Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/09/2021

Báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc : Nhiệt độ Trái đất sẽ tăng 2,7 độ C vào cuối thế kỷ 21

RFI tiếng Việt

6 tuần trước hội nghị Khí Hậu COP 26 tại Glasgow, Scotland, vương quốc Anh, Liên Hiệp Quốc ngày 17/09/2021 ra báo cáo theo đó ngay cả khi các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính có được các nước áp dụng, thì lượng CO2 thải ra khí quyển vẫn sẽ "tăng đáng kể".

khihau1

COP26-Glasgow, hội nghị chống biến đổi khí hậu mở ra từ ngày 31/10/2021-12/11/2021.  © Fotomontagem com imagens do ukcop26.org

Từ nay đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 2,7 độ C, trong khi mục tiêu đề ra tại COP21 Paris là nhiệt độ Trái đất chỉ giới hạn ở mức tăng tối đa 1,5-2 độ C. Báo cáo mới nhất Liên Hiệp Quốc công bố hôm qua 17/09 nhấn mạnh là trong bối cảnh lũ lụt, nắng nóng và hỏa hoạn gia tăng khắp nơi trên thế giới, nỗ lực của chính quyền các nước vẫn chưa đủ, rất nhiều quốc gia vẫn chưa nỗ lực để đối phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Ngay cả khi các nước thực hiện các cam kết đã có thì lượng CO2 thải ra môi trường đến năm 2030 vẫn tăng 16% so với năm 2010.

Bà Patricia Espinosa, thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (CCNUCC) lưu ý đó là một mức tăng nghiêm trọng, đi ngược lại những lời kêu gọi của giới khoa học về việc phải giảm nhanh chóng và trên quy mô rộng lượng phát thải ra môi trường để tránh những hậu quả nặng nề về khí hậu.

Đối với Liên Hiệp Quốc, đó là 1 thất bại của thế giới bởi nếu muốn bảo đảm nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21, lượng phát thải CO2 phải giảm 45% trong giai đoạn 2010-2030. Vì thế, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước "khẩn cấp gia tăng nỗ lực". Jennifer Morgan, giám đốc điều hành của tổ chức Greenpeace lưu ý là chúng ta đang sống trong tình trạng "nguy cấp về khí hậu" và phải ngừng đẩy gánh nặng cho các thế hệ tương lai.

Trong số 191 bên phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris (190 nước và Liên Âu), hiện vẫn còn 78 nước chưa đệ trình các cam kết mới về khí hậu được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, được gọi là các đóng góp do quốc gia xác định (NDC). Trên nguyên tắc, các quốc gia phải điều chỉnh NDC 5 năm một lần theo hướng giảm mạnh hơn mức phát thải khí, nhằm đạt mục tiêu trung lập lượng khí thải carbon vào giữa thế kỷ. Trong số các nước gây ô nhiễm nhiều nhất mà chưa đệ trình cam kết NDC mới, phải kể đến Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Trong khối G20, cũng chỉ có 1 số nước đề ra những mục tiêu tham vọng hơn về cắt giảm khí thải : Mỹ, Liên Âu, Anh, Canada và Achentina.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 430 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)