Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/05/2021

Điểm báo Pháp - Bênh vực Viện Virus Vũ Hán

RFI tiếng Việt

Covid : Vì sao nhiều nhà khoa học bênh vực Viện Virus Vũ Hán ?

Về đại dịch Covid, nhà virus học Jean-Michel Claverie, giáo sư trường đại học Aix-Marseille trên Les Echos đặt vấn đề"Nếu giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm Trung Quốc là đúng ?".

benhvuc1

Nhân viên an ninh Trung Quốc ngăn chặn các nhà báo tiếp cận Viện Virus học Vũ Hán khi phái đoàn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến thăm ngày 03/02/2021.  AP - Ng Han Guan

Giáo sư Claverie cho rằng rất đáng ngạc nhiên khi nguyên nhân của đại dịch đã làm 3,3 triệu người chết và làm tê liệt kinh tế toàn cầu từ một năm qua vẫn chưa được làm rõ. Dưới áp lực của vài chính phủ và tập thể các nhà khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rốt cuộc cũng tổ chức một đoàn kiểm tra bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt mọi ý định điều tra về trách nhiệm của Viện Virus học ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch, đều bị ngăn chặn.

Luật im lặng do các thế lực thân Trung Quốc áp đặt bị phá vỡ

Báo cáo có nội dung đã được thương lượng gắt gao với chính quyền Trung Quốc, cho rằng kịch bản virus truyền từ loài dơi sang người là khả tín nhất, còn vật trung gian thì chưa xác định được. Tuy nhiên không có dữ liệu nào chứng minh giả thiết này, dù đã thực hiện mấy chục ngàn xét nghiệm. Ngược lại, khả năng một tai nạn từ phòng thí nghiệm bị bác bỏ hẳn, dù chỉ đơn thuần dựa trên sự khẳng định của chính quyền Bắc Kinh và giám đốc nghiên cứu trực tiếp liên quan là bà Zeng Li Shi.

Bản báo cáo rõ ràng là không khách quan mà ngay từ hôm công bố đã bị chính tổng giám đốc WHO chỉ trích (!), đã khởi đầu một sự thay đổi quan điểm trong giới khoa học. Cụ thể là một lá thư đăng trên tạp chí uy tín "Science" được 18 chuyên gia nổi tiếng nhất ký tên, trong đó có 13 giáo sư thuộc các trường đại học danh giá của Mỹ. Cho dù phải theo phong cách trung lập về chính trị trên các tạp chí khoa học (mỉa mai thay, Trung Quốc thì tha hồ phát tán thông tin), các tác giả xác quyết rằng giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm rất đáng tin cậy, cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Tiếp theo các lá thư ngỏ gởi đến WHO từ các tập thể khoa học ít nổi tiếng hơn, bài viết này đã phá vỡ "luật im lặng" do các nhóm gây áp lực thân Trung Quốc áp đặt, với sự thông đồng của các tạp chí y sinh học lớn. Các tờ này đã đăng những bài mỉa mai xu hướng nghi ngờ giả thiết virus truyền qua loài vật, cáo buộc "thuyết âm mưu" và những bài viết trả lời đều bị kiểm duyệt chặn lại.

Vì sao nhiều nhà khoa học bênh vực Viện Virus Vũ Hán ?

Có nhiều lý do. Trong số những người bênh vực Viện Virus học Vũ Hán hăng hái nhất, có Peter Daszak, một nhân vật nhiều ảnh hưởng, đứng đầu tập đoàn Ecohealth Alliance vốn cùng nghiên cứu với ê-kíp Zeng Li Shi từ năm 2014. Điểm đáng chú ý : ông này là thành viên người Mỹ duy nhất trong phái đoàn Tổ chức Y tế Thế giới đến Trung Quốc ! Bên cạnh đó còn có giáo sư Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cơ quan đã tài trợ 3,7 triệu đô la cho Ecohealth Alliance.

