Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/04/2021

Mỹ và Ukraine không chờ Putin giảm khiêu khích

RFI tổng hợp

Tổng thống Mỹ ban hành một loạt trừng phạt Nga, nhưng khẳng định hai bên cần hợp tác

Trọng Thành, RFI, 16/04/2021

Chỉ hai ngày sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Nga-Mỹ, quan hệ song phương giữa Moskva và Washington vừa bắt đầu hơi ấm lên đã đột ngột giá lạnh trở lại. Hôm 15/04/2021, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bất ngờ ban bố một loạt các biện pháp nhắm vào Moskva, đặc biệt nhằm trả đũa việc Nga can thiệp vào quá trình bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng bày tỏ hy vọng là hai bên cần tiếp tục hợp tác để xuống thang căng thẳng.

mynga1

Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga tại Nhà Trắng, Washington, ngày 15/04/2021.  AP - Andrew Harnik

Cả một danh sách dài các trừng phạt. Theo Nhà Trắng, bộ Tài chính Mỹ sẽ trừng phạt 32 cá nhân và tổ chức, bị cáo buộc "can thiệp nhằm tác động đến cuộc bầu cử tổng thống 2020 tại Mỹ", để phục vụ cho lợi ích của chính quyền Nga.

Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt 6 tổ chức công nghệ Nga, bị cáo buộc ủng hộ các hoạt động tin tặc của tình báo Nga. Hơn 10 công dân Nga cư trú tại Mỹ, trong đó có nhiều nhà ngoại giao, sẽ bị trục xuất.

Về mặt thương mại, bộ Tài chính Mỹ, ra lệnh cấm các ngân hàng Hoa Kỳ trực tiếp mua trái phiếu công của Nga kể từ ngày 14/06 tới. Một giới chức cao cấp Nga cảnh báo là một phần các trả đũa là "bí mật", đồng thời để ngỏ khả năng phản công tin học.

Chính quyền Biden cũng trừng phạt 8 cá nhân và tổ chức liên quan đến việc chiếm đóng bán đảo Crimée (của Ukraine năm 2014), trong sự phối hợp với Liên Âu, Anh quốc, Úc và Canada. Theo giới quan sát, đây là một trong những loạt trừng phạt cứng rắn nhất của Mỹ đối với Nga, kể từ khi tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga, vào cuối nhiệm kỳ.

Trong phát biểu tại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ cảnh báo, Washington sẽ tiếp tục trừng phạt Moskva, "nếu Nga tiếp tục can thiệp vào nền dân chủ Hoa Kỳ". Ông Biden cũng nhấn mạnh sẽ bảo vệ các đồng minh, hậu thuẫn Ukraine trong việc "bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Trừng phạt Nga, nhưng ông Joe Biden cũng tiếp tục để ngỏ cánh cửa đối thoại. Tổng thống Mỹ giải thích : "Tôi đã chọn một phản ứng tương thích. Hoa Kỳ không tìm cách khởi động một vòng leo thang và xung đột mới với nước Nga. Chúng tôi muốn một quan hệ ổn định" với Nga.

Nga cảnh báo : Trừng phạt bất lợi cho thượng đỉnh dự kiến

Chính quyền Nga ngay lập tức cho biết sẽ trả đũa, và cảnh báo là loạt trừng phạt nói trên "sẽ không có lợi" cho dự kiến tổ chức một thượng đỉnh Biden – Putin, mà tổng thống Mỹ đề xuất hôm 13/04 trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Nga.

Thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình từ Moskva :

"Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga rời trụ sở bộ ngoại giao mà không đưa ra bất cứ bình luận này với báo giới. Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Nga, đại sứ Mỹ đã được triệu mời để thảo luận về một chủ đề gai góc. Hiện không có chi tiết nào về cuộc trao đổi này lọt ra ngoài.

Đối với phát ngôn viên bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova, chính quyền Nga chắc chắn sẽ trả đũa, bởi các trừng phạt của Washington cho thấy Hoa Kỳ vẫn không chấp nhận hiện thực khách quan của một thế giới đa cực hiện nay, khi nước Mỹ không còn nắm quyền bá chủ như trước. 

