Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/06/2021

Điểm báo Pháp - "Thuế tối thiếu toàn cầu" của G7

RFI tiếng Việt

"Thuế tối thiếu toàn cầu" của G7 : Đầy hứa hẹn, nhưng nhiều gian truân

Sự kiện khối G7 đạt đồng thuận "lịch sử" về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% tiếp tục là chủ đề hàng đầu của nhiều nhật báo Pháp. Một sự kiện "lịch sử" khác : lần đầu tiên đại gia Google bị phạt về tội lạm dụng thế độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo trên mạng, Google chấp nhận nộp cơ quan hữu trách của Pháp 200 triệu euro, và cam kết chấm dứt cách làm này trên quy mô toàn cầu.

thue1

Các bộ trưởng tài chính G7 họp tại Luân Đôn, ngày 04/06/2021.  © Reuters/Stefan Rousseau

Tại Mỹ, 14 bang do đảng Cộng hòa kiểm soát tìm cách đổi luật bầu cử để giành lợi thế, thêm thông tin cho thấy sự mờ ám của một số nghiên cứu liên quan đến Covid-19 tại Vũ Hán là một số chủ đề chính khác của báo chí Pháp hôm nay.

Trước hết về chủ đề G7 đạt đồng thuận về "thuế tối thiểu" với các tập đoàn đa quốc gia, Le Monde có bài xã luận nhan đề "Một thỏa thuận đầy hứa hẹn về thuế toàn cầu". Le Monde nhận định sáng kiến này là "một bước tiến quyết định hướng đến chỗ thay đổi triệt để hệ thống thuế toàn cầu". Việc khối 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới đồng thuận về một mức thuế chung tối thiểu "mang lại các phương tiện cho phép chấm dứt cuộc chiến lách thuế, để chỉ phải nộp thuế ít nhất có thể, vốn đã thống trị nền kinh tế toàn cầu từ nhiều thập niên nay".

Hai trục cải cách chính

Cuộc cải cách thuế toàn cầu gồm hai trục chính. Trục thứ nhất là mang lại các quyền đánh thuế mới cho các quốc gia, vốn là các thị trường của các tập đoàn đa quốc gia, nhưng lại không phải là nơi các công ty đặt trụ sở. Tổng số tiền thuế thu được sau đó sẽ được các nước chia lại theo một số quy tắc sẽ được xác lập qua các đàm phán.

Trục cải cách thứ hai là "mức thuế tối thiểu". Doanh nghiệp chọn đóng trụ sở tại một quốc gia có mức thuế thấp sẽ phải trả bù phần tiền thuế chênh lệch, giữa quốc gia đặt trụ sở và quốc gia nơi tập đoàn tiến hành các hoạt động kinh doanh và thu lợi nhuận. Nhờ các quy tắc mới, các tập đoàn lớn sẽ không còn thấy có lợi gì khi di chuyển trụ sở đến "các thiên đường thuế", để tránh thuế.

Cái lợi đã rõ ràng đối với các quốc gia bị mất thuế lâu nay, và đây là điều "cần hoan nghênh". Tuy nhiên, Le Monde cũng cảnh báo có hàng loạt điều cần thận trọng. Cụ thể là trong việc các biện pháp cụ thể nào để thực thi mục tiêu này sẽ được quyết định tại hội nghị bộ trưởng Tài Chính khối G20 (bao gồm các thành viên G7 và nhiều cường quốc kinh tế khác) ngày 9 và 10/07. Cho đến nay, chỉ có khoảng 100 tập đoàn lớn có liên quan đến cuộc cải cách thuế. Theo Le Monde, con số đó là quá ít so với số lượng các công ty đa quốc gia đang lạm dụng các biện pháp "tối ưu hóa thuế" hiện nay. Hàng loạt lĩnh vực như khai khoáng hay các tập đoàn tài chính cũng không phải là đối tượng của cải cách này.

Việc phân chia lại tiền thuế một cách công bằng hiện cũng là vấn đề để ngỏ. Mức thuế tối thiểu cũng là chủ đề căng thẳng khác. Rất nhiều tổ chức phi chính phủ lên án việc các cường quốc hạ mức này xuống còn 15%, trong lúc hai tháng trước Hoa Kỳ từng đưa ra con số 21%.

