Nga tập trận bắn tên lửa chống hạm ở Biển Đen
Thanh Hà, RFI, 22/07/2023
Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ leo thang chiến tranh
Moskva thông báo huy động tên lửa chống hạm tập trận tại khu vực tây bắc Biển Đen và đe dọa mọi tàu bè cập cảng Ukraine trong vùng biển này, kể cả tàu dân sự. Phát biểu trước Hội Đồng Bảo An, hôm 21/07/2023, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ chiến tranh lan rộng vì một "sự cố quân sự".
Cuộc tập trận tại Biển Đen hôm 21/07/2023. Ảnh do bộ quốc phòng Nga cung cấp (Russian Defense Ministry Press Service via AP) AP
Theo AFP, phó tổng thư lý Liên Hiệp Quốc, bà Rosemary DiCarlo, nhấn mạnh "đe dọa nhắm cả vào tàu dân sự ở Biển Đen là điều không thể chấp nhận được (…) bằng mọi giá cần tránh để xảy ra nguy cơ xung đột lan rộng vì đáp trả một sự cố quân sự ở Biển Đen, sự cố đó có thể do cố ý hay vô tình", bởi vì kịch bản chiến tranh leo thang sẽ là "một tai họa đối với tất cả chúng ta". Lời lẽ cứng rắn này được đưa ra vào lúc bộ quốc phòng Nga thông báo bắt đầu tập trận tại Biển Đen và huy động "tên lửa chống hạm" trong các bài tập phá hủy một mục tiêu.
Thỏa thuận ngũ cốc Ukraine : Kiev trông cậy nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng chung quanh vùng biển này đã dấy lên từ đầu tuần khi Moskva tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine, rồi dọa xem tất cả các tàu bè cập các bến cảng Ukraine là những mục tiêu tiềm tàng, xem đó có thể là những tàu chở trang thiết bị quân sự. Để đáp trả, Kiev cũng đã đưa ra lời đe dọa "tương tự" nhắm vào tàu thuyền giao dịch với Nga ở Biển Đen.
Cũng liên quan đến hành lang ngũ cốc Ukraine, tổng thống Volodymyr Zelensky tối 21/07 đã có cuộc điện đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Recep Tayyip Erdogan là người đỡ đầu thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu nông phẩm từ tháng 07/2022 dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, tránh để nổ ra một cuộc khủng hoảng lương thực cho thế giới. Kiev cho biết đã kêu gọi Ankara "phối hợp nỗ lực để tiếp tục thực thi các điều khoản trong thỏa thuận ngũ cốc".
Thanh Hà
***********************
Chiến tranh Ukraine : Biển Đen lại trở thành điểm nóng của cuộc xung đột
Trọng Nghĩa, RFI, 21/07/2023
Kể từ hôm nay, 21/07/2023, mọi con tàu trên Biển Đen hướng đến các cảng tại Nga hay các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng đều bị Kiev coi là có khả năng chuyên chở hàng quân sự và có thể bị tấn công. Hôm qua, Moskva cũng ra một cảnh báo tương tự, nhưng nhắm vào tàu thuyền hướng đến các cảng Ukraine. Các quyết định nói trên là dấu hiệu mới nhất về nguy cơ Biển Đen biến thành một mặt trận mới trong cuộc chiến tranh Ukraine.
Tàu chiến của Nga tại Biển Đen. Ảnh do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp ngày 21/07/2023. via Reuters – Russian Defence Ministry
Trong thông cáo, bộ Quốc Phòng Nga hôm 19/07 đã đồng hóa mọi tàu thuyền đi đến các cảng Ukraine với các tàu quân sự và xem các nước chủ tàu là bên tham chiến bên cạnh Ukraine. Hàm ý của quyết định trên là kể từ nay mọi loại tàu thuyền của Ukraine và những nước khác khi tới các cảng Ukraine ở Biển Đen đều có thể bị Nga tấn công
Đối với Hoa Kỳ, quyết định của Nga rất nguy hiểm vì cho phép Moskva mở rộng "mục tiêu (tấn công) nhắm luôn cả vào tàu dân sự" để rồi "đổ lỗi cho Ukraine". Khi tố cáo như trên, Adam Hodge, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, dựa vào các thông tin tình báo vừa được giải mật, theo đó Nga đã cài thêm thủy lôi ở lối ra vào các cảng Ukraine.
Để trả đũa, Ukraine cũng tuyên bố sẽ coi các tàu ở Biển Đen đi tới Nga là "tàu quân sự", đồng thời yêu cầu thành lập "các đội tuần tra quân sự" trên biển đặt dưới quyền bảo trợ của Liên Hiệp Quốc và đặc biệt là với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, để tiếp tục công việc xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Ngành bảo hiểm rút lui
Tuy nhiên tình hình căng thẳng đã bắt đầu phát sinh tác hại. Theo hãng tin Pháp AFP, ông Frédéric Denefle, tổng giám đốc tập đoàn Garex, chuyên bảo hiểm các rủi ro liên quan đến các cuộc xung đột, hiện thời "không còn chủ tàu nào sẵn sàng đến Biển Đen".
Trong bối cảnh hiện nay, tương tự như các công ty bảo hiểm khác, Garex đã đình chỉ các hợp đồng bảo hiểm rủi ro cho vùng Biển Đen, cụ thể là đến ba cảng vốn nằm trong hành lang an toàn của thỏa thuận trước đây là Odessa, Chornomorsk và Yuzni.
Các cảng Ukraine quanh Biển Đen bị đánh phá
Nga không chỉ nhằm vào tàu thuyền trên biển mà còn liên tục đánh phá các hải cảng chính của Ukraine nhìn ra Biển Đen, đặc biệt là Odessa, cảng quan trọng của Ukraine.
Theo chính quyền Kiev, chỉ riêng tại Chornomorsk, đã có hơn 60.000 tấn ngũ cốc đã bị tên lửa Nga phá hủy, trong lúc phải cần đến "ít nhất một năm để sửa chữa hoàn toàn các cơ sở hạ tầng bị hư hại". Odessa cũng bị tấn công dữ dội bốn đêm liên tiếp
Nếu Ukraine cáo buộc Nga tấn công và phá hủy các "kho chứa ngũ cốc và cơ sở hạ tầng cảng", cũng như các khu dân cư, thì ngược lại, Moskva khẳng định chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự, các kho nhiên liệu và đạn dược…
Dẫu sao thì hậu quả của các cuộc tấn công vào các hải cảng Ukraine và các mối đe dọa xung đột bùng lên ngay trên Biển Đen đang đẩy giá lúa mì lên cao.
