Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/09/2021

Điểm báo Pháp – Đức tìm liên minh chính phủ hậu bầu cử

RFI tiếng Việt

Đức tìm liên minh chính phủ hậu bầu cử : Giai đoạn đầy bất trắc của Liên Âu

Bầu cử Quốc hội Đức là chủ đề chính của nhiều các báo Pháp số ra hôm nay, thứ Hai 27/09/2021. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Nước Đức : Tả hữu tranh giành chiến thắng". Nhan đề trang nhất của Le Figaro là "Cuộc chiến giành chức thủ tướng Đức". Kết quả bầu cử Quốc hội đã có, nhưng đáp án cuối cùng cho ghế thủ tướng thì chưa.

duc1

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu, phía sau ông là quốc kỳ Đức và cờ của Liên Âu. POOL/AFP

Nhật báo thiên tả Libération nhận định trên trang nhất : "Các thương thuyết để thành lập liên minh tại Bundestag (tức Hạ Viện Đức) hứa hẹn sẽ kéo dài, cho dù kết quả bầu cử hôm qua đánh dấu sự tái sinh của đảng cánh tả Xã hội – Dân chủ (SPD) của Olaz Scholz, và thất bại đau đớn của đảng cánh hữu Dân chủ - Thiên chúa giáo (CDU) của Angela Merkel và Armin Laschet". Le Figaro thiên hữu cũng ghi nhận cuộc chiến thành lập liên minh là "đầy bất trắc", trong lúc hai ứng cử viên hàng đầu là "gần như ở vị thế ngang bằng, sau cuộc bỏ phiếu hôm qua".

Sự "cương trực" của cử tri Đức

Xã luận Libération nhan đề "Cương trực" nhấn mạnh đến "thành công của lực lượng trung tả của nước Đức, được thúc đẩy bởi một lãnh đạo coi trọng các ý tưởng đơn giản và thực tế, như tăng lương tối thiểu, và tiến hành một chương trình tranh cử không sai sót". Ca ngợi thành công của đảng Xã hội – Dân chủ, nhưng nhan đề "Cương trực" của bài xã luận Libération chủ yếu là dành cho cử tri Đức nói chung. Libération khuyên những người Pháp nào có ý định coi đây là "thất bại" của đảng CDU của bà Merkel, đừng nên quên rằng lực lượng cực hữu Đức đã chỉ nhận được 10% sự ủng hộ của cử tri, bất chấp làn sóng dân túy, bài ngoại ở khắp nơi. Libération nhấn mạnh : "Đây chính là dấu hiệu rõ ràng của sự cương trực về chính trị, xã hội và đạo lý của công chúng Đức, và giới chính trị của chúng ta nên nhìn nhận điều này với thái độ thực sự khiêm nhường". Nhật báo thiên tả Pháp cũng ghi nhận thái độ "chừng mực" của 60,4 triệu cử tri Đức, khi dành sự ủng hộ gần như ngang bằng cho hai ứng viên đảng CDU và SPD.

Nhiều khả năng sẽ có một liên minh "ôn hòa"

Xã luận Le Figaro mang tựa đề "Hậu Merkel" đặc biệt chú ý đến việc nước Đức có nhiều khả năng sẽ lập được một "liên minh ôn hòa", do các bên có "lập trường ý thức hệ rất khác nhau" buộc phải tìm được thỏa hiệp mới có thể được phép cầm quyền, và đây chính là sự tiếp nối di sản của 16 năm cầm quyền của bà Merkel. Đại đa số người Đức ủng hộ một chính phủ "bảo vệ các lợi ích kinh tế của đất nước một cách tối đa khỏi các chấn động toàn cầu". Ngược lại với con đường của Merkel, nước Đức sẽ rơi vào "bất ổn", và để lại nhiều hậu quả cho các nước láng giềng. Tuy nhiên, theo Le Figaro, các nước Châu Âu cũng mong đợi ở "Đức, nền kinh tế số một của khối, đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, đang ngày càng trở nên quyết liệt và nguy hiểm hơn".

Thái độ thỏa hiệp của chính quyền Merkel với Trung Quốc, hay với Nga gây lo ngại. Le Figaro nhấn mạnh là nước Pháp, sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch của Liên Hiệp Châu Âu nửa đầu năm tới, cần nỗ lực hơn để tác động bên lề đến các định hướng của chính phủ liên minh Đức, cho dù có nguy cơ bị chê trách là "can thiệp vào công việc nội bộ". Sự thụ động của nước Pháp, của Châu Âu trước chính sách tương lai của chính phủ liên minh Đức sẽ là điều đáng tiếc, cụ thể như trong vấn đề nền quốc phòng Châu Âu.

