Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/10/2021

Điểm tuần báo Pháp – Anh và Pháp trở thành "thù địch"

RFI tiếng Việt

Vì Brexit, Anh và Pháp, từ "anh em" trở thành "thù địch"

Căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan làm lu mờ một cuộc khủng hoảng khác, không kém phần gay gắt giữa đôi bờ biển Manche. Từ đầu tháng 9/2021, quan hệ Paris- Luân Đôn bỗng trở nên lạnh giá. Đôi bên ầm ĩ cãi vã, không ngớt lời nhạo báng và có những đòn đấm sau lưng, gây tổn hại cho Đồng thuận Thân hữu có từ năm 1904. Trang nhất Courrier International chạy tít lớn : "Pháp và Anh, những người anh em thù địch".

anhphap0

Ảnh châm biếm minh họa mối quan hệ ngày càng xấu giữa Anh và Pháp.  © Ảnh chụp màn hình một bài viết trên báo Courrier International.

"Always Blame the French"

Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, mối quan hệ giữa Pháp và Anh giờ "đang trong cơn bão táp". Tuần san L’Express cho biết từ tháng Chín tới nay, Anh và Pháp to tiếng cãi vã trong nhiều vấn đề. Đầu tháng Chín, Luân Đôn cáo buộc Paris không làm tròn trách nhiệm để di dân băng biển Manche. Trung tuần tháng Chín, đến lượt Pháp nổi dóa, chỉ trích Anh "thọc gậy bánh xe", khi làm trung gian cho Mỹ, để đánh cắp "hợp đồng tầu ngầm thế kỷ" giữa Pháp và Úc.

Đôi bên còn tranh cãi gay gắt trong việc áp dụng thỏa thuận Brexit : Bất kể đó là hồ sơ Bắc Ireland, liên quan đến Quy định về biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland hậu Brexit hay việc cấp quota đánh bắt cá trong vùng lãnh hải của Anh…

Sau kể tội là những lời dọa dẫm. Ở bên kia biển Manche, chính phủ thủ tướng Boris Johnson dọa cắt kinh phí hỗ trợ Paris chống di dân. Ở bên này, Paris tuyên bố nếu Luân Đôn không cấp thêm nhiều giấy phép đánh bắt cá cho ngư dân Châu Âu, Pháp sẽ ngưng cung cấp một phần điện năng cho nước Anh.

Sau 5 năm mặc cả và đối mặt với thái độ quay ngoắc của Anh, Paris nói giờ không tin vào lời của Luân Đôn nữa. Còn nước Anh ví Pháp như là một viên cảnh sát tồi trong các cuộc thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu.

Giáo sư Luật Châu Âu, bà Catherine Sarah Barnard, trường đại học Cambridge cho rằng "mọi sự huyên náo, những cuộc cãi cọ ầm ĩ này với Châu Âu và Pháp là nhằm đánh lạc hướng những vấn đề thường nhật : khan hiếm xăng dầu tại nhiều vùng, khan hiếm lao động triền miên, lạm phát phi mã, thiếu hàng hóa, giá năng lượng tăng vọt…".

Đây là hệ quả của việc chọn "Brexit hard" năm 2020, thủ tướng Boris Johnson đã chọn đóng cửa triệt để các đường biên giới. Kết quả là nước Anh thiếu nhân công nước ngoài, nhất là 100 ngàn tài xế xe tải và chuỗi cung ứng bị phá vỡ. Và cũng như bao lần từ thời Trung Cổ, người Anh đều có cùng một kiểu trả lời : "Always Blame the French" (Đổ hết lên đầu người Pháp), như lời mỉa mai từ một nhà ngoại giao Pháp.

Tóm lại, "một làn gió mùa thu đang xen vào mối quan hệ Anh – Pháp". Bằng chứng là tân đại sứ Anh tại Pháp, bà Menna Rawlings, 54 tuổi, đến Paris từ đầu tháng Chín nhưng cho đến giờ vẫn chưa được điện Elysée mời đến dùng trà để có thể trình ủy nhiệm thư !

