Nhóm G20 họp thượng đỉnh với hai trọng tâm : Khí hậu và Covid
Tại thủ đô Roma của Ý hôm nay, 30/10/2021, các lãnh đạo nhóm G20 họp thượng đỉnh để bàn về phòng chống đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế thế giới và nhất là chống biến đổi khí hậu. Riêng hồ sơ khí hậu được đặc biệt quan tâm, bởi vì sau Roma, các lãnh đạo nhóm G20 sẽ sang Glasgow, Scotland dự hội nghị COP26. Không có gì bảo đảm là trong hai ngày cuối tuần này họ sẽ đạt được đồng thuận về các cam kết chống biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres đến dự G20-Roma. Ảnh ngày 30/10/2021. Reuters – Guglielmo Mangiapane
Từ Roma, đặc phái viên RFI Dominique Baillard tường trình :
"Đại dịch Covid-19, vốn đã buộc nhóm G20 phải họp trực tuyến vào năm ngoái, năm nay vẫn là mối quan tâm lớn của câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới, bởi vì đại dịch này chưa chấm dứt. Do virus corona lại lây lan mạnh trở lại tại Nga và Trung Quốc, nên tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Tập Cận Bình đã không đến dự thượng đỉnh Roma. Ít ra đây là lý do chính thức.
Để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19, nhóm G20 phải đề ra mục tiêu giống như Tổ chức Y tế Thế giới, đó là đạt tỷ lệ 70% dân số được chích ngừa từ đây đến giữa năm 2022, trong khi ở các nước nghèo hiện chỉ mới có 5% dân số được tiêm một liều vac-xin.
Một tham vọng khác cũng cấp thiết không kém, đó là chống biến đổi khí hậu. Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi lãnh đạo các nước giàu có mặt tại Roma đi theo đúng con đường vào trước lúc khai mạc hội nghị COP26. Nếu có những thông báo táo bạo, thì đó sẽ là một bất ngờ thú vị tại thượng đỉnh này, có thể tạo đà cho hội nghị khí hậu diễn ra gần như cùng lúc.
Cũng tại Roma hôm qua, các bộ trưởng Tài Chính và Y Tế của nhóm G20 đã cam kết sẽ gia tăng hỗ trợ cho các nước nghèo và sẽ kềm chế đại dịch Covid-19 "ở mọi nơi và nhanh nhất có thể được". Để đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới chích ngừa cho 70% dân số thế giới từ đây đến giữa năm 2022, các bộ trưởng nhóm G20 hứa sẽ "kích thích nguồn cung cấp vac-xin và các sản phẩm y tế căn bản" ở các nước đang phát triển.
Thanh Phương
******************
Trung Quốc cảnh cáo nhóm G20 không nên ủng hộ Đài Loan
Thanh Phương, RFI, 30/10/2021
Trong thông cáo báo chí công bố vài giờ trước khi dự thượng đỉnh nhóm G20 tại Roma hôm 30/10/2021 ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh cáo Hoa Kỳ và các đồng minh trong nhóm này không nên "can thiệp" vào vấn đề Đài Loan.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến dự thượng đỉnh G20 tại Roma. Ảnh ngày 29/10/2021. AP - Andrew Medichini
Theo trang thông tin Politico, trong thông cáo, ông Vương Nghị nói : "Gần đây, Hoa Kỳ và các nước khác đã mưu toan tạo những bước đột phá trên vấn đề Đài Loan, mà điều này trái với những bảo đảm chính trị mà các nước này đã đưa ra khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa".
Ngoại trưởng Trung Quốc nói tiếp : "Nếu đã không thể ngăn chận nguyên tắc Một nước Trung Quốc cách đây 50 năm, thì trong thế giới ngày nay, vào thế kỷ 21, điều đó lại càng không thể được. Nếu họ vẫn tiếp tục làm như thế bất chấp thực tế đó, họ sẽ phải trả một cái giá tương xứng".
Ông Vương Nghị đưa ra lời cảnh cáo nói trên vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây trên vấn đề Đài Loan, và cũng đúng vào lúc ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp (Joseph Wu) đang công du Châu Âu. Trong hai ngày thứ 28 và 29/10/2021, ông Ngô Chiêu Nhiếp đã gặp các quan chức và nghị sĩ của Liên Hiệp Châu Âu. Trong các cuộc gặp này, ngoại trưởng Đài Loan đã kêu gọi ủng hộ thỏa thuận đầu tư Liên Hiệp Châu Âu-Đài Loan, thỏa thuận mà Ủy Ban Châu Âu còn ngần ngại chưa khởi động tiến trình đàm phán vì sợ phản ứng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, hôm 28/10/2021, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã viết thư gởi các nghị sĩ Châu Âu bảo vệ Litva trước những lời đe dọa của Trung Quốc về việc cho mở một văn phòng mới của Đài Loan tại nước vùng Baltic này.