Ông Dmitri Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga, nhấn mạnh là các trừng phạt mới sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức một cuộc gặp giữa nguyên thủ Nga với đồng nhiệm Hoa Kỳ, như Washington đề nghị cách nay hai hôm. Một số giới chức Nga thậm chí còn chế nhạo các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.

Thống đốc bán đảo Crimée thuật lại một số chuyện tiếu lâm, kể với bạn hữu. Có một câu chuyện như sau : người ta thường hỏi những ai không có mặt trong danh sách các nhân vật bị Hoa Kỳ trừng phạt, là họ đang làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài nào hay không. Đây là một cách để cho thấy quan hệ song phương Mỹ - Nga đã trở nên tồi tệ đến mức nào".

Trọng Thành

**********************

Căng thẳng Moskva – Kiev : Tổng thống Ukraine đến Pháp tìm hỗ trợ

Trọng Thành, RFI, 16/04/2021

Hôm 16/04/2021, tổng thống Ukraine công du Pháp trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng tại khu vực miền đông. Tìm sự hậu thuẫn của Pháp và Châu Âu là mục tiêu chính của chuyến đi này.

mynga2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phu nhân Brigitte Macron (phải) tiếp đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky và phu nhân Olena Zelenska tại điện Elysée, Paris, ngày 16/04/2021.  © AP - Lewis Joly

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có buổi làm việc với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron. Sau bữa ăn trưa, hai bên có cuộc thảo luận qua cầu truyền hình với thủ tướng Đức Angela Merkel.

Trả lời RFI, nhà chính trị Volodymyr Fessenko, ở Kiev, nhận định : "tổng thống Volodymyr Zelensky trông đợi tổng thống Pháp và thủ tướng Đức trước hết sẽ cùng gây áp lực với lãnh đạo Nga Putin, để Moskva không có các hành động gây hấn chống lại Ukraine. Thứ hai là, lãnh đạo Ukraine dự kiến sẽ thảo luận về tương lai của các đàm phán liên quan đến vùng miền đông Donbass, và nhu cầu làm sống lại công thức Normandie".

Từ nhiều tuần nay, nguyên thủ Ukraine liên tục yêu cầu tái lập các đàm phán theo công thức Normandie bốn bên gồm Pháp, Nga, Đức và Ukraine, khởi sự từ tháng 6/20214, nhằm tìm giải pháp cho xung đột miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, cuộc gặp bốn bên theo công thức Normandie cuối cùng là vào tháng 12/2019. Kể từ đó, tổng thống Nga không còn chấp nhận đối thoại trực tiếp với đồng nhiệm Ukraine. Hai lãnh đạo Pháp và Đức có các cuộc làm việc trực tiếp riêng với lãnh đạo Nga, và lãnh đạo Ukraine. Paris và Berlin đóng vai trò trung gian truyền thông điệp của phía bên này cho phía bên kia.

Từ nhiều tuần nay, căng thẳng tại vùng Donbass, với việc Nga tập trung hàng chục nghìn binh sĩ tại vùng biên giới, gây nhiều lo ngại. Trước chuyến công du Pháp của tổng thống Ukraine, tại Kiev, hàng loạt cảnh báo được đưa ra. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba báo động việc nước Nga đe dọa "hủy diệt Nhà nước Ukraine".

Tổng thống Ukraine cũng muốn sử dụng chuyến đi này để thúc đẩy Pháp và Đức ủng hộ việc đẩy nhanh tiến trình Ukraine gia nhập Liên minh quân sự NATO. Kiev lo ngại Moskva tìm cách đẩy Ukraine đến chỗ phạm sai lầm, để biện minh cho việc tiến hành một chiến dịch quân sự.

Về chuyến công du của nguyên thủ Ukraine, người phát ngôn của điện Kremlin hôm nay yêu cầu tổng thống Pháp và thủ tướng Đức "sử dụng ảnh hưởng của mình" để giải thích với lãnh đạo Ukraine về việc cần thiết phải xuống thang căng thẳng.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)