Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/10/2021

Điểm báo Pháp - Pháp siết các "KOL"

RFI tiếng Việt

Pháp siết các "KOL" để bảo vệ người tiêu dùng

La Croixdành hồ sơ cho việc siết lại hoạt động của những người gây ảnh hưởng. Những "influenceur" trong tiếng Pháp, hoặc "KOL" (Key Opinion Leaders theo tiếng Anh), đang có vị trí ngày càng lớn trong công tác truyền thông của các thương hiệu trên mạng xã hội, và Nhà nước cần có những quy định để bảo vệ người tiêu dùng.

kol1

Nabilla, một người nổi tiếng trên mạng xã hội tại Pháp, trong một chương trình phỏng vấn đài franceinfo.  © Ảnh chụp màn hình Youtube.

Với nhiều triệu người theo dõi trên các mạng Instagram, Twitter, Tik Tok…N abilla, ngôi sao nổi lên từ một chương trình truyền hình thực tế, đã gây thêm chú ý vào tháng Bảy một cách bất đắc dĩ. Cơ quan quản lý cạnh tranh, tiêu thụ và trấn áp gian lận của Pháp (DGCCRF) phạt cô này 20.000 euro vì gian dối thương mại. Đó là do trong một video tháng Giêng 2018 trên Snapchat, Nabilla đã cổ vũ mua bán bitcoin, nhưng không nói mình được trả thù lao cho việc này, theo như luật tiêu thụ đã quy định.

Thị trường của những người gây ảnh hưởng được ước tính 9,7 tỉ euro trên thế giới trong năm 2020, và không thiếu những trường hợp chệch hướng. Trang web SignalConso mới ra đời từ tháng 2/2020 ghi nhận được 300 kiện tụng liên quan đến các KOL và trên 350 vụ về dropshipping. Đó là việc bán hàng cho cư dân mạng nhưng không có hàng trữ sẵn, nhờ một bên thứ ba giao, và thường lừa gạt người mua về giá cả hay chất lượng (khuyến mãi giả hiệu, hàng giả…). Cơ quan quản lý quảng cáo (ARPP) kiểm tra 30.000 quảng cáo của 7.000 KOL trong năm 2020, và phát hiện 25% không tôn trọng nghĩa vụ minh bạch.

Cơ quan WOO năm 2018 đã đưa ra quy định đạo đức đầu tiên về tiếp thị ảnh hưởng, nay đã được 30.000 người ký kết. Quy định này do một ủy ban gồm các KOL, thương hiệu, luật sư, nhà nghiên cứu soạn thảo, người sáng lập cho biết đã thấy không ít trường hợp tạo người theo dõi ảo, ca ngợi các sản phẩm cạnh tranh trong cùng một tuần lễ, hoặc khen ngợi mà chưa bao giờ thử mặt hàng đó. Được biết 3/4 người nhiều ảnh hưởng là phụ nữ, tuổi trung bình 30, có khoảng 50.000 người theo dõi. Truyền thông nhờ các KOL được cho là rẻ hơn nhiều so với quảng cáo bình thường.

Bắc Kinh một mình một chợ về container trên thế giới

Cũng trên lãnh vực kinh tế, Les Echosbáo động "Sự lệ thuộc đáng kinh ngạc của thế giới vào các container Trung Quốc". Nạn thiếu container là một trong những nguyên nhân chính đang bóp nghẹt vận chuyển hàng hóa, lãnh vực này hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc, nước sản xuất gần như duy nhất.

Một thời gian cuối năm hết sức phức tạp cho chi nhánh ở Hoa lục của một tập đoàn kỹ nghệ Pháp. "Một khi vượt qua được nạn thiếu nguyên vật liệu, sản xuất bị kìm hãm vì cúp điện. Khi hoạt động trở lại được, lại thiếu container, rồi thiếu tàu để chở hàng xuất khẩu". Thời gian chờ đợi kéo dài, giá cả tăng vọt.

Giá một container 40 feet đã lên đến 6.500 đô la, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá container lạnh và container chở dầu cũng tăng với mức độ tương tự. Hiện nay Trung Quốc sản xuất trên 96% container hàng khô, 100% container chở hàng đông lạnh và trên 90% container chở dầu. CIMC, một nhà sản xuất container Trung Quốc trong nửa đầu năm thu được lợi nhuận 4,39 tỉ nhân dân tệ (600 triệu euro), tăng đến… 1.739% so với năm ngoái.

