Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/07/2021

Điểm báo Pháp - "Pegasus" : công cụ "quyền lực mềm" của Israel

Minh Anh

Phần mềm giám sát "Pegasus" : Công cụ "quyền lực mềm" của Israel

Tai tiếng phần mềm giám sát "Pegasus" do NSO Group, một công ty Israel lập trình là chủ đề được các trang báo lớn của Pháp hôm 20/07/2021 khai thác nhiều nhất. Le Monde trong bài viết có tựa đề "Pegasus, giám sát mà không lo bị trừng phạt", lên án chính phủ Israel sử dụng "Pegasus" như là một công cụ của "quyền lực mềm".

giandiep1

Phần mềm do thám Pegasus một khi xâm nhập được vào một điện thoại thông minh có thể thu thập toàn bộ dữ liệu cá nhân lưu trữ trong điện thoại.  © CC0 Pixabay/Lorenzo Cafaro

Tờ báo giải thích, bất chấp việc nhiều nước khách hàng liên tục có những vi phạm về nhân quyền, nhưng việc bán phần mềm Pegasus vẫn được Bộ Quốc phòng Israel thông qua. Nhà nước Do Thái bảo vệ và chăm chút NSO như là một công cụ của "quyền lực mềm". Chính việc cung cấp phần mềm giám sát này cho nhiều chính phủ đã góp phần vào việc khôi phục bang giao. Các hoạt động của NSO đã làm sáng tỏ phần nào sự xích lại gần giữa Israel với Saudi Arabia, Hungary hay Morocco.

Vẫn theo nhật báo, cả NSO lẫn chính phủ Israel không thể nào không biết rằng một bộ phận khách hàng quan trọng mua Pegasus chuyên để giám sát các phe đối lập chính trị và người dân của họ, chưa kể đến hoạt động gián điệp công nghiệp từ các đối tác thương mại và thu thập thông tin về các chính phủ láng giềng.

"Pegasus" : Một công cụ do thám hiệu quả và cực mạnh

Đương nhiên, trước những tiết lộ này, NSO Group đều bác bỏ cho đấy là những "lời cáo buộc giả dối, vô căn cứ". Tuy nhiên, quy mô và mức độ nghiêm trọng của những hành động xâm phạm nhân quyền này còn liên quan đến bản chất của Pegasus.

Đây không hẳn là một công cụ "nghe lén điện thoại đơn giản", mà là một phần mềm theo dõi cực kỳ hiệu quả và mạnh mẽ. Pegasus có thể "hút lấy" toàn bộ các dữ liệu chứa đựng trong chiếc điện thoại từ hình ảnh hay danh bạ điện thoại cho đến cả những dòng trao đổi tin nhắn trên nhiều ứng dụng.

Vụ "Giám sát hàng loạt, một tai tiếng có tên là Pegasus" như hàng tựa của La Croix có thể ví như là một vụ gián điệp mạng "lớn nhất kể từ sau những tiết lộ của Snowden". Nếu như NSO vẫn khăng khăng khẳng định Pegasus được thiết kế để chống khủng bố và các mạng lưới tội phạm, thì điều tra của Hiệp hội các nhà báo Forbidden Stories, tập hợp 17 hãng truyền thông lớn trên thế giới (Wall Street Journal, CNN, AFP, Le Monde…), với sự hỗ trợ của Security Lab từ tổ chức Amnesty International lại đưa ra những kết luận ngược lại.

Được sử dụng rộng rãi từ 60 khách hàng tại 40 quốc gia, chủ yếu là các cơ quan tình báo (chiếm 51% số khách hàng), cảnh sát và tư pháp (38%) và quân sự (11%), theo như số liệu do NSO cung cấp, công cụ này lại được dùng để theo dõi hàng trăm nhà báo, nhà đấu tranh nhân quyền, các nhân vật chính trị và tư pháp trên khắp thế giới. Đương nhiên, những nước bị nêu tên trong "Dự án Pegasus" đều lên tiếng phủ nhận.

Điều gây lo ngại cho các nhà điều tra chính là cách thức vận hành của Pegasus. Ông Etienne Maynier, nhà nghiên cứu về an ninh mạng tại Amnesty International trả lời Libération lưu ý "Pegasus vận hành tốt cả trên Android lẫn iPhone. Một khi đã được cài vào, chúng có thể xâm nhập vào mọi dữ liệu cá nhân". Nói một cách đơn giản, Pegasus hành xử như là một người sử dụng điện thoại ẩn mình, có thể bật các chức năng trên điện thoại từ hình ảnh, danh bạ, camera, GPS, tin nhắn mã hóa… mà không có một biện pháp kiểm soát sử dụng nào từ phía NSO.