Cải cách mới đi được chặng đầu 

Một câu hỏi khác của được Le Monde đặt ra là : Vì sao các tập đoàn Google, Amazon hay Facebook lại hoan nghênh đồng thuận của G7, trong lúc các đại gia này đã từng làm đủ cách để chỉ phải trả ít thuế nhất những năm gần đây ? Phải chăng họ đã thở phào nhẹ nhõm khi cảm thấy lẽ ra cuộc cải cách đã có thể khiến họ phải thiệt hại nhiều hơn ?

Hiện tại cuộc cải cách mới chỉ đi được phần đầu của chặng đường. Còn rất nhiều ẩn số. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng về nguyên tắc, dự án này là "đầy hứa hẹn". Một khi dự án này được quốc tế nhất trí và quyết định phối hợp, mỗi nước có quyền đưa ra các sáng kiến riêng, cụ thể là đặt ra các mức thuế cao hơn mức tối thiểu 15%.

Công luận các quốc gia cũng có điều kiện gây áp lực cho một chính sách đánh thuế công bằng hơn. Vấn đề bây giờ là chính quyền các nước phải có được sự dũng cảm để "nắm lại quyền kiểm soát về thuế, mà họ đã để đánh mất trong một thời gian quá dài".

"Thiên đường thuế" mất thế, nhưng các tập đoàn đa quốc gia thì không

Cũng về chủ đề này, nhật báo thiên tả Libération đăng tải bài bình luận của chuyên gia Anne-Laure Delatte, Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), với nhan đề "Sự kiện lịch sử : G7 cam kết có một sắc thuế chung tối thiểu toàn cầu".

Chuyên gia CNRS hoan nghênh quyết định cho phép "thay đổi tương quan lực lượng" giữa các quốc gia và "các thiên đường thuế", như Ireland. Bởi nếu Ireland chỉ đánh thuế ở mức 10%, nhằm thu hút các công ty, thì nước Pháp chẳng hạn sẽ có quyền lấy lại thuế 5% lợi nhuận, để đạt mức tối thiểu quy định là 15%. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý là nếu chính quyền các nước giành lợi thế so với các thiên đường thuế, thì tình hình hoàn toàn không tương tự với các tập đoàn đa quốc gia.

Theo tính toán của Đài quan sát Thuế của Châu Âu, nếu mức thuế tối thiểu là 25%, nước Pháp sẽ thu được thêm 26 tỉ euro thuế hàng năm. Ngược lại, với mức tối thiểu 15% hiện nay, mức thuế thu thêm chỉ là 4 tỉ euro. Libération cho rằng Liên Âu đã không ủng hộ dự án đánh thuế cao của chính quyền Mỹ, và đây thật là điều đáng tiếc.

Liên Âu hướng đến từ bỏ nguyên tắc đồng thuận

Vẫn chủ đề thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu, La Croix có bài xã luận nhìn từ một góc khác, với nhan đề "Một Liên Âu không có quyền phủ quyết". Theo nhật báo Công giáo, nước Đức từ nhiều ngày nay đang vận động cho một dự án chấm dứt quy định đồng thuận 100% của Liên Hiệp, nhằm chuẩn bị điều kiện cho cuộc cải cách thuế toàn cầu quan trọng này. Hôm qua, 07/06, tại Berlin, ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố : "Quy tắc một nước có quyền phủ quyết sẽ phải chấm dứt, cho dù chúng ta có bị rơi vào nhóm thiểu số".

La Croix nhấn mạnh, với dự án cải cách quan trọng này, Liên Âu đang hướng đến một "thể chế mang tính liên bang", với sự gắn bó mật thiết hơn, và sẽ tránh được các đàm phán vô cùng kỳ tận chỉ để đạt đồng thuận. Còn nhiều chuyện phải làm để cải cách thành công, đặc biệt là việc xây dựng một cơ chế ra quyết định chung với một "đa số có chất lượng", để hạn chế được các bất cập của quy định bỏ quyền phủ quyết. La Croix bình luận hài hước : Các quy tắc mới chắc chắn sẽ phải được thông qua với sự nhất trí của toàn bộ các thành viên Liên Hiệp.

