Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/07/2021

Điểm báo Pháp - "Cuộc chiến máy bay không người lái"

RFI tiếng Việt

Pháp tham gia "cuộc chiến máy bay không người lái"

Năm nhật báo lớn của Pháp đề cập đến năm chủ đề khác nhau trên trang nhất trong số ra ngày 09/07/2021. Le Monde chú ý đến nguy cơ Pháp chuẩn bị đón đợt dịch thứ 4 trong khi tốc độ tiêm chủng bị chững lại. Tình hình hỗn loạn tại Haïti sau vụ ám sát tổng thống Jovenel Moïse được La Croix phân tích. Trong khi nhật báo kinh tế Les Echos nói đến "Vũ khí mới chống ô nhiễm môi trường của Châu Âu". Còn Libération giới thiệu về bộ phim gây sốc Benedetta tại Liên hoan phim Cannes.

drone1

Máy bay không người lái Reaper của quân đội Pháp tại căn cứ không quân Niamey, Niger. Ảnh do Bộ Quân lực Pháp cung cấp ngày 17/12/2019.  AP - Malaury Buis

Pháp tăng tốc chiến lược phát tiển máy bay không người lái, "trọng tâm trong những chiến lược quân sự mới" được bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly thông báo ngày 07/06. Đây là chủ đề trang nhất và mục "Sự kiện" của nhật báo Le Figaro. Những thiết bị điều khiển từ xa đã làm thay đổi tương quan lực lượng trên thực địa từ Libya đến Thượng Karabakh. Thế nhưng, Pháp lại bị thụt lùi, dù từng khởi xướng phát triển lĩnh vực này ngay từ những năm 2000. Mục tiêu được bộ trưởng Quân lực Pháp đề ra là hai năm tới phải lấp được lỗ hổng này.

Ưu tiên cuộc chiến chống máy bay không người lái chính là đề xuất của thượng nghị sĩ Cédric Perrin, đồng tác giả bản báo cáo "chiến tranh máy bay không người lái". Ví dụ rõ ràng gần đây nhất là Azerbaidjan chiếm ưu thế ở Thượng Karabakh nhờ những thiết bị bay điều khiển từ xa, giá thành thấp, được sản xuất hàng loạt và dễ sử dụng. Trong khi những drone MALE (hoạt động ở độ cao trung bình, có sức bền) đang được 4 nước Châu Âu sản xuất (Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha) hoặc máy bay không người lái Reaper mua từ Mỹ lại không phù hợp với kiểu đối đầu như vậy. Điều khiến thượng nghị sĩ Pháp lo lắng, khi trả lời báo Le Figaro, là máy bay không người lái MALE Châu Âu chỉ được giao vào năm 2029 và có lẽ sẽ lỗi thời vào thời điểm đó. Vì vậy, theo ông, "phải tiến nhanh hơn""phải nắm lấy những đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp Pháp phát triển".

So với nhiều nước trên thế giới, Pháp bị thụt lùi trong lĩnh vực này, như tại "Armenia, Libya, Iraq, nơi diễn ra cuộc cách mạng máy bay không người lái trên chiến trường". Israel, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, đều phát triển ngành công nghiệp này. Có chức năng tàng hình và ít tốn kém, máy bay không người lái đang trở thành những vũ khí mới của nước nghèo hoặc những quốc gia muốn hành động với chi phí ít. Còn các cường quốc phương Tây muốn tin rằng loại thiết bị này không có khả năng đảo ngược hoàn toàn tương quan lực lượng.

Thế nhưng thời thế thay đổi, bộ trưởng Quân lực Pháp phải thừa nhận : "Đây là một thách thức công nghệ thực sự vì phải đối mặt với mối đe dọa mà hệ thống phòng không cổ điển của chúng ta không phải lúc nào cũng có khả năng nhận diện : thiết bị bay không người lái quá bé, quá chậm, quá thấp với sóng radar quá yếu". Thật vô nghĩa khi phóng những quả tên lửa đắt tiền để phá hủy những thiết bị rẻ tiền như vậy.

Pháp đề ra mục tiêu có 3.000 máy bay không người lái vào năm 2023, so với 250 chiếc vào năm 2017, và được trang bị khả năng chiến tranh điện tử, tìm kiếm sinh học hoặc hóa học và lập bản đồ.

Covid-19 : Những rủi ro trước đợt dịch thứ 4

Dịch Covid-19 với nguy cơ đợt dịch thứ 4 được các báo tiếp tục đề cập trên nhiều phương diện, từ tiêm chủng đến những tác động về kinh tế, việc làm của thanh niên đến kết quả tăng trưởng bất ngờ của Liên Hiệp Châu Âu.

