Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/09/2021

Điểm báo Pháp - Công lý chống lại Bạo tàn

RFI tiếng Việt

Pháp mở phiên tòa về loạt khủng bố 13/11 : Công lý chống lại Bạo tàn

"Phiên tòa lịch sử" xét xử loạt khủng bố 13/11 – "vụ khủng bố đẫm máu nhất" tại Pháp kể từ Thế chiến Hai - mở ra hôm 8/09/2021, tại Paris là chủ đề chính của hầu hết các nhật báo Pháp. Thế đối đầu tả - hữu về chính trị trở lại thành vấn đề nổi trội tại Pháp, hơn một năm rưỡi từ khi đại dịch bùng phát, và chín tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, là chủ đề lớn của Le Monde

phientoa1

Phiên tòa xét xử loạt khủng bố 13/11 mở ra tại Paris ngày 08/09/2021. Ảnh minh họa. © AFP/Thomas Coëx

Về phiên tòa lịch sử khai mạc hôm nay, Le Figaro có bài xã luận trang nhất với tựa đề "Đối diện với sự man rợ". La Croix dành hồ sơ trang nhất cho chủ đề "13/11/2015 : ở tâm điểm của cuộc điều tra", xã luận của nhật báo Công giáo mang tựa đề "Chăm chút cho công lý". Công lý chống lại Bạo tàn là tinh thần chính của bài xã luận của La Croix.

Xã luận La Croix nhấn mạnh đến hai việc. Thứ nhất là phiên tòa và thứ hai là cuộc điều tra, đều rất quy mô và được chuẩn bị chu đáo. Gần sáu năm điều tra với sự tham gia của hàng trăm nhân viên đã cho phép thiết lập nên một hồ sơ hàng chục ngàn trang tài liệu. Các nhà điều tra đã khôi phục lại được trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất tại Pháp. Các thẩm phán điều tra đã liên tục chuyển đến những người sống sót và các thân nhân của 130 người chết những thông tin cần thiết, theo từng giai đoạn của điều tra.

Phiên tòa được chăm chút đến từng chi tiết

Phiên tòa quy mô này được chăm chút đến từng chi tiết. Các nạn nhân có thể tham gia phiên tòa tại các phòng kế bên, hay từ nhà mình qua mạng, "các điều kiện vật chất của phiên tòa này có vẻ như là những chi tiết không quan trọng. Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Sự chăm chút chuẩn bị như vậy nói lên nhiều điều về chúng ta, về quan niệm của chúng ta về công lý". Từ màu sắc của ghế cho đến kích thước của micro… tất cả đều được chú ý, để không có gì xảy ra có thể làm rối loạn bầu không khí trang nghiêm của các trình bày, tranh biện. Tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất cũng được chú ý để bảo đảm phiên tòa diễn ra chuẩn mực.

Nhật báo công giáo La Croix nhấn mạnh là : "Phiên tòa này, cũng như các phiên tòa khác, không thể chữa lành những nỗi đau, không thể khiến các vết thương khép miệng. Nhưng bởi vì phiên tòa thể hiện sự tôn trọng cần phải có đối với các nạn nhân, và những quyền mà các bị cáo cần được hưởng, tự bản thân sự chăm chút dành cho công lý như vậy là một đáp trả đối với ý thức hệ toàn trị của tổ chức Nhà nước Hồi giáo".

Đoàn kết đối lại Bạo tàn

"Phiên tòa 13/11/2015 : Đối mặt" là tựa trang nhất của Libération trên nền bức ảnh nhìn từ phía sau ba người vòng tay ôm nhau. Độc giả có thể hình dung những người trong ảnh là những người sống sót và thân nhân của các nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu tại Paris cách nay gần 6 năm. Bài xã luận của Libération nhan đề "Cởi lời" nhấn mạnh trước hết đến tính lịch sử về quy mô : 1.800 nguyên đơn, 330 luật sư, 542 tấn tài liệu, 141 phương tiện truyền thông tham gia đưa tin.

Libération nhận xét : những con số nói trên về phiên tòa lịch sử "mang lại ấn tượng lô-gíc về những hành động man rợ không thể hiểu nổi", "vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất tại từ Pháp từ sau Thế chiến Hai". Câu hỏi chính mà Libération đặt ra là vụ xét xử dự kiến diễn ra trong 9 tháng, tuân thủ đầy đủ các trình tự pháp lý, "có hỗ trợ được tinh thần cho những người sống sót, thân nhân của các nạn nhân, giúp họ được cởi lời hay không ?".