Nước Anh và mặc cảm tự ti !

Tuần báo Courrier International tự hỏi : Tại sao Anh và Pháp lại ghét nhau đến thế, trong khi mà hai nước có nhiều điểm rất giống nhau ? The Times tại Luân Đôn đặt vụ việc trong bối cảnh bầu cử chung. Nước Pháp đang chuẩn bị cho mùa bầu cử tổng thống mới vào năm 2022.

Tổng thống Macron quan ngại ứng viên Xavier Bertrand, đại diện cho cánh hữu ôn hòa và cũng là chủ tịch vùng Hauts-de-France, trong đó có thành phố biển Calais, điểm nóng tập trung di dân bất hợp pháp để băng qua biển Manche đi vào nước Anh. Nguyên thủ Pháp không thể cho thấy có chút nhượng bộ nào trước những lời dèm pha về lời đe dọa từ Anh Quốc đối với ngư dân Pháp.

Còn theo phân tích của nhà báo người Anh Ed West, thiên hướng hay nổi cáu với Pháp của người Anh, đó còn là do một nền lịch sử từ lâu mang nặng dấu ấn mặc cảm tự ti nào đó. Trả lời câu hỏi của tuần báo Courrier International "tại sao Pháp là đối thủ chính của Anh tại Châu Âu lục địa", vị trợ lý tổng biên tập trang mạng UnHerd tại Luân Đôn, nhắc lại rằng mọi sự bắt đầu vào năm 1066 với trận chiến Hasting trong cuộc xâm lược Anh Quốc của công tước xứ Normandie (miền bắc nước Pháp), mở màn cho nhiều thế kỷ xung đột giữa đôi bên.

Rồi ở Anh còn có xu hướng gán "tất cả những gì là Pháp" cho tầng lớp khá giả : Từ việc nói và sử dụng thành thạo tiếng Pháp cho đến việc có chữ "De" trước họ tên, giờ vẫn được xem như là trưởng giả.

Ngược lại, tầng lớp bình dân Anh lại có một tâm trạng thù ghét sâu thẳm với những gì là Pháp, đặc biệt là cuộc Cách Mạng Pháp, được tiếp nối với 20 năm chiến tranh của Napoleon. Bất chấp những lợi ích mà cuộc Cách Mạng có thể mang lại, đối với tầng lớp bình dân, triển vọng một ngày nào đó bị Pháp lãnh đạo là điều không thể nhắm tới.

Một nghiên cứu thú vị gần đây cho thấy những gia đình mang họ Pháp, kế thừa từ cuộc xâm lược Normandie, sở hữu một khối tài sản cao hơn mức trung bình rất nhiều. Nhà báo người Anh nhắc lại rằng nước Pháp từng là một quốc gia giầu có nhất và phát triển nhất giữa hai nước, Anh Quốc chỉ vừa mới đuổi kịp sự chậm trễ gần đây, kể cả trên phương diện ẩm thực.

Nhìn từ phía Mỹ, Anh và Pháp chẳng khác gì như một cặp "song sinh giả hiếu động nhất của Châu Âu". Tom McTague , trên tờ The Atlantic của Washington cho rằng Vương quốc Anh và Pháp từ khi Brexit cãi vã nhiều hơn. Nhưng hai nước lại rất giống nhau hơn là người ta nghĩ. Và nhất là đôi bên cùng chia sẻ một mục tiêu chung : Muốn được ở lại trong sân chơi của những "ông lớn" !

Việt Nam : Cuộc đua tìm kiếm nguồn lao động bị biến mất

Tại Việt Nam, hàng triệu người bị mất việc làm, trong khi đó, các nhà xưởng lại không tài nào tuyển dụng đủ nhân công để đáp ứng các đơn hàng nước ngoài, đang chuẩn bị cho mùa lễ Noel cuối năm. Nghịch lý này được tuần san Courrier International tường thuật lại từ một ghi nhận trên báo mạng Nikkei Asia.