"Tình thế chưa từng có" của chính trị Đức 

Về cuộc bầu cử Đức, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến việc "các thương thuyết thành lập liên minh cầm quyền tương lai của nước Đức sẽ diễn ra thế nào". Thương lượng dự kiến sẽ kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, và điều cần nhấn mạnh là không hẳn đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm qua chắc chắn sẽ là người đứng đầu liên minh.

Les Echos nhấn mạnh đến tình thế "chưa từng có" trong lịch sử chính trị nước Đức, khi lần đầu tiên đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội không vượt quá một phần ba tổng số phiếu bầu. Điều này khiến cho việc lập được chính phủ mới phải có được sự ủng hộ của ba đảng, chứ không phải hai như trước đây. Chưa bao giờ nước Đức rơi vào tình thế này, kể từ Thế Chiến Hai.

Hiện tại, nhiều kịch bản đặt ra. Nhiều chuyên gia tin vào khả năng ba đảng Xã hội Dân chủ, đảng Xanh và đảng Dân chủ - Tự do tìm được thỏa hiệp. Đây là "liên minh có khả năng trở thành hiện thực nhiều nhất, nhưng cũng là liên minh đặt ra nhiều vấn đề nhất", về các vấn đề cơ bản, theo chuyên gia Alexandre Robinet-Borgoman, Viện Montaigne. Ví dụ như đảng SPD chủ trương tăng mạnh thuế với người có thu nhập cao, đảng FDP thì có quan điểm ngược lại, đảng Xanh chủ trương đầu tư hơn 500 tỉ euro trong 10 năm, đảng FDP chủ trương thắt lưng buộc bụng…

Les Echos dự đoán trong những tuần tới, ba đảng sẽ tạm gạt sang một bên các mâu thuẫn mang tính nguyên tắc, để tìm cách thiếp lập quan hệ. Khả năng SPD, đảng Xanh và đảng cực tả Die Linke lập liên minh cũng được tính tới, nhưng đảng Die Linke chỉ nhận được 5% phiếu bầu. Theo Les Echos không loại trừ việc hai đảng về đầu SPD và CDU lập liên minh, như họ đã từng làm trước đây, nhưng điều này rất khó xảy ra, bởi đông đảo người Đức muốn thay đổi, và bản thân hai đảng cũng không muốn như vậy.

Châu Âu đối mặt với giai đoạn "bất trắc" 

"Nước Đức bị đe dọa bởi tình trạng bất ổn định về chính trị" là một phân tích của Le Figaro. Theo Le Figaro, "nghệ thuật thỏa hiệp theo kiểu Đức, mà bà Merkel đã thành công xuất sắc sẽ đối mặt với các thử thách khốc liệt". Câu hỏi đặt ra là, nghệ thuật thỏa hiệp để lập liên minh như vậy còn có thể được trong một không gian chính trị bị phân hóa rất mạnh như hiện nay hay không ? "Ám ảnh bởi tính đại diện và tính mẫu mực của hệ thống dân chủ của mình, nước Đức đang bước vào thời kỳ bất ổn, hứa hẹn sẽ kéo dài. Niềm an ủi duy nhất là trong thời gian này, nước Đức sẽ tiếp tục do Merkel lãnh đạo trong nhiều tháng… trước khi thành lập được chính phủ mới". Cũng Le Figaro có bài phân tích về "Năm kịch bản lập liên minh chính phủ" của nước Đức sau bầu cử Quốc hội.

Tình trạng tê liệt chính trị ở Đức kéo dài trong thời gian các đảng tìm cách liên minh lập chính phủ là chủ đề một phân tích khác trên Le Figaro. Hôm qua, hai đảng SPD và CDU cho biết hy vọng lập được chính phủ trước Noel, tức trong vòng ba tháng tới. Nếu thời gian lập chính phủ kéo dài đến 5 tháng, như năm 2017, nhiệm kỳ Pháp chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu nửa đầu 2022 sẽ bị ảnh hưởng, trong lúc nước Pháp cũng chuẩn bị bước vào kỳ bầu cử tổng thống tháng 5/2022. Tình trạng bất trắc chính trị kéo dài tại Đức đặt biệt đáng lo ngại trong lúc Liên Âu đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, đặc biệt với việc Hoa Kỳ đang ngày càng "tỏ ra thờ ơ" với khối 27 nước, và ngày càng nhiều "hành động khiêu khích" từ "láng giềng liền kề", ngụ ý nói đến nước Nga, tuy không nêu đích danh. Hàng loạt hồ sơ quan trọng của Liên Âu, về khí hậu, kỹ thuật số, hay di cư… đang chờ có các bước tiến.

