Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/10/2021

Điểm báo Pháp - Một năm sau vụ sát hại thầy Samuel Paty

RFI tiếng Việt

Nước Pháp vẫn bàng hoàng một năm sau vụ sát hại thầy Samuel Paty

Thời sự trong nước là chủ đề chính của nhiều nhật báo hôm 15/10/2021, với hội nghị toàn quốc về luật pháp khai mạc thứ Hai tới, chuyến đi của tổng thống đến Marseille - một tháng sau kế hoạch chấn hưng thành phố lớn thứ hai nước Pháp, hay hệ thống "cửa hàng gần nhà" lên ngôi tại Pháp nhờ đại dịch Covid... Về thời sự quốc tế, Le Monde đặc biệt chú ý đến việc Đài Loan trở thành tâm điểm của thế giới trong bối cảnh căng thẳng về "chíp bán dẫn".

paty1

Trang nhất báo Pháp (ngày 15/10/2021) : một năm sau ngày thầy Samuel Paty bị sát hại. © Fotomontagem RFI/Adriana de Freitas

Chủ đề thời sự trong nước nổi bật được nhiều báo đề cập hôm nay là ngành giáo dục với sứ mạng truyền bá các giá trị của chế độ Cộng hòa Pháp, một năm sau thảm kịch một giáo viên môn sử - địa bị khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu. Nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất "Samuel Paty : Nước Pháp vẫn còn trong cơn sốc", với ghi nhận : "An ninh, thể chế thế tục, tự do ngôn luận : một năm sau vụ người giáo viên bị một kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan chặt đầu ngay trên đường phố tiếp tục gây lo sợ". Dòng tựa trên nền bức ảnh ông Samuel Paty giảng bài với gam màu đen tang tóc.

Tránh nhắc "Hồi giáo cực đoan" là rơi vào bẫy của kẻ thù

Le Figaro có bài xã luận "Một năm sau…". Cách nay một năm, nước Pháp "khóc thương trong nỗi xót xa căm giận" về cái chết của thầy Samuel Paty, bị một kẻ khủng bố chặt đầu ngay trước cửa trường học, vì đã đưa hình biếm họa nhà tiên tri Mohamed của đạo Hồi vào bài giảng, và khẳng định : "Không bao giờ được để cho điều này tái diễn !". Nhưng xã luận của Le Figaro lưu ý : "tưởng niệm không đủ mà chúng ta cần phải hành động, phải thay đổi cách nghĩ. cần phải có biện pháp trừng trị những kẻ "nhổ nước bọt" vào lịch sử Pháp, và vào luật pháp của đất nước này". 

Le Figaro đặt câu hỏi : "một năm sau, bài học nào được rút ra từ vụ thảm sát của Samuel Paty ?". Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến việc nhiều giáo viên hiện nay vẫn ôm nỗi sợ hãi và im lặng, hơn là bảo vệ quyền tự do ngôn luận.Le Figaro đặc biệt chỉ trích chính quyền, vừa ban hành một văn bản yêu cầu tôn trọng các nguyên tắc của chế độ Cộng hòa nhưng "đã cố tình tránh né từ "Hồi giáo cực đoan" ! Theo tờ báo, "chừng nào chúng ta còn lắp bắp với những điều luật rụt rè như vậy, thì chúng ta sẽ còn bị rơi vào bẫy của kẻ thù".

"Vũ khí tuyệt vời nhất"

Một năm sau ngày người giáo viên sử - địa bị khủng bố hạ sát cũng là chủ đề chính của Libération. Cũng một màu đen tang tóc, riêng có dòng tựa với tên của người giáo viên là màu đỏ : "Samuel Paty. Tiếp tục". Libération cho biết ngay trên trang nhất : các trường học trên toàn quốc dành một phút tưởng niệm và thời gian cho các trao đổi trước ngày tưởng niệm chính thức vào ngày mai.

Vì sao là "Tiếp tục" ? Bởi các giáo viên nước Pháp, giống như người quá cố trước đây, hiện "đang tiếp tục đối diện với các vấn đề của việc giảng dạy về thể chế thế tục trong lớp học".

Libération có bài xã luận nhan đề "Vũ khí tuyệt vời nhất", theo đó phương tiện chống cuồng tín khủng bố trước hết không phải bằng súng đạn hay nhà tù, mà chính là giáo dục. Giống như Le Figaro, xã luận Libération cũng ghi nhận không khí đau buồn, thê lương ngự trị một năm sau ngày xảy ra vụ giết người man rợ. Nỗi đau buồn khiến những người trong cuộc khó có thể "suy nghĩ được một cách bình tĩnh", bởi việc một người giáo viên phải chết chỉ vì hoạt động dạy học của mình đã "khiến chúng ta ngã gục", bởi việc một người giáo viên bị chặt đầu, vì giới thiệu những bức tranh biếm họa về nhà tiên tri đạo Hồi Mohamed trong lớp, "khiến chúng ta ớn lạnh". Những lời kể về Samuel Paty của các đồng nghiệp (trong bài báo cùng số) "khiến trái tim chúng ta tan nát".

