Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/09/2021

Điểm báo Pháp - Khủng hoảng tầu ngầm…

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng tầu ngầm và những lỗ hổng trong bộ máy nhà nước Pháp

Việc Úc phá vỡ hợp đồng mua tầu ngầm của Pháp làm lộ rõ tầm mức sự phản bội của ba nước đồng minh Anh, Úc và Mỹ. Sự việc còn đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức vận hành của bộ máy nhà nước Pháp. Nhiều tín hiệu tiêu cực trước đó đã được đưa ra phủ bóng "hợp đồng thế kỷ". Liệu rằng những tín hiệu đó có được Pháp xem xét đúng mực ? Le Figaro trong số báo ngày hôm nay điểm ra "những điều mà Pháp đã không muốn nghe".

khunghoang0

Tầu ngầm hạt nhân Barracuda lớp Suffren của Hải quân Pháp tại cảng quân sự Toulon, miền nam nước Pháp, ngày 06/11/2020.  AFP - NICOLAS TUCAT

Tầu ngầm Pháp, kế hoạch B của Úc

Ít nhất có ba tín hiệu đáng chú ý mà Pháp có thể đã xem thường : Thứ nhất, những lời đồn đãi về khả năng hủy hơp đồng được truyền thông Úc loan tải hồi tháng Giêng năm 2021, buộc Pierre Eric Pommellet – tổng giám đốc Naval Group phải có chuyến công du Úc, cho dù phải chịu cách ly 14 ngày vì dịch bệnh Covid-19.

Tiếp đến, vào tháng 6/2021, bộ trưởng quốc phòng Úc trước Nghị Viện tuyên bố tìm kiếm một giải pháp khác thay thế tầu ngầm Pháp. Phía Úc chỉ trích Naval Group chậm trễ thực hiện hợp đồng. Và dấu hiệu cuối cùng, tháng 8/2021, một phái đoàn cấp cao Úc đã đến thăm Washington. Chính quyền Paris lo lắng theo dõi sự việc.

Đương nhiên, mỗi lần như vậy, Paris đều có cuộc nói chuyện với các đồng nhiệm Úc mong có được những "điểm làm rõ". Và mỗi lần như vậy, Úc đều lên tiếng trấn an đồng minh Pháp. Vậy tại sao Pháp không phát hiện ra điều sắp xảy ra ?

Đương nhiên, Úc, Anh, Mỹ đã cố tình tuyệt đối giữ kín vụ việc, chỉ một số ít người tại mỗi nước liên quan được biết, theo như giải thích của nguồn tin ngoại giao. Nước Úc, được Anh hậu thuẫn, trước khi đến Mỹ nói về dự án này, đã không biết chắc là có được Joe Biden chấp nhận hay không. Do vậy, trong quãng thời gian đó, Canberra tiếp tục chơi trò "ầu ưa ví dầu" với Paris, cho phép để ngỏ hai khả năng, giữ hợp đồng của Pháp như là một kế hoạch B.

Pháp, một đối tác chiến lược thiếu tin cậy ?

Phải chăng cơ quan tình báo Pháp kém hiệu quả ? Vì sao họ không theo dõi các đối tác Úc ? Một nguồn thân cận với cơ quan tình báo Pháp lưu ý, kể từ sau vụ NSA nghe lén các đồng minh, nhiều cơ quan tình báo phương Tây đều tỏ ra rất cẩn trọng. "Giờ không phải là lúc nhòm ngó lẫn nhau". Hơn nữa, khác với thế giới nói tiếng Anh, tình báo Pháp chưa bao giờ coi dọ thám kinh tế là một ưu tiên.

Phải chăng Pháp thiếu theo dõi, quan tâm đốc thúc đều đặn sau khi ký hợp đồng ? Ngay từ đầu, nhiều nghị sĩ Úc đã lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này. Le Figaro nhìn nhận, đây là một trong những điểm yếu của Pháp : Một khi hợp đồng được ký kết giữa các lãnh đạo cao cấp, Paris có xu hướng để mọi việc tiến triển theo nhịp độ tự nhiên, mà không có một sự hỗ trợ từ các chiến dịch vận động hậu trường, cứ như là mọi việc không thể nào bị xem xét lại.

Cuối cùng là sự khác biệt về văn hóa chính trị và ngoại giao. Canberra cho rằng Paris đã đánh giá thấp các hệ quả tiến triển địa chiến lược trong khu vực. Thái độ ngày càng cứng rắn của Trung Quốc trong nhiều năm qua đã củng cố thêm cảm giác bất an, và Úc cảm thấy không an tâm trước thái độ được cho là "thiếu nghiêm túc" từ đối tác Paris trong mối liên minh đối tác chiến lược Pháp – Úc.  

