Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/11/2021

Điểm báo Pháp - Pegasus của Israel bị Mỹ đưa vào sổ đen

RFI tiếng Việt

Pegasus : Tập đoàn NSO Group của Israel bị Mỹ đưa vào sổ đen

Báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 05/11/2021, vẫn tiếp tục dành nhiều trang bài cho COP26, Tuy nhiên, các tờ báo lớn không quên thời sự quốc tế, đặc biệt là vấn đề Đài Loan, đã thu hút sự chú ý nhờ chuyến thăm của phái đoàn Nghị Viện Châu Âu. Riêng Le Monde có một bài phân tích rất lý thú về việc Mỹ vừa trừng phạt một tập đoàn của đồng minh Israel, bị cho là đe dọa nền an ninh Hoa Kỳ. 

pegasus01

Vụ phát giác phần mềm gián điệp qua điện thoại di động của NSO Group đang gây náo động dư luận quốc tế. AFP – Jack Guez

Trong bài viết mang tựa đề "Pegasus : NSO Group bị đưa vào danh sách đen ở Hoa Kỳ", Le Monde nhắc lại rằng Pegasus là tên của một phần mềm gián điệp do hãng NSO Group của Israel sản xuất.  

Đây là một phần mềm gián điệp rất tinh vi, có khả năng từ xa thâm nhập vào một máy điện thoại di động mà chủ nhân không hề hay biết. Sau khi được cài đặt, phần mềm có thể tải xuống lịch sử cuộc gọi, xác định vị trí địa lý của thiết bị, nghe lén các cuộc gọi trong thời gian thực hoặc thậm chí kích hoạt từ xa micrô của điện thoại. 

Một cuộc điều tra do một tập hợp bao gồm 17 tờ báo trên thế giới, trong đó có Le Monde, kết hợp với tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế thực hiện gần đây, đã phát hiện ra việc nhiều khách hàng của NSO Group - cụ thể là Morocco, Hungary, Ấn Độ và Azerbaijan - đã lạm dụng phần mềm gián điệp Pegasus để theo dõi giới báo chí, đấu tranh xã hội, hoạt động nhân quyền và cả các lãnh đạo chính trị. 

NSO Group là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ

Sau những tiết lộ của nhóm điều tra, một số quốc gia đã có phản ứng, nhưng đáng chú ý nhất chính là phản ứng quyết liệt của Mỹ, đã không ngần ngại xem các hoạt động của tập đoàn Israel NSO Group là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. 

Đối với Le Monde, đó là điều mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa tuyên bố thẳng thừng hôm 03/11 vừa qua khi loan báo quyết định đưa NSO Group vào danh sách đen các công ty bị hạn chế xuất khẩu và nhập khẩu nghiêm ngặt. 

Việc bị đưa vào danh sách này không loại trừ hoàn toàn tất cả hoạt động trao đổi thương mại giữa tập đoàn Israel và các công ty Mỹ cung cấp dịch vụ hoặc công nghệ cho NSO. Nhưng quyết định này gây trở ngại nghiêm trọng trong cách thức giao dịch, buộc những người Mỹ nào muốn nhập khẩu hoặc xuất khẩu một số loại sản phẩm liên quan đến NSO phải xin giấy phép, một giấy phép rất có thể bị từ chối. 

Phản ứng trước thông báo của Mỹ, NSO tiếp tục biện minh là công nghệ của họ chỉ "hỗ trợ cho an ninh và lợi ích chính trị của Hoa Kỳ bằng cách chống tội phạm và khủng bố". 

Tín hiệu mạnh : Không được trợ giúp chế độ bạo ngược

Đối với Le Monde, việc đưa NSO Group vào danh sách đen trước hết là một tín hiệu rất mạnh mẽ mà Hoa Kỳ, đồng minh chính của Israel, gởi đến tập đoàn hàng đầu trong ngành công nghệ gián điệp tin học của nước này, bác bỏ hoàn toàn lập luận của NSO Group, vốn luôn luôn cho rằng công cụ của họ chỉ được sử dụng để chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. 

