Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/09/2021

Pháp đối phó với mối đe dọa khủng bố biến hóa khôn lường

RFI tiếng Việt

Phiên tòa xét xử loạt khủng bố đẫm máu ngày 13/11/2015 bắt đầu tại Paris ngày 08/09/2021 làm sống lại những ký ức kinh hoàng cách đây 6 năm. Cùng lúc, việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, thành lập một Nhà Nước Hồi giáo, cũng có nguy cơ kích động những "con sói đơn độc" tại Pháp. Mối đe dọa khủng bố vẫn ở cấp độ cao tại Pháp.

dedoa1

Quân đôi Pháp tuần tra tại Marseille, miền Nam nước Pháp, ngày 03/11/2020, trong khuôn khổ chiến dịch Sentinelle nhằm bảo vệ những "điểm" nhạy cảm chống lại các mưu toan khủng bố.  AFP/Christophe Simon

Nguy cơ một số phần tử cực đoan trà trộn trong dòng người tản cư khỏi Afghanistan không phải là chuyện "lo xa" : Năm người Afghanistan được Pháp đưa khỏi Kabul bị tình nghi có quan hệ với Taliban và đang bị theo dõi hành chính. Trên tổng số 22.000 người bị liệt trong danh sách cực đoan tại Pháp, có đến "một phần tư là người nước ngoài" và những người này vẫn là "mối đe dọa cho an ninh công cộng", theo chủ tịch vùng Ile-de-France Valérie Pécresse được AFP trích dẫn.

Mối đe dọa biến hóa khó lường

Dù số người nằm trong Danh Sách Cảnh Báo Phòng Chống Khủng Bố Cực Đoan (FSPRT) đã giảm từ 10.000 vào năm 2017 xuống còn 7.535 vào ngày 01/09/2021, nhưng đây không phải là dấu hiệu cho thấy nguy cơ khủng bố bớt đi. Trái lại, mối đe dọa Hồi giáo cực đoan lại biến hóa khó lường, "không bao giờ ở nơi mà người ta nghĩ đến".

Ông Jean-François Ricard, công tố viên chống khủng bố, giải thích với AFP rằng "khi bắt đầu hiểu ra chúng vận hành như nào, thì mối đe dọa lại thay đổi" do "những kẻ tấn công độc lập hơn và không có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức khủng bố".

Điều này khiến lực lượng tình báo Pháp khó "khoanh vùng" các đối tượng nghi vấn, thường là những người dễ bị tác động và nhạy cảm với không khí thù nghịch nhắm đến một Nhà Nước bị coi là kẻ thù của đạo Hồi. Sự kết hợp này được ông Gilles Kepel, chuyên gia về khối Ả Rập, mô tả trong cụm từ "thánh chiến theo hoàn cảnh" (jihadisme d’atmosphère). Xu hướng đó được thể hiện qua 7 vụ tấn công tại Pháp từ năm 2020, được xem là "khủng bố thánh chiến" và đều do những "con sói đơn độc" tiến hành.

Theo AFP, có ít nhất 6 kiểu "sói đơn độc", chủ yếu là những cá nhân sùng đạo, thích bạo lực, trầm cảm với những triệu chứng tâm thần và gần đây là những thanh thiếu niên gặp khó khăn. "Sự cô lập với xã hội""cách ra tay đơn giản" với những vũ khí thô sơ mà không cần đến chất nổ, vũ khí, càng khiến lực lượng an ninh khó đoán. Thêm vào đó là sự "bất ổn cá nhân" cũng khiến họ có thể ra tay trong vài giờ "mà không có dấu hiệu dự đoán được".

Ngoài ra, phải kể đến "thánh chiến mạng" (cyberjihad) gia tăng từ khi "vương quốc" tự xưng của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo sụp đổ. Chỉ cần hai cú nhấp chuột là có thể truy cập vào những đoạn video như sách giáo khoa và "không tài nào xóa hết được", theo một nguồn tin an ninh. Công việc theo dõi trên mạng được hợp thức hóa nhờ một đạo luật chống khủng bố được ban hành vào tháng 07/2021. Lực lượng an ninh Pháp được trang bị thêm một công cụ sử dụng thuật toán để phân tích những dữ liệu truy cập mạng do các nhà cung cấp viễn thông cung cấp.

Theo dõi tù nhân cực đoan

Sau những vụ khủng bố trong năm 2015, việc quản lý và giám sát tù nhân Hồi giáo cực đoan cũng có nhiều thay đổi. Theo giám đốc cơ quan quản lý trại giam Laurent Ridel, "từ bước đầu bỡ ngỡ, như nhiều nước Châu Âu khác, hiện giờ Pháp đã có một cơ chế tương đối đặc biệt, cân bằng, tôn trọng các quyền".

Trên tổng số khoảng 68.000 tù nhân tại Pháp, có 461 người bị kết án vì các tội "khủng bố Hồi giáo" (TIS) và khoảng 600 "tù nhân bị tình nghi cực đoan hóa" (DCSR). Sau vụ tấn công Hồi giáo đầu tiên nhắm vào một quản giáo ở Osny năm 2016, cơ quan quản lý trại giam Pháp cũng phải đổi chiến lược giam chung tù nhân cực đoan, tránh để "lây nhiễm" khắp nhà giam.

Thay vào đó, họ đã lập sáu "khu vực đánh giá tình trạng cực đoan hóa" (QER). Mỗi đợt đánh giá kéo 15 tuần và mỗi lần có 12 tù nhân. Hầu hết các tù nhân "khủng bố Hồi giáo" (TIS) đều phải qua đây để được theo dõi. Trong trường hợp dự đoán khả năng ra tay hành động thấp, phạm nhân được đưa về khu giam giữ bình thường (khoảng 80%). Ngược lại, những người có mức độ nguy hiểm cao, hoặc có khả năng tấn công nhân viên (10%) sẽ bị đưa vào khu biệt giam.

Salah Abdeslam, thành viên duy nhất còn sống sót của nhóm khủng bố ngày 13/11/2015, là trường hợp đặc biệt, bị biệt giam tại nhà tù Fleury-Mérogis (tỉnh Essone, ngoại ô Paris) và bị giám sát 24/24 giờ.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 431 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)