Trung Quốc : tiêu dùng giảm, thị trường địa ốc suy sụp

Tuy vậy nhìn chung GDP Trung Quốc vào mùa hè này chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ khi hoạt động trở lại hậu Covid. Nguyên liệu tăng giá, cúp điện thường xuyên, tập đoàn địa ốc Evergrande suy sụp là những yếu tố đè nặng lên tăng trưởng của người khổng lồ Châu Á, đồng thời đe dọa sự khởi sắc của toàn cầu.

Tiêu dùng nội địa vẫn thấp, chi tiêu du lịch trong "golden week" tháng 10 chỉ bằng 40% so với trước đại dịch. Lãnh vực địa ốc vốn là đầu tàu tăng trưởng Trung Quốc, chiếm từ 15% đến 30% GDP, đang thụt lùi. Một nhà kinh tế của Capital Economics dự báo, hiện thời cú sốc địa ốc được bù đắp bằng xuất khẩu mạnh, nhưng từ năm tới, nhu cầu thế giới trở lại bình thường, tăng trưởng sẽ giậm chân tại chỗ.

ASEAN buộc phải tỏ thái độ với Miến Điện, dưới áp lực Mỹ

Cũng về Châu Á,Les Echos nhận xét "Dưới áp lực, các nước Đông Nam Á cao giọng trước tập đoàn quân sự Miến Điện". Sau nhiều tháng do dự, rốt cuộc ASEAN cũng loan báo không cho nhân vật quyền lực số một Miến Điện tham dự hội nghị thượng đỉnh lần tới. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á dùng đến biện pháp trừng phạt.

Tướng Min Aung Hlaing hứa ủng hộ một đề nghị năm điểm trong đó có chấm dứt bạo lực, khởi đầu đối thoại, tuy nhiên không hề tuân thủ, và đặc sứ ASEAN cũng không được gặp bà Aung San Suu Kyi. Ngược lại, các tướng lãnh Miến Điện tố cáo ASEAN không tôn trọng nguyên tắc không can dự vào chuyện nội bộ của từng nước, chịu áp lực của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.

Các chuyên gia độc lập nhìn nhận từ nhiều tháng qua ASEAN dưới áp lực quốc tế nặng nề, buộc phải tỏ thái độ trước cuộc khủng hoảng Miến Điện. Tuy tìm cách có được vị trí riêng không đứng về phía Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, nhưng ASEAN cần duy trì quan hệ tốt với Washington để nhanh chóng có được vac-xin chống Covid hiệu quả, và được trợ giúp trước áp lực của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nhà phân tích Charles Dunst cho rằng "ASEAN đang buộc lòng phải chứng tỏ can đảm hơn về chính trị".

Tổng thống Brazil bị truy trách nhiệm về đại dịch Covid

Chuyển sang lãnh vực y tế, La Croixdành hai trang lớn cho "Covid, sai phạm hình sự của chính quyền Brazil". Tổ chức phi chính phủ Rio de Paz cuối tuần rồi đã treo 600 chiếc khăn tay trắng trên bãi biển Copacabana, tượng trưng cho 600.000 nạn nhân đã qua đời vì đại dịch, tố cáo việc quản lý tồi tệ của chính quyền Jair Bolsonaro.

Brazil là quốc gia có số lượng người chết thứ nhì thế giới vì con virus đến từ Vũ Hán, chỉ sau Hoa Kỳ. Ủy ban Điều tra của Quốc hội (CPI) đặt ra các câu hỏi : Vì sao không phong tỏa diện rộng để ngăn virus lây lan ? Ai chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của hệ thống y tế ? Có tham nhũng khi mua vac-xin giá cao hơn thực tế hay không ?

Sau 5 tháng điều tra, có ít nhất 40 quan chức và chủ doanh nghiệp bị cáo giác, trước hết là vai trò của tổng thống. Những tuyên bố bác bỏ sự trầm trọng của đại dịch, hiệu quả của khẩu trang, phong tỏa và cả vac-xin đã đóng góp vào sự lan tràn của con virus. Ông Bolsonaro bị cáo buộc 11 tội danh kể cả tội chống nhân loại, bị tố cáo làm ngơ trước nghi vấn tham nhũng.

Hãng dược Ấn Độ Bharat Biotech chỉ ấn định giá 1,34 đô la cho một liều vac-xin, nhưng Brazil đề nghị trả đến 15 đô la, cao hơn cả Pfizer. Tuy việc mua bán này không thành, nhưng "xì-căng-đan Covaxin" vẫn được CPI xem xét. Bên cạnh đó, nếu chính phủ liên bang chấp nhận mua 70 triệu liều Pfizer và 100 triệu liều Coronavac hồi năm 2020, có ít nhất 110.000 sinh mạng đã được cứu sống.

