Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/10/2021

Pháp - Mỹ hòa giải vụ AUKUS để hướng tới tương lai

Tổng hợp

Mỹ thừa nhận "vụng về" gây khủng hoảng tầu ngầm với Pháp

Thu Hằng, RFI, 30/10/2021

Một cuộc họp thượng đỉnh và lời thừa nhận "vụng về" từ phía tổng thống Joe Biden trong khủng hoảng tầu ngầm đã làm giảm căng thẳng Pháp - Mỹ. Sau buổi làm việc với đồng nhiệm Biden tại đại sứ quán Pháp ở Roma (Ý) ngày 29/10/2021, tổng thống Emmanuel Macron cho rằng từ nay cần "hướng đến tương lai", với nhiều điểm được hai nguyên thủ nhất trí trong thông cáo chung, từ an ninh đến phòng chống dịch Covid-19 và năng lượng sạch.

hoagiai1

Tổng thống Mỹ Joe Biden hàn gắn quan hệ với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron tại Roma, trước thượng đỉnh G20. Ảnh ngày 29/10/2021.  Reuters - Kevin Lamarque

Đặc phái viên RFI Valérie Gas tóm lược buổi làm việc giữa hai lãnh đạo Pháp Mỹ tại Roma :

"Xuất hiện bên cạnh ông Emmanuel Macron và thừa nhận rằng Hoa Kỳ đã "vụng về" trong cuộc khủng hoảng tầu ngầm, ông Joe Biden nhìn nhận nỗi tức giận chính đáng của tổng thống Pháp. Đây là một điều kiện cần thiết để nối lại quan hệ với Emmanuel Macron. Chủ nhân điện Elysée tỏ ra hài lòng ghi nhận nỗ lực của nguyên thủ Mỹ.

Sau cuộc gặp, trả lời báo chí Pháp , tổng thống Macron đã khẳng định : "Chúng tôi đã tái lập niềm tin. Niềm tin cũng như tình yêu, mọi tuyên bố đều tốt, nhưng đưa ra bằng chứng thì còn tốt hơn".

Và bằng chứng về sự tin tưởng đó, theo như ông Macron hiểu, là tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện trong một lĩnh vực rất quan trọng đối với Pháp, đó là vùng Sahel. Ông Macron phát biểu : "Sau lời yêu cầu của chúng tôi, đã có sự hứa hẹn gia tăng phương tiện. Đây là một trong những thành quả để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này". Theo tổng thống Macron, đó là những phương tiện giúp Pháp trở nên hiệu quả hơn về mặt tình báo để chuẩn bị cho những chiến dịch chống khủng bố.

Ông Macron cũng nhận thấy tín hiệu công nhận vai trò "khung" của Pháp trong một liên quân quốc tế, một vai trò mà chỉ có Hoa Kỳ nắm giữ trong lịch sử đương đại, theo nhận định của ông Macron. Một sự so sánh giá trị để cho thấy chủ nhân điện Elysée muốn đặt Pháp vào vị trí nào".

Pháp - Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương

Mỹ công nhận Pháp là "một nhân tố chủ đạo ở Ấn Độ-Thái Bình Dương" dựa trên vị trí địa lý, cam kết của Pháp, cũng như năng lực quân sự với những căn cứ được đặt khắp khu vực, nhằm bảo đảm an ninh, tự do và rộng mở cho khu vực này.

Ngoài ra, trong thông cáo chung ngày 29/10, Hoa Kỳ hoan nghênh chiến lược của Liên Hiệp Châu Âu về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và cam kết tiếp tục tham vấn sâu rộng về chiến lược của mỗi bên. Nguyên thủ hai nước nhấn mạnh Pháp và Mỹ "cần hợp tác chặt chẽ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương", đặc biệt trong bối cảnh những vấn đề về kinh tế, chiến lược ngày càng gia tăng ở khu vực này. Hai bên khẳng định tiếp tục "ủng hộ đối thoại và hợp tác cụ thể với các đối tác trong khu vực, vì chỉ có hợp nhất nỗ lực mới có thể bảo vệ được trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và đạt được những cách tiếp cận chung cho các vấn đề quy mô thế giới".

