Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/04/2021

Làm áp lực trên Biển Đen, Putin muốn thấu cáy Liên Âu và Hoa Kỳ

Thanh Hà - Trọng Nghĩa

Ai đang làm chủ cuộc chơi tại Biển Đen ?

Thanh Hà, RFI, 23/04/2021

Trong hồ sơ Ukraine và Biển Đen, Nga đang tính toán những gì và đến khi nào thì ngừng những hoạt động khiêu khích phương Tây ? Đó là hai câu hỏi đang khiến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đau đầu.

Việc Moskva thông báo rút một phần lực lượng khỏi bán đảo Crimea và tại biên giới sát cạnh với Ukraine phải chăng là dấu hiệu cho thấy Nga đã làm chủ cuộc chơi trong khu vực ?

bienden1

Tàu đổ bộ của hải quân Nga trên sông Don trên đường di chuyển từ Biển Caspi đến Biển Đen, Nga, 12/04/2021.  Reuters – Sergey Pivovarov

Sau nhiều tuần lễ khuấy động Biển Đen, Nga đã làm hạ nhiệt tình hình. Từ cuối tháng 3/2021 Moskva triển khai hàng chục ngàn quân, thậm chí là hàng trăm ngàn, như Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận, vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay trinh sát… đến gần biên giới với vùng Donbass phía đông Ukraine và trên bán đảo Crimea với tầm nhìn gần 360 độ ra Biển Đen.

Sự hiện diện của Hải Quân Nga trong vùng biển này đã thêm dầy đặc, các cửa ngõ ra vào các vùng biển chung quanh bị hạn chế từ eo biển Kertch cánh cổng nối liền Biển Đen và Azov. Trước lo ngại của cả Ukraine lẫn cộng đồng quốc tế, điện Kremlin nhấn mạnh đây chỉ là một đợt diễn tập bình thường nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của các lực lượng quân sự và những hoạt động đó "không đe dọa" một ai. Cùng lúc Moskva lên án chính quyền Kiev có những hành vi "khiêu khích" qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở miền đông Ukraine từ tháng Hai vừa qua.

Những động thái nói trên của Nga khiến NATO "lo ngại",vì các quyền tự do đi lại trên Biển Đen và Azov bị hạn chế, qua đó bóp ngẹt các hoạt động giao thương của Ukraine. Để dằn mặt Nga, Hoa Kỳ đã tính đến khả năng điều tàu chiến đến khu vực, nhưng rồi đã hủy quyết định này vào giờ chót, khi Moskva quyết định mở một cuộc tập trận ngay tại chính khu vực mà Mỹ muốn tăng cường hiện diện để thị uy. Riêng về phía Anh Quốc, theo tiết lộ của báo chí tại Luân Đôn, dường như chính phủ Boris Johnson vẫn duy trì kế hoạch điều chiến hạm đến Biển Đen trong tháng 5/2021.

Vậy phải chăng phương Tây và Nga đang chơi trò mèo vờn chuột tại vùng biển chiến lược này ? Theo nhà phân tích Mark Galeotti, thuộc trung tâm nghiên cứu về khu vực Trung và Đông Âu ULC SSEES, trụ sở tại Luân Đôn, được AFP trích dẫn, việc Nga thông báo làm hạ nhiệt tình hình ở Biển Đen không là điều ngạc nhiên, sau khi Moskva đã phô trương sức mạnh với Hoa Kỳ ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.

Những hoạt động quân sự dồn dập vừa qua của Nga trên Biển Đen và sát biên giới Ukraine chính là nhằm "nắn gân" tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngoài ra, điện Kremlin cũng muốn chứng minh với phương Tây là chớ xem thường khả năng phòng thủ của Nga, Moskva hoàn toàn có khả năng "triển khai trong một thời gian rất ngắn, huy động đông đảo binh sĩ đến hiện trường".

Nhưng có lẽ các nhà quân sự ở Moskva biết rõ cần dừng lại đúng lúc mới là thượng sách. Tây phương cũng đã có một số thiện chí. Thứ nhất về phía Kiev, dù nước này được phương Tây ủng hộ, một lần nữa NATO từ chối để Ukraine gia nhập liên minh quân sự. Điểm thứ hai đáng ghi nhận có lẽ Moskva dừng lại các hành động gây thêm căng thẳng vào lúc mà chính Washington đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Nga vào mùa hè năm nay và hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin – Joe Biden sẽ gặp nhau tại một quốc gia thứ ba để khởi động lại đối thoại song phương và có lẽ lúc đó cũng là điều Moskva mong muốn.