Theo ghi nhận của AFP, hôm 19/07, giá lúa mì đã tăng thêm 8% trên thị trường Châu Âu. Hai ngày trước đó, thị trường vẫn bình ổn, bất chấp sự kiện Nga rút ra khỏi thỏa thuận Biển Đen. Thế nhưng, các vụ tấn công vào Odessa và Chornomorsk đã làm thay đổi tình hình.
Nga tập trận phóng tên lửa chống hạm trên Biển Đen
Trọng Nghĩa, RFI, 21/07/2023
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau những lời đe dọa tấn công vào tàu hướng đến các cảng của Ukraine, Moskva sáng 21/07/2023 loan báo một cuộc "tập trận" đã được lực lượng Nga tiến hành ở vùng tây bắc Biển Đen, với tên lửa chống hạm đã được khai hỏa để bắn hạ một mục tiêu trên biển.
Cuộc tập trận tại Biển Đen hôm 21/07/2023. Ảnh do Bộ quốc phòng Nga cung cấp. via Reuters – Russian Defence Ministry
Trong thông báo Bộ quốc phòng Nga khẳng định: "Dữ liệu đo đạc từ xa và video giám sát từ drone trên không đã xác nhận thành công của cuộc tập trận. Tàu mục tiêu đã bị cuộc tấn công bằng tên lửa phá hủy". Thông báo cũng nói thêm là lực lượng không quân của hạm đội Nga, cùng với các chiến hạm, đã "thực hiện các hành động nhằm cô lập khu vực tạm thời cấm tàu bè qua lại" và "chặn bắt tàu".
Ngày 19/07 Moskva cho biết kể từ ngày 20/07, mọi tàu đi qua Biển Đen để đến Ukraine bị coi là phương tiện có khả năng vận chuyển hàng quân sự và các quốc gia chủ nhân của tàu là bên tham chiến. Moskva còn nói rõ là "một số khu vực ở phía tây bắc và đông nam của vùng biển quốc tế ở Biển Đen đã được xem là tạm thời không an toàn cho việc qua lại".
Ukraine cũng đe dọa tàu đến các cảng của Nga
Chính quyền Ukraine đã phản ứng và tuyên bố rằng kể từ ngày 21/07, Kiev cũng coi bất kỳ con tàu nào ở Biển Đen hướng đến các cảng hoặc lãnh thổ bị chiếm đóng của Nga là phương tiện có khả năng chở hàng quân sự.
Căng thẳng đã gia tăng trở lại trên Biển Đen kể từ khi Nga hủy bỏ thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, vốn rất quan trọng đối với lương thực thế giới. Thỏa thuận này, được đàm phán dưới sự bảo trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, cho phép các tàu chở ngũ cốc rời các cảng Ukraine thông qua các hành lang hàng hải được bảo vệ.
Nhà phân tích người Nga Tikhon Syssoev trên trang mạng Expert ở Moskva được tuần báo Pháp Courrier International lược dịch, cho rằng nếu muốn hiểu rõ quan điểm của Moskva về cuộc chiến tranh tại Ukraine, thì nên xem xét "chiến dịch quân sự đặc biệt" do tổng thống Vladimir Putin phát động dưới góc độ lợi ích kinh tế và chiến lược của Nga tại Biển Đen.
Hải quân Nga tập trận tại Biển Đen ngày 14/04/2021. AP
Peter Đại đế và Chiến lược Nam tiến
Không có biên giới biển, Nga chỉ là một cường quốc trên đất liền, nằm lọt thỏm trên lục địa. Thế nên, trong suốt nhiều thế kỷ, nước Nga luôn có một nỗi ám ảnh : Kiểm soát Biển Đen, con đường ngắn nhất nối Nga với những vùng biển nước ấm như Địa Trung Hải, vùng Trung Đông, Châu Phi, Nam Âu, Nam Á, rồi Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Đó là tuyến đường đưa Nga đến với những vùng chủ chốt trên địa cầu, và tầm quan trọng của Hắc Hải đối với Nga ngày càng lớn trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt.
Tầm nhìn chiến lược này của Nga đã được vạch ra từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, dưới thời Sa hoàng Peter Đại đế, một nhân vật lịch sử rất được tổng thống Nga Vladimir Putin ngưỡng mộ, xem đấy như là một hình mẫu, một anh hùng phải noi theo. Trong di ngôn năm 1725, Peter Đại đế có ghi : "Càng xích đến gần Constantinopolis chừng nào càng tốt chừng ấy. Ai ngự trị được khu vực này sẽ là chủ nhân của thế giới".
Trong suốt thời trị vì, Peter Đại đế đã tiến hành nhiều cuộc viễn chinh, tiến ra biển Baltic, vùng Kavkaz, và một chuỗi trận chiến với đế chế Ottoman để rồi có thể đặt chân lên bán đảo Crimea và các vùng duyên hải phía đông và tây bắc của Biển Đen. Những cuộc chinh phục này đã cho phép đế chế Nga lần đầu tiên thành lập một hạm đội hải quân hùng mạnh. Vị thế địa chính trị của vương quốc cũng từ đó đã thay đổi.
Học thuyết quân sự này của Peter Đại đế đã được một số nhà địa chính trị lớn của phương Tây sau này chứng minh vào cuối thế kỷ XIX. Sử gia Martin Motte, giám đốc nghiên cứu Trường Cao đẳng Thực hành, chuyên trách giáo trình chiến lược trường Ecole de Guerre trả lời Le Figaro nhớ lại, Alfred Thayer Mahan, một sĩ quan hải quân Mỹ và cũng là sử gia, trong tác phẩm "Vấn đề của Châu Á", đã so sánh nước Nga – cường quốc lục địa, với Vương quốc Anh – cường quốc hải quân.
"Cường quốc hải quân Anh vào thời kỳ này đã kiểm soát vùng duyên hải phía nam của lục địa Á-Âu như kiểm soát eo biển Gibraltar, Malta, rồi kênh đào Suez. Từ kênh đào Suez thông qua Biển Đỏ, Anh Quốc kiểm soát cả vùng biển Aden. Để rồi từ đó, nước Anh vươn ra Ấn Độ Dương, chiếm lấy Ấn Độ. Và sau cùng là qua eo biển Malacca, Vương quốc Anh có được các điểm giao dịch ở Trung Quốc.