Thị trường vũ khí công nghệ số : Một lĩnh vực còn bị bỏ lơ ?

Hầu hết các báo Pháp đều có chung một nhận xét : Sự việc làm lộ rõ một lĩnh vực thương mại nằm ngoài tầm kiểm soát. Libération trong bài giải mã "Pegasus, những động cơ của tội ác" nhắc lại những công nghệ giám sát quả thật đã được đưa vào trong thỏa thuận 1995 – thỏa thuận Wassenaar về kiểm soát xuất khẩu vũ khí quy ước và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ tập hợp được có 42 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Anh hay Pháp nhưng không có Israel. Và nếu như các nước tham gia thỏa thuận phải kiểm soát việc xuất khẩu vũ khí và lập các báo cáo, khuôn khổ thỏa thuận này lại không đưa ra một biện pháp cấm đoán nào. Do vậy, "các chính phủ tiếp tục cấp các giấy phép bán các công nghệ giám sát bất chấp những bằng chứng về sự lạm dụng", như lời chỉ trích của bà Katia Roux thuộc Amnesty International.

Vẫn theo Libération, Israel chưa hẳn nắm độc quyền thị trường vũ khí công nghệ số. Trong tháng 6/2021, một doanh nghiệp Pháp – Amesys và Nexa Technologies đã bị truy tố trong một hồ sơ bán công nghệ giám sát cho Libya thời Kadhafi và Ai Cập của tổng thống Sissi. Bốn lãnh đạo doanh nghiệp này bị nghi ngờ đồng lõa với các hành vi tra tấn và thủ tiêu các nạn nhân.

Giờ đây trước vụ "tai tiếng do thám quốc tế" như tựa đề bài viết của Le Figaro, xã luận của Le Monde tự hỏi, trong số 40 nước mua phần mềm Pegasus của NSO, có bao nhiêu trong số này đã dùng chúng để luồn lách Nhà nước pháp quyền và tiến hành những cuộc giám sát đi ngược với luật lệ quốc tế ?

Câu trả lời là "tất cả hoặc hầu như tất cả", bao gồm những nước dân chủ. Và trên phương diện giám sát mạng, sự lạm dụng chính là luật lệ và không có ngoại lệ. Đây chính là những kết luận từ cuộc điều tra của "Dự án Pegasus".

Le Monde kêu gọi đã đến lúc chúng ta phải ý thức được về mức độ vụ tai tiếng, nhận thấy sự lạm dụng mà báo chí tiết lộ và mở cuộc tranh luận về việc kiểm soát thực sự và hiệu quả những kỹ thuật này !

Nga và Trung Quốc theo dõi sát tình hình ở Cuba

Một tuần sau cuộc biểu tình rầm rộ bất ngờ chưa từng có ở Cuba, "trật tự đã được tái lập dưới sự quan sát của Bắc Kinh và Moskva", tựa bài nhận định của Le Figaro.

Đầu tiên hết, tờ báo giải thích vì sao Mỹ không có ý định can thiệp quân sự vào Cuba sau cuộc bạo loạn. Thứ nhất, sự bất ổn của đảo quốc có thể dẫn đến làn sóng di dân mà Washington muốn tránh bằng mọi giá. Lý giải thứ hai là vì La Havana có được sự hậu thuẫn từ các đồng minh truyền thống Trung Quốc, Iran, Venezuela, Bắc Triều Tiên và Nga.

Nga và Trung Quốc đặc biệt lên tiếng mạnh mẽ nhất, cảnh cáo Hoa Kỳ "chớ có can dự vào nội tình một nước có chủ quyền". Cả Bắc Kinh và Moskva đều cho rằng nếu Washington muốn giúp đỡ người dân Cuba thì nên "dỡ bỏ lệnh cấm vận, nguyên nhân chính gây ra tình trạng khan hiếm thuốc men và nguồn cung năng lượng" tại đất nước Trung Mỹ này.

Đối với Bắc Kinh, Cuba có một vị trí quan trọng cho những chương trình hành động của Trung Quốc tại vùng biển Caribbean. Quan hệ giữa Bắc Kinh và La Havana từng có những thăng trầm, thì ngày nay Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu cho Cuba từ năm 2017. Kể từ những năm 2000, Trung Quốc đầu tư nhiều cho phát triển cơ sở hạ tầng, như xây cầu đường, cung cấp xe buýt, xe ô tô… cho đảo quốc. Trung Quốc hiện cũng là đối tác hàng đầu của Cuba trong lĩnh vực công nghệ cao. Mạng Internet của Cuba hiện nay được thiết lập nhờ vào sự trợ giúp của Hoa Vi.

Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc tỏ ra khá kín tiếng. Không ai nhắc đến việc Trung Quốc sử dụng khu căn cứ nghe lén Lourdes, do Liên Xô xây dựng năm 1962 cho những chiến dịch do thám trong khu vực. Nếu như thông tin này đã bị Cuba phủ nhận, thì nhiều nguồn thông tin thắc mắc về xuất xứ của các nhà xây dựng các trạm ra-đa giám sát tại một bãi biển của Cuba ở Bejucal, gần thủ đô La Havana. Nếu là từ Trung Quốc, Le Figaro lưu ý, Bắc Kinh sẽ cách Key West của Mỹ chưa đầy 150km !

Afghanistan : Liệu phe Taliban đã thay đổi ?

Đây là câu hỏi trên trang nhất của La Croix. Phe Hồi giáo toàn thống, không ngừng mở rộng sự thống trị lãnh thổ của mình tại Afghanistan, đang tìm cách thể hiện một diện mạo mới. Một nỗ lực không mấy gì thuyết phục trước "Nguy cơ cai trị không chia sẻ quyền lực của Taliban".

Câu trả lời được cho là "" và "Không". Bởi vì, theo nhận định của ông Adam Baczko, trường đại học Khoa học Chính trị, phe Taliban hiện giờ "không còn là những giáo sĩ (mollah) tỉnh lẻ của những năm 1990". Sau 20 năm chiến tranh làm hơn 60 ngàn binh sĩ Afghanistan thiệt mạng, và một số đông trong hàng ngũ phe Taliban, phong trào này giờ cũng đã học được nhiều kinh nghiệm cả trên bình diện đối nội lẫn trên trường quốc tế.

Ông Adam Baczko ghi nhận : "Lúc ban đầu họ thiếu hiểu biết sâu sắc về sự năng động quốc tế, họ bị mỉa mai. Giờ thì họ làm chủ được các thực hành ngoại giao, hiểu rõ được tầm quan trọng về việc thể hiện như là một phong trào tôn trọng luật lệ quốc tế và nữ quyền. Tuy nhiên, điều không thay đổi so với những năm 1990 chính là phe Taliban vẫn là một phong trào giáo sĩ Hồi giáo vũ trang có một tầm nhìn rất giáo điều về xã hội".

Vẫn theo nhà nghiên cứu này, Taliban không bao giờ từ bỏ những phương pháp bạo lực, gia tăng các cuộc ám sát và tự tử ám sát trong mười năm gần đây. Đối mặt với nước Cộng hòa hồi giáo Afghanistan, phe Hồi giáo toàn thống này luôn đòi hỏi sự trở về một Vương quốc Hồi giáo được tuyên lập năm 1996.

Covid-19 : Tổng thống Pháp nhượng bộ

Căng thẳng xung quanh biện pháp áp đặt giấy "thông hành dịch tễ" tại những tụ điểm giải trí văn hóa ở Pháp vẫn được các báo Pháp tiếp tục bàn luận. Le Figaro trên trang nhất cho biết "Chính phủ tham gia vào cuộc tranh cãi giấy thông hành y tế".

Căn cứ vào đề xuất của chính phủ, Tham Chính Viện đã thông qua gần như toàn bộ dự thảo luật cho phép mở rộng phạm vi áp đặt giấy thông hành dịch tễ. Dù vậy nhật báo cánh hữu này cũng nhận thấy chính phủ Pháp vẫn quyết tâm làm sao đạt mục tiêu tiêm ngừa cho toàn dân.

Trong bối cảnh này, tổng thống Macron cho biết "sẵn sàng nới lỏng giấy thông hành dịch tễ để tăng tốc chiến dịch tiêm ngừa", với hy vọng đạt được 46 triệu người dân đã được tiêm đủ liều vào mùa tựu trường tháng 9 tới đây.

Bán đấu giá những luật lệ bóng đá đầu tiên

Ngày 21/10/1858, William Baker, một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của đội bóng câu lạc bộ Sheffield đã ký khoảng một chục "quy định, quy chế và luật lệ" cho câu lạc bộ bóng đá miền bắc nước Anh. Sự kiện đặt những nền tảng luật lệ đầu tiên cho nền bóng đá hiện đại.

Trong số này, người ta còn đọc được "Điều khoản số 8 : Giữ bóng hay đánh bóng và đưa bóng (bằng tay) là tuyệt đối bị cấm". Ngày nay, thế giới chỉ còn có hai bản sao về những quy định đầu tiên đó. Và một trong số hai bản này được đem ra bán đấu giá ngày 20/07/2021 do Sotheby’s ở Luân Đôn tổ chức. Mức giá ấn định ban đầu là từ 50 – 70 ngàn bảng Anh (tức khoảng từ 60-80 ngàn euro) !

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 378 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)