Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/05/2017

Con đường tơ lụa không được Châu Âu và Ấn Độ hưởng ứng

Tổng hợp

Châu Âu và Ấn Độ tẩy chay Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc (RFI, 15/05/2017)

tolua1

Thượng đỉnh ' Con Đường Tơ Lụa' tại Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình (G), Tổng thống Nga Putin (T), Tổng thống Argentina Mauricio Macri (P). Ảnh ngày 15/05/2017. Reuters

Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 tổ chức tại Bắc Kinh kết thúc hôm nay, 15/05/2017. Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối ký kết văn bản về thương mại trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Đối với New Delhi, tham vọng của Bắc Kinh thiết lập một vành đai từ Âu sang Á xuyên qua Kashmir vùng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là một mối đe dọa.

Theo một nguồn tin ngoại giao được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, ít nhất 6 nước trong Liên Hiệp Châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh ở Bắc Kinh liên quan đến vế thương mại. Nhiều nước Châu Âu tẩy chay đề xuất của Trung Quốc do văn bản này không quan tâm đúng mức đến "các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu".

Trong trường hợp của Ấn Độ, New Delhi tẩy chay thượng đỉnh Một Vành Đai Một Con Đường tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/05/2017 do bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, theo như giải thích của thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis :

"Thái độ kình địch giữa hai Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực lên đến đỉnh cao vào cuối tuần này. Điều ấy được thể hiện qua việc New Delhi tẩy chay thượng đỉnh quốc tế quan trọng được tổ chức tại Bắc Kinh. Thật vậy, từ lâu nay Trung Quốc đã yểm trợ kẻ thù truyền thống của Ấn Độ là Pakistan, xem Islamabad là một trong những cánh tay đắc lực để thực hiện dự án Con Đường Tơ Lụa mới.

Trung Quốc dự trù đầu tư 42 tỷ euro tại Pakistan, với nhiều dự án xây dựng cầu đường, hải cảng. Vấn đề đặt ra là xa lộ chính của dự án vĩ đại này lại đi ngang qua vùng Kashmir của Pakistan, nơi mà từ 70 năm nay Ấn Độ vẫn khẳng định chủ quyền. Đây là điều New Delhi không thể chấp nhận được.

Dù vậy trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Ấn Độ đang trong thế đơn độc. Tất cả các quốc gia trong vùng, ngoại trừ Bhoutan, đều đã ngả vào vòng tay Bắc Kinh. Trung Quốc hứa giúp các quốc gia này nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, cấp tín dụng và huy động các tập đoàn xây dựng của Trung Quốc.

Trước mắt, New Delhi đang mở chiến dịch phản công : vận động một vài nước lân cận như là Sri Lanka hay Nepal kháng cự với Bắc Kinh. Nhưng có khả năng, Ấn Độ sẽ khó cưỡng lại trước sức thuyết phục mạnh mẽ của Trung Quốc".

Thanh Hà

********************

Vì sao Ấn Độ phản đối 'Một Vành đai, Một Con đường' ? (BBC, 15/05/2017)

Ấn Độ không cử lãnh đạo dự hội nghị 'Vành đai và Con đường' tại Bắc Kinh, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sáng kiến này sẽ giúp "kinh tế các nước tăng trưởng mạnh hơn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn".

tolua2

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc mong "cùng có lợi cùng thắng trong hợp tác"

'Một vành đai, một con đường', chủ trương của ông Tập Cận Bình từ 2013, là chương trình ngoại giao kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.

Khoảng 30 lãnh đạo các nước, trong đó có Việt Nam, cùng đại diện hơn 100 nước, đang tham dự hội nghị tại Bắc Kinh.

Theo viễn kiến của Bắc Kinh, các dự án kinh tế, hạ tầng sẽ được dựng lên dọc Con đường Tơ lụa cổ xưa đi qua Á - Âu cùng tuyến đường biển qua Đông Nam Á.

Tuy vậy, Ấn Độ giận dữ vì sáng kiến này bao gồm đề xuất Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan đi qua thành phố cảng Gwadar của Pakistan đến Tân Cương, Trung Quốc.

Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ đi qua vùng Kashmir, phần do Pakistan kiểm soát, mà Ấn Độ cũng đòi chủ quyền.

Một người phát ngôn ngoại giao Ấn Độ tuyên bố :

"Không nước nào có thể chấp nhận một dự án bỏ qua lo ngại cốt lõi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".

Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư B. R. Deepak, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ, xác nhận Ấn Độ không hài lòng vì dính đến tranh chấp Kashmir.

tolua3

Quân Ấn Độ tuần tra ở một đoạn biên giới ở Kashmir với vùng do Pakistan kiểm soát

"Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan đi qua bang Kashmir đoạn do Pakistan chiếm đóng, và một phần cũng đang nằm trong kiểm soát của Trung Quốc".

"Ấn Độ tin rằng dựa theo hiệp ước sáp nhập 1947, toàn bộ Kashmir thuộc về Ấn Độ".

Ngoài ra, theo giáo sư B. R. Deepak, Ấn Độ lo ngại về quan hệ Trung Quốc - Pakistan.

"Ấn Độ chủ yếu xem quan hệ Trung Quốc - Pakistan là trục nhắm chống Ấn Độ, nên Ấn Độ tin rằng hai nước này sẽ càng chèn ép Ấn Độ".

"Ấn Độ cũng cho rằng khi các láng giềng gia nhập dự án, không gian chiến lược của Ấn Độ sẽ bị suy giảm cả ở tầm khu vực và toàn cầu".

Tờ báo mang quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, Global Times, đã chỉ trích Ấn Độ.

"Nếu Ấn Độ không muốn tham gia, thì hãy nên là khán giả tốt".

"Vai trò vẫn còn đó nếu Ấn Độ thay đổi ý kiến, nhưng có lẽ chỉ còn vai trò nhỏ thôi nếu chờ đến khi quá muộn", báo này viết.

Ngoài Pakistan, hai láng giềng của Ấn Độ là Sri Lanka và Nepal cũng tham dự hội nghị.

'Không bài xích'

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường".

tolua4

Tiệc mừng quan khách dự Diễn đàn 'Một Con đường, một Vành đai' hôm 14/5

Nhìn từ Ấn Độ, Giáo sư B. R. Deepak nhận xét :

"Về các nước sẽ gia nhập 'Vành đai và Con đường', nó phụ thuộc loại dự án gì và ai sẽ chi tiền ?"

"Đa số các nước hợp tác với Trung Quốc là những nước đang nổi hoặc nghèo, họ cần tiền, khả năng và công nghệ của Trung Quốc".

"Trung Quốc cũng cần càng nhiều nước tham gia càng tốt, vì dự án quá khổng lồ, cần vốn quốc tế. Chỉ nguồn vốn của Trung Quốc thôi sẽ không đủ".

Họp báo tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói :

"Chúng tôi cho rằng việc xây dựng 'Một vành đai, một con đường' đã mở ra mặt bằng phát triển bao trùm, các nước đều là người tham gia, người đóng góp, người được hưởng lợi bình đẳng".

"Chúng tôi mong tiếp tục hợp tác trong mở cửa, cùng có lợi cùng thắng trong hợp tác, không có vạch đỏ về ý thực hệ, không có chương trình nghị sự về chính trị, cũng không có sự sắp xếp mang tính bài xích", ông Tập phát biểu.

Quay lại trang chủ
Read 787 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)