Kết quả là, Anh Quốc hưởng lợi từ các luồng giao thương thế giới. Và Mahan giải thích rằng rắc rối của Nga là không thể tiếp cận được các tuyến đường thương mại này, và vì vậy chậm phát triển do liên quan đến việc không có lối thoát ra biển. Chính vì thế, đây là một xu hướng của Nga, điều mà ông Mahan đã nêu lên trên bình diện địa chính trị, nhưng đồng thời ông cũng cho rằng cần phải chống lại xu hướng mở lối thoát ra phía Nam bằng mọi giá của Nga. Lẽ đương nhiên, đó là Biển Đen, bởi vì chính ở đây, phần đất lục địa Nga gần với những vùng biển tự do nhất".
NATO và những mưu đồ ở Biển Đen
Chiến lược Nam tiến của Peter Đại đế sau này vẫn được chế độ Xô Viết tiếp tục củng cố và mở rộng ảnh hưởng tại vùng Hắc Hải và Địa Trung Hải. Nhưng Liên Xô sụp đổ đã kéo theo những thay đổi về cấu trúc, và trở thành một bài toán hóc búa cho Nga thời hậu Xô Viết. Sau năm 1991, Moskva chỉ còn giữ được một phần nhỏ vùng Biển Đen với cảng biển Novorossiisk, vốn dĩ chỉ giữ vai trò thứ yếu thời Xô Viết. Hơn nữa, hạm đội Biển Đen bị chia làm đôi giữa Nga và Ukraine. Đổi lại, Nga vẫn giữ được căn cứ quân sự cũ Sevastopol, thuê lại từ Ukraine với một thời hạn là 20 năm.
Nhưng Nga cũng nhanh chóng nhận ra rằng các vị trí của mình tại những vùng biên giới phía Nam đang bị thu hẹp, có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ và khối NATO. Nhà chính trị học và chuyên gia quân sự độc lập Prokhor Tebine được Tikhon Syssoev, tác giả bài viết trên trang Expert trích dẫn, có giải thích như sau : "Việc khối NATO, đặc biệt là Anh – Mỹ thâm nhập ngày càng sâu vào vùng Biển Đen không chỉ có động cơ răn đe. Hai nước này còn muốn kiểm soát con đường ngắn nhất đi đến Trung Á, khu vực rất giầu nguồn tài nguyên thiên nhiên và như vậy tạo thêm một đòn bẩy áp lực bổ sung nhắm vào Moskva và Bắc Kinh".
Một loạt các sự kiện diễn ra trong suốt thập niên 2000 đã khiến Nga quan ngại. Nhiều chính phủ thân phương Tây lên cầm quyền sau các chuỗi "cách mạng hoa hồng" (2003-2004) tại Georgia (Gruzia) và "cách mạng mầu cam" ở Ukraine (2004-2005). Rồi Bulgarie và Romania gia nhập NATO (2004). Giữa thập niên 2000, ba trong số sáu nước vùng Biển Đen – Romania, Bulgary và Thổ Nhĩ Kỳ - là thành viên của NATO, trong khi hai nước khác là Ukraine và Georgia bắt đầu có những mối hợp tác chặt chẽ với khối liên minh quân sự này.
Nhưng giọt nước tràn ly là thượng đỉnh NATO 2008, diễn ra tại Bucarest, thủ đô Romania. Biển Đen có nguy cơ biến thành "ao nhà" của NATO với lời hứa cho Kiev và Tbilisi gia nhập liên minh quân sự. Đây là một trong số những nguyên nhân dẫn đến việc Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến năm ngày giữa Georgia và Nam Ossetia năm 2008 và nhất là sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Theo nhà phân tích Tikhon Syssoev, Moskva cảm thấy bất an trước mối đe dọa ngày càng lớn, một phần trực tiếp từ Ukraine và phần khác là từ NATO khi khối liên minh quân sự này cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không Aegis Ashore ở Romania hay tăng quân số hiện diện trong khu vực. Số tầu chiến và chiến đấu cơ trong vùng Biển Đen ngày một nhiều hơn.
Dù vậy, ý đồ tăng cường sự hiện diện của NATO tại Biển Đen cũng vấp phải thái độ cẩn trọng từ Thổ Nhĩ Kỳ e ngại rằng tình hình có thể sẽ gây ra nhiều "khó khăn lớn" cho Nga. Chính vì lập trường này mà Ankara vẫn luôn được Moskva xem như là một tác nhân chủ chốt trong khu vực. Điều này cũng giải thích vì sao ngay từ đầu cuộc xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ không những đóng cửa các eo biển, ngăn cấm tầu chiến của NATO và Nga đi vào Biển Đen, mà còn tức thì đảm nhận vai trò trung gian hòa giải chính giữa Nga và Ukraine.
Biển Azov : Những con đường thủy thương mại và chiến lược
Tuy nhiên, trong cuộc chinh phục Biển Đen của Nga còn phải tính đến vai trò chiến lược quan trọng của vùng biển Azov, dù là khép kín, có diện tích nhỏ chỉ bằng một nước Thụy Sĩ. Ông Martin Motte cho rằng, đây còn là một trong những mục tiêu chiến tranh của ông Putin cho phép hợp nhất lãnh thổ giữa Nga và bán đảo Crimea cũng như là bảo vệ an ninh cho bán đảo. Chiến lược này đã được minh chứng trong cuộc chiến tranh Crimea trong suốt những năm 1850, giữa Thổ Nhĩ Kỳ, được Pháp và Anh hậu thuẫn với Nga.
"Năm 1854, Pháp và Anh bao vây Sébastopol, vốn là cảng lớn của Crimea, căn cứ hải quân lớn của Nga và Sebastopol đã cầm cự được trong vòng một năm. Một trong số các nguyên nhân, bởi vì cảng này không bị liên quân Anh – Pháp bao vây hoàn toàn và tiếp viện vẫn có thể được đưa vào.
Vậy nguồn tiếp viện đó đến từ đâu ? Chúng đến từ biển Azov. Bởi vì biển Azov có sông Don đổ vào, vì vậy, việc đưa ngũ cốc từ các đồng bằng rộng lớn của Nga bằng sà lan là rất dễ dàng. Để rồi từ đó đưa ngũ cốc đến bờ biển Crimea, đổ hàng vào ban đêm và cung cấp lương thực cho Sevastopol".