Điểm thứ ba được nhà báo Jean Pierre Stroobants của tờ Le Monde ghi nhận : dường như Nga cũng đã nhận thấy một sự lúng túng nào đó của khối NATO : trước mắt khối này chưa biết trong trường hợp cần can thiệp, liên minh sẽ đáp trả dưới hình thức nào.

Có lẽ như ghi nhận của phóng viên Véronika Dorman trên báo Libération, Nga đấu dịu sau khi Vladimir Putin đã đạt được những gì mong muốn. Đó là buộc chính quyền Biden phải chú ý trở lại đến nước Nga, hù dọa đồng minh của phương Tây là Ukraine và nhắc nhở cả Kiev lẫn NATO rằng chớ "vượt qua lằn ranh đỏ", tức là kết nạp Ukraine vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hay Bruxelles cho phép Ukraine tham gia Liên Hiệp Châu Âu.

Andrei Kortounov, tổng giám đốc hội đồng cố vấn đối ngoại của Nga, trên tờ Libération ghi nhận Moskva thừa biết cái giá sẽ phải trả khi khai mào một chiến dịch quân sự, cho nên mục tiêu của Nga là "răn đe", chứ không phải là để đi đến cùng. Nga không hài lòng trước viễn cảnh NATO tập trận ở Biển Đen và Baltic, gần sát cạnh, nên đã thể hiện thái độ bất bình đó bằng một sự hù dọa.

Có điều, như phân tích của chủ tịch trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Moskva, Dmitri Trenin, căng thẳng trong vùng Biển Đen mới chỉ tạm lắng, vẫn tồn tại viễn cảnh một cuộc xung đột lại bùng lên trong khu vực. Nhưng có lẽ rõ rệt nhất là trong mọi kịch bản, Vladimir Putin mới là người làm chủ tình hình trong khu vực nhạy cảm này.

Thanh Hà

*************************

Nga bắt đầu giảm quân số trong vùng biên giới Ukraine

Thanh Hà, RFI, 23/04/2021

Một dấu hiệu hạ nhiệt tại biên giới giữa Nga và Ukraine : Ngày 23/04/2021, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một phần quân số hiện diện tại các vùng biên giới với Ukraine bắt đầu "lên đường" tới các nhà ga, sân bay và hải cảng, để trở về doanh trại thường trú. Mỹ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO "ghi nhận" thông báo trên, nhưng vẫn "đề cao cảnh giác".

bienden2

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu theo dõi các cuộc tập trận từ trên một trực thăng quân sự ở vùng Crimea. Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp này 22/04/2021.  AP - Vadim Savitsky

Vẫn theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga, được hãng thông tấn Ria Novosti trích dẫn, gần 10.000 binh sĩ đã tham gia "chiến dịch diễn tập nhằm kiểm tra đột xuất" tại bán đảo Crimea mà Moskva đã sát nhập từ năm 2014. Và từ hôm nay 23/04/2021, số binh sĩ này bắt đầu "trở về những căn cứ nơi họ đóng quân thường trực". Tiến trình triệt thoái hàng chục ngàn quân ra khỏi Crimea kéo dài cho đến 01/05/2021.

Sự hiện diện của quân đội Nga sát biên giới với Ukraine từ nhiều tuần qua, trong khuôn khổ mà Moskva gọi là chiến dịch "kiểm tra đột xuất"về khả năng chiến đấu của các đơn vị quân sự Nga, đã khiến Kiev và phương Tây lo ngại. Chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelenski nghi ngờ điện Kremlin có ý đồ xâm chiếm Ukraine.

Trước mắt, thông báo Nga rút một phần quân số khỏi các khu vực nhạy cảm đang làm hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, căng thẳng tiếp diễn tại Donbass, phía đông Ukraine, sau khi có thêm một quân nhân tử vong trong 24 giờ qua.

Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev phân tích về thái độ thận trọng của chính quyền Ukraine :

"Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan hỷ đón nhận tin áp lực quân sự giảm thiểu tại các đường biên giới giữa Nga và Ukraine, cho dù ông kêu gọi các đối tác của Kiev thận trọng trước những ý đồ của Nga.

