Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/11/2021

Điểm báo Pháp - Facebook, YouTube "đồng lõa" kiểm duyệt ở Trung Á ?

RFI tiếng Việt

Facebook, YouTube "đồng lõa" kiểm duyệt ở Trung Á ?

Kazakhstan, quốc gia nằm ở Trung Á bị tổ chức phi chính phủ Mỹ Freedom House liệt vào danh sách không tự do internet, đã ký một "tuyên bố chung" với mạng xã hội Facebook để "hợp tác chặt chẽ về những nội dung độc hại". Nhật báo Le Monde nhận định : "Tại Trung Á, Facebook và YouTube điều chỉnh theo kiểm duyệt".

facebookgoogle1

Logo các ứng dụng Twitter, Facebook, WhatsApp.  AP - Martin Meissner

Thỏa thuận ký ngày 01/11/2021 cho phép chính quyền "truy cập trực tiếp và độc quyền vào hệ thống cảnh báo nội dung (Content Reporting System) giúp chính phủ cảnh báo những nội dung có thể vi phạm chính sách chung của Facebook về mặt nội dung và các luật của Kazakhstan".

Kazakhstan tự hào là nước "đầu tiên ở Trung Á được hưởng những đặc quyền như vậy". Một đặc quyền mà Facebook, cũng như mạng xã hội YouTube, sẵn sàng nhân nhượng để tiếp tục tồn tại ở quốc gia nổi tiếng không có dân chủ từ khi độc lập năm 1991. Tập đoàn Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, chiếm 23% thị trường 19 triệu dân này và phải cạnh tranh trực tiếp với mạng xã hội Nga VKontakte (chiếm 15% thị trường). Trong khi ở các thị trường phương Tây, Facebook cũng đang bị cáo buộc "ưu tiên lợi nhuận hơn là an toàn" cho người sử dụng.

Theo báo Le Monde, Kazakhstan đi theo xu hướng "thắt chặt kiểm soát các mạng xã hội nước ngoài" được các nước chuyên chế trong vùng triển khai, để giảm thiểu nguy cơ phản đối như từng diễn ra ở Nga, Belarus. Moskva thường xuyên cáo buộc các nền tảng công nghệ Mỹ là công cụ xúi giục thay đổi chế độ. Vừa đe dọa chặn và phạt, điện Kremlin vừa can thiệp để làm giảm tốc độ truyền các video trên YouTube và Twitter để buộc người sử dụng chuyển sang dùng các mạng đặt ở Nga, ở Rutube. Ông Peter Rutland, giáo sư kinh tế chính trị Nga tại đại học Wesleyenne (Mỹ) nhận định : "Đội ngũ của Putin sẽ phải cân nhắc cẩn thận thiệt hơn việc thắt chặt kiểm duyệt. Có thể sẽ có những phản ứng gay gắt nếu Kremlin tìm cách đóng cửa YouTube".

Kazakhstan cũng muốn tránh nguy cơ đó. Vì vậy, luật mới của của nước này buộc các mạng xã hội nước ngoài chỉ định nhân viên địa phương và những người này phải chịu trách nhiệm cá nhân về những khiếu nại của chính quyền. Chỉ hai ngày sau khi Facebook bắt tay với chính quyền Kazakhstan, nước láng giềng Uzbekistan dùng biện pháp mạnh hơn : chặn mạng nhắn tin Telegram, rất nổi tiếng tại quốc gia 35 triệu dân, cũng như Facebook và YouTube. Nhưng trước phản ứng dữ dội, tổng thống đã chỉ trích "những hành động đơn phương và thiếu suy nghĩ" của lực lượng an ninh mạng và thí tốt là người đứng đầu ngành công an Internet.

Vẫn theo Le Monde, các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ không muốn từ bỏ những thị trường mỗi ngày một lớn ở vùng Trung Á nhưng có hai chiến lược khác nhau. Ví dụ mạng Twitter và LinkedIn từ chối định vị dữ liệu và miễn cưỡng tuân theo chỉ thị của chính quyền nước sở tại đóng tài khoản của các nhà đối lập. Ngược lại, Facebook và YouTube răm rắp tuân theo.

