Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/09/2021

Điểm báo Pháp - Bài học từ vụ 11/9

RFI tiếng Việt

Bài học từ vụ 11/9 : Dân Mỹ ''mù quáng'' giao phó vận mệnh cho chính quyền

Vụ khủng bố ngày 11/09 nhắm vào tòa tháp đôi tại Mỹ xảy cách nay đã tròn 20 năm. Báo chí Pháp hôm nay, một ngày trước sự kiện lịch sử, dành nhiều bài vở cho hồ sơ này. Các bài học rút ra từ loạt khủng bố làm sang trang lịch sử, hậu quả của các phản ứng của nước Mỹ sau loạt tấn công chưa từng có này là các chủ đề chính.

baihoc1

Les Echos chạy tựa trang nhất "20 năm sau" trên nền hình ảnh lá cờ Mỹ tung bay, đằng sau là hình ảnh khói mù bao phủ các tòa nhà chọc trời. Le Monde thứ Bảy ra mắt trưa nay cũng dành chủ đề trang nhất cho "20 năm sau : Những di lụy của ngày 11 tháng Chín". Xã luận Le Monde nhan đề "11 tháng Chín : những bài học cho nước Mỹ" lưu ý trước hết đến ý nghĩa lịch sử của loạt tấn công tòa tháp đôi ở New York và Lầu Năm Góc, khiến gần 3.000 người chết. Loạt tấn công của Al-Qaida xảy ra đúng vào lúc nước Mỹ đang ở "đỉnh cao vinh quang" : chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh, kinh tế thịnh vượng, ở thế thượng phong về công nghệ với cuộc cách mạng kỹ thuật số. Quyền lực của nước Mỹ đã tưởng như không thể suy chuyển.

Tuy nhiên, điều mà Le Monde nhấn mạnh đến là "cách thức mà nước Mỹ phản ứng đã làm thay đổi thế giới". Bài học nghiêm khắc đầu tiên cần được rút ra là, trong "không khí dân tộc chủ nghĩa sôi sục" trước cuộc tấn công vô tiền khoáng hậu này, tuyệt đại đa số người Mỹ "đã mù quáng giao phó" toàn bộ thẩm quyền hoạch định chính sách cho chính quyền G. W. Bush. Những tiếng nói phản biện đã hoàn toàn không được lắng nghe.

Dưới ảnh hưởng của "các thế lực diều hâu tân bảo thủ với đức tin tôn giáo cứu thế", chính quyền "Bush con" đã khởi động "cuộc chiến tổng lực" chống khủng bố. Trên thực tế, cuộc chiến đã đưa nước Mỹ đi quá đà. Hoa Kỳ không dừng ở chỗ tiêu diệt tổ chức gây khủng bố, mà đã đi xa hơn : can thiệp lâu dài vào Afghanistan và Iraq. Các can thiệp của nước Mỹ chứa đầy "các phán đoán sai lầm, những dối trá cấp quốc gia, cùng các chiến dịch được hoạch định tồi".

Cuộc can thiệp quân sự tại Iraq năm 2003, với mục tiêu là để phá hủy hệ thống vũ khí hủy diệt (bị chứng minh sau đó là lý do ngụy tạo) đã khiến toàn bộ vùng Trung Đông rơi vào hỗn loạn, và thế giới đang tiếp tục gánh chịu các hậu quả. Afghanistan như chúng ta biết đã trở lại dưới quyền thống trị của Taliban, sau 20 năm can thiệp phương Tây.

Dung túng cho tra tấn, hy sinh các giá trị pháp quyền

Một bài học lớn khác, theo Le Monde, là nước Mỹ đã "phủ nhận các giá trị pháp quyền, vốn là nền tảng của nền dân chủ Mỹ", với việc lập ra các trại giam bí mật của CIA và nhà tù ở Guantanamo (căn cứ Mỹ tại Cuba), nơi tra tấn được coi là chuyện bình thường với tên gọi mỹ miều là "thẩm vấn tăng cường". "Nền dân chủ Mỹ sinh ra nhân vật Donald Trump đã bị rạn nứt từ bên trong : Trái ngược hẳn với không khí thống nhất kỳ lạ tháng 9 năm 2021, xã hội Mỹ giờ đây phân hóa sâu sắc".