Google nộp phạt cho Pháp 220 triệu, chấp nhận thay đổi lối chơi

Google phải nộp phạt cho ngành thuế của Pháp 220 triệu euro và phải thay đổi một số cách kinh doanh độc quyền bất chính (vừa bị Pháp trừng phạt) trên quy mô toàn cầu là chủ đề chính của nhật báo kinh tế Les Echos, với tựa lớn trang nhất : "Google lạm dụng vị thế độc quyền".

Bài "Quảng cáo trên mạng : Google bị phạt 220 triệu euro do lạm dụng vị thế độc quyền" của Les Echos dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Cạnh tranh Pháp (ADCL), bà Isabelle de Silva, hôm qua, khẳng định vụ việc này có "ý nghĩa lịch sử". Theo Les Echos, Google lạm dụng vị thế độc quyền ở chỗ là đã thao túng các quy định để loại trừ các đối thủ ra khỏi hai khâu chính, hoạt động bán không gian quảng cáo trên mạng và đăng quảng cáo trên mạng, thông qua các thủ thuật về công nghệ. Cơ quan điều tra Pháp kết luận : hoạt động hướng đến chỗ thu được lợi nhuận tối đa bằng các thủ đoạn này là hoàn toàn bất hợp pháp. Sau khi nộp phạt cho Pháp, Google cũng phải đối đầu với loạt kiện cáo từ phía nhiều nạn nhân.

Bài bình luận "Google toàn năng" của Les Echos nhận xét : "Gọng kìm đã siết chặt với Google và các đại gia khác trong nhóm GAFA. Trong một thời gian dài, các tập đoàn khổng lồ của Mỹ, trở nên hùng mạnh nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số, đã được hưởng rất nhiều ưu đãi". Các tập đoàn đa quốc gia nói trên "thường cung cấp các dịch vụ tuyệt vời, đôi khi là miễn phí", được đông đảo những người tiêu thụ hưởng ứng, hoan nghênh. Việc ông chủ các đại tập đoàn thường xuất phát từ tay trắng, lập ra các thị trường mới, trên internet, trên điện thoại di động, cho phép họ có được vị thế độc quyền, và tự mình xác lập luật chơi cho riêng mình.

Les Echos ghi nhận, trong thời gian gần đây, các đại gia kỹ thuật số đang đứng trước áp lực từ mọi phía. Dưới sự chủ trì của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), khối G7 vừa đạt đồng thuận về mức thuế tối thiếu toàn cầu, mà đối tượng hàng đầu là nhóm GAFA. Trên khắp các lục địa, các tòa án, cơ quan chống độc quyền trong thương mại không ngần ngại trừng phạt các đại công ty.

Theo Les Echos, cần phải vui mừng, vì cho dù 220 triệu euro chưa phải là một khoản tiền lớn so với lợi nhuận của hãng (bằng khoảng 2%), việc này cho thấy các tội phạm kinh tế từ giờ sẽ buộc phải trả giá.

Trung Quốc dùng Úc để trắc nghiệm phản ứng của phương Tây

Về thời sự Châu Á – Thái Bình Dương, Le Figaro dành nhiều trang cho cuộc đối đầu gia tăng trên nhiều lĩnh vực, từ cấm vận, tăng thuế, đe dọa từ một năm nay giữa Trung Quốc và Úc. Le Figaro nhấn mạnh, chính quyền Úc muốn giới hạn ảnh hưởng của Bắc Kinh, cũng là khách hàng số một của Úc, là "tuyến đầu của cuộc cạnh tranh quyết liệt toàn cầu". Theo kinh tế gia Barthélémy Courmont, Đại học Công giáo Lille, và giám đốc nghiên cứu của IRIS, Bắc Kinh coi Úc như dịp để trắc nghiệm, thăm dò phản ứng của nhiều quốc gia Châu Á, và phương Tây.

