Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/11/2021

Điểm báo Pháp - Giới tài chính thế giới "tổng động viên" vì khí hậu

RFI tiếng Việt

Giới tài chính thế giới "tổng động viên" vì khí hậu : Nói có đi đôi với làm ?

Khí hậu tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm 04/11/2021, vào lúc Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Anh Quốc. Hãm lại đà hâm nóng Trái đất - điều có ý nghĩa sống còn với nhân loại – cần những nỗ lực vượt bậc. Trang nhất Le Monde giới thiệu cam kết chấm dứt nạn phá rừng của cộng đồng quốc tế trước 2030.

khihau1

Ảnh minh họa cho đầu tư "xanh"  © CC0 Pixabay

Nhật báo kinh tế Les Echos dành một phần lớn cho chủ đề khí hậu với tâm điểm : Giới tài chính, ngân hàng với khí hậu. Khẩn cấp rút tiền khỏi các năng lượng hóa thạch, đầu tư mạnh cho năng lượng sạch là điều quyết định.

Hậu đại dịch : Năng lượng hóa thạch trở lại quá nhanh

Le Figaro La Croix tập trung vào cùng một vấn đề : Khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nóng Trái đất tăng vọt trở lại, sau một năm sụt giảm do kinh tế toàn cầu đình đốn vì đại dịch. Le Figaro giới thiệu dữ liệu của Global Carbone Project, công bố hôm nay : lượng khí thải tăng trở lại 4,9%, sau mức sụt giảm kỷ lục 5,4% năm ngoái. Le Figaro chú ý đến sự bất ngờ của giới chuyên gia về mức độ tăng trở lại mạnh và nhanh nhiều so với dự kiến. Trước đây, giới chuyên gia vốn cho rằng cần phải một, hai năm trước khi tiêu thụ dầu mỏ trở lại mức trước đại dịch.

Nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục tiêu thụ cùng lượng khí thải hàng năm như hiện nay, thì chỉ trong vòng 11 năm là nhiệt độ Trái đất sẽ vượt 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thời hạn chắc chắn sẽ không phải là 11 năm, bởi trong hiện tại tăng trưởng của tuyệt đại đa số các nền kinh tế vẫn tiếp tục tỉ lệ thuận với tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Nhiều nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc thậm chí còn đặt mốc lượng khí thải sẽ chỉ đạt đỉnh vào khoảng 2030.

La Croix dẫn số liệu của Global Carbone Project để cho thấy khả năng thực thi mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không quá 1,5°C hay thậm chí 2°C là hoàn toàn "nằm ngoài tầm tay ". Để "trung hòa về khí thải vào năm 2050" – như câu "thần chú" mới, được xướng lên thường xuyên tại COP26 - ước tính sơ bộ mỗi năm thế giới phải cắt giảm 1,4 tỉ tấn khí thải CO2, tức tương đương với ¾ của mức 1,9 tỉ tấn khí thải sụt giảm năm 2020, do đại dịch. Năm 2020 thế giới đã gần như ngưng hoạt động trong nhiều tháng. Làm thế nào có thể thực hiện được mục tiêu khó khăn này trong bối cảnh kinh tế hoạt động sôi sục trở lại ?

Năng lượng sạch, rừng... : Những hy vọng mong manh

Hy vọng được gửi gắm vào "sự tăng trưởng của các năng lượng tái tạo" ngay trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, thế giới phải đi nhanh hơn gấp bội trong lĩnh vực này, theo La Croix. Trong tình thế hiểm nghèo hiện nay, thế giới còn gì để hy vọng ? Một đồng minh khác của cuộc chiến khí hậu là ưu tiêu cắt giảm mạnh khí thải mêtan, loại khí hâm nóng mạnh gấp hàng chục lần so với khí thải cacbon. Theo Le Monde, nếu hơn 100 quốc gia thực hiện cam kết đưa ra hôm 02/11, điều này sẽ giúp hãm được gần 0,3°C từ đây đến 2040. Theo giới chuyên gia, giảm mạnh khí mêtan không phải là điều khó, xét về mặt kỹ thuật, cũng như tài chính. Quyết tâm của chính quyền các nước là quyết định. Hơn một phần ba khí mêtan là do ngành công nghiệp dầu mỏ, và rò rỉ khí là nguyên nhân chính.

