Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/07/2021

Điểm báo Pháp - Bắc Kinh hướng dẫn sinh viên làm luận án ở Pháp

RFI tiếng Việt

Học ở Pháp, nhưng Bắc Kinh hướng dẫn luận án

Libération trên nền mầu đỏ rực, đăng ảnh một con rồng đen quấn chặt lấy quả địa cầu méo mó, chạy hàng tít lớn : "Tư tưởng Trung Quốc xâm nhập vào các trường đại học Pháp, báo động đỏ trên nền bảng đen".

hoc1

Ảnh bìa trang nhất báo Libération số ra ngày 27/07/2021.  © Ảnh chụp màn hình.

La Croix trong một bài viết cho biết, sau mối họa phần mềm Pagasus, cuộc khảo sát thông tin từ Thượng Viện lại gióng lên một hồi chuông báo động khác : "Sự can dự của nước ngoài vào trường đại học Pháp".

Ông André Gattolin, báo cáo viên của cuộc khảo sát nói rõ : "Một số Nhà nước tìm cách khai thác sự hiện diện ngày càng lớn của họ tại các trường đại học và phòng thí nghiệm của Pháp như là một đòn bẩy gây ảnh hưởng địa chính trị, mà không tôn trọng tự do học thuật và sự toàn vẹn khoa học". Trong số những nước này, đi đầu là Trung Quốc, chiếm đến "80% vấn đề", ngoài ra còn có cả Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước vùng Vịnh và Nga.

Học đường Pháp và những thông điệp chính trị từ Bắc Kinh

Libération trong bài điều tra dài có tựa đề "Tại các trường đại học Pháp, luận văn do Bắc Kinh hướng dẫn", trước hết lưu ý tại Trung Quốc, kể từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013, các trường đại học phải chịu sự giám sát chặt chẽ như lắp đặt caméra trong lớp học và sinh viên có trách nhiệm tố cáo tất cả những ai đi lệch đường hướng của đảng cộng sản.

Ngoài lãnh thổ, chế độ Trung Quốc đặt mục tiêu phát tán tuyên truyền chính thức ở những chốn hàn lâm : Đà đi lên của Trung Quốc là không gì lay chuyển được, Mô hình chuyên chế của Bắc Kinh là một giải pháp thay thế cho các nền dân chủ suy yếu ; Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc ; Sự hài hòa ngự trị ở Tân Cương ; Người biểu tình ở Hồng Kông là những tên côn đồ…

"Cũng giống như Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc thao túng thông tin và các trang mạng xã hội nhưng với một cách khá hung hăng. Bắc Kinh đặc biệt đi đầu trong địa hạt đại học", như nhận xét ông Pierre Buhler, một nhà cựu ngoại giao.

Theo nhật báo Libération, một trong những thủ thuật của Bắc Kinh để có thể thâm nhập vào các trường đại học chính là khả năng khai thác những điểm yếu của mỗi hệ thống. Tại Pháp, những trường đại học hay cơ sở nghiên cứu nhỏ, ít tiếng tăm, và thiếu các phương tiện là đích ngắm của Trung Quốc, với những đề nghị khiến nhiều trường lóa mắt như phòng thí nghiệm mới toanh, những nguồn tài chính và những trang thiết bị cho nghiên cứu dồi dào… 

Chính tại những trường đại học này đều có Viện Khổng Tử Trung Quốc, nơi phát tán tầm nhìn về Trung Quốc khác với thực tế. Libération lưu ý tổng cộng tại Pháp có đến 17 viện Khổng Tử. Rồi còn có sự hám lợi, thiếu đạo đức nghề nghiệp từ nhiều nhà nghiên cứu Pháp, theo cáo buộc của một nhà nghiên cứu về Trung Quốc ẩn danh.

Bắc Kinh ngang nhiên tấn công cả giới học thuật

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là thái độ hung hăng của Bắc Kinh đối với giới học thuật ở Pháp. Những ai không quy phục trước luận điểm của Trung Quốc thì bị tấn công trên mạng xã hội mà ví dụ gần đây là nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược, bị tòa đại sứ Trung Quốc trên mạng Twitter đối xử như là một "linh cẩu điên" ; hay như bị liệt vào danh sách đen cấm cấp visa nhập cảnh.

