11 tháng Chín 2001, ngày đầu tiên của một thế giới không còn bình yên
Toàn thế giới bỗng dưng tập trung vào một nơi duy nhất, trong cùng một thời điểm là điều rất hiếm hoi, như lúc con người lần đầu đặt chân lên Mặt Trăng. Ngày 11/09/2001 chính là thời điểm hiếm có ấy. Từ Paris, Luân Đôn, cho đến Moskva, Bắc Kinh, tất cả mọi người đều sững sờ trước hàng ngàn cái chết trực tiếp trên màn hình, và biết rằng mọi sự sẽ không còn như xưa.
Ảnh tư liệu ngày 11/09/2001 : Tòa tháp nam của World Trade Center (trái) bắt đầu sụp đổ sau khi khủng bố tấn công. AP - Gulnara Samoilova
Có đến hai tuần báo dành trọn số báo tuần này cho tài tử huyền thoại Pháp vừa qua đời, với hình ảnh Jean-Paul Belmondo thời trẻ trên trang nhất. L’Obschạy tựa "Những năm tháng Belmondo của chúng ta", toàn bộ các trang báoLe Pointnói về "Jean-Paul Belmondo : Sự hào hoa, cuộc sống, tình yêu, nước Pháp…".
Nhưng hồ sơ của các báo đều dành cho các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, đúng 20 năm sau sự kiện chấn động toàn thế giới.The Economistchạy tít "11 tháng Chín : Nước Mỹ ngày đó, bây giờ", Courrier International đặt câu hỏi "Hồi kết của thế kỷ Mỹ ?". RiêngL’Expressquan tâm đến Afghanistan và "Qatar, trò chơi hai mặt".
Các nhật báo đều ra số đặc biệt cuối tuần. Ảnh bìa Libérationdùng hai màu đen trắng : bóng đen những tòa cao ốc, phía trên là mịt mù khói, với dòng tựa "11 tháng Chín : 2001, năm zero" và dành hẳn 14 trang trong cho sự kiện. Le Figarochọn bức ảnh tòa tháp đôi bốc cháy, chạy tít "Cuộc chiến bất tận". Le Mondenói về "Hai mươi năm sau, những di chứng của 11 tháng Chín". La Croixđăng hình vẽ chim bồ câu trắng ngậm nhành ô liu nhưng bóng đổ phía dưới có hình quả bom, đặt vấn đề "Can thiệp quân sự : Phương thuốc tệ hơn cả cái ác ?".
Ám ảnh 11 tháng Chín
Thông tín viên củaL’Obsthuật lại "2001-2021 : Tôi đã thấy nước Mỹ thay đổi như thế nào" và theo L’Express "Sau 20 năm, Hoa Kỳ luôn bị ám ảnh bởi 11 tháng Chín".
Nhà báo của L’Obs sáng hôm ấy đang chạy đến nơi gởi xe ở ngay chân tòa tháp phía nam, thấy tất cả mọi người đang chăm chú nhìn về hướng ngược lại. Anh quay đầu xe, mở to mắt : ở tòa tháp phía bắc, một lỗ hổng khổng lồ đang bốc khói. Chiếc máy bay đầu tiên của bọn khủng bố vừa lao vào, lúc 8 giờ 46 phút.
Trên đường phố, những con người hoảng loạn đen ngòm khói bụi thất thểu như xác chết biết đi. Hai phút sau, tòa tháp sập xuống ngay trước mắt, từng tầng một như những lớp bánh pancake, một ngọn núi khói bụi và những mảnh vụn hướng về dòng Hudson. Anh nhớ lại tất cả : những người bị phỏng lao vào bệnh viện Saint-Vincent, những mẩu giấy tìm người thân dán khắp nơi, người cha dùng tay trần đào bới tìm con, mùi tử thi một tuần lễ sau vẫn còn cảm thấy được từ tòa soạn báo…
20 năm, nước Mỹ từ đoàn kết trở nên phân hóa
Tất cả các nước đều tổ chức thắp nến tưởng niệm các nạn nhân, các tiệm bán cờ đều bị vét sạch. Tại Pháp, cờ Mỹ được dán đầy trên những chiếc xe, trên cửa những căn nhà ở thôn quê của những người chưa từng đặt chân đến New York.
Một nước Mỹ đang tranh cãi về kết quả bầu cử tổng thống giữa George W. Bush và Al Gore bỗng đoàn kết hơn bao giờ hết các dân biểu Dân chủ cũng như Cộng hòa cùng đồng thanh hát "God Bless America" (Thượng Đế phù hộ cho nước Mỹ) trước Quốc hội. Ben Laden đã giúp cho tỉ lệ tín nhiệm của ứng viên đảng Cộng hòa thắng cuộc vọt lên đến 90%, một con số chưa từng thấy trong thời hiện đại. Một tháng trước khi khởi động cuộc chiến Iraq, hai phần ba người Mỹ ủng hộ việc can thiệp.