Le Monde kết luận : "Nước Mỹ của Bush muốn thay đổi thế giới bằng sức mạnh, nước Mỹ của Biden muốn trở về nhà. Thế giới đơn cực với sự thống trị của Hoa Kỳ đã qua, nhưng nước Mỹ vẫn duy trì được ưu thế về quân sự, công nghệ và tài chính", "võ sĩ siêu sao tuy choáng váng sau quá nhiều đòn nặng, không chấp nhận từ bỏ cuộc chơi". Le Monde hy vọng thời gian tạm nghỉ giữa giờ cũng là lúc cho phép nước Mỹ duyệt xét lại các bài học sai lầm của 20 năm qua.  

Bài học cho Châu Âu

Các bài học rút ra từ 20 năm sau vụ 11/09 cũng là chủ đề xã luận Les Echos. Tuy nhiên, không phải các bài học chỉ cho nước Mỹ mà trước hết là cho Châu Âu. Theo Les Echos, với việc Taliban trở lại cai trị Afghanistan, "chủ nghĩa lãng mạn của truyền thống chính trị bảo thủ", vốn tin tưởng thế giới sẽ trở nên tốt hơn khi chấp nhận "các giá trị" của phương Tây, đã cáo chung. Học thuyết này từng ở đỉnh cao huy hoàng, sau khi Liên Xô sụp đổ, và sau một số thắng lợi của can thiệp Mỹ, tại Nam Tư (cũ) chẳng hạn. Kể từ đó, không còn các thành công bền vững nào. Cuộc chiến chống khủng bố trong vòng 20 năm qua đã không mang lại nhiều kết quả. Chắc chắn là, nhờ an ninh được củng cố, kiểu tấn công khủng bố như ngày 11/09 khó có thể lắp lại, nhưng giờ đây đe dọa Hồi giáo cực đoan đang trở nên rất phổ biến. Thắng lợi của Taliban tại Afghanistan sẽ cổ vũ cho các lực lượng thánh chiến ở nhiều nơi trên thế giới hành động táo tợn hơn, "giành giật đất đai, lật đổ các chính quyền tại chỗ".

Les Echos nhấn mạnh là với "vị trí địa lý đặc biệt của mình và cái thế mở ra với thế giới", Châu Âu rất dễ tổn thương trước các tấn công khủng bố. Theo Les Echos, nếu như có một bài học đặc biệt cần rút ra, thì đó là "biện pháp quân sự không đủ. Thất bại của nước Pháp tại vùng Sahel ở Châu Phi cũng không khác mấy so với nước Mỹ tại Kabul".

Các đe dọa đối với Liên Âu hiện nay về nhiều mặt – từ biến đổi khí hậu, khủng bố, đến dịch bệnh, di cư - đòi hỏi một chính sách đối ngoại chung, tương xứng với sức mạnh kinh tế của Châu lục. Les Echos bày tỏ hy vọng là giới ngoại giao Châu Âu phải có tiếng nói quan trọng hơn nhiều trong việc mang lại các giải pháp giúp cho hòa bình trong 20 năm tới. Khối lượng lớn viện trợ Châu Âu dành cho phát triển có thể mang lại các lợi thế trong thương lượng tại "các khu vực có nguy cơ".

Cần đọc lại tác phẩm "Cú sốc giữa các nền văn minh"

Một ngày trước dịp kỉ niệm 20 năm loạt khủng bố tại Mỹ, Le Figaro dành nhiều bài vở cho chủ đề này, trong đó có bài nhận định : "20 năm sau vụ 11 tháng Chín, vì sao phải đọc lại tác phẩm "Cú sốc giữa các nền văn minh". Theo tác giả, cuốn khảo cứu của học giả Samuel Huttington vào lúc ra đời năm 1996, đã bị đông đảo giới học giả chê bai. Gần như cùng vào thời điểm này, một cuốn sách khác (xuất bản năm 1992) rất có ảnh hưởng vào thời điểm đó là "Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng" của Francis Kukuyama. Kết luận chính của tác phẩm này là khẳng định việc Chiến tranh Lạnh chấm dứt đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của nền dân chủ và chủ nghĩa tự do. Sự nổi tiếng của tác phẩm này đi liền với niềm tin của đa số giới tinh hoa lúc đó, là "một thế giới mới hậu quốc gia - dân tộc sẽ ra đời, vận hành một cách hòa bình, dưới sự dẫn dắt của giới chuyên gia, luật pháp và thương mại".