Về chủ đề tự chủ quốc phòng Liên Hiệp Châu Âu, được tổng thống Pháp khởi xướng và vận động, nguyên thủ hai nước đã tái khẳng định "sự ủng hộ đối với việc tăng cường đối tác chiến lược giữa Liên Hiệp Châu Âu và NATO".

Căng thẳng liên quan đến xuất khẩu vũ khí cũng sẽ được hai bên tìm cách giải quyết thông qua "đối thoại chiến lược về thương mại quân sự" để "có cách tiếp cận chung về các vấn đến liên quan đến việc thâm nhập thị trường và xuất khẩu vũ khí". Hiện Hoa Kỳ có Quy định về Kiểm soát trao đổi vũ khí quốc tế (ITAR) cho phép Washington ngăn tái xuất khẩu linh kiện nhạy cảm của Mỹ được lắp ráp trong vũ khí do nước ngoài sản xuất. Nhiều doanh nghiệp quốc phòng Pháp và Châu Âu phàn nàn rằng quy định này gây trở ngại cho việc xuất khẩu vũ khí sang nước thứ ba.

Thu Hằng

*********************

Biden : Mỹ đã 'vụng về' trong vụ tàu ngầm của Pháp

BBC, 30/10/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron Mỹ đã "vụng về" trước một hiệp ước an ninh được ký kết giữa Anh, Mỹ và Úc khiến Pháp mất hàng tỷ đôla.

hoagiai2

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi hiệp ước Aukus - cho phép Australia đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - được ký kết.

Hiệp ước Aukus đã làm nổ ra một cuộc cãi vã với Pháp - nước mất một hợp đồng trị giá 37 tỷ đôla với Úc.

Ông Macron nói rằng điều quan trọng là phải "nhìn về tương lai".

Cuộc gặp giữa hai tổng thống diễn ra tại đại sứ quán Vatican của Pháp ở Rome, Villa Bonaparte.

Đây là một phần trong chuỗi các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo thế giới trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 của các nền kinh tế lớn vào cuối tuần này và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc vào tuần tới, COP26, tại Scotland.

"Những gì chúng tôi làm rất vụng về", ông Biden nói. "Tôi có ấn tượng rằng Pháp đã được thông báo từ lâu trước đó rằng thỏa thuận sẽ không thành công, thành thật với Chúa".

Hiệp ước Aukus, cũng sẽ bao gồm AI và các công nghệ khác, là một trong những quan hệ đối tác quốc phòng lớn nhất của Australia trong nhiều thập kỷ và được coi là một nỗ lực nhằm chống lại Trung Quốc.

Hiệp ước này đã khiến Pháp mất hợp đồng đã ký với Úc vào năm 2016 để Pháp đóng 12 tàu ngầm thông thường.

Vào thời điểm Aukus được ký, ngoại trưởng Pháp gọi hiệp ước an ninh là "một nhát dao sau lưng", và Pháp tạm thời triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Úc.

Phát biểu sau cuộc gặp với ông Biden hôm thứ Sáu, ông Macron nói với các phóng viên : "Niềm tin giống như tình yêu, tuyên bố là tốt, nhưng bằng chứng thì tốt hơn". Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về biến đổi khí hậu, chống khủng bố ở Tây Phi và quốc phòng Châu Âu.

Nỗ lực ngoại giao

hoagiai3

Cuộc họp đầu tiên của ông Biden trong ngày là tại Vatican, nơi ông ca ngợi Giáo hoàng Francis về vai trò lãnh đạo của ông đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong cuộc họp kéo dài 90 phút, ông Biden cảm ơn Đức giáo hoàng vì đã ủng hộ những người nghèo đói và bị ngược đãi trên thế giới. Ông cũng ca ngợi sự lãnh đạo của Giáo hoàng đối với cuộc khủng hoảng khí hậu và đại dịch.

Ông Biden đã tặng cho Giáo hoàng Francis một đồng xu đặc biệt và gọi ông là "chiến binh quan trọng nhất vì hòa bình mà tôi từng gặp".

Mặt sau của đồng xu có phù hiệu của đơn vị Vệ binh Quốc gia Quân đội Delaware, đơn vị mà con trai quá cố của Tổng thống, Beau Biden, phục vụ.