Ngoài ra, Biển Đen và eo biển Azov giúp tiếp cận các vùng sông nước của Nga và Biển Caspi, khu vực có nhiều công ty vận tải hoạt động trên khắp Địa Trung Hải. Kênh đào Volga-Don, nối sông Volga và sông Don, đóng một vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển đường thủy của Nga và là một phần của hành lang vận tải Bắc-Nam quốc tế (nối Saint Petersburg với Bombay). Tuyến hàng hải này còn cho phép các quốc gia vùng Caspi tiếp cận Biển Đen, Địa Trung Hải và các đại dương, giúp các nước này trở thành những tác nhân quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Không chỉ có các lợi ích kinh tế - thương mại, Biển Đen và Azov còn có những giá trị thực tiễn lớn trên bình diện quân sự. Khi nắm trong tay vùng biển Azov, kể từ giờ, Nga rộng đường cho di chuyển tầu chiến của mình từ vùng biển này sang vùng biển khác : Nghĩa là từ Biển Đen đến biển Caspi thông qua biển Azov và kênh đào Don – Volga. Về điểm này, sử gia Martin Motte có nhận định thêm :
"Biển Caspi, ít được sử dụng về mặt chiến lược giờ trở thành một không gian của sự tiến hóa. Tầu chiến của Nga có thể bắn tên lửa từ vùng biển Caspi này. Con kênh nào kết nối vùng biển này với hệ thống kênh đào thời Xô Viết ? Đó là kênh đào nối liền biển Caspi với biển Azov.
Còn vì sao việc có tầu chiến là điều thú vị ? Bởi vì tầu chiến luôn di chuyển, do vậy kẻ thù khó mà xác định được vị trí của con tầu. Và do vậy, một dàn tên lửa di chuyển thường trực, thay đổi vị trí liên tục nên khó mà đánh trúng".
Biển Đen-Azov-Caspi và tham vọng cường quốc hải quân lục địa của Nga
Trong một bài viết đăng năm 2016 trên tạp chí "quốc phòng" (Revue Défense Nationale), chỉ huy tầu hộ tống Pháp, ông Pierre Rialland phân tích chiến lược mới của hải quân Nga như sau : "Hai vùng biển Caspi và Azov, được nối liền bởi con kênh Don-Volga, mang lại một không gian hành động rộng bằng vùng biển Đông Địa Trung Hải và Vịnh Ả Rập – Ba Tư gộp lại. Bản đồ về tầm hoạt động của SSN 30A cho thấy là Nga sắp có được khả năng hoạt động theo chính sách "pháo hạm" trên một chiến trường dài 6.000 km mà không cần tiếp cận các vùng biển nước ấm".
Những điều này giải thích vì sao ngay trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, quân Nga có những bước tiến rõ rệt tại các mặt trận phía nam Ukraine. Thế nên, theo ông Tikhon Syssoev, nếu giành được toàn bộ thắng lợi ở miền nam, Moskva sẽ bảo toàn được nhiều lợi thế.
Thứ nhất là gạt hẳn mối đe dọa chính cho hạm đội Biển Đen cũng như là toàn bộ bán đảo Crimea, đồng thời bảo vệ và củng cố "chiếc cầu nối" với Crimea. Tikhon Syssoev dẫn phân tích từ chuyên gia Vassili Kachine, trường đại học Kinh tế tại Paris đánh giá, "trong trường hợp ngược lại, mọi căn cứ mà Ukraine có thể giữ được dọc theo Biển Đen, cho dù bị hạn chế về vũ khí, vẫn sẽ tạo thành một mối đe dọa to lớn đối với Nga".
Thứ hai, mất các cảng Kherson, Mykolaiiv và Odessa, Kiev không những sẽ bị mất cơ sở cảng biển mà cả một phần lớn những gì nước này đang xuất khẩu, kể cả nông sản. Một thất bại mà Ukraine cảm thấy khó nuốt.
Cuối cùng, chiếm được Biển Đen, Nga có cơ hội trở thành tác nhân nông nghiệp lớn nhất thế giới, đồng thời củng cố đáng kể an ninh trục giao thương Bắc – Nam. Việc đoạn tuyệt với phương Tây còn làm nổi rõ hơn nữa tầm quan trọng của những mối liên hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.
Đối với Vassili Kachine, "nếu Nga thực hiện được những dự án này và kiểm soát bờ Biển Đen, Nga sẽ có được một cơ sở hạ tầng xuất khẩu có tiềm năng rất lớn và một vùng lãnh thổ nông nghiệp quan trọng và một nguồn tài nguyên vô giá. Nga sẽ nắm thế độc quyền thật sự trong ngành công nghiệp này trên thế giới".
Tóm lại, với việc kiểm soát một vùng ảnh hưởng rộng lớn liên quan đến khoảng 30 quốc gia trong khu vực bao gồm vùng ảnh hưởng hiện nay, những dấu tích lịch sử của đế chế Nga và những địa điểm đối đầu địa chính trị, Nga có thể sẽ trở thành một "cường quốc hải quân lục địa" như kết luận từ nhà sử học Martin Motte.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 30/03/2023
Thanh Hà, RFI, 23/04/2021
Trong hồ sơ Ukraine và Biển Đen, Nga đang tính toán những gì và đến khi nào thì ngừng những hoạt động khiêu khích phương Tây ? Đó là hai câu hỏi đang khiến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO đau đầu.
Việc Moskva thông báo rút một phần lực lượng khỏi bán đảo Crimea và tại biên giới sát cạnh với Ukraine phải chăng là dấu hiệu cho thấy Nga đã làm chủ cuộc chơi trong khu vực ?
Sau nhiều tuần lễ khuấy động Biển Đen, Nga đã làm hạ nhiệt tình hình. Từ cuối tháng 3/2021 Moskva triển khai hàng chục ngàn quân, thậm chí là hàng trăm ngàn, như Liên Hiệp Châu Âu ghi nhận, vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay trinh sát… đến gần biên giới với vùng Donbass phía đông Ukraine và trên bán đảo Crimea với tầm nhìn gần 360 độ ra Biển Đen.
Sự hiện diện của Hải Quân Nga trong vùng biển này đã thêm dầy đặc, các cửa ngõ ra vào các vùng biển chung quanh bị hạn chế từ eo biển Kertch cánh cổng nối liền Biển Đen và Azov. Trước lo ngại của cả Ukraine lẫn cộng đồng quốc tế, điện Kremlin nhấn mạnh đây chỉ là một đợt diễn tập bình thường nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ của các lực lượng quân sự và những hoạt động đó "không đe dọa" một ai. Cùng lúc Moskva lên án chính quyền Kiev có những hành vi "khiêu khích" qua việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở miền đông Ukraine từ tháng Hai vừa qua.
