không chuyên về vac-xin, một tân binh trong ngành dược phẩm, nhưng lại có thể chen chân cạnh tranh với bốn tác nhân chính "GSK, Merck, Pfizer và Sanofi" ?

Bài xã luận của nhật báo "Những lời hứa hẹn" cho rằng sở dĩ Châu Âu không thể bỏ qua AstraZeneca đó là do những sai lầm từ ban lãnh đạo cả khối. Tình hình dịch bệnh khẩn cấp đến mức Bruxelles lao vào phân phối các nguồn tài chính bằng mọi giá cho những hãng dược nào bào chế và cung cấp vac-xin nhanh nhất, nhưng lại bỏ qua những ràng buộc dự phòng trong trường hợp việc giao hàng bị chậm trễ.

Một khi vac-xin được tìm thấy, chỉ trong vòng có một năm – một tiến bộ vượt bậc, trong khi đối với bệnh Ebola, người ta cần đến 5 năm để chế tạo vac-xin, thì AstraZeneca xem như trong thế thượng phong, còn Liên Hiệp Châu Âu thì tay, chân bị trói. AstraZeneca đã chơi trò tung hứng giữa những hứa hẹn và thực tế năng lực sản xuất cũng như giao hàng của mình.

Nếu như Châu Âu đã chứng tỏ khả năng đặt hàng sớm với một khối lượng quan trọng cho cả nhóm, khối 27 nước thành viên lại lộ rõ sự yếu kém trong mối tương quan lực lượng và đưa ra các trừng phạt. Libération kết luận : Một bài học nhớ đời !

Pháp tiếc tiền nên lỡ chuyến tầu ARN

Cũng liên quan đến vac-xin ngừa Covid-19, Le Figaro thắc mắc "Vì sao Pasteur lỡ hẹn với cuộc cách mạng vac-xin ARN". Ngoài việc nhìn nhận Pasteur (cũng như Sanofi) đã chọn sai chiến lược khi đặt cược nhiều vào một công nghệ bào chế vac-xin cũ xưa, nhiều nhà khoa học chỉ trích chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học của chính phủ Pháp.

Nguồn tài trợ cho khoa học không ngừng suy giảm trong vòng 20 năm qua. "Nước Pháp đào tạo những người trẻ tuổi, nhưng họ buộc phải ra đi. Pháp không có lấy một cơ sở công nghệ hiện đại nào xứng tầm với các tham vọng để cầm chân những nhà khoa học trẻ tuổi", theo như cáo buộc của nhà vi khuẩn học, bà Mylène Ogliastro, Inra – đại học Montpellier.

Để minh chứng cho sự tương phản, Libération cho biết "tại Oxford, nghiên cứu đầy túi tiền". Chính phủ Luân Đôn không ngần ngại chi ra hơn 100 triệu euro cho các nhà khoa học trường đại học Oxford để thúc đẩy công tác nghiên cứu nhằm tìm ra nhanh chóng một vac-xin chống Covid-19.

Covid-19 : Du lịch Đông Nam Á buồn

Buồn vì vắng du khách Trung Quốc. Một nghịch lý cho khu vực khi mà tâm trạng bài người Hoa những ngày gần đây dâng cao, nhất là kể từ khi Miến Điện sôi sục biểu tình chống tập đoàn quân sự đảo chính.

Người ta không còn thấy những dòng du khách Trung Quốc nườm nượp trên những con phố nhỏ ở Hội An (Việt Nam), tại những bãi biển cát trắng Koh Samui ở Thái Lan, hay trên những bậc thang đền Angkor Vat ở Cam Bốt. Theo các số liệu do World Travel and Tourism cung cấp, du khách Trung Quốc tại Đông Nam Á chiếm đến 20% tổng số khách du lịch nước ngoài.

Sự vắng bóng của nguồn du khách này đang đè nặng lên nhiều ngành kinh tế khu vực, vốn dĩ chiếm đến 13% GDP toàn vùng trước khi đại dịch xảy ra, tức tương đương với khoảng 220 tỷ đô la. Nhằm tránh cho một năm thảm họa nữa cho du lịch, chính phủ nhiều nước đang tìm cách đàm phán mở lại các chuyến lữ hành cho những du khách Trung Quốc nào đã tiêm ngừa Covid-19.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)