Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/08/2021

Điểm báo Pháp - Afghanistan : "nghĩa địa của các ảo tưởng"

RFI tiếng Việt

Afghanistan : Từ "nghĩa địa của các đế chế" đến "nghĩa địa của các ảo tưởng"

Hôm 31/08/2021, hạn chót Mỹ rút hết quân khỏi Kabul, hồ sơ được báo chí Pháp đặc biệt lưu ý vẫn là Afghanistan, trừ báo công giáo La Croix quan tâm nhiều đến chính trị Đức và chỉ dành một bài khiêm tốn cho việc quân Mỹ rút khỏi sân bay Kabul. "Kabul bị bỏ lại cho Taliban" là tựa trang nhất của Le Figaro. Sau 2 thập niên, thời kỳ tham chiến dài nhất của quân đội Mỹ, Afghanistan trở lại dưới quyền kiểm soát của Hồi giáo cực đoan.

nghiadia1

Máy bay vận tải C-17 của Mỹ chở máy bay trực thăng CH-47 Chinook tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 28/08/2021.  © AP - Department of Defense

Không chỉ là "Nghĩa địa của các đế chế", Afghanistan nay trở thành "Nghĩa địa của các ảo tưởng", như tựa bài xã luận của Le Figaro. Các cuộc tấn công ngày 11/09/2001 đã đặt Afghanistan thành trung tâm của các vấn đề an ninh và văn minh của thế giới phương Tây. Mọi chuyện sẽ vẫn như thế, vẫn chung những nguy cơ giống như 20 năm trước. Điểm mới là sẽ phải thông qua Taliban nếu phương Tây muốn gây bất kỳ ảnh hưởng nào đối với các sự kiện có thể tác động trực tiếp đến chúng ta.

Cây bút xã luận Philippe Gélie của Le Figaro lưu ý, liên quan đến an ninh, phương Tây sẽ còn lệ thuộc vào Taliban nhiều hơn. Trong số 72 tổ chức khủng bố được ghi nhận trên thế giới, có tới 18 tổ chức hiện diện ở Afghanistan. Quốc tế cũng đã thấy Taliban không có khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhánh Khorasan (IS-K). Đó là chưa kể quân thánh chiến thuộc mọi thành phần khác.

Đối mặt với những nguy cơ nói trên, phương Tây có thể hy vọng gì từ cuộc đối thoại với chính quyền mới ở Kabul ? Viện trợ nhân đạo để giúp quốc gia này phát triển ? Hợp tác an ninh có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công sắp tới ? Le Figaro cảnh báo phương Tây đừng quá mơ mộng hão huyền : mọi cuộc thảo luận với Taliban đều sẽ là một cuộc mặc cả bất tận. Đồng minh Mỹ đã quay về nước, không có sự giúp đỡ, Châu Âu sẽ không thể tự vệ. 

Afghanistan : Khi chỉ còn Taliban chèo lái…

Mở đầu bài viết "Afghanistan : Chỉ còn Taliban chỉ huy", tờ Le Monde nhận định, sau khi quân Mỹ rời đi, Taliban sẽ phải quản lý một nền kinh tế đình trệ. Và đó không phải là chiến thắng mà phe Hồi giáo cực đoan ngóng chờ.

Khi tiến vào Kabul, Taliban nghĩ rằng sẽ bảo đảm được hòa bình sau 40 năm chiến tranh liên miên, nhưng bạo lực đã bùng phát với vụ tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Taliban từng hy vọng tạo được niềm tin, nhưng hàng chục, hàng trăm ngàn người Afghanistan vẫn rời khỏi đất nước. Taliban từng tin rằng họ có khả năng đưa đất nước tiến lên, nhưng nỗi giận dữ đang bùng lên ở các đô thị, nơi kinh tế ngưng trệ hoàn toàn. Taliban đã không nghi ngờ gì về sự đoàn kết của phong trào, nhưng nay sự cạnh tranh, ganh đua trong hàng ngũ đang lộ ra.