Mỹ : Cải cách luật bầu cử tại 14 bang Cộng hòa để giành lợi thế

Tình hình chính trị Mỹ, với cải cách luật bầu cử tại 14 bang do phe Cộng hòa kiểm soát, bị đảng Dân chủ lên án, là chủ đề trang nhất của Le Figaro. Chẳng hạn, bang Georgia, nơi ứng cử viên Biden giành chiến thắng với chênh lệch không đáng kể, đã thông qua một luật bầu cử mới, với hàng loạt quy định siết chặt, như số lượng nơi tiếp nhận phiếu bầu trước kỳ hạn bị giảm bớt, hay cấm cung cấp nước và đồ ăn cho những người xếp hàng chờ đến lượt bầu… Luật mới cũng tước vị trí phụ trách ủy ban bầu cử của tổng thư ký bang, một dân biểu Cộng hòa, đã từng chống lại áp lực của ông Trump, đòi thay đổi kết quả bầu cử. Dự án cải cách luật bầu cử tại bang Texas tạm thời bị đình chỉ, do phe Dân chủ phản đối quyết liệt.

Những món quà lớn của Biden trước chuyến công du Châu Âu

Liên quan đến Hoa Kỳ và chính trị quốc tế, Le Figaro có bài bình luận của nhà báo Renaud Girard, chuyên gia về địa chính trị, về chuyến công du Châu Âu sắp tới của ông Joe Biden, với tựa đề "Biden có phải là lãnh đạo của liên minh các nền dân chủ ?". Nhà báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến một bài phát biểu của Joe Biden đăng ngày 05/06 trên Washington Post, có nhiều thông tin quan trọng.

Trước chuyến công du Châu Âu, nguyên thủ Mỹ đã có nhiều món quà lớn. Thứ nhất là việc từ bỏ các trừng phạt nhắm vào dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2, nối liền Nga và Đức. Với quyết định này, Biden nhắm hai mục đích. Thứ nhất chứng minh với Nga rằng Moskva không phải là đối thủ kinh tế (ngược với Trung Quốc). Thứ hai, đây là một quyết định rất có lợi cho nước Đức của Merkel, vốn có nhiều quan hệ làm với mật thiết với Trung Quốc, cho dù chấp nhận từ bỏ hợp tác trong lĩnh vực 5G. Món quà lớn thứ hai là thỏa thuận về thuế toàn cầu tối thiểu 15%, mà đối tượng chính là các công ty đa quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà báo Le Figaro, có nhiều điểm vắng bóng trong tuyên bố của ông Biden, như mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ, với tham vọng bành trướng, và nguy cơ thánh chiến từ nam sa mạc Sahara và Cận Đông.

7 câu hỏi then chốt về nguồn gốc virus Sars-CoV-2

Về đại dịch Covid-19, Le Monde dành hồ sơ "7 câu hỏi then chốt về nguồn gốc của virus gây bệnh Covid-19". Bài viết nhấn mạnh đến nhiều loại virus corona được coi là nguy hiểm, hiện diện tại các cơ sở nghiên cứu virus ở Vũ Hán, mà chính quyền Trung Quốc không công bố.

Hồ sơ của Le Monde chú ý đến việc các cơ sở dữ liệu của Viện WIV biến mất. Đây là các dữ liệu về các virus còn sống hay đã được giải trình tự gien, được cất giữ trong tủ lạnh hoặc máy tính của Viện. Cơ sở dữ liệu này bị ngắt mạch vào ngày 12/09/2019, tức trước khi có thông tin về những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Nhà virus học Trung Quốc Thạch Chính Lệ, một lãnh đạo của WIV thì lại đưa ra một giải thích khác, đó là cơ sở dữ liệu bị ngắt mạch sau khi dịch bùng phát, do bị tấn công tin học.

Một ghi chép chính thức, được lưu trữ tại Viện WIV, cũng cho biết cụ thể về một dự án khởi sự năm 2018, với kinh phí tương đương 32.000 euro, có mục tiêu tìm hiểu về khả năng gây bệnh của hai loài virus nơi loài dơi, gần với virus SARS, trên các con chuột biến đổi gien, có thụ thể ACE2, giống như người.

Pháp : Nhân viên bắt đầu dần dần trở lại làm việc trực tiếp

Vẫn liên quan đến đại dịch Covid, bắt đầu từ ngày 9 tháng 4, các nhân viên được kêu gọi trở lại làm việc tại văn phòng, phương thức làm việc từ xa sẽ giảm mạnh. Việc trở lại văn phòng, thách thức mới với các doanh nghiệp là tựa lớn trang nhất của Le Monde. Theo Le Monde, việc trở lại sở làm sẽ không diễn ra đột ngột ào ạt, mà nói chung sẽ được tiến hành từng bước, thận trọng.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 419 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)