Trước đe dọa của biến thể Delta, Pháp "huy động tổng lực" cho tiêm chủng
Chủ đề được các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều vẫn là mối lo biến thể Delta đang có xu hướng lây lan mạnh ở Châu Âu. Vũ khí duy nhất để ngăn chặn Covid-19 bùng trở lại lúc này là vac-xin, Pháp cũng như nhiều nước Châu Âu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho dân chúng.
Tại một trung tâm tiêm chủng ở Nantes, Pháp. Ảnh chụp tháng 5/2021. © Stephane Mahe/Reuters
Tựa lớn trang nhất báo Le Figaro kêu gọi : "Tiêm chủng : khẩn cấp huy động". Tờ báo cho thấy, để ngăn chặn biến thể Delta đang có xu hướng lan rộng ở Pháp và làm dịch bùng lên dữ dội trở lại tại nhiều nước Châu Âu. Cách làm tốt nhất hiện nay là đẩy nhanh nhịp độ chiến dịch tiêm phòng Covid ngay trong mùa hè này. Đây cũng là giải pháp duy nhất cho phép hạn chế hậu quả của đợt dịch mới đang manh nha bùng lên trở lại.
Hiện chủng virus Delta đã xuất hiện trong 40% các ca bệnh ở Pháp. Trước tình hình ngày càng trở nên khẩn cấp, chính phủ Pháp hôm qua đã kêu gọi "huy động tổng lực" cho tiêm chủng. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa thông báo những biện pháp cụ thể đối với 33% dân từ độ tuổi 18 trở lên chưa tiêm phòng vì nhiều lý do khác nhau. Theo Le Figaro, tuần tới trong cuộc họp với Hội đồng cố vấn chống dịch, chính phủ Pháp sẽ phải tính đến khả năng tiêm chủng bắt buộc đối với những đối tượng là các nhân viên y tế, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng giấy thông hành y tế đối với một số tụ điểm cửa hàng hay quán ăn.
Tờ báo nhận thấy, "tiêm ngừa Covid-19 giờ thực sự là cuộc chạy đua với thời gian". Trước mắt chính quyền đặt mục tiêu phải hoàn tất liều tiêm thứ 2 cho 40 triệu dân Pháp vào cuối tháng 8. Hiện tại mỗi tuần Pháp thực hiện được khoảng 4 triệu liều và gần 52% dân đã được tiêm một liều. Nhìn vào tiến độ cũng như nguồn cung ứng vac-xin, có vẻ như Pháp dễ dàng đạt mục tiêu 70% dân được miễn dịch cộng đồng, nhưng trên thực tế chiến dịch tiêm chủng ở Pháp cũng vấp phải trở ngại ở những người hoài nghi vac-xin, họ nhân danh quyền tự do cá nhân, không thể bắt ép mọi người tiêm vac-xin. Nhưng có điều nghịch lý, một khi dịch Covid bùng lên thì liệu quyền tự do cá nhân có còn được bảo đảm.
Xã luận của Le Figaro ghi nhận, "những quyền tự do của mọi người đã bị cản trở từ khi đại dịch Covid hoành hành dữ dội. Đó là khi phải sống trong những lệnh phong tỏa, giới nghiêm bức bội, nơi vui chơi giải trí tắt đèn, cửa hàng, trường học đóng cửa, đường phố hoang vắng". Để tránh không bị rơi vào những ràng buộc hạn chế các quyền tự do cá nhân một lần nữa thì chỉ có cách tiêm chủng.
Tăng tốc tiêm chủng, mỗi nước một cách làm
Trong chủ đề thúc đẩy tiêm chủng ngừa Covid, Le Figaro có bài giới thiệu một số cách làm hay cho chiến dịch tiêm chủng ở một số nước Châu Âu.
Nước Anh được đánh giá khá thành công trong chiến dịch tiêm chủng với vac-xin chủ yếu được sử dụng là AstraZeneca. Những thông tin không hay về phản ứng phụ của loại thuốc chủng này không hề làm giảm tốc độ tiêm chủng ở nước này. Đó là do cơ quan y tế biết cách thông tin với dân chúng, một mặt khẳng định không có sự khác biệt về độ an toàn giữa sản phẩm của Pfizer với AstraZeneca. Mặt khác, người muốn tiêm khi lấy hẹn không ai được biết mình sẽ được tiêm loại vac-xin nào.
Hy Lạp thì kết hợp biện pháp khuyến khích và tố giác. Chính phủ dành một số ưu đãi cho những người đã tiêm chủng. Ngay từ ngày 15 tháng 7 tới các quán ăn, nhà hát rạp chiếu phim sẽ được mở cửa, với hạn mức 85% sức chứa và người vào không phải đeo khẩu trang. Nhưng chỉ dành cho những người đã tiêm chủng.
Để khuyến khích lứa tuổi trẻ đi tiêm, chính quyền tặng phiếu giảm giá vé đi lại trị giá 150 euro. Hiện 40% dân Hy Lạp đã được tiêm đủ hai liều vac-xin, con số vẫn còn xa với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối tháng 8. Trong khi tỷ lệ lây nhiễm trong nước những ngày qua tăng 76% những ngày qua, chính quyền càng nỗ lực thúc đẩy tốc độ tiêm chủng song song với việc pháp tăng cường kiểm soát thông hành y tế cho việc đi lại trong nước. Chính quyền kêu gọi tố giác các cuộc tụ tập hội hè của giới trẻ không tuân thủ quy định giãn cách phòng dịch.