Những động thái nói trên của Nga khiến NATO "lo ngại",vì các quyền tự do đi lại trên Biển Đen và Azov bị hạn chế, qua đó bóp ngẹt các hoạt động giao thương của Ukraine. Để dằn mặt Nga, Hoa Kỳ đã tính đến khả năng điều tàu chiến đến khu vực, nhưng rồi đã hủy quyết định này vào giờ chót, khi Moskva quyết định mở một cuộc tập trận ngay tại chính khu vực mà Mỹ muốn tăng cường hiện diện để thị uy. Riêng về phía Anh Quốc, theo tiết lộ của báo chí tại Luân Đôn, dường như chính phủ Boris Johnson vẫn duy trì kế hoạch điều chiến hạm đến Biển Đen trong tháng 5/2021.
Vậy phải chăng phương Tây và Nga đang chơi trò mèo vờn chuột tại vùng biển chiến lược này ? Theo nhà phân tích Mark Galeotti, thuộc trung tâm nghiên cứu về khu vực Trung và Đông Âu ULC SSEES, trụ sở tại Luân Đôn, được AFP trích dẫn, việc Nga thông báo làm hạ nhiệt tình hình ở Biển Đen không là điều ngạc nhiên, sau khi Moskva đã phô trương sức mạnh với Hoa Kỳ ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ tổng thống của Joe Biden.
Những hoạt động quân sự dồn dập vừa qua của Nga trên Biển Đen và sát biên giới Ukraine chính là nhằm "nắn gân" tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngoài ra, điện Kremlin cũng muốn chứng minh với phương Tây là chớ xem thường khả năng phòng thủ của Nga, Moskva hoàn toàn có khả năng "triển khai trong một thời gian rất ngắn, huy động đông đảo binh sĩ đến hiện trường".
Nhưng có lẽ các nhà quân sự ở Moskva biết rõ cần dừng lại đúng lúc mới là thượng sách. Tây phương cũng đã có một số thiện chí. Thứ nhất về phía Kiev, dù nước này được phương Tây ủng hộ, một lần nữa NATO từ chối để Ukraine gia nhập liên minh quân sự. Điểm thứ hai đáng ghi nhận có lẽ Moskva dừng lại các hành động gây thêm căng thẳng vào lúc mà chính Washington đề xuất một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ- Nga vào mùa hè năm nay và hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin – Joe Biden sẽ gặp nhau tại một quốc gia thứ ba để khởi động lại đối thoại song phương và có lẽ lúc đó cũng là điều Moskva mong muốn.
Điểm thứ ba được nhà báo Jean Pierre Stroobants của tờ Le Monde ghi nhận : dường như Nga cũng đã nhận thấy một sự lúng túng nào đó của khối NATO : trước mắt khối này chưa biết trong trường hợp cần can thiệp, liên minh sẽ đáp trả dưới hình thức nào.
Có lẽ như ghi nhận của phóng viên Véronika Dorman trên báo Libération, Nga đấu dịu sau khi Vladimir Putin đã đạt được những gì mong muốn. Đó là buộc chính quyền Biden phải chú ý trở lại đến nước Nga, hù dọa đồng minh của phương Tây là Ukraine và nhắc nhở cả Kiev lẫn NATO rằng chớ "vượt qua lằn ranh đỏ", tức là kết nạp Ukraine vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hay Bruxelles cho phép Ukraine tham gia Liên Hiệp Châu Âu.
Andrei Kortounov, tổng giám đốc hội đồng cố vấn đối ngoại của Nga, trên tờ Libération ghi nhận Moskva thừa biết cái giá sẽ phải trả khi khai mào một chiến dịch quân sự, cho nên mục tiêu của Nga là "răn đe", chứ không phải là để đi đến cùng. Nga không hài lòng trước viễn cảnh NATO tập trận ở Biển Đen và Baltic, gần sát cạnh, nên đã thể hiện thái độ bất bình đó bằng một sự hù dọa.
Có điều, như phân tích của chủ tịch trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Moskva, Dmitri Trenin, căng thẳng trong vùng Biển Đen mới chỉ tạm lắng, vẫn tồn tại viễn cảnh một cuộc xung đột lại bùng lên trong khu vực. Nhưng có lẽ rõ rệt nhất là trong mọi kịch bản, Vladimir Putin mới là người làm chủ tình hình trong khu vực nhạy cảm này.
Thanh Hà
*************************
Thanh Hà, RFI, 23/04/2021
Một dấu hiệu hạ nhiệt tại biên giới giữa Nga và Ukraine : Ngày 23/04/2021, Bộ Quốc phòng Nga thông báo một phần quân số hiện diện tại các vùng biên giới với Ukraine bắt đầu "lên đường" tới các nhà ga, sân bay và hải cảng, để trở về doanh trại thường trú. Mỹ và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO "ghi nhận" thông báo trên, nhưng vẫn "đề cao cảnh giác".
Vẫn theo nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga, được hãng thông tấn Ria Novosti trích dẫn, gần 10.000 binh sĩ đã tham gia "chiến dịch diễn tập nhằm kiểm tra đột xuất" tại bán đảo Crimea mà Moskva đã sát nhập từ năm 2014. Và từ hôm nay 23/04/2021, số binh sĩ này bắt đầu "trở về những căn cứ nơi họ đóng quân thường trực". Tiến trình triệt thoái hàng chục ngàn quân ra khỏi Crimea kéo dài cho đến 01/05/2021.
Sự hiện diện của quân đội Nga sát biên giới với Ukraine từ nhiều tuần qua, trong khuôn khổ mà Moskva gọi là chiến dịch "kiểm tra đột xuất"về khả năng chiến đấu của các đơn vị quân sự Nga, đã khiến Kiev và phương Tây lo ngại. Chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelenski nghi ngờ điện Kremlin có ý đồ xâm chiếm Ukraine.
Trước mắt, thông báo Nga rút một phần quân số khỏi các khu vực nhạy cảm đang làm hạ nhiệt tình hình. Tuy nhiên, căng thẳng tiếp diễn tại Donbass, phía đông Ukraine, sau khi có thêm một quân nhân tử vong trong 24 giờ qua.
Thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev phân tích về thái độ thận trọng của chính quyền Ukraine :
"Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan hỷ đón nhận tin áp lực quân sự giảm thiểu tại các đường biên giới giữa Nga và Ukraine, cho dù ông kêu gọi các đối tác của Kiev thận trọng trước những ý đồ của Nga.