Từ Samsung cho đến Adidas, lao động thiếu nghiêm trọng tại nhiều xí nghiệp. Tại tỉnh công nghiệp Bình Dương, các nhà cung cấp chỉ "đáp ứng được có một nửa nhu cầu tuyển dụng lao động theo như thông tin từ Navigos, hãng cung cấp lao động lớn nhất Việt Nam".

Nguyên nhân là do cách xử lý dịch bệnh quá nghiêm ngặt. Lao động di dân bị kiệt quệ sau nhiều tháng phong tỏa mà không có nguồn thu nhập, hay bị bắt buộc phải ngủ tại nhà xưởng trong những điều kiện khó khăn. Kết quả là một cuộc di tản lớn đã diễn ra, ngay khi "những rào chắn và hàng kẽm gai được dỡ bỏ trên các nẻo đường" vào ngày 01/10/2021, "hàng chục ngàn di dân đã hối hả trở về quê".

Để "chiêu dụ" công nhân trở lại làm việc, nhiều xưởng gia công lắp ráp cho các thương hiệu lớn đã có những đề xuất "điên rồ" như trả thêm một tháng lương, mở cơ sở trông trẻ và tạo thêm chỗ ở nhằm xóa tan cảm giác do dự. Chính phủ Việt Nam trên các mạng xã hội kêu gọi người lao động trở lại làm việc. Chính quyền địa phương thì có những đề xuất chưa từng có, cung cấp phương tiện giao thông như xe buýt, tầu lửa hay máy bay tạo điều kiện cho công nhân quay trở lại các khu công nghiệp.

Nikkei Asia lưu ý, lương công nhân đã tăng thêm từ 15-20%. Điều này có thể dẫn đến tình trạng lạm phát ở Việt Nam và lan sang các thị trường chính khác như Mỹ và Châu Âu.

Nguồn gốc Covid-19 : Chìa khóa trong tay Trung Quốc

Covid-19 vẫn tiếp tục làm đảo lộn cuộc sống, các hoạt động kinh tế - xã hội của nhân loại, con số nạn nhân vẫn tăng lên bất chấp các chiến dịch tiêm ngừa ồ ạt và tốn kém. Nhưng con virus Sars-Cov-2, nguồn gốc đại dịch Covid-19 từ đâu mà có ? Từ một con vật trung gian hay từ một phòng thí nghiệm ? Câu hỏi này vẫn luôn ám ảnh nhiều nhà khoa học.

Nhưng với ông Jamie Metzl, nhà vi trùng học, khi trả lời tuần báo L’Obs cho rằng để biết được nguồn gốc Covid-19, "khoa học không thôi vẫn chưa đủ, mà còn phải hiểu cả Trung Quốc" nữa. Là thành viên của nhóm Drastic, quy tụ nhiều nhà khoa học và các nhà điều tra độc lập, nhà khoa học người Mỹ này giải thích vì sao ông thiên nhiều về giả thiết Sars-Cov-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm của Viện Vi trùng học Vũ Hán (IVW).

Mối nghi ngờ này bắt nguồn từ đơn xin tài trợ của IVW năm 2018, do chính bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) – còn có biệt danh "Batwoman" – đặt bút ký. Trong thư gởi đến Darpa, một cơ quan trực thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ, Viện Vi trùng học Vũ Hán xin một khoản tài trợ 14 triệu đô la để tiến hành các cuộc thử nghiệm biến đổi gien, cụ thể là ở loài virus corona.

Mục tiêu của dự án là cài ARN của virus corona vào hai "điểm" đặc biệt, làm tăng khả năng nhiễm bệnh vào các tế bào người. Một thí nghiệm đầy rủi ro đến mức Darpa đã bác hồ sơ. Nhưng hơn một năm rưỡi sau, chính tại thành phố nơi tọa lạc IVW, mà dịch bệnh đã bùng phát.

Loại virus mới được phát hiện khác với những gì giới khoa học biết được đến lúc này, và như một sự trùng hợp, chúng cũng mang những ARN chính xác tại hai "điểm" được đề cập đến trong hồ sơ Defuse, tức đơn xin tài trợ của IVW. Virus Sars-Cov-2 giống "như in" với con virus do IVW đề nghị tạo ra bằng kỹ thuật biến đổi gien.