Bất chấp thảm kịch đó, từ một năm nay, các đồng nghiệp của Samuel Paty tại trường Conflans, đã cố gắng để đứng dậy, cho dù nhiều lần thất bại, nhưng họ vẫn tiếp tục cố gắng, tiếp tục sứ mạng của mình. Libération lưu ý là chính các đồng nghiệp của người quá cố đã chuyển tới các phóng viên của tờ báo "một thông điệp căn bản", đó là "các học sinh đã giúp cho họ hồi phục".

Nhật báo thiên tả nhấn mạnh : những kẻ khủng bố "đã tìm cách cắt đứt mối liên hệ mật thiết giữa người thầy giáo với học sinh". "Mối liên hệ" cho phép người giáo viên giúp học sinh nâng bổng tâm hồn, và đến lượt mình học sinh "tiếp sức" cho thầy giáo, để người thầy giáo "tiếp tục" sứ mạng dẫn dắt khát vọng hướng thượng ở học trò. Đó chính là "vũ khí tuyệt vời nhất chống lại chính sách ngu dân Hồi giáo cực đoan của kẻ khủng bố ở Conflans và những người xúi giục".

Giảng dạy về "các giá trị của nền Cộng hòa"

Để tiếp tục sứ mạng giảng dạy về thể chế thế tục của nước Pháp trong bối cảnh áp lực khủng bố, các giáo viên cần đến sự hỗ trợ. Cũng trong số báo này, Libération có bài giới thiệu về một buổi đào tạo hệ thống luật pháp thế tục của nước Pháp (laïcité) dành cho giáo viên tại sở giáo dục vùng Aix-Marseille. Tham gia buổi đào tạo 2 giờ được tổ chức hôm nay, dĩ nhiên là có các giáo viên sử - địa, nhưng cũng có cả các giáo viên môn tiếng Anh, toán, hay thể thao, tất cả đều tham gia tình nguyện. Giảng viên là một cựu hiệu trưởng, bà Marine Guyedan, 41 tuổi.

Tất cả các sở giáo dục tại Pháp, kể từ năm 2017, đều thành lập các ê-kíp đào tạo về "Các Giá trị của nền Cộng hòa". Tại sở giáo dục vùng Aix-Marseille, từ bốn năm nay, bà Marine Guyedan trợ giúp các nhân viên nhà trường, học sinh cũng như cha mẹ học sinh "là nhân chứng, nạn nhân hay tác giả" của những hành động xâm phạm đến "Thể chế thế tục" (Laïcité).

Những vấn đề rất cụ thể được đặt ra như : Hành động như thế nào khi một học sinh mang cuốn kinh Cựu Ước vào lớp ? Xử lý như thế nào về các chế độ ăn uống kiêng khem theo tôn giáo tại căng-tin nhà trường ?... Chuyên gia về Thể chế thế tục tại sở giáo dục có trách nhiệm giải đáp các câu hỏi, đưa ra những lời khuyên. Tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp không phân biệt tôn giáo, người giáo viên giữ quan điểm "trung lập" về tôn giáo, là một số nguyên tắc căn bản.

Thể chế thế tục là một trong các nền móng của chế độ Cộng hòa Pháp. Giảng dạy về Thể chế thế tục gói gọn trong tiết học hai giờ là một thách thức lớn. Đầu năm 2018, chính quyền Pháp thành lập Hội đồng các Cố vấn về Thể chế thế tục. Hội đồng ấn hành một cẩm nang về Thể chế thế tục để hỗ trợ giáo viên trong lĩnh vực này.

Cũng về các nỗ lực nói trên, nhật báo công giáo La Croix có bài viết "Tại nhà trường, các phản ứng cứng rắn hơn chống lại các xâm phạm Thể chế thế tục", ghi nhận những thay đổi đáng kể, kể từ vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty. Theo giám đốc sở giáo dục vùng Amiens, Raphael Muller, "thảm kịch này đã dẫn đến một ý thức thực sự". Kể từ đó, trong vòng nhiều tháng, đã liên tục có các báo động về những hành động xâm phạm Thể chể thế tục. Nhìn chung, giáo viên không còn bỏ qua các vụ việc này như trước đây. Ê-kíp "Các giá trị của nền Cộng hòa" thường có mặt tại các trường học nơi xảy ra sự cố, để hỗ trợ giải quyết vấn đề, cung cấp các thông tin, tri thức cần thiết.