Dù vậy, Ukraine chưa hẳn hoàn toàn thoát khỏi cái bẫy của điện Kremlin. Chiếc bẫy đó giờ đây chuyển sang mặt trận chính trị. Thứ Ba vừa qua, tổng thống Zelensky đề nghị với đồng nhiệm Putin một cuộc họp thượng đỉnh ngay tại vùng Donbass. Hai ngày sau, phía Nga đã hồi âm, đề nghị nguyên thủ quốc gia Ukraine đến Moskva và đặc biệt nhấn mạnh là nếu ông Zelensky muốn chấm dứt chiến tranh thì cần đối thoại trực tiếp với các phe nổi dậy tại Donetsk và Lougansk.
Chủ nhân điện Kremlin tuyên bố Ukraine đã phá hoại quan hệ giữa Kiev và Moskva, khi chĩa mũi dùi tấn công vào các nhà thờ của Nga và cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine. Trong khi đó, bản thân tổng thống Ukraine lại là người nói tiếng Nga từ khi lọt lòng.
Trong mọi trường hợp, sau nhiều tuần lễ Nga dùng đòn quân sự để bắt chẹt Ukraine, ít có khả năng tổng thống Zelensky sẽ đến Moskva, và tiến trình đàm phán hòa bình giữa đôi bên hiện chưa được khởi động".
Trọng Nghĩa, RFI, 21/04/2021
Vào thời điểm quan hệ giữa Nga với Mỹ và Châu Âu đang rất căng thẳng trên vấn đề Ukraine và sức khỏe của lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đang bị cầm tù, vào hôm nay, 21/04/2021, tổng thống Vladimir Putin đã không ngần ngại cảnh báo phương Tây là không nên vượt qua các "lằn ranh đỏ" của nước ông, đồng thời đe dọa rằng Moskva sẽ đáp trả nhanh chóng và gay gắt bất kỳ hành động khiêu khích nào.
Trong bài diễn văn liên bang thường niên đọc trước hai viện Quốc hội Nga, tổng thống Putin khẳng định rằng nước ông "muốn có những mối quan hệ tốt đẹp... và thực sự không muốn cắt cầu" với phương Tây.
Tuy nhiên, ông đã nói ngay rằng : "Nếu ai đó lầm tưởng thiện ý của chúng ta với một thái độ thờ ơ hoặc yếu đuối và có ý định đốt cháy hoặc thậm chí cho nổ tung những cây cầu đó, họ nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ không cân xứng, nhanh chóng và dữ dội".
Tổng thống Nga cho biết thêm là Moskva sẽ xác định vị trí những lằn ranh đỏ tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Lời cảnh cáo nhắm vào phương Tây được ông đưa ra vào đỉnh điểm của bài phát biểu dài 78 phút tập trung trên những vấn đề đối nội của Nga, đặc biệt là đại dịch Covid-19 với hệ quả là hàng loạt khó khăn về kinh tế.
Trong những tuần lễ gần đây, Nga đã gia tăng đối đầu với các nước phương Tây, vốn tố cáo Moskva điều động hàng chục nghìn quân lính đến vùng gần sát Ukraine.
Tuần trước, Washington đã tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga với cáo buộc tấn công tin học và can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ, trong lúc Cộng hòa Czech thì lên án Moskva về vai trò trong các vụ nổ tại một kho vũ khí năm 2014. Cả hai nước đều đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Về phần mình, Moskva đã phủ nhận các cáo buộc và đã đáp trả bằng những hành động ăn miếng trả miếng.
Trong diễn văn, ông Putin đã phớt lờ trường hợp của Navalny, chính trị gia đối lập bị bỏ tù, trong bối cảnh những người ủng hộ nhà đối lập đã bắt đầu một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước, ngay trong lúc tổng thống Nga phát biểu.
Navalny, nhà đối lập hàng đầu của Nga, đang bị ốm nặng trong tù sau quyết định tuyệt thực để phản đối điều mà ông gọi là điều trị y tế không đầy đủ cho chứng đau chân và lưng. Nhóm cộng sự của ông đã kêu gọi mọi người trên khắp đất nước rộng lớn xuống đường vào hôm nay.
Chính phủ đã nói rằng các cuộc tụ tập theo kế hoạch là bất hợp pháp. Các cuộc biểu tình ủng hộ Navalny trước đây đã bị giải tán thẳng tay, với hàng nghìn vụ bắt giữ.
Trọng Nghĩa
Trọng Nghĩa, Đăng ngày : 10/04/2021 - 15 :00
Theo tiết lộ của Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua, 09/04/2021, Hoa Kỳ sẽ cử hai chiến hạm đến vùng Biển Đen (còn gọi là Hắc Hải) vào tuần tới. Động thái của Mỹ đã lập tức bị Nga, nước đã tăng cường lực lượng quân sự gần Ukraine, lên tiếng tố cáo.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO cho biết là hai tàu chiến sẽ đến Biển Đen vào khoảng 14-15 tháng Tư, và sẽ ở lại trong khu vực cho đến ngày 4 tháng 5.
Theo hãng tin Anh Reuters, tàu chiến Mỹ thường xuyên có mặt ở Biển Đen, mà gần đây nhất là vào cuối tháng Ba, với một tàu tuần dương và một tàu khu trục.
Phản ứng trước thông tin mà Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ vẫn thường xuyên gửi tàu đến khu vực, và viêc tàu quân sự Mỹ có mặt ở Biển Đen "không phải là điều gì mới lạ".
Theo Washington, Nga đã tập trung nhiều quân hơn ở biên giới phía đông của Ukraine so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, khi họ sáp nhập vùng Crimée của Ukraine và hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga ở khu vực Donbass phía đông Ukraine.
Moskva đã lên tiếng phản đối. Thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Grushko vào hôm qua đã nêu bật quan ngại về điều mà ông cho là "gia tăng hoạt động hải quân trên Biển Đen của các cường quốc không có bờ biển trong khu vực", ám chỉ Mỹ một cách rõ rệt.
Hãng thông tấn Nga Interfax đã dẫn lời ông tố cáo việc "Số lượng các chiến dịch của các nước NATO và thời gian lưu trú của các tàu chiến (của họ) đã tăng lên".
Thượng Đỉnh Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/04/2021
Trong thời gian qua, bạo lực bùng lên giữa quân đội Ukraine và phe ly khai ở vùng Donbass, miền đông nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào hôm qua đã cáo buộc Ukraine về "các hành động khiêu khích nguy hiểm" ở khu vực Donbass.
Cuộc điện đàm Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức một hôm trước chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh vào hôm nay, hai tổng thống Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bàn về nhiều chủ đề, đặc biệt là hợp tác quân sự-công nghiệp. Các cuộc thảo luận chắc chắn sẽ được Nga theo dõi sát sao.