Một trở ngại khác đang lớn dần mà Taliban cần giải quyết nhanh chóng là nguồn tiền, nhất là ở thủ đô, nơi có 6 triệu dân, các nhà băng đều đóng cửa và người dân không thể rút tiền từ tài khoản cá nhân. Taliban đã gây sức ép với các chủ nhà ngân hàng nhưng vô ích, bởi Mỹ còn phong tỏa dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan.

Le Monde nhận định, liên quan đến chính trị, Washington đã trả giá đắt về điều kiện rút quân và sự thiệt mạng của binh sĩ, nhưng Nhà Trắng vẫn nắm trong tay những lợi thế giúp Mỹ phần nào có thể tác động đến cơ hội thành công của Taliban. Hai thứ vũ khí đó là khả năng sử dụng tiền và khả năng quốc tế công nhận chế độ Taliban, cho dù hiện giờ tổng thống Mỹ Biden khó có thể ngay lập tức thuyết phục quốc tế trợ giúp quốc gia mà Mỹ vừa mới rời đi.

Ngoài thách thức lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, Taliban còn phụ thuộc vào việc Mỹ có muốn bơm tiền trở lại cho nền kinh tế Afghanistan hay không, trong khi phe Hồi giáo cực đoan sẽ còn phải đối phó với mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, vốn đã thề sẽ tiếp tục tấn công Taliban.

Cái ách của Taliban, sự sợ hãi và nỗi tuyệt vọng 

Cũng về Afghanistan, nhưng dưới một góc độ khác, cuộc sống của người dân sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước và quân Mỹ rút hết đi được Libération tóm lược qua những từ ngữ "cái ách""nỗi sợ hãi""tuyệt vọng", hoặc qua những câu "cứ như thể cuộc sống đã đột ngột dừng lại"

Sau ngày 31/08, cả một đất nước bị xô đẩy vào "một cơn ác mộng" với những cảnh kinh hoàng mà họ đã từng biết đến. Lĩnh vực văn hóa sẽ là đích nhắm đầu tiên của chế độ Taliban và nghệ sĩ sẽ là nạn nhân đầu tiên. Nếu không sống lưu vong, trước mặt họ sẽ là cái chết.

Libération nhắc lại trong giai đoạn Taliban cầm quyền 1996-2001, âm nhạc, nhà hát, rạp phim, khiêu vũ đều bị cấm. Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid mới đây từng nói âm nhạc sẽ bị cấm và phe Hồi giáo cực đoan hy vọng lần này sẽ thuyết phục được người dân Afghanistan thay vì ép buộc. Kết luận bài xã luận, Libération đặt câu hỏi : Taliban biết cách thuyết phục nào khác ngoài việc xử tử hàng loạt ?

Qatar, đối tác không thể thiếu của phương Tây

Nhật báo Kinh tế Les Echos quan tâm đến vai trò không thể phủ nhận của Qatar đối với phương Tây trong việc xử lý khủng hoảng Afghanistan. Là kênh liên lạc với phe Taliban, Qatar cũng là nước hỗ trợ phương Tây trong chiến dịch di tản.

Đối với Les Echos, quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh đã trở nên cần thiết với tất cả những bên có liên quan đến cuộc xung đột Afghanistan. Chưa từng công nhận chế độ Taliban ở Kabul trong những năm 1996-2000, nhưng Qatar đã duy trì những quan hệ kín đáo với phe này và sau này ủng hộ Taliban. Mối liên hệ chưa từng bị cắt đứt đó nay trở nên rất có ích.

Không có thù hận với Hoa Kỳ, nhưng Qatar cũng cần những đối tác khác và chính đường lối ngoại giao cởi mở đã tạo cho Qatar vị thế trung gian, với cả Iran và Taliban và vị trí quan trọng trong khu vực. 

Tiêm ngừa Covid-19 : Thành công "ngoài sức tưởng tượng" của Pháp

Về tình hình nước Pháp, đề tài được báo Le Monde dành nhiều sự chú ý là thành công ngoạn mục của chiến dịch tiêm ngừa Covid-19.

