Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/07/2021

Điểm báo Pháp – Cuba : Cải cách hậu biểu tình

RFI tiếng Việt

Cải cách hậu biểu tình : Bước ngoặt lớn cho Cuba ?

Dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men và các sản phẩm vệ sinh, chấm dứt giới hạn tiền lương trong các doanh nghiệp Nhà nước. Đây là những biện pháp mà chính phủ Cuba đưa ra để xoa dịu người dân.

cuba1

Một khu phố buôn bán ở La Havana, Cuba, ngày 15/06/2021.  Reuters – Alexandre Meneghini

Báo kinh tế Les Echos nhận định các biện pháp trên dường như là không đủ trong bối cảnh tình hình kinh tế và xã hội đang xấu đi, thế nhưng dẫu sao đó cũng là một bước ngoặt đối với đất nước Cuba vốn bị chế độ cộng sản cai trị với một "nắm đấm sắt dường như không thể thả lỏng".

Việc dỡ bỏ các hạn chế sẽ được áp dụng từ thứ Hai 19/07 đến ngày 31/12/2021. Các biện pháp cải cách đáp ứng một trong những yêu cầu chính của người biểu tình, những người tố cáo việc dân chúng không thể mua được các sản phẩm thiết yếu trong khi đất nước đang chịu tác động từ một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Do nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào du lịch, việc hạn chế đi lại do Covid-19 đã khiến GDP 2020 của Cuba giảm 11%, mức giảm nhiều nhất chỉ sau năm 1993 (14%). Trong khi chính phủ dự báo mức tăng trưởng gần 7% với sự hồi phục dần của ngành du lịch, thì theo dự báo của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribbean, GDP của Cuba 2021 chỉ tăng 2,2%. Nhưng đó chỉ là niềm an ủi nhỏ nhoi cho người dân Cuba vốn đang chịu cảnh siêu lạm phát 500%.

Chính phủ đã tận dụng những thông báo cải cách ngày 14/07 để nhấn mạnh trách nhiệm của Mỹ trong cuộc khủng hoảng lần này. La Havana tố cáo lệnh cấm vận của Mỹ, có hiệu lực từ năm 1992 và được củng cố dưới thời Donald Trump, là nguyên nhân gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và các cuộc biểu tình ở Cuba. Đồng thời, chính quyền nước này củng cố sự giám sát của cảnh sát và quân đội ở những địa điểm chính diễn ra các cuộc biểu tình. Việc truy cập mạng xã hội và nhắn tin vẫn bị cấm vào thứ Tư, mặc dù mạng 3G và 4G đã kín đáo được khôi phục trở lại. 

Les Echos nhận định các biện pháp "cải cách lịch sử" lần này là chưa đủ trong bối cảnh rất đáng lo ngại hiện nay. Việc dỡ bỏ các hạn chế không giải quyết được nạn thiếu điện hoặc tiến độ tiêm chủng ngừa Covid-19 theo như yêu sách của người biểu tình.  

Một vấn đề đáng lo ngại khác là Cuba phụ thuộc nhiều vào đồng đô la. Dòng đô la đổ vào Cuba chủ yếu từ nguồn cung cấp các dịch vụ chuyên môn, đặc biệt là y tế, cho các nước Mỹ Latinh và nguồn tiền gửi về nước của cộng đồng người Cuba sinh sống tại Mỹ. Sự sụt giảm nhu cầu từ các nước xã hội chủ nghĩa cũ, đặc biệt là Venezuela, do khủng hoảng kinh tế và các biện pháp nhập cư thời Donald Trump đã làm giảm đáng kể dòng đô la này chảy vào Cuba. Kết quả là việc nhập khẩu ngay cả những mặt hàng thiết yếu cũng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Hồi tháng Giêng 2021, chính phủ đã đưa ra những cải cách sâu rộng nhằm khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế nội địa, hạn chế sự lệ thuộc của Cuba vào nhập khẩu, trong đó có việc từ bỏ hệ thống tiền tệ kép, khiến sức mua giảm mạnh, việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trở nên khó khăn hơn do giá trị của đồng peso so với đồng đô la thấp. Les Echos kết luận các vấn đề quan trọng nói trên khiến hiệu quả các biện pháp cải cách mà La Havana công bố hôm thứ Tư 14/07 chỉ rất hạn chế.

Tổng thống Pháp Macron và "kho vũ khí mới" chống Delta 

Le Monde số ra hôm nay quan tâm nhiều đến tình hình Châu Âu, đặc biệt là với bài xã luận "Khí hậu : Châu Âu đi tiên phong". Chuyên mục "Hành tinh" với 4 bài viết cũng được dành để nói về dự luật khí hậu của Liên Hiệp Châu Âu. Trang "Kinh tế và doanh nghiệp" thì được dành để nói về trợ cấp thất nghiệp bán phần do dịch Covid-19 tại nhiều nước Liên Âu, với nhận định là việc các biện pháp hỗ trợ bị xóa bỏ hoặc thắt chặt có nguy cơ hủy hoại thị trường lao động. 

