Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/09/2021

Hợp đồng tàu ngầm đã ký với Úc : Mỹ trắng trợn cướp trên tay Pháp

RFI tổng hợp

"Khủng hoảng tầu ngầm" : Paris nổi giận, Washington xoa dịu

Trọng Thành, RFI, 17/09/2021

Hai ngày sau thông báo thành lập Liên minh Mỹ-Anh-Úc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, khiến hợp đồng tầu ngầm Pháp – Úc bị hủy bỏ, Paris vẫn không nguôi giận. Sứ quán Pháp tại Hoa Kỳ thông báo hủy bỏ dạ tiệc dự kiến được tổ chức tại Washington hôm nay, 17/09/2021, để kỷ niệm 240 năm một chiến thắng hải quân quan trọng thời Chiến tranh giành độc lập của Mỹ, chiến thắng vốn được coi như một biểu tượng của quan hệ đồng minh lâu đời Pháp - Mỹ.

cuop1

Chiến thuyền Hermonie của Pháp tại cảng Bayonne, tây nam nước Pháp, ngày 16/09/2021, chuẩn bị cho kỷ niệm 240 năm trận hải chiến lịch sử Pháp giúp Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập.  AP - Bob Edme Ảnh minh họa

Trước sự giận dữ của Pháp, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm qua 16/09 lên tiếng tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Washington - Paris. Tuy nhiên, hành động được ví như "một cú đâm sau lưng" của Mỹ và Úc, theo diễn đạt của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, khiến Paris rất thất vọng.

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

"Ngay vào lúc thông báo về liên minh Mỹ - Anh – Úc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương (gọi tắt là AUKUS), chính tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của nước Pháp tại khu vực này. Trên thực tế, Pháp đúng là cường quốc Châu Âu duy nhất có một sự hiện diện đáng kể ở khu vực với một số lãnh thổ và lực lượng quân sự có mặt tại chỗ.

Hôm qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken nhắc lại rằng các quan chức Pháp đã được thông báo về một thỏa thuận như vậy, trước khi thông tin được đưa ra chính thức. Theo New York Times, chính Úc, với tư cách là bên ký hợp đồng, đã được giao phó nhiệm vụ nói về vấn đề tầu ngầm, nhưng dường như Canberra chỉ thực hiện điều này vào giờ chót.

Paris, thông qua các bộ trưởng liên quan đến hồ sơ này, đã không giấu nỗi giận dữ. Để tỏ thái độ, đại sứ quán Pháp ở Washington đã quyết định thu hẹp tầm mức của nhiều hoạt động dự kiến tổ chức hôm nay, thứ Sáu 17/09, để kỷ niệm 240 năm một cuộc hải chiến, trong đó hạm đội Pháp đã giúp nước Mỹ trong cuộc Chiến tranh giành độc lập chống lại Anh Quốc.

Theo các nhà ngoại giao Pháp, được New York Times trích dẫn, không có chuyện làm như thể là mọi thứ vẫn ổn thỏa giữa hai nước. Nỗi thất vọng rất là lớn, và phải nhấn mạnh đến điều đó".

Sau thông báo của Nhà Trắng hôm thứ Tư về việc "nhiều giới chức cao cấp của chính quyền Mỹ đã có các tiếp xúc với các đồng nhiệm Pháp để thảo luận về liên minh AUKUS, kể cả trước khi chính thức thông báo", trả lời AFP, người phát ngôn của đại sứ quán Pháp tại Washington, Pascal Confavreux, khẳng định đã không hề được báo về dự án này trước khi được đọc các thông tin đầu tiên mà truyền thông Mỹ và Úc đăng tải, ít giờ trước tuyên bố chính thức của tổng thống Joe Biden.

Trọng Thành

********************

Hợp đồng tầu ngầm Úc - Mỹ làm liên minh phương Tây chống Trung Quốc rạn nứt ?