"Đối với người Úc, không giống như Pháp, an ninh còn quan trọng hơn vấn đề chủ quyền. Úc muốn có một nhà bảo hộ và trong nhãn quan của họ, Pháp không thể giữ vai trò này trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung", trang mạng The Conversation của Úc viết.

Le Figaro lưu ý, tại một khu vực ngày càng mang tính chiến lược đối với Mỹ với nhiều thế cân bằng địa chính trị mới, nước Pháp không có đủ phương tiện, tài chính, quân sự hay ngoại giao để biến Ấn Độ - Thái Bình Dương thành một khu vực ưu tiên cho dù đây chính là nơi mọi việc đang diễn ra vào lúc này.

Trong hoàn cảnh này, "hướng đi thứ ba" do Paris phát triển nhằm đối phó với Trung Quốc, mỗi lúc một hung hăng, chỉ có gây lúng túng cho các đối tác.

Bầu cử Đức : Giới trẻ tìm một thế đứng

Cuộc bầu cử ở Đức hôm nay vẫn được các báo Pháp tiếp tục quan tâm đến. Kết quả cuộc bỏ phiếu không cho thấy một ứng viên nào, Xã hội – Dân chủ SPD hay Dân chủ - Thiên Chúa giáo CDU có được một đa số đẩy nước Đức vào một "thời điểm bất định cho các cuộc đàm phán", như hàng tít lớn nhận định trên trang nhất báo Le Monde.

Một điều chắc chắn, bất kể ai sẽ là thủ tướng Olaf Scholz (SPD) hay là Armin Laschet (CDU), phe Sinh Thái và những người ủng hộ Tự do – Dân chủ FDP sẽ phải tham gia vào một chính phủ liên minh. Nếu như Libération ví các cuộc đàm phán này như là một "sự dàn xếp tay ba", thì La Croix khẳng định "tương lai nằm trong tay phe tự do và sinh thái".

Với tỷ lệ phiếu bầu 14,8% cho đảng Xanh và 11,5% (FDP), hai đảng này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới trẻ, những người trong độ tuổi từ 18-24. Les Echos đưa ra con số cụ thể, 21% trong số này bỏ phiếu cho FDP và 23% là dành cho phe Sinh Thái.

Năng động, trẻ tuổi là những lợi thế của hai lãnh đạo đảng Xanh và FDP. Cùng trong độ tuổi 40, Christian Lindner – chủ tịch đảng FDP và Annalena Baerbock – lãnh đạo đảng Xanh, được cho là hiện thân một thế hệ lãnh đạo chính trị mới, chủ trương hiện đại hóa tại một nước Đức ngày một già cỗi, lớp người dưới 50 tuổi chỉ chiếm có 40% dân số đất nước.

SPD hay sự phục thù của Olaf Scholz

Nếu như mọi cặp mắt giờ đang đổ dồn vào hai đảng chính trị trẻ trung này, chờ xem họ sẽ tuyên bố ủng hộ bên nào Xã hội – Dân chủ hay Dân chủ - Thiên Chúa Giáo, các báo Pháp cũng đều dành một trang để phác họa đôi nét về ông Olaf Scholz, hiện được cho là có nhiều ưu thế để lập chính phủ liên minh.

Bằng cách nào, Olaf Scholz – một con người khô khan, lãnh đạo thành Hambourg, mang xu hướng trung tả như nhận xét của Le Figaro – đã chiếm được lá phiếu của cử tri Đức, chính là câu hỏi lớn trên Les Echos.

"Scholtzomat", biệt danh của Olaf Scholz, chỉ vì giọng nói đơn điệu, không chút cảm xúc, cứ như chiếc máy tự động, ở tuổi 63 là một chính khách dày dạn kinh nghiệm. Là thành viên của SPD từ năm 17 tuổi, Olaf Scholz có mặt trong nghị trường từ 23 năm qua. Thị trưởng thành phố Hambourg từ năm 2011-2018, Olaf Scholz từng là bộ trưởng lao động trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, rồi bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng trong suốt 4 năm cuối cùng nhiệm kỳ của bà Merkel.

Không có khiếu khôi hài, rất kiệm lời, vị cựu luật sư về lao động, xuất thân từ miền bắc nước Đức, không thích các xung đột, và do vậy với cách nhìn thực dụng, ông luôn tìm cách giải quyết các tranh chấp nơi kín đáo, tránh nơi "bàn dân thiên hạ".