Những áp lực này đôi khi dẫn đến việc nhiều nhà nghiên cứu phải tự kiểm duyệt. Một số nhà nghiên cứu về Trung Quốc học ngần ngại đi thực địa chỉ vì muốn bảo vệ sự tự do ngôn luận, tự cấm mình chỉ trích Bắc Kinh trên các mạng truyền thông của Pháp nhằm bảo vệ những đồng nghiệp Trung Quốc mà họ có hợp tác để làm nghiên cứu.

Do vậy, theo quan điểm của nhà Trung Quốc học Antoine Bondaz, "đã đến lúc cần phải xem xét các chương trình hợp tác đối tác, đặc biệt là những chương trình nào được ký kết với các trường đại học gần gũi với quân đội".

Pháp cần trang bị vũ khí

Trong bài xã luận Libération khẳng định, trên lãnh thổ Pháp, bộ máy giám sát do chế độ cộng sản thiết lập nhắm vào những công dân hay người Pháp gốc Hoa và có họ hàng thân thuộc tại Trung Quốc. Đây là một phương cách để gây áp lực không chút do dự hiệu quả cho một cường quốc.

Nếu một sinh viên ở Paris, trong lớp chỉ trích chính sách tiến hành ở Tây Tạng, Tân Cương hay Hồng Kông, cảnh sát Trung Quốc bắt đầu di chuyển đến các tỉnh ở Pháp. Nếu đó là một giáo sư đại học, những lời đe dọa gần như công khai cũng được đưa ra, gây nguy hiểm cho mối quan hệ hợp tác giữa các trường.

Libération cho rằng đã đến lúc chính phủ Pháp nên có biện pháp mới, nhằm bảo vệ những sinh viên nào đến Pháp để nghiên cứu trước tình trạng cưỡng bức, đe dọa và kiểm duyệt. Đương nhiên, không có chuyện phải ngừng các chương trình hợp tác đại học với Trung Quốc. Nhưng trước chiến lược của Bắc Kinh, nước Pháp cần phải vạch ra những quy định rõ ràng để tự bảo vệ mình và bảo vệ cả ngành giáo dục.

Trường nội trú cho thổ dân, vết đen trong lịch sử Canada

Nhật báo công giáo La Croix trên trang nhất nhìn sang "Canada với một quá khứ nặng nề về các trường nội trú". Tờ báo nhắc lại cho đến tận cuối thế kỷ XX, con trẻ của người thổ dân đã bị tách rời khỏi gia đình để được đồng hóa trong những trường nội trú do nhiều giáo đoàn tôn giáo quản lý. Hơn 3.200 trẻ nhỏ dường như đã thiệt mạng trong những cơ sở này.

Tổng cộng có ít nhất khoảng 150 ngàn trẻ em thổ dân, trong độ tuổi từ 7-16 tuổi, đã sống trong các trường nội trú. Bài phóng sự của nhật báo tại La Tuque, một trường nội trú ở Québec, cho biết ngôi trường này tồn tại trong vòng 15 năm, từ năm 1963 – 1978. Nhiều nhân chứng còn sống kể lại họ phải chịu đựng nạn "lạm dụng thể xác, tình cảm và tình dục", hay bị hành hạ tinh thần tàn nhẫn như thế nào.

Tờ báo nhắc lại, năm 1894, chính quyền thời bấy giờ còn ban hành một đạo luật truy tố những ai không trao trả lại những đứa trẻ bỏ trốn cho các trường nội trú. Nhưng đau đớn nhất là cha mẹ thường không được thông báo về cái chết của con mình. Nhiều bản khai tử đã bị tiêu hủy. Người ta ước tính số trẻ em thiệt mạng trong các trường nội trú có nguy cơ vượt hơn 10 ngàn em.

Nay những trường nội trú đó không còn nữa, nhưng những di chứng tâm thần vẫn còn đó, để lại nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng : Nghiện rượu, tỷ lệ tự tử ở thổ dân cao gấp ba lần so với những sắc dân còn lại ở Canada.

