Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/10/2021

Chống Trung Quốc : Biden thuyết phục ASEAN - Pháp không ủng hộ AUKUS

RFI tổng hợp

Hoa Kỳ cố gắng khéo léo tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á

Thu Hằng, RFI, 29/10/2021

ASEAN buộc phải giữ thế cân bằng giữa Trung Quốc và phương Tây trong vùng Đông Nam Á. Bắc Kinh khẩn trương củng cố quan hệ ngoại giao với khối 10 nước ASEAN trong bối cảnh chính quyền Biden chấn chỉnh chiến lược "xoay trục sang Châu Á" và liên kết với các đồng minh để kềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

phapmy1

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến với các lãnh đạo ASEAN tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/10/2021.  Reuters - Jonathan Ernst

Một điểm chung được giới chuyên gia ghi nhận là Đông Nam Á bất đắc dĩ trở thành khu vực cạnh tranh ảnh hưởng của hai siêu cường thế giới, dù luôn khẳng định không chọn phe nào. Bằng chứng mới nhất cho thấy ASEAN đang gồng mình giữ thế cân bằng là chỉ trong hai ngày 27 và 28/10/2021 đã lần lượt thông báo "nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện một cách có ý nghĩa, thực chất, cùng có lợi" với Úc và Trung Quốc.

Biden trấn an đối tác ASEAN về các liên minh quân sự

Úc là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, tham gia liên minh AUKUS (Mỹ, Anh, Úc) được thành lập ngày 15/09/2021 và là thành viên của Bộ Tứ - QUAD (Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Mỹ). Sự thành lập liên minh AUKUS, cùng với việc Úc sẽ được trang bị tầu ngầm hạt nhân của Mỹ, khiến nhiều nước thành viên ASEAN lo ngại chạy đua vũ trang, trong khi khu vực này có Hiệp ước Không có Vũ khí Hạt nhân (SEANWWFZ).

Trả lời đài RFI ngày 26/10, giáo sư sử học Pierre Grosser, trường Khoa học Chính trị SciencesPo Paris (Pháp), giải thích việc tổng thống Joe Biden tham dự thượng đỉnh với ASEAN sau bốn năm vắng nguyên thủ Mỹ là nhằm chứng minh "sự quan tâm" của Hoa Kỳ đối với khu vực, được đánh giá là có sức ảnh hưởng khá quan trọng đến nhiều chương trình nghị sự quốc tế. Nhưng trên hết, nguyên thủ Mỹ muốn trấn an các đối tác ASEAN rằng "AUKUS hay QUAD không phải là những mối đe dọa, không phải là sự lôi kéo vào một cuộc chiến tranh lạnh", như nhiều nước từng lo ngại khi Mỹ thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) (08/09/1954 - 30/06/1977) chống sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á.

Đúng là "Hoa Kỳ đang chấn chỉnh chiến lược ngoại giao để nói chuyện với Trung Quốc trên thế mạnh", nhưng theo chuyên gia về quan hệ đối ngoại Pháp, Washington "không cố kéo ASEAN về phía họ, trong ngắn hạn, và đặc biệt là không gây sức ép quá đáng đối với ASEAN, vì có thể làm tan vỡ tổ chức này".

Nguy cơ "già néo đứt dây"

Washington ý thức được điểm vô cùng nhạy cảm này. Mười nước ASEAN có lập trường khác nhau về sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Theo ông Pierre Grosser, "một số nước thành viên muốn giữ thế trung lập, một số nước ở tình thế tế nhị, bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Như Việt Nam chẳng hạn, xét về mặt hệ tư tưởng thì thiên về Bắc Kinh, nhưng xét về lợi ích thì lại có xu hướng ký kết nhiều thỏa thuận chiến lược với những nước khác, để cố cân bằng ít nhiều với sức mạnh Trung Quốc và dĩ nhiên là để đối phó với những mối đe dọa ở Biển Đông". Riêng Cam Bốt, nước sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022, "có xu hướng ngả theo Trung Quốc rất rõ".

Khu vực Đông Nam Á cũng có vấn đề về dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận, trong khi đây là những điểm được nguyên thủ Mỹ Joe Biden nhấn mạnh khi tranh cử. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện hiện nay cũng là một ví dụ cho "nghệ thuật" đối ngoại của Mỹ. Nhà Trắng không can thiệp, hiện chỉ dừng ở mức kêu gọi và trừng phạt giới tướng lĩnh liên quan đến đảo chính, vì nếu đi xa hơn, Mỹ có nguy cơ đẩy những nước ASEAN hiện "im lặng" về vấn đề Miến Điện ngả theo Bắc Kinh, được cho là ngầm ủng hộ tập đoàn quân sự.

Cuối cùng, mục tiêu mà Hoa Kỳ đang nhắm đến là sự hiện diện bền vững, lâu dài ở Đông Nam Á, nhằm làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, thông qua hàng loạt chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực : tiếp tục ủng hộ tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, chuyển đổi công nghệ số, thích ứng và chống biến đổi khí hậu, phòng ngừa dịch bệnh, với việc đặt Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Hà Nội... Một chương trình trị giá 102 triệu đô la được Hoa Kỳ dự kiến công bố dành cho các sáng kiến mới tăng cường hợp tác với ASEAN.

Thu Hằng

********************

Pháp không ủng hộ liên minh AUKUS

Thanh Hà, RFI, 29/10/2021

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo hôm 29/10/2021, đặc sứ Pháp trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, Christophe Penot cho biết Paris không tán đồng AUKUS. Tuy nhiên "chiến lược của Paris không thay đổi, đó là củng cố quan hệ với những quốc gia như Ấn Độ hay Nhật Bản…".

phapmy2

Ảnh tư liệu do Hải quân Mỹ cung cấp : Chiếc USS Missouri (SSN 780), tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia, rời căn cứ Pearl Harbor-Hickamnt ngày 01/09/2021. AP - Petty Officer 1st Class Michael B Zingaro

Nguyên là đại sứ Pháp tại Canberra, tháng 10 năm ngoái, ông Penot đã được bổ nhiệm làm đại diện cho Pháp trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Nhà ngoại giao này giải thích "cách tiếp cận của AUKUS không phù hợp với chúng tôi", bởi vì thỏa thuận giữa Washington, Luân Đôn và Canberra nhằm kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ buộc một số quốc gia trong vùng phải chọn đứng về phía Bắc Kinh hay Washignton, và như vậy "càng tạo thêm căng thẳng, thay vì giúp tìm ra những giải pháp làm hạ nhiệt tình hình".

Đại diện ngoại giao Pháp cũng đề cập đến hợp đồng tàu ngầm với Úc, cho rằng việc Canberra trang bị tàu ngầm nguyên tử của Hoa Kỳ làm dấy lên tranh luận về vấn đề "chống phổ biến hạt nhân". Sau Úc, có thể một số quốc gia khác cũng muốn trang bị tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, ông Christophe Penot nhấn mạnh trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ -Thái Bình Dương, Paris muốn tăng cường quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực. Riêng với Úc, nhà ngoại giao này nhìn nhận một sự rạn nứt mà "cần có thời gian để hàn gắn".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Thanh Hà
Read 398 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)