Theo hãng tin Reuters, hôm 29/10/2021 ông Ngô Chiêu Nhiếp cũng đã phát biểu trực tuyến với các đại biểu dự hội nghị do Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc tổ chức tại Roma. Liên minh này quy tụ các nghị sĩ có lập trường rất cứng rắn với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu, ngoại trưởng Đài Loan đã kêu gọi các "quốc gia yêu chuộng tự do" hãy sát cánh với nhau để chống Trung Quốc. Ông Ngô Chiêu Nhiếp còn tuyên bố Đài Loan "đang trên tuyến đầu của cuộc chiến ý thức hệ chống chủ nghĩa độc đoán và thế giới sẽ cảm thấy tác động nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này".
Thanh Phương
********************
Tập Cận Bình sẽ không trực tiếp dự thượng đỉnh G20 tại Roma
Trọng Nghĩa, RFI, 29/10/2021
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không đích thân đến dự thượng đỉnh G20 tại Roma trong hai ngày 30 và 31/10/2021, mà chỉ tham gia qua video. Một thông báo từ bộ Ngoại Giao Trung Quốc xác nhận như trên vào hôm nay 29/10 và cho biết là ông Tập sẽ có bài phát biểu tại hội nghị.
Trước trung tâm báo chí G20 tại Cung Hội Nghị, Roma, Ý, ngày 22/10/2021. Đây là nơi sẽ diễn ra Thượng Đỉnh G20 trong hai ngày 30 và 31/10/2021. Reuters – Remo Casilli
Sự vắng mặt của lãnh đạo Trung Quốc không phải là điều bất ngờ. Kể từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng lên ở Vũ Hán và lan ra toàn thế giới, ông Tập Cận Bình đã không hề rời Trung Quốc, cho dù trước đó ông rất thường xuất ngoại.
Nước chủ nhà Ý đã hy vọng tất cả các lãnh đạo G20 đến Roma để có thể thảo luận trực tiếp với nhau về các vấn đề quan trọng. Tuy nhiên ngoài chủ tịch Trung Quốc, một số lãnh đạo chủ chốt khác của G20 cũng sẽ không hiện diện tại thủ đô nước Ý, trong đó có tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Riêng tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Roma để đích thân tham dự.
Theo hãng tin Anh Reuters, thượng đỉnh khối G20, quy tụ các quốc gia chiếm 80% lượng khí thải carbon toàn cầu, được coi là một sự kiện quan trọng trước hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP26 tại Scotland, bắt đầu vào Chủ Nhật 31/10.
Theo hãng tin Mỹ Bloomberg, việc chủ tịch Trung Quốc không đích thân đến dự sẽ khiến thượng đỉnh G20 khó đạt được các thỏa thuận trên các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận.
Nhiều cuộc biểu tình sẽ diễn ra
Riêng tại Roma, như thường thấy mỗi khi có các hội nghị quốc tế, nhiều cuộc biểu tình được dự trù nhân Thượng Đỉnh G20. Từ thủ đô nước Ý, thông tín viên RFI Anne Lenir tường trình :
"Trong số các cuộc biểu tình được cho phép vào ngày mai thứ Bảy, có cuộc biểu tình được phát động theo lời kêu gọi của giới học sinh, sinh viên ủng hộ phong trào môi trường "Thứ sáu cho tương lai (Fridays For Future)". sẽ diễn ra gần Đấu trường La Mã. Một cuộc biểu tình khác của các tổ chức phi chính phủ hoạt động nhân đạo sẽ diễn ra không xa nhà ga trung tâm Termini.
Nhưng quan trọng nhất sẽ là cuộc biểu tình của những người chống toàn cầu hóa. Ban tổ chức dự báo sẽ có ít nhất 10.000 người tuần hành đến khu vực Circus Maximus, cách nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 khoảng 6 km.
Tuy nhiên, bộ Nội vụ Ý và chính quyền Roma đặc biệt lo ngại về các cuộc biểu tình trái phép vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật, như của các phong trào chống vac-xin và chống chứng nhận y tế, có thể có những phần tử vô chính phủ, tân phát xít và cực tả Black Bloc tham gia.
Như đã thấy trong những tuần gần đây, Roma có thể dễ dàng trở thành nơi diễn ra các cuộc đụng độ giữa những kẻ gây rối và cảnh sát. Do đó, chính quyền đã quyết định siết chặt an ninh thủ đô hơn bao giờ hết cho đến khi kết thúc G20".
Trọng Nghĩa