Ông nói đùa rằng nếu Giáo hoàng không mang theo đồng xu trong cuộc gặp gỡ tiếp theo của họ, Giáo hoàng sẽ phải "mua đồ uống" cho cả hai.

Giáo hoàng Phanxicô đã tặng ông Biden một viên gạch men và các bài giảng gần đây của ông.

Sau cuộc gặp với Giáo hoàng, ông Biden đã gặp Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Thủ tướng Ý Mario Draghi.

Trước đó, trong một thông điệp được ghi hình c ho BBC, Giáo hoàng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng đồng lòng ra một thỏa thuận có ý nghĩa tại COP26, mang lại "hy vọng cụ thể" cho các thế hệ tương lai.

**********************

Thượng đỉnh Macron-Biden : Pháp – Mỹ hòa giải sau khủng hoảng ngoại giao

Thanh Hà, RFI, 29/10/2021

Sang trang khủng hoảng ngoại giao Pháp-Mỹ, tạo đà mới cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đó là mục tiêu của buổi làm việc đầu tiên vào chiều 29/10/2021 giữa tổng thống Macron và Biden tại Roma, sau vụ Hoa Kỳ phỗng tay trên hợp đồng của Pháp bán tàu ngầm cho Úc và thành lập liên minh quân sự AUKUS với Anh, Úc.

hoagiai4

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc họp của khối NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2021.  Reuters – Pool

Một ngày trước khi tham dự thượng đỉnh G20, nguyên thủ quốc gia hai nước gặp nhau tại tòa đại sứ Pháp ở Roma – Ý. Theo giới quan sát, Nhà Trắng tỏ thiện chí giảng hòa với Paris sau nhiều tuần lễ căng thẳng. Đôi bên đều cần nhau trên ít nhất ba hồ sơ. Thứ nhất là Pháp cần Mỹ ủng hộ để thúc đẩy dự án xây dựng một hệ thống phòng thủ chung Châu Âu. Thứ hai là Pháp cần Mỹ yểm trợ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Châu Phi. Thứ ba, như nhà nghiên cứu Pierre Morcos, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược CSIS của Mỹ ghi nhận, Pháp muốn Hoa Kỳ "phối hợp chặt chẽ hơn với Liên Hiệp Châu Âu trong khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương".

Đặc phái viên RFI Valérie Gas từ Roma xem buổi làm việc chiều nay giữa tổng thống Macron và Biden là cơ hội để Paris chuẩn bị cho giai đoạn giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu năm tới.

"Cuộc gặp diễn ra tại Roma, bên lề thượng đỉnh G20, nhưng Emmanuel Macron là người tiếp tổng thống Mỹ. Đây là một chi tiết quan trọng cả về mặt biểu tượng lẫn chính trị. Qua việc này, người ta thấy rằng Joe Biden đến gặp Emmanuel Macron để khép lại khủng hoảng mà Pháp đã coi là một sự "phản bội từ phía đồng minh Hoa Kỳ". Cuộc tiếp xúc ở cấp cao nhất này nhằm đặt nền tảng cho đối thoại mới kể từ sau cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống hồi cuối tháng 09/2021 để làm giảm bớt căng thẳng song phương (do AUKUS gây ra).

Giới thân cận với tổng thống Emmanuel Macron giải thích mục đích cuộc gặp là nhằm định hình lại và cập nhật hóa quan hệ Pháp – Mỹ, cũng như quan hệ giữa Hoa Kỳ với Liên Âu. Tổng thống Pháp muốn thúc đẩy dự án một khối Liên Hiệp Châu Âu độc lập về mặt quốc phòng. Paris muốn chứng minh rằng không có sự mâu thuẫn nào giữa chính sách phòng thủ chung của Châu Âu với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Đây là cách để cân bằng lại vai trò của các bên và để Paris ghi điểm trước ngày Pháp giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Tham vọng của tổng thống Emmanuel Macron là biến khủng hoảng với Mỹ lần này thành cơ hội". 

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Thanh Hà, BBC tiếng Việt
Read 408 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)