Về tình hình nước Pháp, đề tài nổi bật vẫn là các biện pháp cứng rắn của chính quyền Macron để phòng ngừa biến thể Delta, đặc biệt là quy định tiêm phòng và mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận Covid-19. Le Monde nhấn mạnh "Chính quyền tăng cường kho vũ khí chống Covid-19", đặc biệt là với án tù giam và phạt tiền đối với những người vi phạm. Đến ngày 15/09, tất cả những nhân viên chăm sóc y tế không chịu tiêm ngừa virus corona sẽ không được phép làm việc và nếu sau đó 2 tháng vẫn không tiêm đầy đủ thì có thể bị sa thải.

Nhân viên của các ERP - cơ quan tiếp đón công chúng nếu muốn tiếp tục làm việc thì phải có chứng nhận y tế (hoặc đã tiêm chủng, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc đã từng nhiễm Covid-19). Các khách hàng đến các cơ sở này mà không có chứng nhận Covid-19 bị phạt tù giam 6 tháng và nộp phạt 10.000 euro. Lãnh đạo các cơ quan này, nếu không cho thực hiện công tác kiểm tra chứng nhận y tế cũng có thể bị phạt tù giam 1 năm và 45.000 euro. 

Không nao núng trước những người chống đối tiêm ngừa 

Le Monde nhận định bằng cách tăng cường chính sách y tế, tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại có một cuộc đánh cược mới. Trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống (tháng 04/2022), ông Macron không muốn biến thể Delta "ngáng đường" ông tái tranh cử, tránh tuyệt đối khả năng phải phong tỏa đất nước một lần nữa. Le Monde nhận định lần này chính phủ Pháp "không nao núng" : Khác với hồi cuối năm 2020 khi khởi động chiến dịch tiêm chủng, giờ đây, dường như chính quyền Macron không còn sợ những người chống đối tiêm ngừa.

Lần này, tổng thống Macron cũng đánh cược với chứng nhận y tế bởi hồi tháng 04/2021 chính ông từng phát biểu với báo giới là chứng nhận y tế sẽ không bao giờ là bắt buộc đối với người dân để được đến các nơi phục vụ cuộc sống hàng ngày hay sẽ không phải là điều kiện để được đến nơi nào đó, không dùng để phân biệt đối xử với người Pháp. Theo Le Monde, các quyết định của tổng thống sẽ có nguy cơ gây nguy hại đến "số phận chính trị" của ông.

Kiên nhẫn - vũ khí phòng thân để được tiêm chủng 

Trở lại với chiến dịch tiêm chủng, Le Monde cho biết chỉ trong hơn một ngày, kể từ sau bài phát biểu tối 12/07 cho đến sáng Quốc Khánh 14/07, đã có 2,24 triệu người (10% người Pháp trên 12 tuổi) đăng ký đi tiêm chủng. Ngay cả trong ngày lễ Quốc Khánh, nhiều người cũng đổ xô đi tiêm. Trung tâm tiêm phòng trước tòa thị chính Paris ghi nhận "cơn sóng thần" : chỉ trong 1 ngày tiêm được cho 1.000 người, trong khi cả tuần trước đó chỉ có 600-700 người đến chích ngừa. Ở trung tâm tiêm phòng duy nhất tại Paris mà khách không cần lấy hẹn trước, có nhiều người từ ngoại ô đến vì không đặt hẹn trên mạng được, đến xếp hàng trước giờ mở cửa một tiếng rưỡi, chờ đợi 3 tiếng vẫn chưa đến lượt. Thứ vũ khí để họ được tiêm là "lòng kiên nhẫn".

Tuy nhiên, Le Monde cũng ghi nhận một nghịch lý : Cho dù quyết định của tổng thống Macron khiến những người còn ngập ngừng phải vượt qua mọi ngại ngần để đi tiêm bởi họ không còn lựa chọn khác để có một cuộc sống bình thường nhưng ngược lại, cũng khiến một số người khác thêm cứng rắn, cự tuyệt vac-xin ngừa Covid-19 cho dù có phải chấp nhận hy sinh đời sống xã hội. 