Libération lấy làm tiếc là phiên tòa "không được truyền trực tiếp, để cho phép tạo nên một không khí đoàn kết tập thể xung quanh" các nạn nhân. Tuy nhiên, nhật báo thiên tả nhấn mạnh là, bất luận thế nào "phiên tòa sẽ được quay phim và lưu trữ, để giúp các thế hệ tương lai thấy rõ, bên ngoài các con số và các sự kiện diễn ra, công lý chiến thắng bạo tàn" như thế nào. Cũng như La Croix, Libération nhấn mạnh đến công lý bảo đảm "quyền của các bị cáo và sự tôn trọng các nạn nhân".

Bài học từ "vụ 13/11" có thực sự được rút ra ?

Về phần mình, nhật báo thiên hữu Le Figaro trong bài xã luận "Đối mặt với sự bạo tàn" chú ý nhiều hơn đến mối đe dọa khủng bố tiếp tục đè nặng lên nước Pháp. Le Figaro đặt ra hàng loạt câu hỏi : Chúng ta có thực sự rút ra được các bài học từ vụ 13/11 ? Le Figaro lo ngại đường biên giới hiện nay của Châu Âu chưa chắc đã bảo đảm ngăn chặn được các phần tử khủng bố lọt vào như cách nay 6 năm. Về hiểm họa từ các phần tử cực đoan sau khi ra tù. Nhật báo thiên hữu cảnh báo các lãnh đạo chính trị : "Cho dù có tiến bộ của ngành an ninh tình báo, mối đe dọa (khủng bố) không biến mất". Cuộc chiến "chống lại chủ nghĩa ngu dân của ý thức hệ Hồi giáo chính trị là cuộc chiến dài hơi".

Về diễn biến phiên tòa, Le Monde có bài "Ai là 20 bị cáo…". Libération dành hồ sơ chính để mô tả tường tận hoạt động của "Biệt đội khủng bố 13 tháng 11, một mắt xích trong một dây chuyền phức tạp". Nhật báo dựng lại bằng sơ đồ chi tiết rộng hai trang báo, tóm lược đầy đủ "lộ trình hành động 9 giai đoạn" của các nhóm khủng bố Daesh, dẫn đến loạt tấn công ngày 13/11 và các cuộc khủng bố khác tại Bỉ.

Nhật báo La Croix có bài phân tích đáng chú ý về những mục tiêu của phiên tòa dài này. Theo La Croix, nếu như một phần quan trọng sẽ được dành cho việc các nạn nhân lên tiếng, thì mục tiêu trên hết của phiên tòa vẫn là xét xử 20 bị cáo, trong đó 14 bị cáo có mặt tại chỗ. La Croix thừa nhận một phiên tòa đại hình thường xuyên phải đối mặt với thách thức của cảm xúc.

Phiên tòa đại hình : Những thách thức của cảm xúc

Về việc các nạn nhân lên tiếng, khiến nhiều phiên tòa đại hình biến thành nơi bày tỏ những nỗi đau đớn, La Croix nhấn mạnh : các thẩm phán sẽ không được để cho các tình cảm như vậy cũng như tính chất "lịch sử" của các sự kiện chi phối, để có thể phán xét về hành vi của các bị cáo, đúng theo những gì họ làm. Luật sư Claire Josserand-Schmidt, Hiệp hội các nạn nhân khủng bố Pháp, đặc biệt lưu ý đến khía cạnh này.

Theo La Croix, vấn đề cơ bản của phiên tòa này là cho phép hiểu được rõ hơn quá trình dẫn đến các vụ tấn công khủng bố. Làm thế nào mà một số phần tử tội phạm ở Pháp và Bỉ lại tham gia vào mạng lưới khủng bố do "Nhà nước Hồi giáo" tổ chức ? Làm thế nào mà bộ phận Opex – phụ trách các hoạt động hải ngoại của Daesh – "điều hành từ các vùng (mà Daesh kiểm soát tại) Iraq và Syria" các cuộc tấn công khủng bố ở Châu Âu ? "Các bị cáo chắc chắn biết nhiều điều, nhưng không ai biết là các đương sự có chấp nhận bày tỏ hay không".

Một mục tiêu khác của phiên tòa là chỉ ra một số trục trặc của hệ thống an ninh Châu Âu, cụ thể trong việc theo dõi Abdelhamid Abaaoud, mặc dù được xác nhận là một đối tượng ưu tiên, nhưng rút cục đã lọt khỏi tầm theo dõi của an ninh. Trong lúc các cơ quan an ninh Châu Âu vẫn nghĩ nhân vật này đang có mặt tại Syria, thì đương sự đã tham gia vào các cuộc khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015, trước khi bị giết vài ngày sau, trong một cuộc truy bắt của cảnh sát Pháp.

Vì sao quân thánh chiến sẽ chọn im lặng tại tòa ?