Lời lẽ của bộ Thương mại không chút mập mờ : "Những công cụ này cũng đã tạo điều kiện cho các quốc gia khác mở rộng việc đàn áp đối lập trong nước ra ngoài biên giới của họ, một cách làm của các chính phủ độc tài nhắm vào những người bất đồng chính kiến, nhà báo và nhà hoạt động ở nước ngoài để thanh toán mọi sự chống đối. Những hành vi này đe dọa trật tự quốc tế". 

Theo bộ Thương mại Mỹ, các hoạt động của NSO Group, cùng với 3 công ty khác cũng bị đưa vào sổ đen, "đi ngược lai lợi ích an ninh quốc gia hoặc ngoại giao của Hoa Kỳ". 

Pegasus cũng khuấy động quan hệ Pháp-Israel

Không chỉ có Mỹ là đã có phản ứng. Tiết lộ hồi tháng 7 vừa qua của Le Monde về khả năng điện thoại di động của tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị phần mềm Pegasus theo dõi cũng đã khuấy động quan hệ giữa Paris và Tel Aviv, nhất là khi vào tháng 8, nhà chức trách Pháp đã tìm thấy nhiều dấu vết đáng ngờ trong điện thoại của 5 bộ trưởng mà số điện thoại nằm danh sách các nạn nhân tiềm tàng của Pegasus. 

Tháng 10 vừa qua, cố vấn an ninh của thủ tướng Israel, Eyal Hulata, đã kín đáo tới Paris để thảo luận về tình hình này với cố vấn ngoại giao của tổng thống Pháp, Emmanuel Bonne. Riêng tổng thống Pháp và thủ tướng Israel cũng đã thảo luận về vấn đề này bên lề COP26 tại Glasgow. 

COP26 : Mưa thỏa thuận, nhưng nội dung chưa rõ

Về COP26, các báo nhìn chung đều có những bình luận dè dặt về các thông báo liên quan đến những "kết quả" vừa đạt được trong cuộc chiến chống than đá và năng lượng hóa thạch, hai nguồn tạo khí thải lớn nhất đang đe dọa hành tinh.  

Trên trang nhất của mình, bên cạnh một bức ảnh cho thấy các ống khói từ các nhà máy tỏa lên nghi ngút, Le Figaro chạy một hàng tựa đầy vẻ hoài nghi : "Hội nghị COP26 ào ạt những lời hứa chống than đá và năng lượng hóa thạch". 

Đối với tờ báo, các thỏa thuận rơi xuống như mưa, nhưng không thấy kèm theo cách thực hiện cụ thể. Một trong những thỏa thuận dự trù khả năng "thoát khỏi" điện than ngay từ năm 2030 đối với các nước đã phát triển. 

Thủ thuật thổi phồng kết quả của Anh

Trong một bài phân tích ở trang chuyên mục COP26, nhật báo La Croix cũng có một nhận định tương tự khi cho rằng "Tại hội nghị về khí hậu, các thông báo và lời hứa đổ xuống như như tuyết lở". 

Tờ báo ghi nhận là sở dĩ có nhiều thông báo được đưa ra ào ạt trong những ngày qua, đó là nhờ thủ thuật của Anh Quốc, nước chủ tịch Hội nghị, đã đảo ngược trình tự truyền thống để tạo ấn tượng là hội nghị rất thành công. 

Theo đặc phái viên La Croix tại Glasgow, thì những người quen thuộc với các hội nghi khí hậu đều xác nhận rằng trước đây, trình tự của tuần lễ đầu tiên của hội nghị thường đi theo ba giai đoạn, trước hết là phát biểu của các nguyên thủ quốc gia, kế đến là các cuộc đàm phán kỹ thuật và sau cùng là thông báo về các liên minh hoặc tài trợ. Lần này nước Anh đã đẩy giai đoạn ba này lên phía trước. 

Chính vì thế mà trong những ngày qua, người ta đã thấy rất nhiều thông báo, cam kết được đưa ra. Vấn đề, theo La Croix, đó chỉ là những lời hứa không ràng buộc.