Du lịch Paris vắng "khách sộp" phương xa 

Trái ngược với Le Monde, báo Le Figaro hôm nay tập trung nói nhiều về nước Pháp, dàn trải trên nhiều khía cạnh, từ các gương mặt chính trị nổi bật của phe cánh hữu cho kỳ bầu cử tổng thống sắp tới cho đến sự bùng nổ tai nạn giao thông do sự bất cẩn, thiếu ý thức của người đi xe đạp, đặc biệt là xe trượt trotinette tại nhiều thành phố trong cả nước hay giải đua xe vòng quanh nước Pháp … 

Riêng về Paris, Le Figaro quan tâm đến ngành du lịch vốn vẫn còn trong cảnh khó khăn. Du khách Châu Á vẫn chưa quay trở lại Pháp còn du khách Mỹ thì mới lác đác trở lại. Le Figaro gọi đó là một "cú đánh đau" cho ngành du lịch Paris, bởi "những vị khách đến từ phương xa" mới là nhóm khách du lịch tiêu xài nhiều nhất. Le Monde đưa ra một vài con số để so sánh : Ngoài chi phí đi lại, khách Mỹ và Trung Quốc chi tiêu trung bình lần lượt 900 euro và 1000 euro/người cho một kỳ nghỉ tại Paris, trong khi khách Bỉ thường lưu lại Paris ít ngày hơn và trung bình chỉ tiêu xài có 265 euro/người.

Paris từng hy vọng lệnh dỡ bỏ phong tỏa vừa qua sẽ tái hồi phục ngành du lịch, nhưng thực tế là cho dù trong tháng 6 số khách nước ngoài đã tăng 42% nhưng chỉ đạt 20-30% so với mức khách cùng kỳ năm 2019. Dựa theo số khách đặt phòng, tình hình tháng 7-8 có khả quan hơn, nhưng cũng chỉ đạt khoảng phân nửa so với cùng kỳ 2019.

Christian Mantei, giám đốc điều hành Atout France, cơ quan nhà nước chuyên trách quảng bá các điểm đến của Pháp cho du khách ngoại quốc, thận trọng cho rằng phải đến cuối năm 2022, đầu năm 2023 thì du lịch vùng Paris mới trở lại bình thường. Trong tình cảnh hiện nay, các trung tâm mua sắm, cửa hàng ở các khu du lịch, dịch vụ taxi đều bị tác động liên đới. Nhiều nhà hàng đợi đến hết hè mới mở cửa trở lại vì vừa lo vắng khách du lịch, vừa lo ảnh hưởng của biện pháp mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận Covid-19.

Quản lý hoạt động nghe lén kiểu Pháp

Vẫn liên quan đến nước Pháp, Libération hôm nay dành cả trang nhất, bài xã luận và hồ sơ 5 trang cho hoạt động tình báo nghe lén của Pháp. Libération giới thiệu với độc giả chuyến thăm đặc biệt hiếm có đến trung tâm của hệ thống tình báo nghe lén được đặt dưới tầng hầm của Hotel des Invalides, ngay trong lòng Paris. Đó là nơi cơ quan GIC, được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng Pháp, bí mật "săn lùng" các tin nhắn, cuộc trò chuyện qua điện thoại và bộ siêu dữ liệu định vị.

Libération gợi nhắc một câu hỏi cổ xưa "Nhưng ai sẽ canh gác những người canh giữ này ?". Bởi quy mô khổng lồ của hoạt động gián điệp nghe lén trong thế kỷ 21 đang đặt ra những câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Dĩ nhiên là hoạt động gián điệp nghe lén giúp phá vỡ các âm mưu phạm tội và các vụ tấn công khủng bố, cho phép cứu sống được nhiều người, nhưng rõ ràng là việc giám sát, kiểm soát "cỗ máy nhà nước" này cũng đặt ra một thách thức hàng đầu.

Không nhà nước nào có thể tự hào nhận là đã tìm ra giải pháp cân bằng phù hợp giữa an ninh nội địa và các quyền tự do cá nhân. Thế nhưng, Libération nhấn mạnh là hệ thống nghe lén của Pháp ẩn chứa một sự bất thường chưa từng có : không phải thẩm phán mà là phủ thủ tướng Pháp quản lý hơn 300 yêu cầu hàng ngày từ các cơ quan an ninh, và cũng chính phủ thủ tướng quyết định xem những yêu cầu đó có thích đáng, hợp thức và hợp pháp hay không. Hàng trăm yêu cầu mỗi ngày, một số yêu cầu có thể cứu sống nhiều người, một số khác có thể phơi bày bí mật của những người hoàn toàn vô tội.

Ở nhiều quốc gia dân chủ, quy trình hoạt động như vậy là không thể tưởng tượng được. Họ nghĩ như vậy có hợp lý hay không ? Họ có ngần ngại hợp tác toàn diện với Pháp hay không hay họ nên lấy cảm hứng từ cách quản lý hoạt động nghe lén như trên của chính phủ Pháp ? Libération kết luận cuộc tranh luận khẩn cấp về vấn đề này là cần thiết.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)