Mới đây ông Fauci đã bị các thượng nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích dữ dội vì những tuyên bố dối trá một cách vụng về. Thực tế các tài trợ này được dùng để làm các thí nghiệm nhằm tạo ra các biến thể độc hại hơn virus corona tự nhiên để nghiên cứu sự nguy hiểm của chúng đối với con người. Việc tài trợ đã bị chính quyền Donald Trump chận đứng vào tháng 5/2020, trên cơ sở thông tin tình báo nhấn mạnh việc virus thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán đã gây ra đại dịch.

Quyết định của ông Trump gây giận dữ cho nhiều nhà khoa học (trong đó có 77 giải Nobel). Rất có thể là vì họ ủng hộ đảng Dân chủ (vốn có quan hệ làm việc với Trung Quốc vì Bắc Kinh tuyển mộ nhiều). Từ đó đến nay, Dân chủ và Cộng hòa vẫn giữ quan điểm của mình về giả thuyết phòng thí nghiệm. Nhờ lá thư quan trọng trên "Science", giờ đây có thể hy vọng giả thuyết này có thể được xem xét một cách khách quan, nếu Trung Quốc cho phép - tác giả mỉa mai.

Tân Cương : Đền thờ Hồi giáo bị biến thành nhà vệ sinh công cộng !

Cũng liên quan đến Trung Quốc, đặc phái viên Simon Leplâtre của Le Monde có bài phóng sự dài về một "Mùa chay Ramadan dưới sự kiểm soát ở Tân Cương". Bản thân tác giả bị an ninh Trung Quốc theo sát gót khi thực hiện bài phóng sự.

Nhà báo Pháp mô tả cả các nhạc công chơi đàn trước cổng đền thờ Hồi giáo Id Kah, thánh địa chính ở Khách Thập (Kachgar), thành phố lớn của Tân Cương ; khoảng 100 người cùng nhày theo vòng tròn, các du khách người Hán tham gia với người Duy Ngô Nhĩ. Khung cảnh vui tươi, nhưng giả tạo, giống như là một cuộc tập dượt văn nghệ của học sinh ở nhà trường trước khi có quan khách đến thăm.

Tại Khách Thập, nhiều đền thờ Hồi giáo nhỏ đã bị gỡ mất chóp nhọn trên đỉnh, bị đóng cửa hoặc chuyển thành cửa hàng, quán bar. Thậm chí có một đền thờ bị biến thành nhà vệ sinh công cộng, các bồn nhỏ đựng nước thánh trở thành bồn tiểu !

Việc kiểm soát xã hội càng thấy rõ hơn tại các ngôi làng : trước cửa nhà dân treo những tấm bảng "gia đình văn hóa", "gia đình ôn hòa". Một biểu ngữ "Yêu đảng, yêu nước" được giăng trước đền thờ. Những người dân khi được phóng viên hỏi đều e dè trả lời đúng theo "chủ trương chính sách". Muốn được nghe lời nói thật phải đi xa hơn. Một sinh viên người Kazakhstan ở Thượng Hải cho biết thỉnh thoảng vẫn bị công an đến hỏi thăm, nhưng dù sao còn được tự do hơn ở Tân Cương.

Gaza dưới bom đạn

Chuyển sang vùng Trung Đông nóng bỏng, cuộc xung đột Israel-Palestine là chủ đề được báo chí đề cập nhiều nhất hôm nay. La Croix nói về"Chủ nhật đẫm máu ở Gaza", Le Figaro nhấn mạnh"Israel gia tăng không kích tại dải Gaza". Le Monde mô tả"Gaza : Nỗi sợ và sự tàn phá", Libération quan tâm đến"Trẻ em Gaza trước sự khủng khiếp của bom đạn".

Những xác người quấn kín trong vải liệm trắng trên xe tải, những rãnh sâu trên đường phố, các tòa nhà bị bom phá vỡ, những thân hình phủ đầy bụi chui ra từ những đống đổ nát - những hình ảnh quen thuộc, chỉ có những chiếc khẩu trang chứng tỏ đang ở vào năm 2021.