Với ông Jamie Metzl, câu hỏi "liệu phòng thí nghiệm Vũ Hán có thật sự thực hiện dự án đó hay không" sẽ không bao giờ có lời đáp do thiếu sự minh bạch hoàn toàn từ IVW và Trung Quốc nói chung. Nhà nghiên cứu Mỹ, Jamie Metzl còn tin rằng Trung Quốc trên thực tế không cần tiền từ Mỹ để tiến hành dự án. Điều mà các phòng thí nghiệm Trung Quốc nhắm đến là cùng với những đề nghị tài trợ, chính là sự hợp tác khoa học với Mỹ và chuyển giao kiến thức, hiểu biết đi kèm theo.

Cũng theo nhà khoa học này, thì ngay từ những ngày đầu của dịch bệnh, "Trung Quốc đã làm mọi cách để dập tắt vụ việc" : Từ buộc im lặng những người gióng chuông báo động, "tẩy sạch" các trang mạng xã hội, hủy những bệnh phẩm đầu tiên và nhất là tuyệt đối nghiêm cấm các nhà khoa học Trung Quốc lên tiếng.

Trong chiến dịch này, còn có sự tiếp tay của nhiều nhà khoa học phương Tây, như Peter Daszak – nhà nghiên cứu người Mỹ chấp bút ký đơn xin tài trợ chung với Thạch Chính Lệ. Ông cũng chính là người đã được Bắc Kinh chọn để dẫn đầu đoàn điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới.

Trung Quốc lại chỉnh đốn văn hóa

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong lĩnh vực đời sống văn hóa – xã hội. Courrier International lược dịch một bài viết trên Liên hợp Tảo báo, một nhật báo Singapore bằng tiếng Hoa ghi nhận "Tại Trung Quốc, "văn hóa không lành mạnh" bị chỉnh đốn".

Trò chơi video không chỉ đơn thuần là một hoạt động giải trí, mà chúng còn phải có một chức năng nghệ thuật, phải phù hợp với những giá trị mà chúng truyền đạt. Do đó, không còn những trò mang hơi hướm đánh bạc ăn tiền, không còn những nhân vật lấy cảm hứng hay phổ biến văn hóa Nhật Bản, cũng không còn những nhân vật mềm yếu ủy mị - từ cách trang điểm, hành vi cho đến giọng nói có dáng vẻ nữ tính, và nhất là tuyệt đối cấm những nhân vật có những "hành động xấu xa" như kẻ sát nhân, sát thủ, những kẻ cướp biển, những nhân vật đang hút thuốc, uống rượu hay lui tới các hộp đêm, thân thể đầy vết hình xâm…

Và kể từ ngày 30/8, trẻ vị thành niên chỉ được phép chơi trên mạng một giờ vào mỗi cuối tuần và ngày nghỉ lễ. Từ 8/9, các nhà mạng cung cấp được yêu cầu phải kiểm duyệt và thanh lọc các trò chơi trên mạng.

Trung Quốc lo sợ người dân biết đến văn hóa xứ người (Nhật Bản chẳng hạn) nhiều hơn là lịch sử đất nước, sợ người dân lầm lạc vào những "giá trị sai lầm", do vậy cấm đoán những cảnh khiêu dâm, những hình ảnh đẫm máu hay hãi hùng và chống việc tuyên truyền những nền "văn hóa không lành mạnh nói nhiều về chuyện đồng tính".

Chỉ có điều, khi tấn công "kẻ thù bên ngoài" mà không có một khuôn khổ và những tiêu chí quy định rõ ràng, nhiều phim do chính Trung Quốc sản xuất, hình ảnh bạo lực không kém cũng bị vạ lây theo !

…và chuyện sinh con !

Năm xưa với chính sách "một con duy nhất", Trung Quốc cưỡng bức người dân phá thai để không sinh con thứ hai. Giờ lo sợ dân số tụt giảm, Bắc Kinh ngày 27/09/2021 lại kêu gọi "chị em phụ nữ" hạn chế phá thai.