Cuộc nổi dậy của các nước nạn nhân

Cũng trên trang nhất, trong một khung nhỏ, Le Monde nêu bật thành tựa : "Cuộc nổi dậy của các nước dễ bị tổn thương".

Tờ báo ghi nhận sự kiện hôm 03/11, 50 quốc gia thuộc nhóm Diễn đàn các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu (Climate Vulnerable Forum), tập hợp gần hai tỷ người và đang bị các biến đổi khí hậu tác hại trực tiếp, đã nâng mức yêu cầu của họ đối với các nước giàu, vốn phải chịu trách nhiệm về sự nóng lên của khí hậu, nhưng lại không giữ cam kết viện trợ 100 tỷ euro mỗi năm.

Các nhà nước phải có trách nhiệm giảm khí thải

Riêng Libération thì đã dành tựa lớn trang nhất cho COP26, nhưng nhấn mạnh trên mục tiêu "không phát thải carbon". Tờ báo nhấn mạnh : "Trung hòa carbon : Làm sao thực hiện được điều này mà không gian lận".  

Theo tờ báo, trong những ngày qua, khái niệm "trung hòa carbon" đã trở nên rất thời thượng, không một ngày nào mà không có một quốc gia, cộng đồng, công ty hoặc sản phẩm mới cam kết khả năng trở thành "không còn thải ra khí carbon", ở vào những thời điểm gần xa khác nhau : kể từ 2030, thậm chí kể từ 2070, nhưng nói chung là kể từ 2050.  

Tại COP26, mục tiêu chính thức số 1 là "đạt được sự trung hòa carbon trên thế giới vào giữa thế kỷ này và giữ nguyên mục tiêu + 1,5°C trong tầm tay". 

Ngoài các nhà nước, trong thời gian qua, hàng trăm đại tập đoàn đa quốc gia, kể cả những tập đoàn gây ô nhiễm nhiều nhất như các hãng dầu khí, các công ty hàng không, năng lượng... đã từng loan báo mục tiêu đạt mức không thải khí carbon, theo phương cách bù đắp việc thải khí bằng những biện pháp như trồng rừng, chôn khí CO2…  

Thế nhưng, theo Libération, giới nghiên cứu và các hội đoàn đã cảnh báo chống lại việc lạm dụng khái niệm trung hòa carbon tại COP 26, và các dự án "bù đắp khí thải" trong thời gian qua đã thất bại, và phương cách chính để chống biến đổi khí hậu hiện nay vẫn là giảm phát thải khí nhà kính. 

Trong bài xã luận, tờ báo cánh tả Pháp cho rằng không thể trông chờ vào việc các công ty gây ô nhiễm nhiều nhất trên hành tinh chủ động đứng ra cứu vớt nhân loại khỏi thảm họa mà họ đã góp phần tạo ra. Chúng ta vẫn có thể khuyến khích họ trồng rừng, nhưng điều đó không đủ. 

Để có thể đạt được mức trung hòa carbon, và do đó chấm dứt tình trạng Trái Đất bị hâm nóng, chính các Nhà Nước phải điều tiết lượng khí thải của các công ty của họ, trên lãnh thổ của họ và ở nước ngoài. Đây là một điều khó khăn, nhưng hoàn toàn có thể làm được. 

Liên Âu tăng cường quan hệ với Đài Loan

Như nói ở trên, vấn đề Đài Loan rất được báo chí Pháp hôm nay chú ý, đặc biệt trên hai tờ Le Figaro, thiên hữu, và Libération, thiên tả. 

Trên trang quốc tế, Le Figaro trước hết đề cập đến việc "Châu Âu thận trọng củng cố quan hệ với hòn đảo nổi dậy", tức là Đài Loan, tựa của bài phân tích. 

Theo Le Figaro, dân biểu Châu Âu người Pháp, Raphael Glucksmann, trưởng phái đoàn gồm 7 nghị sĩ đến thăm Đài Loan đã có một tuyên bố đầy tính biểu tượng : "Quý vị không đơn độc", trong một chuyến thăm cũng mang ý nghĩa biểu tượng không kém : Lần đầu tiên Nghị Viện Châu Âu chính thức thăm Đài Loan. 