Bài xã luận của Le Monde mở đầu bằng câu hỏi : "Ai từng dám tin vào điều đó ?" Chín tháng sau khi khởi động, Pháp đã trở thành một trong những nước đi đầu thế giới về chiến dịch tiêm ngừa Covid-19.

Đến đầu tháng 9, theo dự báo sẽ có ít nhất 50 triệu người, tương đương 75% dân số Pháp được tiêm ít nhất 1 mũi. Nước Pháp vốn thường được mô tả là "quốc gia của những người bất trị", theo Le Monde, đã làm tốt hơn cả Anh Quốc, nước đi tiên phong và trong suốt thời gian dài đứng đầu Châu Âu về tiêm phòng Covid-19, vượt cả Đức, Mỹ và thậm chí là Israel, một thời là điển hình của thế giới.

Đối với tổng thống Macron và chính phủ, thắng lợi ngoài mong đợi này càng rõ nét, vì nó đến sau những giai đoạn hỗn loạn về xử lý đại dịch, thiếu hụt khan hiếm hết khẩu trang rồi đến vac-xin. Thành công đó có đuợc là nhờ việc đẩy nhanh áp dụng chứng nhận y tế, chiến lược nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng. Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 12/07, tổng thống Pháp đã nói đó là trách nhiệm của ông.

Mặc dù biện pháp này vẫn vấp phải sự phản đối, nhưng hiệu quả đẩy nhanh tỉ lệ tiêm chủng ở Pháp quả thực là ngoạn mục : chỉ trong 1 tháng, tỉ lệ này tăng từ 55% lên thành 70%. 

Nghịch lý mang tên nước Pháp

Thành công không thể phủ nhận của chiến dịch tiêm chủng sẽ tạo thuận lợi cho ông Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2022. Nhưng theo Le Monde, chiến dịch tiêm chủng của Pháp vẫn có số điểm yếu : 15% người trên 80 tuổi sống tại gia là những người dễ bị tổn thương nhất vẫn chưa được bảo vệ và quá trình tiếp cận nhóm người nghèo và có cuộc sống bấp bênh vẫn không mang lại nhiều kết quả. 

Điều tệ hại nhất, theo Le Monde, là việc kiềm chế phần nào được đại dịch có thể dẫn đến thái độ khinh thường, thậm chí kiêu ngạo của giới tinh hoa. Thành công được ghi nhận lần này đang mở ra chân trời mới cho các cuộc tranh luận cần thiết khác về giáo dục, việc làm, khí hậu, Châu Âu… và trao cho chính quyền những trách nhiệm mới : Mở ra viễn cảnh cho người Pháp vốn đã mệt mỏi sau 18 tháng Covid-19 và lắng nghe dân chúng bất kể thái độ của họ về việc tiêm chủng.

Báo công giáo La Croix cũng lưu ý là các mục tiêu tiêu về tiêm chủng đã hoàn thành, nhưng sự rạn nứt vẫn còn, cùng với những chệnh lệch rất lớn về kinh tế - xã hội và theo địa lý.

Những hồ sơ lớn đang chờ chính phủ Castex

Vẫn về nước Pháp, mùa nghỉ hè đã qua, chỉ còn 8 tháng là đến kỳ bầu cử tổng thống, Le Figaro chú trọng đến những hồ sơ lớn đang chờ chính phủ và thủ tướng Jean Castex.

Mặc dù nước Pháp hiện giờ trong hoàn cảnh thuận lợi : tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức ngang với trước khi đại dịch bùng phát, tỉ lệ tăng trưởng năm 2021 dự báo đạt 6%, các hoạt động đã được khôi phục đến 99%. Thế nhưng, không thiếu những vấn đề bất đồng giữa chính phủ và các đối tác xã hội, như bảo vệ việc làm và lương cho người lao động, bảo vệ các dịch vụ công, cải cách bảo hiểm thất nghiệp, cải cách chế độ hưu trí, trợ cấp cho những người trẻ tuổi không được học hành và không có việc làm… 

Báo kinh tế Les Echos hôm nay cũng liệt kê "10 hồ sơ nóng" sau kỳ nghỉ hè của Pháp, nhưng chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tài chính.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)