Ngược với Francis Kukuyama, tác phẩm "Cú sốc giữa các nền văn minh" nhìn thấy viễn cảnh đầy hiểm họa, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc : không phải là sự khởi đầu cho một sự chung sống hòa bình ở quy mô hành tinh, mà là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên còn hỗn loạn hơn. Thay vì xung đột các khối ý thức hệ (cộng sản đối đầu với tư bản) là sự đối đầu giữa các nền văn minh, có nghĩa là các đối đầu về văn hóa, tôn giáo và sắc tộc. Vụ khủng bố 11/09 dường như đã chứng minh cho luận đề của tác giả "Cú sốc giữa các nền văn minh". Bài nhận định của Le Figaro lưu ý là, sau thời điểm sững sờ trước vụ khủng bố chưa từng có này, cuốn sách "Cú sốc giữa các nền văn minh" lại tiếp tục bị bôi nhọ. Tác giả bài viết nhấn mạnh là "25 năm sau khi tác phẩm xuất hiện, 20 năm sau vụ khủng bố 11/09, vào lúc Hoa Kỳ rời khỏi Kabul trong hỗn loạn, và Trung Quốc dường như đang trở nên mạnh hơn từ khủng hoảng Covid, các diễn biến lịch sử này dường như đang chứng tỏ Huttington có lý".

"11/09’’ xóa nhòa "09/11’’ : Sự trỗi dậy toàn cầu của thánh chiến Hồi giáo

Ám ảnh khủng bố đè nặng lên thế giới đương đại 20 năm sau vụ 11 tháng Chín : Le Monde giới thiệu bài phân tích của nhà chính trị học Gilles Kepel, chuyên gia về thế giới Ả rập Hồi giáo, thuật lại "sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố thánh chiến Hồi giáo trên quy mô hành tinh". Chuyên gia Gilles Kepel khằng định loạt khủng bố 11/09 làm đổ sụp tòa tháp đôi New York đã xóa nhòa cột mốc lịch sử ngày 09/11, với bức tường Berlin sụp đổ. Cả hai biến cố lịch sử này đều có sự tham gia của lực lượng thánh chiến ở Afghanistan.

Ít lâu trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, quân đội Liên Xô đã phải rút chạy khỏi Kabul ngày 15/02/1989. Cuộc rút quân làm đẩy nhanh thời điểm sụp đổ của khối cộng sản. Theo Gilles Kepel, loạt tấn công 11/09 đã kích động tinh thần của một thế hệ thánh chiến Hồi giáo mới, tin tưởng là ngày tàn của phương Tây đang đến, và sẵn sàng chiến đấu chống lại phương Tây để ngày đó đến gần.

Bất chấp thất bại Afghanistan, Mỹ vẫn giữ ưu thế chiến lược

Afghanistan trở lại trong tay Taliban, nước Mỹ phải rút quân. Tuy nhiên, Hoa Kỳ suy yếu nhưng không suy tàn. Le Monde có bài phân tích của nhà báo Alain Franchon : "Afghanistan và uy tín của nước Mỹ". Alain Frachon thừa nhận "thế giới đơn cực" hậu Chiến tranh Lạnh do Hoa Kỳ chỉ huy đã chấm dứt. Thế giới giờ đây là đa cực, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, của chủ nghĩa phục thù của nước Nga Putin, của nhiều cường quốc khu vực, cũng như sự trỗi dậy của một quyền lực kinh tế Châu Âu đang hình thành. Dù vậy, theo Alain Frachon, Hoa Kỳ còn đủ mọi phương tiện chiến lược để duy trì thế mạnh trong tương lai, và tất cả các đồng minh của Mỹ, từ các thành viên NATO, cho đến các đồng minh vùng Vịnh hay Châu Á, đều không thể bỏ qua Mỹ, dù niềm tin vào nước Mỹ có bị lay chuyển hay không.

Vẫn về tương quan địa chiến lược toàn cầu, Les Echos có bài nhận định đáng chú ý. Châu Âu phải sẵn sàng cho những gì tồi tệ nhất xảy đến từ cuộc đối đầu Mỹ - Trung là cảnh báo của học giả Jacques Attali trên Les Echos.

Chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh Mỹ - Trung

Bài viết "Trung Quốc – Hoa Kỳ : Điều tồi tệ nhất ở phía trước chúng ta" của học giả Pháp chỉ ra xu hướng nguy hiểm hiện nay đang diễn ra tại Trung Quốc, nơi chế độ cộng sản đang can thiệp mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực để kéo giới trẻ trở lại với ý thức hệ của Đảng. Sau hàng chục năm mở cửa kinh tế, kể từ giờ Bắc Kinh không còn muốn giới trẻ chạy theo các mục tiêu nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng, như nâng cao mức sống, hay đi ra nước ngoài. Kể từ giờ, chế độ của ông Tập Cận Bình đặc biệt tập trung vào việc kích động "lòng yêu nước" của giới trẻ, song hành với thù hận nhắm vào các thế lực bên ngoài. Bắc Kinh sẵn sàng dùng vũ lực chiếm Đài Loan.

