Truất phế tổng thống Mỹ : Ảo tưởng hay thực tế qua ba câu hỏi (RFI, 19/05/2017)
Một vài nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng kêu gọi tiến hành thủ tục truất phế tổng thống Donald Trump về buộc tội cản trở công việc của ngành tư pháp. Tuy nhiên, một khả năng như vậy, vào lúc này rất khó trở thành hiện thực vì thiếu hậu thuẫn chính trị tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đợi đón đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Nhà Trắng, Washington, 16/05/2017 REUTERS/Joshua Roberts
Tổng thống Trump bị cáo buộc là vào tháng Hai vừa qua đã yêu cầu ông James Comey, lúc đó là giám đốc FBI, gác bỏ một cuộc điều tra về một người thân cận với ông bị tình nghi có quan hệ với Nga, và đã cách chức ông Comey vào tuần trước, một động thái bị những đối thủ của ông coi như một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc điều tra về khả năng thông đồng giữa người thân của ông Trump với Nga.
Thế nhưng, theo nhận xét của hãng tin Pháp AFP ngày 18/05/2017, trong lịch sử nước Mỹ, chưa từng có một tổng thống nào bị truất phế. Hai ông Andrew Johnson vào năm 1868 và Bill Clinton vào năm 1998 đã bị luận tội, nhưng đều được tha bổng, còn ông Richard Nixon, vào năm 1974, đã từ chức để tránh bị Quốc hội truất phế trong vụ bê bối Watergate, một khả năng lúc đó được xem là chắc chắn.
Thủ tục truất phế như thế nào ?
Hiến Pháp Mỹ quy định rằng Quốc hội có thể buộc tội tổng thống (hoặc phó tổng thống hoặc các thẩm phán liên bang ...) trong trường hợp phạm tội "phản quốc, hối lộ, hoặc tội phạm nghiêm trọng khác".
Thủ tục tiến hành theo hai giai đoạn. Thứ nhất, Hạ Viện bỏ phiếu với đa số đơn giản, để thông qua các điều khoản trong bản "cáo trạng", nêu lên chi tiết các tội danh quy cho vị tổng thống : Đây là tiến trình gọi là "impeachment" trong tiếng Anh. Trong trường hợp Hạ Viện thông qua bản luận tội, Thượng Viện sẽ mở phiên tòa xét xử tổng thống.
Sau phần tranh luận, 100 thượng nghị sĩ bỏ phiếu về từng điều khoản trong bản cáo trạng. Nếu cáo trạng hội đủ đa số hai phần ba Thượng viện tán đồng, thì việc truất phế tổng thống trở thành tự động, và không có quyền kháng cáo. Nếu không đủ đa số, thì tổng thống được tha bổng, như Bill Clinton vào tháng 2 năm 1999.
Vai trò của Tư pháp là gì ?
Chỉ là con số không. Trả lời hãng AFP, Jens David Ohlin, một giáo sư luật tại Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xác định rằng : "Quyết định truất phế không thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp". Theo giáo sư Ohlin, "chính Quốc hội là định chế xác định rằng ông Trump đã phạm trọng tội hay không. Họ là những thẩm phán cuối cùng có thẩm quyền xác định xem các tiêu chí phạm tội hội đủ hay chưa".
Do đó việc truất phế tổng thống là một vấn đề nằm giữa chính trị và pháp luật. Theo giáo sư Ohlin, để bị truất phế, một tổng thống không cần phải bị truy tố trước.
Tại sao các nghị sĩ Mỹ bất đồng quan điểm với nhau vào thời điểm này ?
Nếu hai nghị sĩ đảng Dân chủ Maxine Waters và Al Green đã kêu gọi khởi động tiến trình truất phế ông Trump, thì phần còn lại của phe đối lập vào thời điểm hiện tại vẫn từ chối mạo hiểm, sợ rằng tiến trình truất phế biến thành một cuộc đấu đá đảng phái.
Một lãnh đạo đảng Dân chủ tuyên bố : "Lúc này còn quá sớm." Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thì cho biết : "Tôi không muốn nhảy ngay vào ô truất phế ngày nào mà chưa thấy rõ con đường đi đến đó. Con đường hiện nay có thể dẫn đến khả năng đó, nhưng cũng có thể là không". Đối với đảng Dân chủ, điều cần thiết là làm sao cho tiến trình truất phế không bị xem như là một mưu toan "hủy bỏ kết quả bầu cử bằng cách khác"…
Những đại biểu dân cử này tuy nhiên cũng nhấn mạnh rằng hành động cản trở công lý là một tội đủ nặng để có thể tiến hành thủ tục truất phế. Đó chính là trường hợp của hai cựu tổng thống Clinton và Nixon.
Chính vì vậy mà các nghị sĩ này đang nôn nóng chờ nghe lời chứng của ông Comey, được yêu cầu ra trực tiếp điều trần tại Quốc hội.