Vào đợt bầu cử Quốc hội tháng 09/2021 tại Nga, hai mạng xã hội Mỹ, cũng như Telegram đã chặn những tài khoản của Alexei Navalny đúng vào lúc nhà đối lập chuẩn bị ra hướng dẫn bỏ phiếu. Còn tại Kazakhstan và Turkmenistan, đối lập cáo buộc những mạng này chặn kênh của họ theo lệnh của chính phủ viện cớ là "vi phạm bản quyền" hoặc "không tôn trọng đời tư". Dù bị chỉ trích nhưng hiện các mạng xã hội Mỹ vẫn đang cố làm vừa lòng các chính quyền chuyên chế hậu Xô Viết.

Tổng thống Macron chuẩn bị cho ứng viên Macron tranh cử

Bài phát biểu thứ 9 (tối 09/11) từ khi bùng dịch Covid-19 của tổng thống Macron được cả hai nhật báo Le Monde Le Figaro đánh giá là diễn văn của "một ứng viên đang tranh cử".

Xã luận của Le Monde nhận thấy tình hình dịch bệnh, cũng như những biện pháp phòng chống đợt dịch thứ 5, chỉ chiếm một phần nhỏ trong bài phát biểu. Phần lớn còn lại dành để ca ngợi thành tích nhiệm kỳ 5 năm của ông, như phục hồi kinh tế, giảm thất nghiệp, tăng lương cho nhân viên y tế, tuyển thêm cảnh sát, hiến binh... Tiếp theo là những biện pháp được dự kiến trong tương lai như tiếp tục điện hạt nhân song song với phát triển năng lượng tái tạo, tạm thời gác dự án cải cách hưu trí nhưng xúc tiến cải cách chế độ thất nghiệp buộc người thất nghiệp dài hạn phải tìm việc làm…

Le Monde cho rằng bài diễn văn của tổng thống Pháp như nhằm để bóp nghẹt đảng Những Người Cộng Hòa (LR) với tận 5 ứng viên sơ bộ. Cánh cực hữu thì xuất hiện thêm Eric Zemmour người không nhân nhượng ứng viên của đảng Tập Hợp Quốc Gia (RN) Marie Le Pen. Còn cánh tả đang cố vực lại sau thất bại ê chề trong cuộc bầu cử năm 2017.

Báo Le Figaro, trích kết quả thăm dò do Odoxa-Backbone Consulting thực hiện cho tờ báo sau bài diễn văn trên truyền hình của tổng thống Macron, khẳng định "người dân Pháp không bị lừa" : 64% người Pháp cho rằng đó là một ứng viên đang vận động tranh cử phát biểu với họ trong tối 09/11.

Tuy nhiên, nhiều dự án đề xuất của tổng thống Pháp được người dân hưởng ứng, như 72% người được hỏi hoan nghênh quyết định ngừng trợ cấp thất nghiệp cho những người không thực sự muốn tìm việc. Chỉ có những người ủng hộ đảng cánh tả Nước Pháp Bất Khuất phản đối cải cách này. Ngoài ra 66% người Pháp ủng hộ quyết định không tiến hành cải cách hưu trí trước kỳ bầu cử 2022.

Bruxelles kêu gọi trang bị cho một "Châu Âu gặp nguy"

Vấn đề di dân bị Belarus ép về biên giới với Ba Lan, một thành viên khối 27 nước, chỉ là một trong những khó khăn lớn mà của Liên Hiệp Châu Âu đang phải đối mặt. Theo Le Figaro, người đứng đầu ngành ngoại giao Josep Borrell đề xuất thành lập một lực lượng 5.000 người có khả năng triển khai nhanh để đối phó với một môi trường ngày càng thù nghịch với "những đe dọa đến từ khắp nơi và theo nhiều cách khác nhau".

Việc Belarus dùng di dân làm lá chắn tấn công Liên Hiệp Châu Âu là một biểu hiện rõ ràng cho những nguy hiểm đó. Ông Josep Borrell cho rằng "giờ là lúc các nước thành viên phải tự định ra cấp độ tham vọng", dựa theo những đề xuất của người đứng đầu ngành ngoại giao đệ trình lên các nước. Mục tiêu chính là 27 nước phải có được lập trường chung từ giờ đến 5, 10 năm nữa về điểm có thể được coi là chính sách phòng thủ Châu Âu, gồm 4 lĩnh vực : quản lý khủng hoảng, khả năng phục hồi, tăng cường sức mạnh và các đối tác hợp tác.

Cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan liệu có tạo cơ hội cho các nước thành viên Liên Âu đoàn kết. Theo Le Monde, Liên Hiệp Châu Âu cáo buộc "Belarus đùa giỡn với mạng sống của những người nhập cư". Hiện có 20 nước, trong đó có Nga, đã bị "theo dõi" vì đóng vai trò trong làn sóng di cư ồ ạt.

Còn ngoại trưởng Tây Ban Nha José Manuel Albares, khi trả lời phỏng vấn báo Le Monde, cho rằng "không một nước nào có thể tự đương đầu với những làn sóng nhập cư". Giống Ba Lan, một mình trên tuyến đầu bảo vệ sườn đông biên giới của Liên Âu, Tây Ban Nha cũng là người bảo vệ chủ chốt cho đường biên giới phía nam ở Địa Trung Hải với Morocco, cũng như trên quần đảo Canaria ở Đại Tây Dương.

Trung Quốc- Mỹ tạo bất ngờ ở Hội nghị Khí hậu COP26

Hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc ra "tuyên bố chung về nỗ lực hoạt động vì khí hậu". Đây là bất ngờ lớn nhất trong tuần hội nghị COP26 tại Glasgow, Anh Quốc, theo nhật báo Le Figaro.

Đại sứ khí hậu của Trung Quốc, ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), phát biểu trước báo giới : "Hai bên thừa nhận khoảng cách giữa những nỗ lực hiện nay và các mục tiêu đề ra trong thỏa thuận khí hậu Paris, vì thế chúng tôi cùng tăng cường hành động vì khí hậu". Vẫn theo ông Giải Chấn Hoa, thỏa thuận này "cho thấy rằng sự hợp tác là con đường duy nhất cho Trung Quốc và Hoa Kỳ".

Tuy nhiên, văn bản không nêu chi tiết những nỗ lực ở cấp quốc gia mà mỗi nước sẽ tiến hành, như trong việc giảm sử dụng than đá ở Trung Quốc, mà chỉ nêu những hợp tác trong việc chống phá rừng, chuyển giao công nghệ và hạn chế phát thải khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính.

Dù sao chỉ vài ngày trước khi bế mạc hội nghị, tuyên bố chung của hai nước phát nhiều khí thải CO2 được giới chuyên gia đánh giá là một dấu hiệu tích cực để đạt được mục tiêu đề ra trong thỏa thuận khí hậu Paris là không để nhiệt độ thế giới tăng hơn 2°C và nếu có thể là không quá 1,5°C.

11/11 : Ngày đình chiến Thế Chiến I

Ngày 11/11 là ngày kỉ niệm đình chiến Thế Chiến thứ nhất, 1914/1918. Chỉ có hai nhật báo Le Monde ra số kép và Le Figaro phát hành.

Trang nhất và mục "Sự kiện" của Le Figaro dành để nói về "Thời hào hùng của Những Bạn chiến đấu để Giải phóng (Compagnons de la Libération)". Lực lượng gồm 1.038 người, được tướng De Gaulle thành lập để chuẩn bị cho nước Pháp hậu chiến. Họ là những phụ nữ, đàn ông, sinh viên, nghệ nhân, công nhân, công chức hay nhà tu hành, những người được tôi luyện trong cuộc chiến giải phóng Châu Âu có thể tạo thành nền tảng cho xã hội Pháp. Ông Hubert Germain, người cuối cùng của lực lượng này qua đời hồi tháng 10, được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Mont-Valérien (ngoại ô Paris) chiều 11/11 có sự tham dự của tổng thống Emmanuel Macron.

Trang nhất của Le Monde là hình ảnh tổng thống Pháp với hàng tựa "Emmanuel Macron phác họa những hướng tranh cử". Phía dưới là ảnh biếm họa của Dilem (Algeria) về chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng giữa, ngang hàng với hai cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, dùng gậy selfie chụp hình. Trong tuần này, đảng cộng sản Trung Quốc họp hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương kéo dài 4 ngày ở Bắc Kinh.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 327 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)