Thu Hằng, RFI, 16/09/2021

Úc ưu tiên đối tác chiến lược với hai đồng minh truyền thống Mỹ và Anh, chấp nhận mang tiếng "nuốt lời" với Pháp khi hủy hợp đồng đóng 12 tầu ngầm quy ước trị giá 66 tỉ đô la. Paris thất vọng vì quyết định gây tổn hại đến quan hệ trong lúc tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không ngừng thúc giục đồng minh lập mặt trận chung chống ảnh hưởng của Trung Quốc.

cuop2

Tầu ngầm hạt nhân Barracuda lớp Suffren của Hải quân Pháp tại cảng quân sự Toulon, miền nam nước Pháp, ngày 06/11/2020. AFP – Nicolas Tucat

Điểm quan trọng trong thỏa thuận AUKUS giữa ba nước Úc, Anh, Mỹ là Canberra sẽ được trang bị đội tầu ngầm hạt nhân theo công nghệ Hoa Kỳ mà cho đến giờ Washington mới chỉ chia sẻ với Luân Đôn. Trong buổi họp báo trực tuyến chung ngày 16/09/2021 cùng với đồng nhiệm Anh và tổng thống Mỹ, thủ tướng Scott Morrison tự hào vì thỏa thuận này "phản ánh cấp độ tin tưởng và tình hữu nghị sâu đậm giữa chúng ta (ba nước)".

Thiên vị giữa các đồng minh

Thủ tướng Úc, cũng như bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace khi trả lời đài Times Radio ngày 16/09, đều biện minh là "chương trình mua tầu ngầm chạy điện và diesel hiện nay có lẽ không mang lại được tầm chiến lược và tiêu chí không phát hiện được là cần thiết cho hiệu quả răn đe của Úc", dù không nêu đích danh Trung Quốc. Thủ tướng Úc cho rằng Paris sẽ có quyết định tương tự với Canberra trong trường hợp cấp bách.

Nhưng phải chăng thỏa thuận đối tác chiến lược ba bên là lý do chính để Úc "nuốt lời" với Pháp ? Theo thông tín viên RFI Grégory Plesse tại Sydney, có rất nhiều bình luận về "hợp đồng thế kỷ" trị giá 66 tỉ đô la giữa Paris và Canberra, như chậm trễ và chi phí phụ trội. Trong khi đó, tập đoàn Naval Group khẳng định đã hoàn tất mọi điều khoản bắt buộc trong hợp đồng, từ giá cả đến thời hạn, cũng như việc sản xuất tại Úc.

Một điều cay đắng khác cho Paris là công trường đóng tầu ngầm theo công nghệ Mỹ sẽ được đặt ở thành phố Adelaide, đúng vị trí dự kiến đóng tầu ngầm quy ước lớp Barracuda của Naval Group.

Thỏa thuận chiến lược mang tính "lịch sử", theo một quan chức Nhà Trắng, sẽ gắn kết Úc, Anh, Mỹ "trong nhiều thế hệ" nhưng lại là cú sốc cho bên thứ tư là Pháp.

Những phát biểu liên tiếp trên truyền thông sáng 16/09 của hai bộ trưởng Ngoại Giao và quốc phòng Pháp, có thể cho thấy Paris đã bị bất ngờ, "niềm tin bị phản bội" và "bị nuốt lời". Và "giữa các đồng minh không làm như vậy".

Liệu còn tin được vào đồng minh Mỹ ?

Sẵn sàng ưu tiên một hợp tác trong chiến lược chung bất chấp phải giẫm chân đồng minh, liệu có nên tiếp tục tin vào đồng minh Mỹ, đặc biệt là tổng thống Joe Biden với khẩu hiệu "nước Mỹ trở lại" ? Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian không ngần ngại so sánh quyết định của tổng thống Joe Biden không khác gì người tiền nhiệm Donald Trump, "đơn phương, đột ngột và không đoán định được".