Tuy Giáo hội Anh giáo đã có những lời xin lỗi, nhưng đối với những người còn sống sót hay người thân của các nạn nhân, để có thể xoa dịu phần nào nỗi đau khôn nguôi đó, họ trông đợi nhiều vào một lời chính thức từ giáo hoàng.

Yemen : "Chiến tranh lồng chiến tranh"

Tình hình chiến sự tại Yemen là hồ sơ quốc tế lớn của Le Figaro. Trên trang nhất, tờ báo chạy tít lớn : "Sau 7 năm chiến tranh, Yemen bên bờ bùng nổ".

Cuộc chiến Yemen đang bị lãng quên và có nguy cơ kéo dài vĩnh viễn. Trong vòng 7 năm, hàng chục ngàn người bị giết chết, 2/3 trong số 30 triệu dân phải đối mặt với nguy cơ gia tăng dịch bệnh và hàng trăm ngàn người phải bỏ xứ ra đi tại một đất nước – nằm trong số những nước nghèo nhất của thế giới Ả Rập – nay bị xẻ làm đôi.

Phía Bắc do phe Huthi được Iran ủng hộ chiếm giữ. Còn phía Nam, Đông và vùng duyên hải phía Tây Hồng Hải là do đối thủ kiểm soát, nhờ vào một liên minh quân sự được điều khiển bởi Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và được Hoa Kỳ, Anh và Pháp hậu thuẫn.

Le Figaro nhắc lại vào năm 2014, sau khi phe nổi dậy Huthi chiếm đóng thủ đô Sanaa, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã bắt đầu dội bom các vị trí của phe nổi dậy. Nhưng 7 năm sau, lợi dụng sự chia rẽ giữa Riyadh và Dubai, phe Huthi lại không ngừng tiến lên.

Saudi Arabia muốn đánh tan quân nổi dậy thân Iran, một mối đe dọa cho sườn phía nam đất nước. Còn Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất muốn thúc đẩy các đồng minh phía nam Yemen đi đến độc lập để bảo đảm an ninh các tuyến hàng hải tại vùng Vịnh Aden.

Năm 2015, liên quân thân Saudi Arabia đã giải phóng cảng biển Aden phía nam, thành phố lớn thứ hai của đất nước. Phe Huthi thoái lui. Chiến sự tạm ngưng. Thế nhưng, tại miền nam xưa kia độc lập, một cuộc chiến khác đang diễn ra. Chiến tranh nội bộ giữa hai phe thân Riyadh và thân Dubai, đang phá hỏng uy tín của đồng minh phương Tây, bất chấp cả một dân tộc bị kiệt quệ vì chiến tranh !

Pháp : Kinh doanh không thông vì "Thẻ thông hành y tế" ?

Về phần mình, tranh nhất Les Echos chú ý đến "Những gì giấy chứng nhận y tế làm thay đổi cho doanh nghiệp". Các thượng nghị sĩ Pháp đã yêu cầu chính phủ có những bảo đảm tài chính cho các doanh nghiệp bị tác động do việc áp dụng "thẻ thông hành y tế".

Những doanh nghiệp này có thể được hưởng trợ cấp từ quỹ liên đới cho đến cuối tháng 8/2021. Nhưng quy định về thời điểm tái thẩm định tình trạng các doanh nghiệp dự kiến vào lúc đó có tầm quan trọng đặc biệt với việc áp dụng giấy chứng nhận y tế.

Đây là một điều khoản, có liên quan đến việc mở rộng kép phạm vi áp dụng giấy thông hành dịch tễ - việc mở rộng lần một có hiệu lực từ ngày 21/07/2021 và lần mở rộng sắp được áp dụng cho các quán cà phê và nhà hàng, một khi có quyết định của Hội Đồng Bảo Hiến, dự kiến được đưa ra vào ngày 05/8 tới đây.

Vào thời điểm này bộ Tài Chính Pháp sẽ phải tiến hành công tác thẩm định với những lĩnh vực bị tác động do cuộc khủng hoảng dịch tễ gây ra và xem xét với họ việc thoái lui dần với chính sách gọi là "bằng bất cứ giá nào" - nghĩa là đưa ra một lịch trình giảm dần các khoản trợ cấp.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 447 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)