Nga – Mỹ : Đích thân Vladimir Putin can thiệp giúp Donald Trump đắc cử ?
Thanh Hà, RFI, 16/07/2021
Báo The Guardian của Anh hôm 15/07/2021 khẳng định, qua tham khảo một số tài liệu, nguyên thủ Nga đã trực tiếp can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ hồi 2016, giúp ứng viên Donald Trump đắc cử. Giới chuyên gia kêu gọi thận trọng trước thông tin này.
The Guardian cho rằng tổng thống Nga can dự trực tiếp giúp Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. AFP – Serguey Savostyanov
Trong ấn bản ngày 15/07/2021, nhật báo The Guardian cho biết, một số tài liệu mật của điện Kremlin đã bị thất thoát. Theo những tài liệu nói trên dường như tổng thống Putin đã ra lệnh cho nhân viên tình báo "tận dụng tất cả những phương tiện" có trong tay để giúp đỡ "hết mình" ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Một trong những tài liệu được nhật báo Anh công bố là một đoạn fax bằng tiếng Nga, trong đó Donald Trump được miêu tả như một người có tính khí "thất thường, tâm thần không ổn định và mặc cảm tự ti".
Vẫn theo tờ báo Anh, với Donald Trump ở Nhà Trắng sẽ giúp Moskva có thể can thiệp vào chính sách của Mỹ đối với nước Nga trong bối cảnh Washington ban hành lệnh trừng phạt Nga chiếm đoạt bán đảo Crimée của Ukraina từ năm 2014. Phía Nga cho rằng chính sách của tổng thống Trump sẽ "làm khuynh đảo hệ thống xã hội và chính trị của Hoa Kỳ".
Ba đồng tác giả bài báo nói trên của tờ The Guardian là Luke Harding, Julian Borger và Dan Sabbagh. Harding là một nhà báo điều tra, từng là thông tín viên tại Moskva. Còn Borger là tổng biên tập phần trang quốc tế của tờ báo Anh này. Riêng Dan Sabbagh phụ trách phần tin về an ninh và quốc phòng.
Theo các nhà báo này, vụ rò rỉ thông tin liên quan đến sự can thiệp trực tiếp của tổng thống Vladimir Putin vào bầu cử Mỹ hồi 2016 đã được các cơ quan tình báo phương Tây biết được "từ nhiều tháng nay". The Guardian nhấn mạnh "nhiều chuyên gia độc lập" chứng nhận các tài liệu mật của điện Kremlin bị lộ là "xác thực" cho dù chính tờ báo Anh này cũng đã thận trọng trong bài viết.
Bản thân các chuyên gian cũng rất thận trọng. Nhà nghiên cứu Thomas Rid, một trong những tiếng nói đầu tiên báo động về khả năng can thiệp của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cho rằng, "cần có thêm chi tiết" để khẳng định là đích thân tổng thống Putin đã có ra lệnh cho tình báo Nga giúp ông Trump chinh phục Nhà Trắng hay không. Cựu giám đốc Mỹ về an ninh mạng Chris Krembs cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự.
Về phía Nga, điện Kremlin xem tiết lộ của báo The Guardian là một cuốn "tiểu thuyết tồi". Cựu tổng thống Donald Trump qua trung gian phát ngôn viên Liz Harrington xem tin nói trên là một "Fake News !" và nói thêm là "không một ai cứng rắn với Nga hơn ông".
Thanh Hà
***********************
Biden cùng Merkel đoàn kết chống Nga và Trung Quốc
Thụy My, RFI, 16/07/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc gặp hôm 15/07/2021 tại Nhà Trắng, đã cam đoan đoàn kết chống Nga và Trung Quốc. Tuy bất đồng về dự án ống dẫn khí Nord Stream 2, nhưng hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh Nga không nên sử dụng năng lượng làm vũ khí, và đôi bên đồng thuận bảo vệ các nguyên tắc dân chủ nếu Trung Quốc phá hoại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel trong buổi họp báo chung ở Nhà Trắng, ngày 15/07/2021. AP - Susan Walsh
Reuters dẫn lời tổng thống Biden trong cuộc họp báo chung, rằng Hoa Kỳ và Đức đoàn kết nhằm bảo vệ các đồng minh NATO chống lại sự tấn công của Nga. Hai nước cũng đấu tranh cho các nguyên tắc dân chủ và các quyền phổ cập, một khi thấy Trung Quốc hay nước nào khác muốn phá hoại một xã hội tự do, cởi mở.
Bà Merkel cầm quyền từ năm 2005, đã nhiều lần được tiếp đón ở Phòng Bầu dục, Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ tư mà bà gặp gỡ.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
"Bà thủ tướng biết Phòng Bầu dục còn rõ hơn tôi" - ông Joe Biden nói đùa, trước khi ca ngợi sự nghiệp kiệt xuất của Angela Merkel. Còn bà Merkel thì nói lên nỗi xúc động sau trận lụt gây tang tóc cho đất nước mình. Sau đó hai nhà lãnh đạo bày tỏ tình đoàn kết, nhấn mạnh đến các chủ đề muốn tăng cường hợp tác, nhất là trong việc phân phối vac-xin chống Covid và đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Điểm bất đồng duy nhất mà ai cũng biết, là dự án ống dẫn khí Nord Stream 2.