Hai mươi năm sau, nước Mỹ bị phân hóa trầm trọng và vẫn bị ám ảnh bởi sự kiện 11 tháng Chín. Hollywood và các nhà sản xuất phim truyền hình nhiều tập ngại đề cập đến chủ đề này, vài chục tù nhân vẫn còn bị giam ở Guantanamo… Và càng chia rẽ về ý nghĩa của lễ tưởng niệm : có nên chỉ vinh danh 2.977 nạn nhân của vụ khủng bố, hay cả 2.461 quân nhân tử trận ở Afghanistan và trên 100.000 nạn nhân ở Afghanistan ?
Hồi kết của một thế giới bình yên
Trong bài "Ngày đầu tiên của một thế giới khác", Libération lưu ý khoảnh khắc mà toàn thế giới bỗng dưng tập trung vào một nơi duy nhất, trong cùng một thời điểm là rất hiếm hoi. Đó là vài phút đồng hồ ngắn ngủi mà lịch sử ngả sang một chiều hướng khác. Chẳng hạn những bước chân đầu tiên của con người trên Mặt Trăng, ngày 21/07/1969, đối với những ai may mắn có được ti vi vào thời đó.
Tại New York, Paris, Luân Đôn, Kabul, Moskva, Bắc Kinh… ngày 11/09/2001 chính là thời điểm hiếm có ấy. Tất cả mọi người đều sững sờ trước những hình ảnh khó tin đang diễn ra, với hàng ngàn cái chết trực tiếp trên màn hình, và biết rằng mọi sự sẽ không còn như xưa. Người Mỹ bỗng sực tỉnh khi thấy lãnh thổ của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới không còn là nơi trú ẩn an toàn.
Ngày 11/09/2001 là hồi kết của thời kỳ vô tư lự, của một thế giới mà một gói hàng vô chủ ở nhà ga chỉ đơn giản là một người đãng trí bỏ quên, khi lên máy bay không phải bị lục soát nghiêm ngặt và có thể cầm theo một quả cầu tuyết lung linh những mảnh kim tuyến… Nhưng điều đáng buồn nhất lại ở nơi khác. Trong ánh mắt tuyệt vọng của những người Afghanistan phải quay lại với thời kỳ tăm tối, của các cựu chiến binh bỗng cảm thấy hy sinh vô nghĩa. Và của lớp trẻ sinh ra sau ngày 11/09/2001, mà thế giới được định hình sau ngày hôm đó đã được bình thường hóa, số này lên đến 70 triệu người.
Sau 20 năm, lại quay về với "Ground Zero"
Le Figaro trong bài xã luận "Ground Zero" ghi nhận thiên niên kỷ vừa mới bắt đầu, 19 tên không tặc đã xô đẩy nước Mỹ và thế giới vào một cuộc chiến mới. Một cuộc chiến toàn cầu để đối phó với Hồi giáo cực đoan - sự tàn bạo được tô điểm thành thánh chiến chống lại toàn nhân loại, kể cả người theo đạo Hồi.
Hai mươi năm sau các vụ khủng bố 11 tháng Chín, tưởng nhớ những kỷ niệm đau thương khi tòa tháp đôi sụp đổ, vẫn phải đối diện với cùng một cái Ác. Sau hai cuộc can thiệp, đuổi được tổ chức Nhà Nước Hồi giáo, tiêu diệt Bin Laden và Al Baghdadi… thế giới trở lại với điểm xuất phát : Ground Zero.
Taliban nắm lại quyền ở Kabul, nước Mỹ mệt mỏi rời khỏi chiến địa, còn Pháp thấy "báo động đỏ" ở khắp nơi. Dù đưa ra trước công lý như phiên tòa xử các vụ khủng bố Paris ngày 13/11/2015, hay đi vào quên lãng như Guantanamo, vẫn không thay đổi được những chiến binh của hận thù. Nhưng theo tờ báo, 20 năm qua đã chứng minh được rằng xã hội đủ mạnh để đối đầu với virus Hồi giáo cực đoan, miễn là đừng tỏ ra yếu kém và thiếu kiên nhẫn.
Quân đội Hoa Kỳ vẫn mạnh nhất thế giới
Courrier Internationaldịch bài báo củaThe Observer nhận định, Hoa Kỳ theo nhiều tiêu chí, vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với mạng lưới các đồng minh vững chắc hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
Theo Josef Joffre, cựu tổng biên tập Die Zeit, vụ di tản ở Kabul làm cho các nước giờ đây phải suy nghĩ kỹ trước khi đặt lòng tin vào Washington, tuy nhiên không phải là Mỹ đang xuống dốc. Các đại cường thường bắt đầu lung lay khi nguồn lực cạn dần, như Anh quốc trong thế kỷ 20, nhưng Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu toàn cầu về kinh tế, đặc biệt là tiến bộ công nghệ.