Le Figaro cũng chỉ ra khó khăn đối với nhiều nước Châu Âu trong thời gian tới, trong hồ sơ thương lượng lại Hiệp ước bình ổn tài chính 2012. Việc đảng Dân chủ Tự Do FDP, với chủ trương thắt lưng buộc bụng, có nhiều khả năng tham gia chính phủ, sẽ là một thách thức với Pháp và Ý, hai nước đang thúc đẩy việc thương thuyết lại Hiệp ước này.

"Vai trò tập hợp" của Merkel : Khó ai thay

Dù sao, theo Le Figaro, nếu lãnh đạo tương lai của nước Đức là người đứng đầu một trong hai đảng SPD và CDU, thì Liên Âu không phải lo ngại, vì đây là hai người có quan điểm thân Châu Âu rõ ràng. Le Figaro đặc biệt nuối tiếc về sự ra đi vào bà Merkel, với phẩm chất của một người tập hợp, đoàn kết được đông đảo các nước Châu Âu từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ nước nhỏ cho đến nước lớn. Theo chuyên gia Paul Maurice của Viện Ifri, khó có lãnh đạo nào ở Châu Âu có thể đảm nhiệm được vai trò tập hợp này.

Pháp : Khẩn cấp đào tạo nhân lực

Kế hoạch đào tạo khẩn cấp nhân lực trong nước là hồ sơ chính của nhật báo kinh tế Les Echos.

Les Echos có bài phỏng vấn thủ tướng Jean Castex, với tựa đề "Chúng ta sẽ đầu tư ồ ạt cho việc đào tạo nhân viên và người thất nghiệp". Thủ tướng Pháp thông báo kế hoạch chi tiết về về chương trình của chính phủ đào tạo 1,4 triệu người lao động năm 2022, trị giá 1,4 tỉ euro, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển mộ nhân công.

Vụ khủng bố 13/11 bước sang giai đoạn hai

Phiên tòa xét xử vụ khủng bố 13/11 ở Paris và vùng phụ cận ngày mai bước sang giai đoạn hai, kéo dài 5 tuần. Đến lượt các nhân chứng nạn nhân lên tiếng. Trang nhất của nhật báo công giáo La Croix giới thiệu với công chúng tiếng nói của Lynda, một phụ nữ 41 tuổi, người thoát chết trong cuộc tấn công khủng bố nhắm vào nhà hát Bataclan. Nguyện vọng của Lynda là biết được sự thực, kể cả những gì bạo lực nhất. Về phần tòa án, quyết định của tòa là xem xét diễn biến của vụ khủng bố chủ yếu qua các lời thuật, hơn là hình ảnh. La Croix ghi nhận : bản thân lời thuật của các viên cảnh sát tại Bataclan hôm xảy ra vụ khủng bố đã cho thấy tính chất khốc liệt của biến cố bi thảm này.

Tổng thống Tunisia thâu tóm toàn bộ quyền lực : Bước ngoặt nguy hiểm

Le Monde số kép ra cho hai ngày, Chủ nhật và thứ Hai, lấy chủ đề chính là bước ngoặt chính trị nguy hiểm tại Tunisia, với việc tổng thống Kaid Saied quyết định thâu tóm mọi quyền lực trong tay, nhân danh "cuộc cách mạng của nhân dân". Xã luận Le Monde với nhan đề "Tổng thống Tunisia chuyển sang nền cai trị độc đoán" nhấn mạnh là "huyền thoại về nền dân chủ Tunisia dựa trên đồng thuận" vừa tan vỡ, với việc tổng thống Kaid Saied hôm 22/09 ban hành một sắc lệnh yêu cầu viết lại Hiến pháp 2014, theo hướng tập trung toàn bộ quyền lực cho tổng thống. Theo Le Monde, trong bối cảnh nước Tunisia – quê hương cách mạng Hoa Nhài cách nay 10 năm – chìm ngập trong các khó khăn kinh tế, nạn tham nhũng tràn lan, tổng thống Kaid Saied nhận được sự ủng hộ chưa từng có của dân chúng, đang trong tình trạng tuyệt vọng.

Chính trong bối cảnh này, đương kim tổng thống đã tấn công vào hàng loạt các "định chế trung gian", như đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, hiệp hội, vào "nền văn hóa đối thoại" vốn là sức mạnh của xã hội Tunisia trong giai đoạn quá độ dân chủ (các tác nhân chính của "nền văn hóa đối thoại" dân chủ Tunisia được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 2015).

Theo Le Monde, vẫn chưa quá muộn để tránh thảm họa, tổng thổng Tunisia cần hiểu rằng việc tấn công vào xã hội dân sự Tunisia là điều nguy hiểm, lắng nghe xã hội dân sự là điều cần thiết, và điều này có lợi cho xu thế vực dậy đất nước đang diễn ra. Xã hội dân sự là một cấu thành của bản sắc dân tộc Tunisia, phủ nhận điều này, ông Kaid Saied sẽ đẩy đất nước bước vào một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 358 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)