Bảo vệ rừng là một biện pháp căn bản khác. Le Monde ghi nhận "những lời hứa hẹn đẹp" tại COP26, khi các quốc gia sở hữu hơn 85% rừng trên thế giới cam kết chấm dứt phá rừng trước 2030. Nếu không hành động mạnh mẽ, kịp thời, khó ngăn chặn nạn phá rừng kinh hoàng hiện nay, với khoảng 258 nghìn km² rừng (rộng hơn cả nước Anh) (riêng trong năm 2020), theo viện tư vấn Mỹ WRI. Song song với tuyên bố chống phá rừng, cũng tại COP26, 11 nước, trong đó có Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, cam kết đầu tư 10,3 tỉ euro từ đây đến 2025 để chống phá rừng, cùng với hơn 6 tỉ euro đầu tư của khu vực tư nhân.

Đầu tư nhiều cho các cộng đồng bản địa sống trong rừng để họ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo tồn, chăm sóc các hệ sinh thái là sáng kiến "lần đầu tiên" được khẳng định trên quy mô toàn cầu, theo cựu báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về quyền của các cộng đồng bản địa Victoria Tauli Corpuz. Các cộng đồng bản địa sẽ nhận được 1,4 tỉ euro, tức một phần quan trọng trong số tiền nói trên.

Cần 100 nghìn tỉ đô la cho nền kinh tế xanh 

Tuy nhiên, tất cả những sáng kiến trên chỉ là những mảnh ghép tuy quan trọng, nhưng vẫn còn hết sức nhỏ để có thể giúp cho kinh tế toàn cầu thực sự chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay dành một phần lớn số báo cho chủ đề khí hậu. Tựa trang nhất : "Khí hậu : Ngành tài chính huy động lực lượng" nổi bật trên nền hình ảnh một thành phố chìm trong làn khói nâu vàng sẫm. Trên cái nền màu của bụi khí thải của các loại năng lượng hóa thạch ấy, lác đác một vài cánh quạt điện gió.

Hình trang nhất Les Echos phản ánh đúng tình trạng hiện nay của thế giới, khi điện gió, cũng như các loại năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ giải thoát nhân loại khỏi các năng lượng hóa thạch, mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên thực tế. Les Echos cũng dẫn ra con số "khoảng 100 nghìn tỉ đô la là khoản tiền cần thiết để nền kinh tế toàn cầu chuyển được sang kinh tế xanh" trong vòng ba thập niên tới.

Giới tài chính thế giới "tổng động viên" vì khí hậu 

Lấy đâu ra 100 nghìn tỉ đô la, trong lúc từ 10 năm nay, các nước giàu chưa huy động nổi 100 tỉ đô la hàng năm kể từ 2020 để hỗ trợ các nước đang phát triển ?

Les Echos có bài "Giới tài chính thế giới khởi sự chiến dịch tổng động viên về khí hậu" giới thiệu lý do để hy vọng. Nhật báo kinh tế Pháp chú ý đến sáng kiến mới của giới lãnh đạo tài chính thế giới. Hôm 03/11, sau lãnh đạo các nền kinh tế lớn, đến lượt 450 định chế tài chính (bao gồm các ngân hàng, nhà bảo hiểm, công ty quản lý tài sản) thuộc 45 quốc gia, quản lý các tài sản trị giá khoảng 130 nghìn tỉ đô la, đã cam kết hướng đến mục tiêu trung hòa về khí thải vào năm 2050, như mục tiêu mà nhiều nền kinh tế phát triển đề ra.

Sáng kiến mang tên Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ). Sáng kiến GFANZ, theo ý tưởng của cựu thống đốc ngân hàng trung ương Anh Mark Carney, người bảo trợ của COP26, khởi động từ tháng 4/2021. Tổng số tài sản của các định chế tài chính tham gia kể từ đó đã tăng gần gấp đôi, từ 70 nghìn tỉ đô la lên 130 nghìn tỉ (chiếm khoảng 40% tài sản tài chính/financial asset toàn cầu cầu, theo chính phủ Anh). Theo cựu thống đốc ngân hàng Anh, "đây là một bước ngoặt quyết định".

"Những lời hứa hão" !

Tuy nhiên, theo Les Echos, nếu như con số nói trên "gây ấn tượng", cam kết hướng tới "trung hòa khí thải vào năm 2050" của liên minh GFANZ của giới chủ tài chính được đón nhận với "rất nhiều hoài nghi, ngay cả trong các định chế quốc tế" (cụ thể như tổng thư ký Liên Hiệp Quốc). Les Echos dẫn lời bà Lucie Pinson, thuộc tổ chức phi chính phủ vì khí hậu Reclaim Finance, cũng đánh giá đây là những "lời hứa hão", đồng thời kêu gọi ngành tài chính cần thực thi việc cắt giảm cụ thể các đầu tư cho dầu mỏ, khí đốt và than đá. Bất chấp cam kết đẹp đẽ, chỉ riêng các định chế tài chính Pháp đã tăng đầu tư cho các năng lượng hóa thạch từ 146 tỉ vào năm 2015 lên 174 vào năm 2020.