Học giả Jacques Attali so sánh bối cảnh thế giới hiện nay với không khí trước Thế chiến thứ Nhất. Vào thời điểm đó, rất ít người tin rằng chiến tranh có thể bùng nổ tại Châu Âu, khi nền kinh tế Anh và Đức liên hệ mật thiết. Tuy nhiên, chiến tranh đã bùng nổ như chúng ta đã biết. Tình hình hiện nay cũng tương tự, tuy hai nền kinh tế Mỹ - Trung hết sức gắn bó, nhưng điều bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra. Theo Jacques Attali, cho dù có vẻ rất phi lý, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, và một khi đã xảy ra thì nhanh hơn rất nhiều so với dự kiến, trừ phi có một hành động quyết liệt để ngăn chặn.

Riêng về góc độ Châu Âu, theo Jacques Attali, trước mắt cần khẩn cấp chuẩn bị cho viễn cảnh thị trường Trung Quốc sẽ đóng cửa với Châu Âu.

Nhiệt độ không tăng quá 1,5°C : Phải cắt giảm 3% dầu mỏ hàng năm

Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde giới thiệu một nghiên cứu mới công bố trên Nature, cho thấy số lượng năng lượng hóa thạch cần cắt giảm hàng năm để bảo đảm nhiệt độ thế giới không tăng quá 1,5°C. Cắt giảm khí đốt và dầu mỏ 3% một năm, than đá 7% một năm từ nay đến 2050 là điều kiện để đảm bảo mức nhiệt độ này, theo khuyến cáo của nghiên cứu công bố hôm 08/09.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học College Luân Đôn đặc biệt nhấn mạnh đến việc nền kinh tế thế giới hiện nay đang hoàn toàn đi ngược lại chủ trương cắt giảm khí thải để bảo đảm mục tiêu đã được cộng đồng quốc tế cam kết với Thỏa thuận Paris 2015. Công bố hai tháng trước thượng đỉnh Khí hậu COP 26 tại Anh, nghiên cứu trên Nature được gióng lên như một báo động bổ sung.

Pháp : miễn phí thuốc ngừa thai cho phụ nữ dưới 26 tuổi

Trong lĩnh vực xã hội, báo chí Pháp có nhiều bài viết về quyết định của Bộ Y tế cho phép mở rộng việc cung cấp miễn phí thuốc ngừa thai cho phụ nữ đến tuối 25, vì lý do "công bằng kinh tế". Theo La Croix, việc miễn phí thuốc tránh thai cho thiếu nữ từ 15 đến 18 tuổi, từ năm 2003, đã cho phép giảm mạnh tỉ lệ nạo phá thai (từ tỉ lệ 9,5 xuống còn 6 trên 1000 phụ nữ trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2018).

Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, khi thông báo quyết định nói trên, nhấn mạnh là việc giới trẻ không có điều kiện được hưởng các biện pháp y tế này do không có đủ điều kiện về tài chính là không chấp nhận được.

Tranh cử tổng thống Pháp : Đảng cầm quyền, đảng cực hữu bắt đầu chiến dịch

Tranh cử tổng thống Pháp cũng là một chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Nhật báo thiên tả Libération tập trung vào các động thái tranh cử của các chính trị cực hữu, một ngày trước khi đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu khởi động chương trình tranh cử. Bài xã luận của Libération với tựa đề "Vô liêm sỉ" tố cáo xu hướng ngả mạnh sang cực hữu của các chính trị gia cánh hữu, với các tuyên truyền tập trung vào "an ninh và nhập cư", vốn được coi là các chủ đề thu hút cử tri có quan điểm cực hữu. "Bên cánh hữu, ngay cả những người ôn hòa cũng tỏ ra cứng rắn" là một bài viết khác của Lỉbération.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro chú ý đến việc đảng cầm quyền khởi sự chiến dịch tranh cử với tựa trang nhất : "(tổng thống) Macron chuẩn bị chiến dịch tranh cử như thế nào". Tổng thống Macron đang bước vào "vùng xám", khi ông vừa phải tiếp tục điều hành đất nước, vừa bắt đầu cuộc tranh cử. Theo Le Figaro, Macron phải cân bằng được giữa nỗ lực bảo vệ thành quả đã có của nhiệm kỳ tổng thống, vừa phải khẳng định chính phủ của ông sẽ tiếp tục các cải cách đến cùng.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 444 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)