Dù vậy, Ukraine chưa hẳn hoàn toàn thoát khỏi cái bẫy của điện Kremlin. Chiếc bẫy đó giờ đây chuyển sang mặt trận chính trị. Thứ Ba vừa qua, tổng thống Zelensky đề nghị với đồng nhiệm Putin một cuộc họp thượng đỉnh ngay tại vùng Donbass. Hai ngày sau, phía Nga đã hồi âm, đề nghị nguyên thủ quốc gia Ukraine đến Moskva và đặc biệt nhấn mạnh là nếu ông Zelensky muốn chấm dứt chiến tranh thì cần đối thoại trực tiếp với các phe nổi dậy tại Donetsk và Lougansk.

Chủ nhân điện Kremlin tuyên bố Ukraine đã phá hoại quan hệ giữa Kiev và Moskva, khi chĩa mũi dùi tấn công vào các nhà thờ của Nga và cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine. Trong khi đó, bản thân tổng thống Ukraine lại là người nói tiếng Nga từ khi lọt lòng.

Trong mọi trường hợp, sau nhiều tuần lễ Nga dùng đòn quân sự để bắt chẹt Ukraine, ít có khả năng tổng thống Zelensky sẽ đến Moskva, và tiến trình đàm phán hòa bình giữa đôi bên hiện chưa được khởi động".

Thanh Hà

************************

Nga : Đến lượt Tổng thống Putin vạch "lằn ranh đỏ" đối với phương Tây

Trọng Nghĩa, RFI, 21/04/2021

Vào thời điểm quan hệ giữa Nga với Mỹ và Châu Âu đang rất căng thẳng trên vấn đề Ukraine và sức khỏe của lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đang bị cầm tù, vào hôm nay, 21/04/2021, tổng thống Vladimir Putin đã không ngần ngại cảnh báo phương Tây là không nên vượt qua các "lằn ranh đỏ" của nước ông, đồng thời đe dọa rằng Moskva sẽ đáp trả nhanh chóng và gay gắt bất kỳ hành động khiêu khích nào.

bienden3

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc diễn văn liên bang thường niên tại Moskva (Nga) ngày 21/04/2021.  AP - Alexander Zemlianichenko

Trong bài diễn văn liên bang thường niên đọc trước hai viện Quốc hội Nga, tổng thống Putin khẳng định rằng nước ông "muốn có những mối quan hệ tốt đẹp... và thực sự không muốn cắt cầu" với phương Tây.

Tuy nhiên, ông đã nói ngay rằng : "Nếu ai đó lầm tưởng thiện ý của chúng ta với một thái độ thờ ơ hoặc yếu đuối và có ý định đốt cháy hoặc thậm chí cho nổ tung những cây cầu đó, họ nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ không cân xứng, nhanh chóng và dữ dội".

Tổng thống Nga cho biết thêm là Moskva sẽ xác định vị trí những lằn ranh đỏ tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Lời cảnh cáo nhắm vào phương Tây được ông đưa ra vào đỉnh điểm của bài phát biểu dài 78 phút tập trung trên những vấn đề đối nội của Nga, đặc biệt là đại dịch Covid-19 với hệ quả là hàng loạt khó khăn về kinh tế.

Trong những tuần lễ gần đây, Nga đã gia tăng đối đầu với các nước phương Tây, vốn tố cáo Moskva điều động hàng chục nghìn quân lính đến vùng gần sát Ukraine.

Tuần trước, Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga với cáo buộc tấn công tin học và can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ, trong lúc Cộng hòa Czech thì lên án Moskva về vai trò trong các vụ nổ tại một kho vũ khí năm 2014. Cả hai nước đều đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Về phần mình, Moskva đã phủ nhận các cáo buộc và đã đáp trả bằng những hành động ăn miếng trả miếng.

Trong diễn văn, ông Putin đã phớt lờ trường hợp của Navalny, chính trị gia đối lập bị bỏ tù, trong bối cảnh những người ủng hộ nhà đối lập đã bắt đầu một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước, ngay trong lúc tổng thống Nga phát biểu.

Navalny, nhà đối lập hàng đầu của Nga, đang bị ốm nặng trong tù sau quyết định tuyệt thực để phản đối điều mà ông gọi là điều trị y tế không đầy đủ cho chứng đau chân và lưng. Nhóm cộng sự của ông đã kêu gọi mọi người trên khắp đất nước rộng lớn xuống đường vào hôm nay.

Chính phủ đã nói rằng các cuộc tụ tập theo kế hoạch là bất hợp pháp. Các cuộc biểu tình ủng hộ Navalny trước đây đã bị giải tán thẳng tay, với hàng nghìn vụ bắt giữ.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Nghĩa
Read 686 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)