Thụy My, RFI, 09/04/2021
Bộ Quốc Phòng Nga hôm 08/04/2021 thông báo đang điều 10 chiến hạm đến Hắc Hải tập trận, trong khi phương Tây lo ngại về sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga gần Ukraine. Thủ tướng Đức trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga hôm qua đã kêu gọi rút bớt lực lượng ở biên giới với Ukraine.
Reuters hôm nay (09/04) dẫn tin của Interfax cho biết trên 10 chiến hạm Nga trong đó có tàu đổ bộ và chiến hạm trang bị đại pháo, được điều từ biển Caspi sang Hắc Hải để tập trận. Được biết hạm đội Hắc Hải đóng tại Crimée, bán đảo của Ukraine bị Nga dùng vũ lực sáp nhập năm 2014.
Tại khu vực biên giới Ukraine và Nga, Kiev và các nước phương Tây tố cáo phe ly khai và quân Nga gây ra các vụ xung đột đẫm máu hầu như hàng ngày. Hôm qua thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm đã yêu cầu tổng thống Nga Vladimir Putin rút lực lượng đang đóng dọc theo biên giới Ukraine để giảm bớt căng thẳng.
Moskva khẳng định quân Nga không phải là mối đe dọa, sự hiện diện quân sự chỉ nhằm mục đích phòng vệ, tuy nhiên vẫn "tiếp tục triển khai khi cần thiết tại vùng Donbass". Reuters dẫn thông báo của điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm trên, ông Putin nói rằng "hành động khiêu khích của Kiev đã khuấy động tình hình dọc theo đường biên giới". Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của Kremlin đe dọa, những trận đánh dữ dội nếu xảy ra, sẽ là điểm khởi đầu cho hồi kết sự hiện diện của Ukraine với tư cách một quốc gia.
Tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Hoa Kỳ ngày càng quan ngại về sự leo thang quân sự của Nga tại miền đông Ukraine, đây là chủ đề đang được Mỹ thảo luận với các đồng minh NATO.
Về phía tổng thống Ukraine, ông Vododimir Zelenski hôm qua đã đích thân đến vùng Donbass để thị sát tình hình. Trước đó hôm thứ Ba 06/04 ông Zelenski đã kêu gọi NATO đẩy nhanh tiến trình xem xét việc Ukraine gia nhập Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương.
Theo AFP, đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga với Pháp và Đức làm trung gian hiện đang trong ngõ cụt. Cuộc họp thượng đỉnh gần nhất vào tháng 12/2019 không đạt một tiến triển nào, và cũng không có cuộc tiếp xúc mới nào được dự kiến.
Nga bị đe dọa tại Biển Đen (Đất Việt, 04/02/2017)
Dù lấy Crimea làm lợi thế tại Biển Đen nhưng Nga đang bị đe dọa bởi toan tính của các nước láng giềng và động thái của NATO.
Biển Đen không còn là sân nhà
Hãng tin RT cho biết, hôm 2/2, chiến hạm mang tên lửa dẫn đường USS Porter của Hải quân Mỹ đã tiến vào Biển Đen với lý do tham dự cuộc tập trận đa quốc gia Sea Shield và vì an ninh hàng hải.
"Khu trục hạm USS Porter đã vào địa phận Biển Đen hôm 2/2 để tiến hành chiến dịch an ninh hàng hải và tăng cường khả năng cũng như sự tương tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực", Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ cho biết trong một thông báo.
Theo kế hoạch, trong thời gian lưu lại Biển Đen, tàu USS Porter sẽ tham dự cuộc tập trận quốc tế thường niên có tên Sea Shield được dẫn đầu bởi Romania.
Được biết, ngay trước khi chiến hạm Mỹ tiến vào Biển Đen, tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Hoàng gia Anh mang tên HMS Diamond cũng bất ngờ thực hiện chuyến thăm Ukraine. Theo tuyên bố của Anh, con tàu này sẽ đảm đương sứ mệnh bảo vệ 650 quân nhân Anh tham gia tập trận bí mật ở Ukraine.
Chiến hạm USS Porter tiến vào Biển Đen.
Tuyên bố với truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói : "Nước Anh đang gửi một tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi và khối NATO cam kết bảo vệ nền dân chủ trên thế giới và ủng hộ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Cùng với động thái của Mỹ và Anh tại Biển Đen, Nga cũng ngày càng thể hiện rõ tham vọng của mình tại Biển Đen qua việc cụ thể hóa trong các kế hoạch của Hải quân nước này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Moskva cũng liên tiếp bị đe dọa bởi tiếng nói phản đối của các quốc gia láng giềng.
Đầu tiên phải kể đến Romania. Quốc gia này quan tâm đặc biệt đến sự an toàn của những cơ sở năng lượng của họ ở Biển Đen, cũng như đảm bảo quyền tự do tiếp cận các cửa sông Danube.
Việc kiểm soát quyền tiếp cận vào sông Danube có tầm quan trọng chiến lược đối với Bucharest, do vai trò của con sông như một tuyến đường vận tải và thương mại trọng điểm chạy qua hầu như toàn bộ khu vực Trung Âu, cùng một số lý do khác.
Kế đến là Gruzia, quốc gia chiếm một vị trí chiến lược tại nơi giao cắt về địa lý, văn hóa và lịch sử quan trọng. Vì vậy Gruzia cần Biển Đen để có một không gian thân thiện để tiếp cận với Châu Âu. Việc kiểm soát của Nga ở khu vực này có thể sẽ được Gruzia coi là phục vụ để cô lập nước này từ các đối tác phương Tây mới và khiến cho họ dễ bị tổn thương hơn nếu bị áp lực từ Moskva.
Tiếp đến là Ukraine. Sự tiếp cận Biển Đen của nước này có vai trò then chốt về kinh tế và chiến lược, và từ vị trí của Nga tại Crimea, Moskva có khả năng ngăn chặn các điểm tiếp cận chủ yếu của Ukraine tới Biển Đen thông qua các sông Dniester và Dniepr.
Hồi giữa năm 2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã cảnh báo rằng Moskva đang biến Biển Đen thành "một cái hồ của Nga", đồng thời kêu gọi Mỹ và NATO có một nỗ lực lớn hơn để cạnh tranh quyền kiểm soát Biển Đen.