Ba tòa nhà ở Gaza hôm qua đã biến thành gạch vụn, 42 người thiệt mạng. Một nhà báo độc lập nói với Libération về tâm trạng sợ hãi ở khắp nơi liên quan đến chiến lược Israel đánh mạnh vào các đường hầm của phe Hamas. Thường dân biết những nơi Hamas đặt văn phòng nên họ tránh xa, tuy nhiên đường hầm thì không thể nào biết. "Mọi người đều nghĩ, có thể ngay dưới đường phố nơi mình cư ngụ, thật khủng khiếp !". Một ông cụ 70 tuổi sống ở tầng 6 một cao ốc 10 tầng kể lại lúc nửa đêm, hàng xóm đập cửa gọi dậy báo tin tòa nhà sắp bị tấn công, ông kịp chạy trước khi hỏa tiễn đâm vào tầng ba.

Những cao ốc sụp đổ như trong phim

Đường phố bị tàn phá khiến các toán cấp cứu khó vào đến nơi, các bệnh viện đông nghẹt người bị thương nhẹ. UNRWA, cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, cho biết đã có 38.000 người đến sơ tán tại 48 trường học, tương tự như hồi 2014, nhưng điểm khác biệt là lần này còn phải xử lý dịch Covid.

Ấn tượng nhất là vụ đánh sập cao ốc 13 tầng nơi đặt trụ sở hãng tin Mỹ AP và hãng tin Al Jazeera của Qatar. Theo quân đội Israel, tòa nhà này có một đơn vị thông tin, một bộ phận nghiên cứu và vũ khí công nghệ của Hamas. Đây vốn là chiến lược của Hamas, nhưng AP đòi bằng chứng. Tổng giám đốc AP Gary Pruitt cho biết, may thay, hơn một chục nhà báo và cộng tác viên đã sơ tán kịp. Theo Le Figaro, một sĩ quan Israel đã gọi điện báo trước cho chủ tòa nhà, cho thời hạn một tiếng đồng hồ, ông này xin thêm 10 phút nhưng không được đồng ý. Hiện hãng tin Pháp AFP đang cho các đồng nghiệp Mỹ "ở nhờ".

Phía Israel trước khi oanh kích thường báo cho cư dân, nhưng ở những địa điểm nghi có quân Hamas thì bị tấn công bất ngờ. Trước đó, hôm 11/05, cao ốc Al Shourouk có văn phòng của 7 tờ báo trong đó có Hamas đã thành gạch vụn, hôm sau tòa nhà 10 tầng Al Jawhara có trụ sở của 14 phương tiện truyền thông cũng cùng chung số phận. Đây còn là một cuộc chiến thông tin, vì tác động còn vượt ra ngoài lãnh thổ Palestine, mở rộng sang những người Ả Rập sống tại Israel, Jordan, Ai Cập và nói chung cả thế giới Ả Rập.

Netanyahou : Hamas tấn công thường dân Israel, núp sau thường dân Palestine

Các báo đều nhận định quốc tế đang bất lực trước cuộc xung đột Israel-Palestine mới nổ ra một tuần nay. Phương Tây chỉ biết đưa những lời kêu gọi cổ điển như "đối thoại", "kềm chế".

Theo Le Monde, thực tế là không còn "cộng đồng quốc tế", mà là một thế giới rạn vỡ, xáo trộn, cạnh tranh với nhau, không có đại cường thống trị. Đại dịch Covid đã đẩy nhanh sự tan vỡ của các cơ chế đa phương truyền thống. Châu Âu bị chia rẽ, một số nước như Pháp lo ngại "nhập khẩu" xung đột vào lãnh thổ mình và gia tăng nạn bài Do Thái. Số khác ở Đông Âu chận tất cả những ý định "chống Israel".

