Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/06/2021

Điểm báo Pháp – Trung Quốc, mối đe dọa mới của NATO Anh Vũ

RFI tiếng Việt

Trung Quốc, mối đe dọa mới của NATO

Vài ngày qua, các sự kiện thời sự nóng đang diễn ra tại Châu Âu. Các báo Pháp ra hôm 15/06/2021 đều dành nhiều trang bài về các cuộc gặp thượng đỉnh NATO diễn ra hôm qua và thượng đỉnh Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu hôm nay và cuộc gặp mặt đối mặt giữa Biden và Putin ngày mai.

tqnato1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc họp báo ở trụ sở Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO ở Bruxelles (Bỉ), ngày 14/06/2021.  AP - Patrick Semansky

Về cuộc họp Liên minh Bắc Đại Tây Dương, nhật báo Le Figaro nhận định qua bài viết mang tựa đề "NATO : các đồng minh siết chặt hàng ngũ và cảnh cáo Trung Quốc".

Quả thực đây là một phiên họp thượng đỉnh mang nghiều tín hiệu mới mẻ sau 4 năm sóng gió của dưới thời tổng thống Donald Trump cùng nhiều biến động trên bình diện địa chính trị quốc tế. Nhật báo Pháp ghi nhận, "lần đầu tiên từ cuộc gặp thượng đỉnh tai hại hồi tháng 07/2018, các đồng minh hội ngộ ngày thứ Hai tại trụ sở của NATO, ở Bruxelles. Không có gì làm rối loạn cuộc hội ngộ của họ".

Mọi sự chú ý hướng về sự có mặt của tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguyên thủ Hoa Kỳ được kỳ vọng mang đến sức sống mới cho mối liên mình. Ngay khi tới thượng đỉnh NATO, ông Biden đã tuyên bố : "Tôi muốn cả Châu Âu biết là Hoa Kỳ có mặt ở đây" và nhấn mạnh NATO có "tầm quan trọng sống còn" với nước Mỹ. Khác hẳn với người tiền nhiệm Donald Trump, tổng thống Biden đã làm các đồng minh yên tâm và tạo bầu không khí đoàn kết trước khi bắt tay vào hàng loạt các hồ sơ chính.

Theo Le Figaro, một trong những mối quan tâm chính của các đồng minh tại cuộc họp là nước Nga, thể hiện qua tuyên bố với giọng đầy cảnh báo "chừng nào Nga không tỏ cho thấy họ tôn trọng luật pháp quốc tế và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm quốc tế, thì không thể có sự trở lại bình thường".

Tổng thống Mỹ đã tỏ đồng tình, tuyên bố trong cuộc họp báo tối qua rằng "Chúng ta không tìm kiếm xung đột với Nga, nhưng chúng ta sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục các hoạt động của họ".

Trung Quốc đối thủ mới nổi lên

Le Figaro nhận thấy, hồ sơ mới nổi lên ở kỳ thượng đỉnh này chính là Trung Quốc. Các cuộc đàm phán xung quanh tuyên bố chung liên quan đến đối tượng này đã diễn ra khó khăn. "Chính quyền Mỹ cố gắng kéo các nước Châu Âu vào trong ám ảnh địa chiến lược của họ".

Cuối cùng thì ngôn từ và giọng điệu của các đồng minh đối với Bắc Kinh rõ ràng là mạnh mẽ hơn với kỳ thượng đỉnh tại Luân Đôn năm 2019. Lần này tuyên bố chung của NATO dành hai đoạn dài, đầy ắp nội dung cho Trung Quốc. Các nguy cơ và đe dọa được nêu lên rõ ràng, từ "các chính sách hống hách" đến "kho vũ khí hạt nhân", từ việc "hiện đại hóa quân sự không minh bạch" cho đến việc bóp méo thông tin. Các lãnh đạo NATO nhấn mạnh "các tham vọng được Trung Quốc tuyên bố và cách ứng xử quyết đoán của họ là những thách thức có hệ thống với trật tự quốc tế dựa trên cơ sở các quy tắc và đối với an ninh của đồng minh trong nhiều lĩnh vực".