Về phản ứng của các bị cáo, Le Figaro có bài phỏng vấn giảng viên Học viện Chính trị Paris Anne-Clémentine Larroque, một chuyên gia về Hồi giáo chính trị, dự báo và giải thích các lý do "Vì sao quân thánh chiến chọn giải pháp im lặng tại phiên tòa". Anne-Clémentine Larroque đã tham gia vào nhiều phiên tòa xét xử khủng bố Hồi giáo từ năm 2016. Chuyên gia về Hồi giáo chính trị Học viện Chính trị Paris lưu ý độc giả về vấn đề khủng hoảng "bản sắc" của những người đã chọn đi theo con đường Hồi giáo thánh chiến. Đa số là con cái của những người mới nhập cư vào Pháp, vào Châu Âu. Bị mất đi nền văn hóa gốc của thế hệ cha mẹ mình (văn hóa Bắc Phi), không gắn bó được với nơi sinh ra và lớn lên (nước Pháp), những người này đã lấy ý thức hệ Hồi giáo thánh chiến làm lẽ sống, và sẵn sàng tấn công chính đất nước mình sinh ra và trưởng thành.

Chuyên gia Học viện Chính trị Paris cũng cảnh báo về nguy cơ khủng bố Hồi giáo thánh chiến là không thể coi thường, cho dù tấn công quy mô như loạt khủng bố 13/11 rất ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, khủng bố thánh chiến Hồi giáo hiện nay đang nở rộ ở nhiều nơi, từ Mozambic đến Sri Lanka. Và "không khí của phiên tòa" lịch sử này cũng có thể kích động một số hành động khủng bố, giống như vụ giết hại thầy giáo Samuel Paty, đúng vào lúc diễn ra phiên tòa xét xử vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo.

Cũng về chủ đề Hồi giáo thánh chiến, Le Figaro có bài phỏng vấn mang tựa đề "Ngày 13/11 : Bạo lực khủng bố là kết quả của một ý thức hệ chính trị, không phải do nỗi điên loạn". Người trả lời là ông Thibault de Montbrial, chủ tịch của Trung tâm tư vấn về an ninh nội địa.

Trung Quốc : Sợ bị Tây hóa, chế độ quyết định "ngả sang tả"

Về Trung Quốc, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Frédéric Le Maitre. Bài viết gửi về từ Bắc Kinh nhan đề "Đằng sau xu thế ngả sang tả của chế độ cộng sản Trung Quốc hiện nay là nỗi lo sợ bị Tây hóa". Chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với hàng loạt các tập đoàn công nghệ vốn được coi là con cưng của chế độ, như Alibaba hay Tencent. Hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ học đường Trung Quốc đang phải xét lại triệt để mô hình kinh tế. Ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc đứng trước nhiều hạn chế, ví dụ như quyết định của chính quyền cấm không cho người dưới 18 tuổi chơi các trò chơi trên mạng nhiều quá 3 giờ một tuần. Theo nhà báo Frédéric Le Maitre, Bắc Kinh đặc biệt lo ngại giới trẻ và intenet.

Thành công của của các tập đoàn công nghệ số của Trung Quốc dựa trên ba yếu tố thuận lợi : "kích thước của thị trường, vắng mặt cạnh tranh nước ngoài nhờ tường lửa, và tính chất yếu kém của hệ thống ngân hàng vốn có", đã khiến tuyệt đại đa số người sử dụng chọn giải pháp thanh toán qua các dịch vụ mạng. Tính đến tháng 6/2021, Trung Quốc có hơn một tỉ người dùng Internet, 872 triệu người sử dụng ví điện tử để thanh toán.

Trong vòng 15 năm, Bắc Kinh đã để mặc các doanh nghiệp điện tử nở rộ và trở nên thịnh vượng. Thành công của các tập đoàn công nghệ số có thể đe dọa vị thế của chế độ. Giờ đây, chế độ cộng sản quyết định siết lại gọng kìm. Lý do sâu xa là "sợ bị Tây hóa".

Phân rẽ Tả - Hữu sâu sắc hơn, Khí hậu là vấn đề hàng đầu

Hồ sơ chính của Le Monde hôm nay là chính trị nước Pháp. Nhật báo dành nhiều nội dung cho chủ đề này nhân dịp công bố kết quả cuộc điều tra mang tựa đề "Sự rạn nứt trong nội bộ nước Pháp", do Viện thăm dò dư luận Ipsos và Sopra Steria tiến hành theo đặt hàng của Le Monde. Đối lập ý thức hệ tả - hữu đặc biệt mạnh trong vấn đề nhập cư hay đạo Hồi, cũng về vấn đề công bằng xã hội. Le Monde ghi nhận xu hướng uy tín của các đảng phái chính trị tiếp tục sụt giảm, đã nhường nhiều chỗ hơn cho vai trò của các cá nhân trong các tranh luận chính trị.

Vấn đề môi trường, sinh thái, cũng được ghi nhận là đang trở thành mối quan tâm lớn của người Pháp. Đông đảo cử tri sẵn sàng cam kết có những hành động triệt để nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 467 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)