Thế nên Liên Hiệp Châu Âu từ chối gây áp lực lên Nhà nước Do Thái, hơn nữa việc Hamas bắn vô số loạt rốc-két vào các thành phố Israel bất kể mục tiêu dân sự cũng khó thể bênh vực. Le Figaro dẫn lời thủ tướng Netanyahou nhấn mạnh Hamas đã "phạm tội ác chiến tranh đến hai lần : họ nhắm vào thường dân của chúng tôi và ẩn nấp sau thường dân Palestine bị dùng làm bia đỡ đạn".

Quốc tế bất lực

Trong khi đó Nhà Trắng vẫn không thay đổi chính sách so với thời Donald Trump. Les Echos cho biết ông Joe Biden dù không chú trọng cuộc xung đột Israel-Palestine, nhưng trong ba ngày qua đã điện đàm với Benjamin Netanyahou hai lần, trong khi ông chỉ gọi cho thủ tướng Israel một lần từ khi nhậm chức, và tất nhiên cũng nói chuyện với chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas.

Mỹ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ tại Israel, và không còn lãnh sự phụ trách vấn đề Palestine. Vì vậy, ba thành viên khác của Bộ Tứ về Trung Đông (Nga, Liên Hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Quốc), thành lập năm 2020, lại phải bắt tay vào việc. Le Figaro ghi nhận Trung Quốc hiện là chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An tháng này, bênh vực người Hồi giáo Palestine và đả kích việc Hoa Kỳ phản đối một hội nghị về Gaza, trong khi lâu nay Bắc Kinh vẫn luôn ngăn chặn tất cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Le Monde nhận xét lần này phe Hồi giáo Hamas ra tay mạnh mẽ "tiên hạ thủ vi cường" để áp đặt một tương quan lực lượng mới với Israel, lại vừa đóng vai người đấu tranh cho quyền lợi Palestine, nhấn mạnh sự bất lực của đối thủ Abbas thủ lãnh Fatah. Đây là một bước ngoặt cho Yahya Sinouar, thủ lãnh Hamas ở Gaza từ 2017.

Nguy cơ nội chiến

La Croix cho biết Sinouar từng bị Israel bắt giam năm 1988 vì "hoạt động khủng bố" và lãnh đến ba bản án chung thân. Ông ta đã ở tù 22 năm rồi được thả ra vào tháng 10/2011 trong khuôn khổ đổi 1.000 tù nhân Palestine lấy một quân nhân song tịch Pháp-Israel, Gilat Salit bị Hamas bắt giữ. Là người thực dụng, Sinouar tham gia "tiến trình hòa giải" với ông Abbas nhằm trút một phần trách nhiệm việc quản lý tồi tệ của Hamas ở dải Gaza ; và thỏa thuận với Israel việc ngưng bắn rốc-kết để được giảm nhẹ cấm vận, nhận những vali tiền mặt từ Qatar.

Nhà nghiên cứu Omer Dostri cho rằng "Mục tiêu của Israel là làm yếu đi lâu dài sức mạnh của Hamas, điều này vẫn chưa đạt được". Hamas đang cậy vào kho vũ khí dồi dào và chính xác hơn hồi năm 2014, đồng thời hy vọng sự nổi dậy của người Palestine ở Cisjordanie và Israel.

Theo Le Monde, trước một quân đội cực mạnh như Israel, việc không bị tiêu diệt đã có thể coi là một thắng lợi của phe Hồi giáo này. Trong bài "Israel trước sự thức tỉnh thô bạo của ngọn núi lửa Palestine" đăng trên Les Echos, nhà chính trị học Dominique Moisi nhận định, cuộc xung đột giờ đây không chỉ là giữa người Israel và người Palestine, mà là giữa người Do Thái và Ả Rập. Cũng có thể Hoa Kỳ, Ai Cập và Qatar, với sức mạnh, ảnh hưởng và tiền bạc có thể áp đặt được một thỏa thuận. Nhưng cuộc xung đột Israel-Palestine đã tìm lại tầm vóc ban đầu hồi năm 1936, và có nguy cơ trở thành nội chiến.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 460 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)