Ông Joe Biden huy động đồng minh Châu Âu chuyển hướng chiến lược sang Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực Trung Quốc nổi lên như một mối đe dọa cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Cùng với Pháp, Đức cũng điều chiến hạm đến bảo vệ tự do hàng hải. Chỉ cách đây hai tuần, hội nghị 2+2 giữa bộ trưởng quốc phòng và Ngoại Giao Pháp - Úc còn dự kiến khả năng lính Pháp đồn trú thường trực ở Úc. Tháng 04/2021, Liên Hiệp Châu Âu cũng thông qua chiến lược chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương do lo ngại những căng thẳng địa chính trị "tác động trực tiếp đến các lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu".

Báo Pháp Le Figaro nhận định, với thỏa thuận ba bên AUKUS, Pháp và rộng hơn là Liên Hiệp Châu Âu, dường như đã bị gạt khỏi khu vực trọng điểm của thế kỷ 21. Bộ trưởng Quân Lực Florence Parly cay đắng cho rằng Pháp giờ phải "minh mẫn hơn về cách Hoa Kỳ đánh giá các đồng minh và đối tác". Còn thông cáo của bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh đến "sự thiếu liên kết" và mâu thuẫn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Washington kêu gọi đoàn kết những lại sẵn sàng "gạt một đồng minh và một đối tác Châu Âu như Pháp khỏi đối tác chiến lược với Úc, vào lúc chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương".

Thu Hằng

********************

Liên minh với Mỹ và Anh, Úc cắt hợp đồng tầu ngầm với Pháp

Thu Hằng, RFI, 16/09/2021

Úc sẽ sử dụng công nghệ tầu ngầm hạt nhân của Mỹ và chấm dứt hợp tác với tập đoàn Naval Group của Pháp. Đối với ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, khi trả lời đài phát thanh France Info ngày 16/09/2021, quyết định của Canberra và Washington là "cú đâm sau lưng". Còn theo bộ trưởng quốc phòng Florence Parly khi trả lời RFI, Úc đã "nuốt lời".

cuop3

Mẫu tầu ngầm "Barracuda" của Pháp bán cho Úc. Reuters/DCNS

Trung Quốc cũng ngay lập tức lên án thỏa thuận hợp tác tầu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Úc là "gây hại nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định trong vùng và gia tăng chạy đua vũ trang".

Tại sao Úc thay đổi quyết định ?

Thông tín viên Grégory Plesse tại Sydney giải thích :

"Lý do là sự đe dọa ngày càng lớn của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và để đối phó với sự đe dọa này, thủ tướng Úc Scott Morrison giải thích là công nghệ tầu ngầm quy ước, theo mẫu mà tập đoàn Pháp Naval Group dự kiến đóng, sẽ không còn thích hợp nữa.

Sau đó, thủ tướng Úc nêu rõ tại sao, theo ông, tầu ngầm hạt nhân lại ưu việt hơn : "Tầu ngầm hạt nhân có nhiều lợi ích hơn. Chúng mạnh hơn, bền hơn, nhanh hơn, kín đáo hơn và có khả năng chuyên chở lớn hơn".

Ngược lại, ông cũng nhấn mạnh là những tầu ngầm này sẽ không mang vũ khí hạt nhân. Có nghĩa là Úc muốn tôn trọng những cam kết của nước này trong khuôn khổ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nhưng đây là một đòn rất đau cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng vạch ra trục chiến lược Paris-Delhi-Canberra khi thăm Úc năm 2018".

Năm 2016, tập đoàn Naval Group trúng thầu hợp đồng trị giá 90 tỉ đô la Úc (66 tỉ đô la) đóng 12 tầu ngầm quy ước cho hải quân Úc. Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI, tại Canberra cũng có rất nhiều lời chỉ trích phía Pháp, như chậm trễ hay chi phí bị đội lên. Pháp và tập đoàn Naval Group là bên thiệt thòi nhất, nhưng theo báo chí Úc, chính quyền Canberra cũng phải chuẩn bị hơn 250 triệu euro để bồi thường việc chấm dứt hợp đồng cho tập đoàn Naval Group.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Thu Hằng
Read 499 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)