Ông Biden tuyên bố : "Bạn bè tốt vẫn có thể có những bất đồng, nhưng thủ tướng Đức và tôi đã yêu cầu nhóm cộng tác nghiên cứu các biện pháp thực tiễn mà chúng tôi có thể cùng thực hiện, để an ninh năng lượng của Ukraina không bị yếu đi vì các hành động của Nga. Để xem…".
Thủ tướng Đức nhìn nhận bất đồng với tổng thống Mỹ về ống dẫn khí. Nhưng Angela Merkel nói rằng bà an tâm, nêu ra khả năng Châu Âu trừng phạt Nga nếu Moskva không tôn trọng các cam kết đối với Ukraina".
Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Đức, nền kinh tế hàng đầu Châu Âu và đồng minh NATO, có thể là nhịp cầu kết nối quan hệ với Nga, Trung Đông, Bắc Phi. Hiện có 36.000 quân nhân Mỹ trú đóng trên lãnh thổ Đức.
Thụy My
***********************
Vì sao Mỹ chọn Đức làm đồng minh số một ở Châu Âu ?
Trọng Nghĩa, RFI, 15/07/2021
Ý nghĩa của cuộc tiếp xúc tại Washington vào hôm nay, 15/07/2021 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và thủ tướng Đức Angela Merkel được cho là vượt quá khuôn khổ một cuộc gặp song phương. Khi chọn nữ thủ tướng Đức là lãnh đạo Châu Âu đầu tiên được ông tiếp đón tại Nhà Trắng từ khi nhậm chức, tổng thống Mỹ đương nhiệm như muốn cho thấy rằng Berlin chính là đối tác số một của Washington tại Châu Âu.
Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đón tiếp tại Berlin ông Joe Biden, trên cương vị phó tổng thống Mỹ, ngày 01/02/2013. AP - Markus Schreiber
Câu hỏi đặt ra là vì sao mà ông Biden lại đưa Đức lên vị trí "đối tác Châu Âu" số một mà không chọn Pháp như người tiền nhiệm Donald Trump, ít ra là vào đầu nhiệm kỳ, hay Anh Quốc, một nước có "quan hệ đặc biệt" với Mỹ.
Trả lời cho câu hỏi này, một số nhà quan sát đã nhấn mạnh trước tiên đến ý nghĩa biểu tượng của việc ông Biden chọn bà Merkel làm khách mời danh dự đầu tiên đến Nhà Trắng.
Quan điểm xuyên suốt của ông Biden là phải hàn gắn mối quan hệ Mỹ-Châu Âu từng bị người tiền nhiệm phá hoại, mà nạn nhân lại chính là bà Merkel, thường xuyên là đối tượng bị ông Trump làm bẽ mặt hay đả kích. Tôn cao vai trò của Đức chính là một cách hàn gắn tốt.
Trước đó, chính quyền Biden đã có một loạt cử chỉ thiện chí hướng về nước Đức, từ việc tăng cường lực lượng Mỹ đóng tại Đức, đảo ngược hoàn toàn quyết định của người tiền nhiệm về việc giảm sự hiện diện của lính Mỹ, cho đến việc tránh chỉ trích Berlin vì không tôn trọng quy tắc 2% ngân sách dành cho quốc phòng mà NATO yêu cầu đối với các nước thành viên.
Ngoài vấn đề biểu tượng, so với Pháp chẳng hạn, Đức được coi là đồng minh vững chắc nhất của Hoa Kỳ tại Châu Âu, một người bạn không ai sánh bằng theo như lời ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nhắc lại tháng 6 vừa qua tại Berlin.
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro, Đức, cùng với nhiều nước Trung và Đông Âu, đã hăng hái chấp nhận việc được Hoa Kỳ bảo đảm an ninh trở lại sau thời kỳ bị Donald Trump lơ là.
Yêu tố quan trọng hơn cả giải thích thái độ trân trọng của Washington đối với Berlin chính là trọng lượng đáng kể của Đức trong các tính toán chiến lược của Hoa Kỳ.
Theo Le Figaro, nếu Joe Biden muốn đoàn kết Châu Âu chống lại Trung Quốc, thì điều hợp lý là ông phải dựa trước tiên vào Đức, cường quốc kinh tế số một của Châu Âu, đồng thời là nước có trọng lượng nặng hơn hết trong mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu với Bắc Kinh.
Ngoài ra, trong đối sách cứng rắn với Nga, ông Biden rất cần đến Đức, và nhanh chóng giải quyết với bà Angela Merkel vấn đề đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối liền Nga với Đức. Giống như các nước Đông và Trung Âu, tổng thống Mỹ coi dự án này, mà Đức quyết tâm bảo vệ, là một "thỏa thuận tồi tệ đối với Châu Âu".
Theo Le Figaro, dự án Nord Stream 2 chính là bất đồng quan trọng nhất hiện nay giữa Washington và Berlin, và tương lai của đường ống này sẽ là chủ đề của một thỏa thuận dứt khoát hơn trước tháng 8, khi chính quyền Hoa Kỳ đưa ra lại trước Quốc Hội trường hợp này và các biện pháp trừng phạt liên quan.