Theo Le Figaro, sự kiện này phản ánh sự thay đổi thái độ của Liên Hiệp Châu Âu, ủng hộ quan hệ hợp tác với Đài Bắc, điều đã khiến Bắc Kinh bất bình. 

Le Figaro nhấn mạnh : Chuyến thăm diễn ra sau một nghị quyết được Nghị Viện Châu Âu thông qua vào ngày 21 tháng 10, kêu gọi thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan. Dân biểu Châu Âu Charlie Weimers, tác giả của văn bản, xem đấy là một "thời điểm quyết định".  

Đối với Marc Julienne, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Ifri, quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Đài Loan đã tăng tốc và và có chiều sâu hơn. Ngoài phái đoàn nghị sĩ châu Âu, đại diện của một số quốc gia thành viên gần đây đã lên đường thăm Đài Loan, điển hình là chuyến ghé Đài Bắc vào đầu tháng 10 vừa qua của  4 thượng nghị sĩ Pháp trong nhóm hữu nghị Pháp - Đài Loan. 

Nghị sĩ Châu Âu : Phải ủng hộ Đài Loan vì Trung Quốc hung hăng

Nhật báo Libération cũng chú ý đến chuyến thăm Đài Bắc của phái đoàn Nghị Sĩ Châu Âu do dân biểu Raphael Glucksmann dẫn đầu. Trong bài viết lấy tựa là câu nói của chính ông Glucksmann : "Sự hung hăng của Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải ủng hộ Đài Loan", Libération đã đăng toàn văn bài phỏng vấn mà trưởng đoàn nghị sĩ châu Âu đã dành cho thông tín viên của tờ báo Pháp tại Đài Bắc, trong đó ông kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu xích lại gần Đài Loan về mặt chính trị. 

Nhật Bản mạnh dạn hơn trong hồ sơ Đài Loan

Không chỉ có Châu Âu là tăng cường quan hệ với Đài Loan. Ngay trong khu vực, theo Le Figaro, Tokyo cũng đang tỏ ý ủng hộ Đài Loan mạnh mẽ hơn. 

Trong bài phân tích "Nhật Bản hậu thuẫn cho Đài Loan một cách thích hợp", Le Figaro giải thích rằng Nhật Bản lo ngại rằng mình sẽ ở trên tuyến đầu trong trường hợp Trung Quốc tấn công hòn đảo dân chủ. 

Cách làm tắc trách của các viện thăm dò dư luận

Ngoài các chủ đề thời sự nổi bật nêu trên, trang nhất báo Le Monde hôm nay đặc biệt giới thiệu một cuộc điều tra mà các phóng viên của tờ báo đã thực hiện, vạch trần cách thực hiện tắc trách các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp 

Dưới hàng tựa lớn trang nhất : "Cuộc điều tra về cách chế tạo thiếu minh bạch các cuộc thăm dò", Le Monde ghi nhận là các cuộc thăm dò ý kiến ​​ngày càng trở nên quan trọng trong các cuộc tranh luận chính trị và trong việc điều hành chiến dịch tranh cử tổng thống tại Pháp. 

Ký giả của Le Monde đã tham gia trả lời hơn hai trăm bản câu hỏi trực tuyến, dưới nhiều danh tính khác nhau, qua đó vạch trần được cả một hệ thống làm thăm dò dư luân "giá rẻ". 

Các viện thăm dò thường sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài để hoàn thành những mảng mà họ thiếu, nhưng các biện pháp kiểm soát rất hời hợt. 

Điểm đáng nói theo Le Monde, là có tình trạng chỉ một nhúm người được mời tham gia mọi loại thăm dò, khiến cho kết quả thăm dò sai lạc. 

Việc ước tính sự tham gia là điểm yếu của các viện thăm dò, vốn gặp khó khăn trong việc khảo sát giới trẻ và các tầng lớp bình dân. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 378 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)