Le Figaro đặt câu hỏi, liệu có thể coi đây là thắng lợi cho đường lối của Mỹ ? Một số nhà quan sát tin là như vậy, tuy vẫn còn quá sớm để khẳng định. Chuyên gia Ian Bond, giám đốc bộ phận chính sách đối ngoại tại Center For European Reform, được tờ báo trích dẫn nhận định "Các đồng minh giờ đây phải giải thích họ đáp trả thách thức này thế nào. Liên Hiệp Châu Âu, lần đầu tiên đã nói đến Trung Quốc như một đối thủ mang tính hệ thống hồi năm 2019. Từ đó đến này Châu Âu vẫn còn lưỡng lự cho câu trả lời" bởi vẫn còn cân nhắc với lợi ích kinh tế. Điển hình là Berlin, bà thủ tướng Angela Merkel đã tuyên bố sau cuộc gặp : "Trung Quốc là đối thủ trên nhiều vấn đề, đồng thời, Trung Quốc cũng là đối tác trên nhiều vấn đề".

Nhìn chung các báo đều chung nhận xét là cuộc họp thượng đỉnh NATO diễn ra tuy ngắn (3 giờ) đã thành công với việc mạnh mẽ răn đe Nga và lần đấu tiên trong lịch sử hơn 70 năm, NATO đã chỉ đích danh Trung Quốc như là một đe dọa và cùng gửi đến Bắc Kinh lời cảnh cáo rõ ràng. Có được thành công này trước hết bởi có sự trở lại thực sự của nước Mỹ dưới thời chính quyền Joe Biden. Les Echos nhận định : "NATO : Một kỳ thượng đỉnh đánh dấu thành công lớn của ngoại giao Hoa Kỳ".

Nước Mỹ trở lại, Châu Âu vẫn cần tự chủ

Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO, tổng thống Mỹ nhiều lần nói đến tầm quan trọng hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu. Hôm nay, ông Joe Biden có cuộc họp chính thức với EU để tái khẳng định "nước Mỹ đã trở lại" với đồng minh Châu Âu.

Đây là chủ đề chính của trang quốc tế nhật báo Libération với hàng tựa : "Hoa Kỳ-Châu Âu, đến thời hội ngộ và tỉnh ngộ". Tờ báo đặt vấn đề liệu có phải đã đến lúc Châu Âu lại được sống yên ổn dưới cái ô che chở của Chú Sam như từ 1945 ? Theo Libération, đa số các nước Châu Âu hy vọng.

Cuộc gặp giữa chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày hôm nay tại Bruxelles mang tính biểu tượng. Cuộc gặp thương đỉnh này đánh dấu sự trở lại của nước Mỹ với chủ trương đa phương mà Châu Âu rất gắn bó, trong khi có rất nhiều hồ sơ lớn của quốc tế đang cần có sự phối hợp hành động của hai bên Hoa Kỳ và EU.

Tuy nhiên tờ báo cũng lưu ý là sự trở lại không thể như trước. Chắc chắn đó không có chuyện lật lại chủ trương bảo hộ kinh tế vì điều này liên quan đến lợi ích kinh tế của người Mỹ. Ông Joe Biden không có ý định xóa đi khẩu hiệu "nước Mỹ trước tiên" của Donald Trump. Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu vẫn còn nhiều bất đồng về thương mại, quan hệ kinh tế.

Mặt khác, theo Libération, các nước Châu Âu phải hiểu là chính sách đối ngoại Mỹ giờ xoay hẳn về hướng Trung Quốc mà tham vọng thống trị thế giới về kinh tế cũng như công nghệ, về chính trị cũng như quân sự của nước này đang gây hại đến vị thế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ. Trong chiến lược đó, dưới mắt Hoa Kỳ, Châu Âu chỉ đóng vai trò hỗ trợ nếu cần thiết. Các chuyên gia được Libération trích dẫn đều có chung nhận định Châu Âu cần phải chứng tỏ độc lập, không thể ảo tưởng vào sự che chở của nước Mỹ.