Venezuela : Nhân vật nắm rõ những vụ làm ăn của Maduro bị dẫn độ sang Mỹ

Cũng tại Châu Mỹ la-tinh, Le Figaronói về "Một người thân cận của Maduro bị dẫn độ sang Hoa Kỳ", Libérationnhấn mạnh "Alex Saab, người nắm rõ tất cả những vụ làm ăn của Maduro".

Alex Saab, 49 tuổi, hôm thứ Bảy 16/10 đã bị dẫn độ sang Mỹ sau 16 tháng thủ tục tư pháp. Bị Interpol truy nã, doanh nhân Colombia bị bắt vào tháng 6/2020 ở Cap-Vert, nơi máy bay riêng của ông ta quá cảnh. Bị cáo buộc rửa tiền năm 2019 tại Miami, Alex Saab ngay từ hôm nay được tòa án Florida thẩm vấn.

Đối lập Venezuela và nhiều nhà báo điều tra khẳng định ông ta biết tất cả về tình hình tham nhũng của chế độ Nicolas Maduro. Chính quyền Venezuela nói rằng Alex Saab phụ trách công tác nhân đạo, mua thực phẩm và thuốc men để đổi lấy dầu, tránh né cấm vận của phương Tây. Caracas giận dữ đến nỗi sáu cựu quản lý (trong đó có 5 công dân Mỹ) của CITGO, chi nhánh Hoa Kỳ của tập đoàn dầu khí PDVSA bị quản thúc tại gia, nay bị tống vào tù.

Bắt đầu làm ăn với Venezuela trong việc sản xuất nhà xã hội tiền chế, Alex Saab dần dà nắm hầu hết các lãnh vực từ vàng, dầu lửa, thực phẩm, ngoại hối. Ông ta biết rất nhiều về tài chính của chế độ Maduro, các công ty ma… Liechtenstein đang điều tra Alex Saab về rửa tiền, và Ý quan tâm đến vợ ông ta là người mẫu Camilla Fabri vì tiền được rửa tại Ý là thông qua bà ta. Trả lời Libération, nhà báo Roberto Deniz đã điều tra về Alex Saab, nhận định nếu Venezuela là một quốc gia dân chủ thì tổng thống đã bị cách chức. Phía Mỹ có nhiều thông tin về các vụ chuyển tiền cho gia đình Maduro, chương trình trợ giá thực phẩm (CLAP) bị thổi giá.

Tựa chính báo Pháp

Le Mondedành tựa trang nhất cho "Lời kể của những người sống sót trong vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan". Kể từ ngày 06/10, khoảng 100 người sống sót bắt đầu kể lại trước tòa án Paris những giờ phút kinh hoàng đã phải chịu đựng : Lúc 21 giờ 47 ngày 13/11/2015, bọn khủng bố ra tay tàn sát suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ.

Le Figaronói về "Chiến tranh Algérie : Macron trước chiếc bẫy hồi ức". Khi tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát ngày 17/10/1961, tổng thống Pháp gánh lấy nguy cơ bị những người cứng rắn trước Anger phản đối, nhưng cũng không làm hài lòng những ai muốn tỏ ra ân hận về vụ này.

La Croixquan tâm đến "Covid-19, sự phá sản của Bolsonaro". Tại Brazil, một ủy ban điều tra ngày mai sẽ công bố báo cáo về việc xử lý tệ hại đại dịch Covid, thậm chí còn bị gọi là "tội ác chống nhân loại".

Nhật báo Les Echos báo động thương mại quốc tế đang rối loạn : vận tải biển thiếu container và các hải cảng bị quá tải, thiếu tài xế xe tải nặng khiến hàng hóa chậm được bốc dỡ. Trung Quốc sản xuất đến 96% số container trên thế giới, các cảng ở Mỹ phải làm việc 7/7 ngày, 24/24 giờ.

Hồ sơ của Libérationnói về vấn đề chủ quyền : Ba Lan quyết định đặt luật pháp quốc gia lên trên luật cộng đồng Châu Âu, và ý nghĩ một Châu Âu "thân ai nấy lo" gây xôn xao không chỉ tại Pháp mà cả nhiều quốc gia thành viên.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 386 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)