Nhưng ông cũng là một nhân vật "không mấy gì được ưa thích" trong chính đảng SPD. Việc ông dẫn đầu trong cuộc đua ngày 26/09 chẳng khác gì như một "cuộc phục thù của Olaf Scholz" như hàng tựa nhận định của Le Monde. Xu hướng thiên hữu trong việc quản lý ngân sách nghiêm ngặt, hay việc bảo vệ chương trình cải cách tự do hóa thị trường lao động của cựu thủ tướng Gerhard Schroder khiến ông phải trả giá đắt cho cuộc bỏ phiếu nội bộ tranh chức chủ tịch đảng mùa thu năm 2019.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát là cơ hội để ông đánh bóng lại hình ảnh. Là một người luôn có cách nhìn thực dụng, Olaf Scholz đã nhanh chóng thông báo kế hoạch 1.100 tỷ euro, nhanh chóng đi theo trường phái Keynes, sẵn sàng chi tiêu và vay nợ bất cứ giá nào để duy trì nền kinh tế và việc làm.

Nếu như cử tri Đức chọn Olaf Scholz vì ông có một cách tiếp cận chính trị gần gũi với những đường hướng của bà Angela Merkel. Nếu như vụ tai tiếng Wirecard, cuộc chiến chống rửa tiền hay sự can dự của ông vào vụ ngân hàng Warburg gian lận thuế khi ông là thị trưởng Hambourg đã không cản đà tiến của Olaf Scholz, nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng vẫn còn một thách thức sau cùng phải vượt qua : Chứng tỏ tài nghệ đàm phán như bà Merkel để mà thành lập một chính phủ liên minh. Chỉ đến khi ấy Olaf Scholz mới xứng đáng được mệnh danh là người kế tục Angela Merkel !

Số nước nghèo tăng gần gấp đôi

Trong lĩnh vực xã hội, Les Echos chú ý đến bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, "trong vòng 50 năm, số nước nghèo chỉ có tăng lên". Nhật báo kinh tế đưa ra con số cụ thể, tính đến năm 1971 chỉ có 26 nước nghèo, nay con số này là 46 quốc gia, đỉnh điểm là năm 1991 với 51 nước.

Theo những tiêu chí do Liên Hiệp Quốc lập ra, để không nằm trong nhóm các nước kém phát triển nhất, một nước phải có tổng thu nhập quốc dân (Gross National Income-GNI) trên đầu người ở mức ít nhất là 1.222 đô la. Trong vòng 50 năm, chỉ có 6 nước là thoát khỏi danh sách này. Báo cáo ghi nhận, đại đa số các nước nghèo nằm ở Châu Phi (33/46). Thoát cảnh thuộc địa, nhưng những nước này vẫn gặp khó khăn trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

Les Echos cho biết có nhiều nguyên nhân : Dân số tăng nhanh, nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo (21% GDP), trong khi công nghiệp còn quá yếu kém chủ yếu dự vào khai thác quặng mỏ và xây dựng, rồi các cuộc xung đột, tham nhũng, bộ máy hành chính yếu kém, quản lý nợ công tồi, biển thủ công quỹ, thiếu tài trợ quốc tế…

Nước Pháp và nỗi lo thiếu nhà nông

Cũng về vấn đề xã hội, Le Figaro nói đến "việc đổi mới những thế hệ, một thách thức cho sự tồn tại của nền nông nghiệp Pháp". Gần 40% nông dân Pháp đã trên 55 tuổi và 45% trong số này sẽ về hưu từ đây cho đến năm 2030. Và chỉ có một phần ba trong số người về hưu là sẽ được thay thế. Mức thu nhập hàng tháng thấp là một trong những rào cản chính để giới trẻ dấn thân vào nghiệp nhà nông. Chẳng hạn, theo số liệu do Nghiệp đoàn chăn nuôi bò đưa ra, với mức lương trung bình hàng tháng là 700 euro, những nhà chăn nuôi khó thể mà trụ được nếu không có nguồn trợ cấp xã hội từ chính phủ.

Phim hoạt hình Nhật Bản không biết khủng hoảng

Mục điểm báo xin khép lại với lĩnh vực văn hóa. Le Figaro cho biết "Netflix làm thổi bùng giá phim hoạt hình Nhật Bản". Từ nhiều tháng nay, lượng tiêu thụ phim Nhật Bản trên các kênh xem phim trực tuyến tăng vọt. One Piece, Baki hay Attack on Titan là những loạt phim nhiều tập cực kỳ nổi tiếng được phát trên Netflix, Amazon và nhiều kênh chuyên về phim hoạt hình Nhật Bản khác.

Cuộc chiến độc quyền diễn ra gay gắt giữa các tác nhân, tranh giành một thị trường trị giá 23 tỷ đô la trên thế giới đã thổi bùng giá chuyển nhượng quyền khai thác. Một hệ quả khác là giá bán các bộ truyện tranh cũng vì thế cũng tăng vọt theo 150% trong năm 2021 tại Pháp.

Tóm lại, trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các plateform, các nhà sản xuất Nhật Bản là những người được hưởng lợi nhiều nhất !

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 361 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)