Người vừa lên án các định chế tài hứa hão nói trên là ai ? Bà Lucie Pinson, trạc 30 tuổi, thuộc tổ chức phi chính phủ vì khí hậu Reclaim Finance (do bà lập ra vào năm 2020) chính là người đang có các nỗ lực đáng được ghi nhận trong việc hợp tác với một số tập đoàn tài chính của nước Pháp, như Ngân hàng Bưu điện AM, Crédit Mutuel… nhằm hỗ trợ việc xây dựng chính sách chuyển sang nền kinh tế xanh.

Giới ngân hàng và giới môi trường : Không khí ấm dần

Les Echos có bài "Giữa các ngân hàng và các tổ chức phi chính phủ, không khí ấm dần", ghi nhận một hiện tượng rất mới từ ít năm gần đây, khi đại diện nhiều tổ chức phi chính phủ về môi trường, khí hậu trực tiếp tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp lớn, thậm chí cố vấn cho ban giám đốc.

Điều gì đã khiến quan hệ giữa nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và các công ty tài chính được cải thiện ? Theo Les Echos, bà Lucie Pinson của tổ chức phi chính phủ Reclaim Finance, cũng như nhiều tổ chức khác, đã thay đổi lập trường đối đầu không đội trời chung với các cơ sở đầu tư vào năng lượng hóa thạch. Họ chọn biện pháp đối thoại và trở thành đối tác tin cậy với các đối thủ cũ : vừa bảo vệ các mục tiêu về khí hậu và môi trường, nhưng cũng vừa tính đến các khó khăn, bó buộc của phía doanh nghiệp. Một trong các yếu tố quan trọng tạo nên sự tin cậy là việc các tổ chức phi chính phủ đã từ bỏ việc dựa vào các tính toán, số liệu riêng, mà dựa hẳn vào các văn phòng chuyên môn có uy tín cao.

Bài xã luận Les Echos mang tựa đề "Tài chính xanh : Ly nước nửa đầy" cũng ghi nhận một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực này tại Pháp. Theo Les Echos, nên vui vì những nỗ lực "không thể phủ nhận được" trong cuộc chiến vì khí hậu của nhiều công ty tài chính, thay vì quá nhấn mạnh đến "những mâu thuẫn và bất cập" của giới tài chính.

400 chuyên cơ đến Glasgow : Nói không đi đôi với làm

Quan điểm này khó chinh phục nhiều người. Nhật báo thiên tả Libération đặc biệt chú ý đến việc lãnh đạo chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp đến dự thượng đỉnh vì Khí hậu ở Glagow, với các chuyên cơ tư, phương tiện gây khí thải nhiều nhất. Tổng cộng đã có khoảng 400 chuyến bay như vậy.

Ngay cả thái tử Charles, người dự kiến sẽ kế nhiệm vương miện, nổi tiếng là người bảo vệ môi trường nhiệt thành, cũng đến COP26 với chuyên cơ riêng, sau khi họp G20 tại Roma. Người phát ngôn của Clarence House giải thích xăng của chuyến bay là "xăng bền vững". Libération hoan nghênh đô trưởng Paris, Anne Hidalgo, người đến dự COP26 bằng tàu hỏa, trái ngược với các đồng nhiệm ở Barcelona hay Luân Đôn.

Trung Quốc lấy khí hậu làm "món hàng mặc cả" với Mỹ

Khí hậu cũng là vấn đề lớn trong quan hệ giữa các cường quốc. Le Monde có bài "Trung Quốc lấy khí hậu làm món hàng trao đổi với chính quyền Mỹ". Nhà báo Frédéric Lemaitre của Le Monde, từ Bắc Kinh, nhận định : mối đe dọa về khí hậu thay vì là điều cho phép các đại cường xích lại gần nhau, thì dường như đang trở thành đầu mối của việc gia tăng các bất đồng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt tại thượng đỉnh Glasgow, cũng như tổng thống Nga. "Rõ ràng là ông Tập Cận Bình không muốn đứng bên tổng thống Mỹ Joe Biden".

Trung Quốc và Hoa Kỳ căng thẳng trong hàng loạt mặt trận. Chính quyền Biden muốn coi khí hậu là một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà hai bên có thể hợp tác. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần như thẳng thừng từ chối quan điểm này. Bài phân tích của Le Monde kết luận : Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần đến sự sưởi ấm trong quan hệ Mỹ - Trung. Trên thực tế, quan hệ Mỹ - Trung rất khó sưởi ấm. Cũng Le Monde có bài phân tích : "Mỹ - Trung đag đi đến cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 395 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)