Tại Ý, chính quyền mở rộng triển khai tiêm chủng trong các vùng du lịch trong nước để người dân trong khi đi nghỉ hè vẫn có thể tiêm vac-xin với thủ tục đơn giản nhất.
Còn tại Mỹ, Le Figaro cho biết, mặc dù đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng khá cao trong dân, chính quyền các địa phương vẫn tích cực đẩy mạnh hơn chiến dịch tiêm phòng bằng những biện khuyến khích kinh tế, tặng tiền, phiếu giảm giá mua hàng… Có nơi người đi tiêm chủng còn có thể gọi xe miễn phí hay giảm giá đưa đón đến điểm tiêm. Gần đây chính quyền còn tổ chức các đội tình nguyện đến gõ cửa từng nhà dân để thuyết phục số người còn do dự, sợ tiêm vac-xin.
Trung Quốc tấn công thị trường chứng khóa Mỹ
Trên trang Dư luận của nhật báo Le Figaro, có bài viết với tựa đề khá hấp dẫn : "Bắc Kinh tấn công vào ưu thế của Mỹ trên thị trường chứng khoán".
Tác giả bài viết nhắc lại cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải đương đầu với tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Giờ đây đến lượt ông Joe Biden phải đối mặt với tham vọng mới của Bắc Kinh, đó là muốn chống lại ưu thế của thị trường chứng khoán Mỹ.
Bài viết lưu ý đến sự kiện đầu tuần này Bắc Kinh thông báo ý định "tăng cường bảo vệ dữ liệu nhạy cảm liên quan đến việc các công ty trong nước tham gia sàn chứng khoán nước ngoài" và "chấn chỉnh trách nhiệm của các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh thông tin đã niêm yết tài chính ở ngoài biên giới". Hệ quả là hai công ty công nghệ cao, quản lý ứng dụng đặt xe trực tuyến của Trung Quốc vừa nhăm nhe lên sàn chứng khoán ở New York đã trở thành vật tế thần bị điều tra.
Theo bài viết, thì động thái trên của Bắc Kinh đã dội gáo nước lạnh vào tham vọng tìm nguồn vốn tại Hoa Kỳ của nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ cao của Trung Quốc.
Theo công ty phân tích ngân hàng Dealogic, đã có không dưới 34 công ty Trung Quốc từ đầu năm nay tham gia thị trường chứng khoán Wall Street và thu hút được nguồn vốn lên tới 12,4 tỷ đô la Mỹ. Đây là điều Bắc Kinh không hề hài lòng. Điều họ muốn là các công ty lớn đó phải phát triển nguồn vốn tại Trung Quốc, với những thị trường chứng khoán Thượng Hải hay Thâm Quyến. Trong khi đó, thủ tục để lên sàn chứng khoán nội địa thường khó khăn và phức tạp, khiến các công ty Trung Quốc nản.
Đập thủy điện khổng lồ của Ethiopia trên sông Nil
Liên quan đến lĩnh vục môi trường, hồ sơ lớn của Le Monde dành cho những căng thẳng xung quanh một con đập thủy điện lớn Ethiopia cho xây dựng trên sông Nil với bài : "Trên sông Nil, con đập Hồi sinh làm dấy lên cuộc chiến tranh nước". Tờ báo cho biết việc Ethiopia cho xây dựng con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang sông Nil đang làm cho Ai Cập và Soudan lo ngại. Hai nước này đã kiện lên Liên Hiệp Quốc vì công trình làm thiệt hại đến môi trường và nguồn sống của hàng triệu người dân nước họ. Nhưng đó là một công trình không chỉ để đáp ứng nguồn năng lượng điện phục vụ dân sinh mà còn là niềm tự hào dân tộc cho Ethiopia.
Le Monde cho biết, con đập có tên Hồi sinh Ethiopia đang được xây dựng ở thượng nguồn sông Nil cách biên giới Doudan 15 km. Đập có chiều cao 78 mét, tạo ra một vùng hồ khổng lồ rộng hơn 1800 km2 tích tới 7 tỷ mét khối nước. Dự án này có giá trị đầu tư lên tới 4,6 tỷ đô la Mỹ. Những con số thực sự quá khổ với một nước Ethiopia, một đất nước nghèo ở Châu Phi, thường xuyên đối mặt với xung đột vũ trang trong và ngoài nước. Nhiều người cho rằng không biết đến bao giờ Ethiopia mới hoàn thành được công trình này, trong khi mà thiếu tiền, chính phủ nước này phải kêu gọi sự đóng góp của cả kiều dân của mình ở nước ngoài.
Tổng thống Haiti bị ám sát tại tư dinh
Một thời sự nóng được các báo Pháp ra hôm nay chú ý nhiều. Tổng thống Haiti, Jovenel Moise rạng sáng ngày hôm qua (07/07) bị một nhóm người có vũ trang đột nhập vào tư dinh hạ sát.
Ông Moisi, 53 tuổi, từ một doanh nhân trong lĩnh vực nông sản chuyển sang làm chính trị và năm 2017 đắc cử tổng thống của quốc gia nhỏ nằm giữa biển Caribe, nghèo nàn lạc hậu và luôn trong bất ổn, bạo lực tràn lan. Ông Moisi bị một đội lính đánh thuê ám sát ngay khi nhiệm kỳ tổng thống của ông sắp hết. Từ khi lên nắm quyền thổng thống Jovenel Moisi cũng đã bị không ít chỉ trích và nghi ngờ tham nhũng. Vụ ám sát gây rúng động này lại càng đẩy Haiti vào trong hỗn loạn trong những ngày tới.
Anh Vũ