Đài Loan và cuộc khủng hoảng chíp bán dẫn toàn cầu

Hồ sơ lớn trang nhất của Le Monde là ngành sản xuất vật liệu bán dẫn Đài Loan nằm ở tâm điểm thời sự quốc tế, trong bối cảnh khan hiếm chíp điện tử toàn cầu. Bài "TSMC, lược sử về toàn cầu hóa… và những giới hạn của nó" của Le Monde nhận xét : ngành sản xuất xe hơi, lĩnh vực công nghiệp hàng đầu của kinh tế thế giới "rơi vào khủng hoảng". Hàng loạt hãng xe hơi lớn phải giảm mạnh số lượng xe sản xuất. Nguyên do không phải là "đại dịch hay sóng thần", mà là do một "mẩu kính nhỏ 1 centimet vuông, chứa hàng triệu đường nét mảnh nhỏ, mảnh hơn 10 triệu lần một sợi tóc người".Những mẩu "kính siêu nhỏ" mà chúng ta có thể tìm thấy ở mọi nơi, trong nhà bếp, trong điện thoại, đồng hồ hay xe hơi. Chính vi mạch này lại đang "nắm giữ (vận mạng) một phần lớn của nền kinh tế toàn cầu". Các chíp điện tử đời mới nhất gần như đều do công ty TSMC sản xuất. Ngay cả đến với tập đoàn Mỹ Apple, tất cả bộ vi xử lý của điện thoại iphone đều được sản xuất bởi TSMC. Doanh nghiệp này đã cho xây dựng nguyên một nhà máy "chỉ dành để cung ứng sản phẩm cho Apple"

Về Trung Quốc, khủng hoảng Mỹ-Trung đã khiến Washington "cấm TSMC bán chíp điện tử cho Trung quốc"Le Monde nhấn rằng nếu không có bộ vi xử lý được thiết kế từ Mỹ, và sản xuất ở Đài Loan, "cả (hai tập đoàn Trung Quốc) Alibaba và Huawei sẽ không bao giờ trở thành những ông lớn trong ngành điện tử". Trung Quốc dù có sản xuất 36% các sản phẩm điện tử toàn cầu, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ cung cấp được 7,6% chất bán dẫn, chất cần thiết để sản xuất "bộ vi xử lý".

Theo Le Monde, trong lúc này Mỹ "hoan hỉ" mong Trung Quốc "tiếp tục tụt hậu 10 đến 15 năm so với các nước lớn khác trong ngành sản xuất chất bán dẫn". Lượng chíp điện tử mà Trung Quốc nhập khẩu trị giá lên tới 370 tỷ đô la mỗi năm, "giá trị còn lớn hơn cả chi phí nhập khẩu dầu khí của nước này" (trên thực tế, bất chấp các khẩu chiến dữ dội hai bên bờ Thái Bình Dương, Le Monde cũng lưu ý,Mỹ-Trung vẫn duy trì hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án hợp tác phát triển về công nghệ).

Về phía Bắc Kinh, "tiền không phải là vấn đề", Le Monde nhấn mạnh vấn đề nằm ở "nhân lực". Tờ báo đưa ra con số "300.000 kỹ sư" mà Trung Quốc đang thiếu để phát triển ngành sản xuất chất bán dẫn. Con số này "khó có thể giải quyết được ở một đất nước dân số đang trên đà suy giảm, nhất là khi những người trẻ có năng lực lại bị thu hút bởi hai hãng Xiaomi và Tencent hơn SMIC (công ty Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn)". 

Trong bài "Bắc Kinh muốn giảm phụ thuộc vào chíp điện tử nước ngoài bằng mọi giá", Le Monde đặt ra câu hỏi : Liệu Trung Quốc có sẵn sàng xâm lược Đài Loan để chiếm lấy TSMC, nhà sản xuất chất bán dẫn và bộ vi xử lý (CPU) mạnh nhất thế giới ? Câu trả lời là điều này khó có thể xảy ra, "vì không ai có thể nói trước được hậu quả, tổn thất của xung đột vũ trang với Đài Loan".

Covid và thay đổi lớn trong thói quen mua sắm

Tại Pháp, đại dịch Covid làm gia tăng đà suy yếu của các siêu thị ở vùng ngoại vi các đô thị, khiến các cơ sở bán hàng gần nhà nở rộ là hồ sơ chính của nhật báo kinh tế Les Echos. Theo Les Echos, Covid-19 đã làm thay đổi các thói quen mua và bán hàng. Đông đảo người tiêu dùng trở lại với các cửa hàng ở trung tâm thành phố. Các dịch vụ cung cấp hàng nhanh phát triển mạnh. Cùng lúc đó là việc nhiều cửa hàng thuốc lá kiêm luôn địa điểm cung cấp thực phẩm.

Về đại dịch Covid, Le Monde có bài phỏng vấn bác sĩ Jean-François Delfraissy, chủ tịch Hội đồng Cố vấn khoa học về Covid của chính phủ Pháp, đưa ra một dự báo lạc quan là Covid có thể trở thành bệnh thông thường trong tương lai, như dịch cúm mùa.

Triển lãm 200 năm quan hệ Pháp – Hy Lạp

Trong lĩnh vực văn hóa, Libération giới thiệu cuộc triển lãm đặc biệt tại bảo tàng Louvre, vừa khai trương về 200 năm quan hệ lịch sử Pháp – Hy Lạp, trở về với cội nguồn của sự ra đời của phong trào những người yêu mến văn minh Hy Lạp cổ đại tại Châu Âu. Phong trào có sự tham gia của những đại thụ như văn hào Victor Hugo, thi sĩ Anh Byron, hay họa sĩ Pháp Delacroix. Triển lãm mang tên "Paris – Athens, sự ra đời của Hy Lạp hiện đại 1675 – 1919" sẽ kéo dài đến đầu tháng 2 năm tới.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 376 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)