Và quân đội Mỹ hiện đại nhất thế giới, có thể can thiệp bất kỳ nơi đâu, chưa kể đến sự độc tôn về văn hóa mà Trung Quốc và Nga không có được. Kể cả khi đã rút khỏi Afghanistan, phạm vi hành động của quân Mỹ vẫn bao trùm khắp hành tinh với gần 800 căn cứ quân sự tại 70 nước. Theo giáo sư Dominic Tierney ở đại học Swarthmore, Hoa Kỳ là đại cường can thiệp nhiều nhất trong lịch sử đương đại. Triệt thoái khỏi Afghanistan và Trung Đông, Mỹ có thể tập trung nguồn lực để đối đầu với Trung Quốc.
Afghanistan : Panjschir, thung lũng kháng chiến bất khuất
Về Afghanistan, La Croix cuối tuần nhìn thấy một góc độ tích cực, cho rằng đất nước này không lại trở thành một trang giấy trắng như cách đây 20 năm. Trên 1,2 triệu người đã được thụ hưởng chương trình xóa mù chữ quy mô, trong đó có 800.000 phụ nữ, trẻ gái, và 45.000 cảnh sát ! Truyền thông rất năng động với 200 kênh truyền hình, 349 đài phát thanh, trên 1.300 tờ báo, năm 2020 Afghanistan có 1.130 nhà báo nữ. Cho dù có bị Taliban cấm hoạt động đi nữa, dân trí đã được nâng cao.
Triết gia kiêm nhà văn Bernard-Henry Lévy trên Le Point vinh danh Panjschir, vùng đất kháng chiến. Hôm 15/08 khi màn đêm rơi xuống Kabul, Ahmad Massoud, con trai thủ lãnh huyền thoại Massoud tuyên bố chữ "đầu hàng" không có trong từ điển của gia tộc. Nhờ sự giúp đỡ của vài người Pháp, với chiếc trực thăng cuối cùng chưa rơi vào tay Taliban, Ahmad rút vào thung lũng Panjschir, tiếp tục chiến đấu. Taliban tấn công ồ ạt từ cả hai hướng với các vũ khí Mỹ bỏ lại, được hỗ trợ bằng các nhóm đặc nhiệm, trực thăng tác chiến từ Pakistan, nên thành trì tự do còn lại của Afghanistan không chống chọi được.
Nhà văn không coi đây là trận chiến danh dự cuối cùng, sự vĩ đại không thuộc về kẻ chiến thắng mà kẻ chiến bại. Có những con sư tử bại trận, nhưng đó vẫn là sư tử, với tinh thần bất khuất. Afghanistan đã thua một trận đánh nhưng không phải cả một cuộc chiến.
Chó cứu hộ, những người hùng khác của ngày 11 tháng Chín
Quay lại với nước Mỹ, Le Figaro nói về những người hùng khác trong sự kiện ngày 11 tháng Chín : những chú chó cứu hộ. Trong suốt mấy chục ngày sau vụ khủng bố, 300 chó nghiệp vụ cùng với chủ do FEMA, cơ quan liên bang về tình trạng khẩn cấp huy động, đã sục sạo khắp khu vực tòa tháp đôi với hai triệu tấn gạch vụn để tìm người sống sót.
Tuy có các thiết bị để nhận ra cử động, nhưng chó biết phân biệt mùi của người. Mũi của loài chó có đến trên 300 triệu thụ thể khứu giác, còn người chỉ có 6 triệu. Chó nghiệp vụ được huấn luyện theo hai kỹ thuật khác nhau : theo dõi mùi của những người cụ thể, hoặc chỉ để tìm người sống sót trong một khu vực nhất định mà không cần mùi đặc biệt. Để được FEMA cấp giấy chứng nhận, chó và chủ phải được tập luyện suốt ba năm.
Vấn đề là hầu hết chuyên tìm kiếm người mất tích ở những địa điểm hoang vu, còn ngay giữa đô thị với nhiều yếu tố gây nhiễu, tại đống đổ nát khổng lồ thì chưa từng có. Đội cứu hộ đặt nhiều hy vọng, nhưng không có ai sống sót ! Người cuối cùng còn sống được một chú chó tìm ra sau vụ tấn công vài giờ, nhưng đó là trường hợp duy nhất. Ngay cả chó nghiệp vụ, làm việc miệt mài có khi đến 12 tiếng đồng hồ một ngày nhưng không kết quả, cũng tỏ ra thất vọng như người.
Đôi khi người điều khiển phải cho đồng đội đóng giả làm người sống sót, núp đâu đó để quân khuyển lên tinh thần. Ngược lại, sự hiện diện của chó nghiệp vụ cũng giúp thư giãn đối với đội ngũ cứu hộ và những người tìm kiếm thân nhân, bạn bè trong đống đổ nát mênh mông. Nhân kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố, có hai cuộc triển lãm được dành riêng cho lực lượng chó cứu hộ ngày 11/09. Giờ đây những người hùng bốn chân ngày đó đều đã qua đời, hầu hết vì tuổi già.
Thụy My