Một loạt đề xuất liên quan đến phản ứng chung của NATO đối với Nga đã được đưa ra, trong đó có đề nghị của Romania rằng NATO nên thành lập một hạm đội Biển Đen thường trực, được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của NATO ở Warsaw (Ba Lan). Tuy nhiên vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.
Rõ ràng, các nước xung quanh khu vực Biển Đen đã thấy được những nguy cơ có thể xảy ra nếu tiếp tục để Nga duy trì ảnh hưởng tại khu vực này. Vì vây, dù đang có trong tay quân bài chiến lược là Crimea, nhưng Moskva cũng không dễ dàng có thể "uy hiếp" các nước láng giềng.
Sức mạnh Nga tại Biển Đen
Trong thành phần lực lượng hải quân trên bán đảo Crimea không có những đổi thay quy mô lớn. Trong hai năm qua, Hạm đội Biển Đen đã nhận được hai khinh hạm tên lửa Serpukhov và Zeleny Dol, cũng như hai tàu ngầm động cơ diesel-điện Kilo.
Trong nhiều năm dài, Không quân hải quân (thuộc Hạm đội Biển Đen) đã là bộ phận duy nhất của lực lượng không quân Nga bố trí tại Crimea, bao gồm hai trung đoàn với các máy bay ném bom Su/24 và Su/24MR, máy bay tuần tra Be-12, máy bay vận tải AN/26 và các máy bay trực thăng Ka/27 và Mi-8.
Tuy nhiên, sau khi Crimea về với Nga, trên bán đảo đã triển khai 3 trung đoàn của lực lượng không quân với những loại máy bay hiện đại hơn như Su/27SM, Su-30SM và sắp tới là cả sát thủ tàu sân bay - loại máy bay ném bom chiến lược Tu/22M3 Backfire C.
Máy bay Tu/22M3
Phòng không của Crimea được củng cố bằng hai trung đoàn pháo binh được biên chế các tổ hợp tên lửa hiện đại S-300PM, triển khai tại Sevastopol và ở miền trung của bán đảo. Trong biên chế vũ khí trang bị của hai trung đoàn còn có các tổ hợp tên lửa/pháo phòng không Pantsir-S.
Một thành phần quan trọng của lực lượng phòng thủ bờ biển vẫn là lữ đoàn hải quân đánh bộ 810 thuộc Hạm đội Biển Đen, với một trung đoàn trang bị các tổ hợp tên lửa Osa-AKM. Ngoài ra, trên bán đảo Crimea bố trí các đơn vị kỹ thuật, phòng chống vũ khí hóa học và trung đoàn tác chiến điện tử.
Với đặc điểm vị trí địa lý của Crimea, lãnh đạo quân đội Nga lựa chọn hình thức bố trí tối ưu các nhóm quân bố trí trên bán đảo khiến các tướng lĩnh Mỹ cho rằng, Nga đã tạo ra trên bán đảo cái gọi là "khu vực chống tiếp cận" (Anti-Access/Area Denial-A2/AD).
Đây là một nhóm quân và các công trình phòng thủ mạnh mẽ, bao gồm cả các đơn vị bảo vệ bờ biển chống lại lực lượng đổ bộ đường biển của đối phương. Nhóm quân này có khả năng kiềm chế lực lượng hải quân, không quân và bộ binh đối phương ở khoảng cách rất xa.
Ngoài ra, rất có thể trong tương lai Nga sẽ đưa tới bán đảo loại tên lửa đạn đạo chiến thuật có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander. Sự hiện diện của chúng sẽ là lời cảnh báo cứng rắn nhất đối với âm mưu áp sát biên giới nước Nga của các thế lực thù địch. Rõ ràng, nếu không có Crimea, vị thế toàn cầu của Nga bị suy giảm. Với Crimea, Nga có một cơ sở vững chắc để triển khai sức mạnh địa chính trị.
Dù đánh giá một cách khách quan, năng lực của hải quân Nga tụt hậu hơn so với của hải quân Mỹ, đồng thời hải quân Nga rất ít có cơ hội để một lần nữa có mức độ sức mạnh mà Moskva đã đạt được trong giai đoạn cuối thời kỳ Xô-viết, nhưng Nga vẫn có khả năng thử thách Mỹ và NATO ở Biển Đen và định hình hành vi của các lực lượng hải quân Mỹ cùng đồng minh bằng cách tăng chi phí/tổn thất của cuộc đối đầu.
Đan Nguyên
*********************
Mỹ đặt hàng 8,5 tỷ USD sản xuất phản lực cơ F35 (BBC, 04/02/2017)
Một phi cơ F35 của hải quân Mỹ hạ cánh ở phi trường tại tây Nhật Bản hôm 18/01/2017.
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố một thỏa thuận đặt hàng 90 chiếc phản lực cơ F-35 có tổng trị giá khoảng 8,5 tỷ USD với nhà cung cấp Lockheed Martin.
Thỏa thuận này lần đầu tiên hạ mức giá cho mỗi chiến đấu cơ tàng hình xuống ở dưới mức 100 triệu USD, Lầu Năm Góc cho biết.
Lầu Năm Góc nói sẽ tiết kiệm được khoảng 728 triệu USD so với lần đặt hàng gần nhất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích về giá cả của chương trình F35.
Ông Trump đã ra tin nhắn tweet vào tháng Mười Hai nói rằng các chi phí của dự án là "mất kiểm soát".
Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng cho rằng mức giảm giá mà Donald Trump công bố vào cuối tháng Giêng là phù hợp với những gì đã được giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ thỏa thuận với Lockheed trong nhiều tháng.
Tham dự của cá nhân Tổng thống
Lockheed Martin nói vào hôm thứ Sáu :
"Sự tham gia của cá nhân Tổng thống Trump trong chương trình F-35 đã làm tăng tốc cuộc đàm phán và giúp chúng tôi tập trung trọng tâm hơn vào việc giảm giá".
F-35 là chương trình vũ khí đắt đỏ nhất của Lầu Năm Góc, trị giá khoảng 400 tỉ USD.
Tuy nhiên, giá mỗi chiếc phi cơ phản lực đã được giảm dần khi sản lượng tăng.
Quân đội Mỹ sẽ mua 55 phản lực cơ, trong khi 35 chiếc F35s sẽ được bán ra nước ngoài.
Anh là quốc gia sắp mua ba trong số những chiến đấu cơ.
Lockheed, nhà thầu chính, và các đối tác gồm Northrop Grumman, Pratt & Whitney và BAE Systems, đang hợp tác xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả hơn để thúc đẩy chuỗi dây chuyền sản xuất ở Fort Worth, thuộc tiểu bang Texas.