Cùng chung góc nhìn, với Libération, nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Trước Biden, các nước Châu Âu ở giữa tâm trạng thở phào nhẹ nhõm và cảnh giác". Tờ báo nhấn mạnh, cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu ÂU và Hoa Kỳ, hôm nay tại Bruxelles phải là dịp xuất phát mới trong quan hệ hai bờ Đại Tây Dương. Thiện chí hòa dịu của Mỹ sau những năm tháng dưới thời Donald Trump là rõ ràng, nhưng sự thận trọng vẫn cần thiết và nhu cầu tự chủ chiến lược của Châu Âu vẫn còn tính thời sự.

Sự cố phóng xạ lò phản ứng hạt nhân tại Trung Quốc

Một thời sự liên quan đến Trung Quốc được các báo Pháp hôm nay đồng loạt đăng tải với nhiều lo lắng. Đó là thông tin về sự cố rò rỉ phóng xạ tại trung tâm điện hạt nhân tại Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Le Figaro cho biết, một sự cố rò rỉ khí phóng xạ trong chu trình bên trong một lò phản ứng thế hệ EPR ở Trung Quốc đã vượt qua khả năng xử lý của trung tâm hạt nhân, có nguy cơ gây thoát ra ngoài không khí. Trong khi đó chính quyền không muốn dừng lò phản ứng lại. Hai lò phản ứng hạt nhân EPR tại Đài Sơn Trung Quốc là duy nhất thuộc thế hệ hiện đại xây dựng theo thiết kế công nghệ Pháp đang hoạt động trên thế giới. Tựa chính trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos "Hạt nhân : Báo động Trung Quốc".

Theo tờ báo, giới chuyên môn về hạt nhân đang đều hướng về trung tâm điện hạt nhân Trung Quốc, Đài Sơn, được xây dựng trong tỉnh Quảng Đông, cách Hồng Kông không xa. Hôm qua sau phát hiện của kênh thông tin Mỹ CNN, tập đoàn điện lực quốc gia Pháp, EDF, chủ thiết kế xây dựng và công nghệ các lò phản ứng EPR, xác nhận đã được thông báo về sự cố của lò phản ứng số 1, trung tâm Đài Sơn. Nguyên nhân và hậu quả của sự cố đến giờ chưa được xác định.

Le Figaro cho biết thêm, trung tâm điện hạt nhân Đài Sơn được khánh thành năm 2018, liên doanh với tập đoàn EDF của Pháp, đánh dấu tham vọng Trung Quốc phải là cường quốc điện hạt nhân đứng đầu thế giới, trong khi mà nhiều nước đang quay lưng lại với điện hạt nhân sau vụ tai nạn thảm họa Fukushima, năm 2011. Với năm chục lò phản ứng đang hoạt động và 18 lò đang xây dựng, Trung Quốc hiện đứng thứ 3 thế giới về số lò phản ứng hạt nhân, sau Hoa Kỳ và Pháp.

EURO : Pháp-Đức, trận cầu sốc trong ngày ra quân

Phần cuối của mục điểm báo hôm nay dành cho thể thao, với sự kiện đặc biệt trong ngày : Đội tuyển Pháp hôm nay ra quân tại vòng chung kết EURO với trận đấu lớn gặp tuyển Đức tại Munich. Hầu hết tất cả các báo đều nói về trận đấu tối nay. Le Figaro gọi trận đấu là "cú sốc ở đỉnh cao" của các cầu thủ Áo Lam trong ngày đầu tiên ở EURO. Các báo đều cho rằng trận mở màn này cực kỳ quan trọng, dù chưa phải là quyết định với tuyển Pháp ở hành trình chinh phục đỉnh cao bóng đá Châu lục lần này. Các báo còn dành nhiều bài viết của giới quan sát bóng đá phân tích chiến thuật, cá nhân các cầu thủ Pháp chuẩn bị cho trận đấu tối nay trước tuyển Đức, đại diện cho nền bóng đá dày truyền thống và thành tích nhất Châu Âu. Các tờ báo như La CroixLe Monde thì tập trung vào tiền đạo Karim Benzema, cây làm bàn của Real Madrid vừa mới được huấn luyện viên Didier Deschamps gọi trở lại đội tuyển quốc gia. Tất cả đều nuôi hy vọng danh thủ 32 tuổi này sẽ làm nên sự khác biệt trong trận cầu lớn tối nay tại Munich, tạo đà cho đội tuyển Pháp tiến xa trong giải đấu.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 342 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)