Trang nhất của Le Monde đưa tin "Pháp nhắm đến tiêm chủng người cao tuổi". Do chậm trễ về tiêm chủng cho người trên 80 tuổi, Pháp tìm cách tiếp cận dựa vào y tế cộng đồng. Chính phủ sợ "đợt dịch thứ 4 đến nhanh" do biến thể Delta, nên việc bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên chăm sóc sẽ được thảo luận ở điện Elysée vào thứ Hai 12/07. Nhật báo kinh tế Les Echos có chung nhận định : "Macron đua tốc độ chống biến thể Delta". Ngày 07/07, chính phủ kêu gọi "tiêm chủng đại trà" và chuẩn bị một dự luật bắt buộc nhân viên y tế tiêm chủng, vì vac-xin là vũ khí hiệu quả duy nhất.

Cuộc sống trong tình trạng bình thường mới

Biến thể Delta khiến số ca nhiễm hàng ngày tăng trở lại, đặc biệt tại vùng Ile-de-France (vùng Paris) và PACA (miền nam Pháp), thế nhưng các vũ trường tại Pháp được mở cửa trở lại vào ngày 09/07. Đây là "ván cược rủi ro", theo nhận định của báo La Croix. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Antoine Flahault có cái nhìn thoáng hơn : "Đúng là vũ trường là nơi lây nhiễm, nhưng nếu dưới 5.000 ca mỗi ngày, thì cần phải để cho người dân Pháp chút tự do… Nhưng khi có đến 30.000 ca nhiễm mới mỗi ngày thì việc yêu cầu người dân cố gắng là điều bình thường".

Vùng Catalunya của Tây Ban Nha phải đóng cửa tất cả các vũ trường do số ca nhiễm không ngừng tăng. Trong Pháp bắt đầu mùa nghỉ hè, chính phủ khuyến cáo công dân không nên du lịch Tây Ban Nha và Bồ Đào Đào Nha. "Ngoài nước Pháp, cần thận trọng khi đi nghỉ" là cảnh báo của Libération. Quốc vụ khanh đặc trách Du lịch Jean-Baptiste Lemoyne cho biết chính phủ "theo dõi tình hình của tất cả các nước trên thế giới và thích nghi tùy theo tình hình". Nhưng khuyến cáo chính được đưa ra vẫn là "nghỉ hè tại Pháp".

Kinh tế Châu Âu phục hồi nhanh hơn dự kiến

"Bất chấp biến thể Delta, Châu Âu có thể phục hồi nhanh chóng" là chủ đề được Les Echos chú ý. Ủy Ban Châu Âu dự đoán mức tăng trưởng 4,8% trong Liên Hiệp Châu Âu và khu vực đồng euro trong năm 2021, cao hơn 0,6% so với dự báo được đưa ra vào mùa Xuân.

Nhật báo kinh tế liệt kê một số yếu tố thuận lợi trong những tuần qua, như tốc độ tiêm chủng, kế hoạch tái thiết Châu Âu vừa được tiến hành, thị trường bất động sản đứng vững, sự phục hồi nhanh hơn dự đoán của ngành du lịch và dịch vụ, niềm tin của người tiêu dùng tăng… Ngoài ra, theo Bruxelles, những biện pháp hạn chế linh hoạt hơn được áp dụng tại Châu Âu trong quý I/2021 đã tác động ít tiêu cực hơn so với dự đoán.

Tuy nhiên, Ủy Ban Châu Âu cũng lo ngại biến thể Delta, cũng như khả năng xuất hiện những biến thể khác, có nguy cơ gây đợt dịch mới. Do đó, ông Paolo Gentiloni, ủy viên Châu Âu phụ trách vấn đề Kinh tế, cho rằng "để duy trì sự phục hồi, cần phải tiếp tục những chính sách hỗ trợ nền kinh tế lâu nhất có thể và tăng cường nỗ lực tiêm chủng".

Covid-19 không làm tăng tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên tại Pháp

La Croix cho biết có "2 triệu thanh niên được giúp đỡ trong thời gian khủng hoảng dịch tễ". Sau một năm triển khai, kế hoạch "một thanh niên, một giải pháp" của bộ Lao động Pháp "đã hoàn thành nhiệm vụ", theo bộ trưởng Elisabeth Borne trong buổi tổng kết ngày 08/07. Kế hoạch trị giá 9 tỉ euro nhằm "làm tất cả để thanh niên không phải là những nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng", tập trung vào một số điểm : dạy nghề, giúp thanh niên hòa nhập, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng thanh niên lần đầu tìm việc...

Theo báo Le Figaro"kế hoạch (trợ giúp) thanh niên đã kìm hãm thất nghiệp gia tăng". Cơ chế này có thể sẽ được triển khai trở lại trong tương lai nếu thấy cần thiết, vì theo bộ trưởng Lao động, "cuộc khủng hoảng chưa lùi lại phía sau chúng ta", thêm vào đó phải kể đến năm 2022 sẽ diễn ra bầu cử tổng thống. Bộ Lao động Pháp sẽ thúc đẩy để mở rộng tối đa kế hoạch "Bảo đảm cho thanh niên", có thể sẽ cho phép tổng thống Macron khẳng định làm tất cả vì thanh niên, dù là "bằng bất kì giá nào" ngay khi khởi động chiến dịch tranh cử.