Chính phủ Trung Quốc kêu gọi hạn chế phá thai để tránh tình trạng phá thai có chọn lọc, vốn đã bị cấm từ năm 2001 nhưng vẫn được thực hiện lén lút, do văn hóa chuộng con trai hơn con gái ? Hay đây cũng là cách chính phủ buộc các cặp vợ chồng phải sinh con ngoài ý muốn nhằm hạn chế tỷ lệ sinh nở suy giảm ? Nếu đúng như vậy, đây sẽ là một hạn chế về quyền tự do sinh con.

Thông tín viên tuần báo L’Express tại Bắc Kinh cho biết 1/5 số ca phá thai tại Trung Quốc có liên quan đến phụ nữ dưới 30 tuổi. Nhiều người trong số này là độc thân, nhưng lại không được tiếp cận các phương thức tránh thai có hỗ trợ, và tìm cách tránh bị mất danh dự. Nhà xã hội học Manon Laurent, đại học Paris giải thích, do đặc thù xã hội Trung Quốc, "trẻ được sinh ra ngoài giá thú không được xã hội chấp nhận và khó được tiếp cận các dịch vụ công".

Nhưng có một điều chắc chắn, thông báo ngày 27/9 này đã làm dấy lên nhiều chỉ trích trên mạng xã hội. Người ta có thể đọc một phản ứng mạnh mẽ từ một phụ nữ trên mạng Vi Bác : "Tôi là một nguồn nhân lực giá rẻ, một cỗ máy sinh con (…) chứ không phải là một con người".

Thổ Nhĩ Kỳ : Tổng thống Erdogan đơn độc

L’Express tiếp tục đưa độc giả đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ báo ghi nhận tổng thống Recep Tayyip Erdogan, suy yếu và quá hung hăng, bị Hoa Kỳ đối xử trịch thượng và Nga thì khinh thường, nay "đơn độc hơn bao giờ hết trên trường quốc tế".

Tổng thống Thổ đang trả giá cho thái độ quay ngoắc và những hành động, phát biểu ầm ĩ. L’Express nhắc lại hai sự kiện đáng chú ý trong tháng Chín để giải thích. Đặt chân đến New York ngày 19/09/2021, nhưng tổng thống Thổ được chủ nhân Nhà Trắng tiếp đón lạnh nhạt, không có thảm đỏ như mong đợi của ông Erdogan. Thậm chí, ông cũng không được quyền hưởng một buổi chụp ảnh với tổng thống Mỹ.

Paul Levin, giám đốc trung tâm nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ, đại học Stockholm, Thụy Điển lưu ý, ngay khi đắc cử, nguyên thủ Mỹ đã có một thông điệp rõ ràng cho Thổ Nhĩ Kỳ : "Khi ông ấy đợi đến ba tháng mới nhấc máy điện thoại cho Ankara và chỉ để thông báo dự định chính thức công nhận vụ thảm sát người Armenia, ông ấy đã tỏ rõ với Thổ Nhĩ Kỳ rằng họ không còn tầm quan trọng đến như thế đối với Mỹ".

Mười ngày sau, 29/09, tổng thống Erdogan đến Sochi gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Sau ba giờ hội đàm trực diện, đôi bên không có một cuộc họp báo chung, cũng không có một thông báo chung nào. Recep Tayyip Erdogan ra về với đôi bàn tay trắng.

Kerem Oktem, giáo sư về quan hệ quốc tế trường đại học Ca Foscari tại Venise phân tích : "Cuộc gặp này cho thấy là ông Putin không đánh giá cao đồng nhiệm Thổ, ông ấy cho rằng mối quan hệ giữa hai nước không xứng ở tầm cỡ Nhà nước với Nhà nước. Điện Kremlin biết cách xử lý một cách hoàn hảo kiểu dàn cảnh : Erdogan muốn chứng tỏ là Thổ Nhĩ Kỳ được Nga tôn trọng, nhưng Putin đã không mang lại cho ông ấy sự thỏa mãn này".

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 397 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)