Viện Khổng Tử : Công cụ gây ảnh hưởng của Trung Quốc

Trung Quốc là chủ đề chính trong hai bài viết trên báo Le Monde"Khổng Tử tại Pháp : về trạm trung chuyển kín tiếng của Trung Quốc" và "Kiểm soát dữ liệu : Bắc Kinh gây sức ép cho ngành công nghệ".

Các Viện Khổng Tử là "công cụ gây ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc". Đây là nhận định mở đầu bài phóng sự điều tra của Le Monde. Viện Khổng Tử vẫn trụ vững ở những thành phố cỡ trung bình La Rochelle, Pau, Rennes… bằng cách tránh đề cập những chủ đề xích mích, như về nhân quyền, giữa Paris và Bắc Kinh.

Được Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập năm 2004, Viện Khổng Tử đóng vai trò "quyền lực mềm" trên thế giới, như Alliance française của Pháp hay Bristish Council của Anh. Thế nhưng, Hanban, phòng phụ trách giảng dạy tiếng Hoa của bộ Giáo dục Trung Quốc, có tham vọng lớn hơn : "mở rộng ảnh hưởng của đảng" và "quyền lực mềm của Trung Quốc", thông qua hệ thống 1.000 viện theo dự kiến, nhưng hiện có khoảng một nửa đang hoạt động.

Theo phóng sự điều tra, các Viện Khổng Tử phải nộp báo cáo thường kỳ cho các trường đối tác tại Trung Quốc. Họ chịu áp lực về giảng dạy, nghiên cứu, tổ chức hội thảo theo đường lối do phía Trung Quốc định ra. Nếu đi ngược, lời đe dọa cắt ngân sách, thường chiếm đến một nửa hoặc nhiều hơn, sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Giám đốc các Viện Khổng Tử cũng bị theo dõi.

Tại Mỹ, một nửa trong tổng số 110 Viện đã đóng cửa. Nhưng tại Pháp, chỉ có ba Viện Khổng Tử ở Lyon, Nanterre và Toulouse đóng cửa "vì lý do nhân sự". Các Viện còn hoạt động đều tỏ ra khiêm nhường, đi theo chiến lược tránh va chạm, "với mục tiêu phát triển văn hóa Trung Quốc ở những nơi không có gì cả, như tại thành phố Pau hoặc La Rochelle". Ông Jean-François Huchet, giám đốc trường Inalco (Paris), cho rằng "ngoại giao "chiến lang" chẳng giúp được gì cho các Viện Khổng Tử mà còn như tự bắn vào chân mình".

Haïti trong khủng hoảng chính trị

Chủ đề thời sự quốc tế được các báo bình luận là vụ ám sát tổng thống Haïti Jovenel Moïse tại nhà riêng.

"Hỗn loạn""sững sờ" là những từ được các nhật báo dùng để miêu tả tình hình hiện nay ở Haïti, như "Haïti : Hỗn loạn sau vụ ám sát tổng thống" trên trang nhất của Le Monde"Haïti chìm trong hỗn loạn sau vụ ám sát tổng thống Jovenel Moïse" trên nhật báo Le Figaro, "Sau vụ ám sát tổng thống, Haïti giữa nỗi sợ và sững sờ" trên nhật báo Libération.

Nhật báo cánh tả cũng đăng bài phóng sự về cuộc sống tại đảo quốc sau vụ ám sát tổng thống. Sự im lặng tạm thời bao trùm cả nước, trong khi ở thủ đô Port-au-Prince, tình trạng thiếu nước, lương thực tăng giá và tình trạng mất an ninh khiến người dân lo ngại. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp kín ở New York về tình hình ở Haïti. Washington, một trong những đồng minh chính của Port-au-Prince, kêu gọi Haïti duy trì các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống theo như dự kiến vào ngày 28/09.

Riêng La Croix đặt câu hỏi : "Haïti, tại sao lại có nhiều bất hạnh đến thế ?". Trước đây là một nước đang phát triển, nhưng Haïti giờ chìm trong nghèo đói, dịch bệnh, thiên tai, quản trị kém, tham nhũng, bạo lực giữa các băng đảng. Hàng loạt tệ nạn được bài xã luận của La Croix liệt kê để nói đến "một đất nước đang chìm". Và đến bao giờ, người dân Haïti mới hết vận đen ?

Cuối cùng, trong lĩnh vực môi trường, nhật báo kinh tế Les Echos nói về "Vũ khí mới chống ô nhiễm môi trường của Châu Âu". Ủy Ban Châu Âu đưa ra dự án thuế cac-bon ở biên giới, liên quan đến các lĩnh vực thải nhiều khí CO2 nhất, như điện, thép, xi măng, phân bón, nhôm... Dự tính thu được từ 5 đến 14 tỉ euro mỗi năm và sản phẩm của Trung Quốc nằm trong tầm ngắm.

Thu Hằng 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 434 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)