Trọng Nghĩa
*********************
Donald Trump lên đường công du để "tránh bão" ở Washington (RFI, 19/05/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, 17/05/2017 - REUTERS/Yuri Gripas
Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Washington tối nay 19/05/2017, bắt đầu chuyến công du đầu tiên từ khi lên nhậm chức. Ông Trump sẽ thăm Riyad, Jerusalem, Bethléem, Roma, Bruxelles, Catane… một chuyến đi dài với nhiều cuộc gặp gỡ, vào thời điểm tổng thống Hoa Kỳ đang gặp rắc rối về hồ sơ Nga.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio nhận định :
"Ông Donald Trump không mấy ưa Washington, và với tình hình căng thằng hiện nay, không khí tại thủ đô nước Mỹ khiến ông cảm thấy khó thở. Mỗi ngày trong tuần lại có một sự kiện mới được tiết lộ, về mối quan hệ giữa ê-kíp của ông Trump với Nga, về toan tính can thiệp vào các cuộc điều tra đang tiến hành. Donald Trump than phiền đây là chuyện vạch lá tìm sâu.
Vòng công du nước ngoài sẽ mang lại cho ông một làn gió mới. Nhưng các cố vấn vẫn lo ngại, vì họ không biết liệu Donald Trump có nghe theo những khuyến cáo của các chuyên gia hay không.
Trong một chuyến đi dài - và theo một số người thì quá dài - mà mỗi lời nói đều được xem xét, mỗi hành động đều được diễn dịch, có vô số những bẫy rập cho một tổng thống vốn không thích đọc các hồ sơ. Điều này thì quá rõ.
Còn về mặt truyền thông, theo một số người thân cận của ông Trump, thì chương trình quá nặng nề. Mỗi chặng dừng lại có một bài diễn văn và một cuộc hội kiến quan trọng, sẽ bị xóa nhòa bởi chặng sau.
Thử thách đầu tiên của Donald Trump trên trường quốc tế, tại Châu Âu cũng như Cận Đông, đều quan trọng như việc đối nội, khi mà tổng thống cần đánh bóng lại hình ảnh đã bị sứt mẻ".
Trong chuyến công du năm nước Cận Đông và Châu Âu chỉ trong tám ngày, đi cùng với tổng thống Donald Trump là phu nhân Melania và vợ chồng con gái Ivanka. Nhà Trắng nhấn mạnh đây là "chuyến đi lịch sử", tổng thống Mỹ sẽ tiếp xúc với ba tôn giáo lớn : Hồi giáo, Do Thái giáo và Công giáo.
Chuyến công du dài ngày vất vả
Trong chuyến công du năm nước Cận Đông và Châu Âu chỉ trong tám ngày, đi cùng với tổng thống Donald Trump là phu nhân Melania và vợ chồng con gái Ivanka. Nhà Trắng nhấn mạnh đây là "chuyến đi lịch sử", tổng thống Mỹ sẽ tiếp xúc với ba tôn giáo lớn : Hồi giáo, Do Thái giáo và Công giáo.
Đến Ryad vào thứ Bảy 20/5, Donald Trump phải tỏ ra khác biệt với người tiền nhiệm Obama từng gây nghi ngại cho các vương quốc Hồi giáo Sunni. Tỏ ra cứng rắn với Iran theo phái Shia, làm ngơ nhân quyền, và có thể loan báo các hợp đồng vũ khí, đó là các yếu tố khiến tổng thống Trump được tiếp đón nồng hậu. Nhưng một thử thách lớn là bài diễn văn đọc trước trên 50 lãnh đạo các nước Hồi giáo, nêu ra "một quan điểm hòa bình" cho đạo Hồi.
Tại Israel, ông Trump sẽ gặp gỡ "người bạn" Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, và chủ tịch Palestin Mahmoud Abbas ở Bethléem. Đã có những chỉ trích về việc ông thăm Bức tường than khóc, và việc chuyển giao cho Nga các thông tin mật của đồng minh Israel.
Cuộc hội kiến Đức giáo hoàng Phanxicô tại Vatican có vẻ đặc biệt, khi quan điểm đôi bên đều trái ngược, từ nhập cư, tị nạn đến biến đổi khí hậu.
Châu Âu, nơi Donald Trump từng gieo rắc hoang mang với các tuyên bố trái ngược về Brexit, tương lai của Châu lục hay vai trò NATO, sẽ là chặng cuối với cuộc gặp gỡ các thành viên NATO tại Bruxelles và thượng đỉnh G7 ở Taormina (Sicile).
Ông Bruce Riedel, cựu nhân viên CIA nay là nhà phân tích của Brookings Institution nhắc lại, năm 1974 tổng thống Richard Nixon cũng từng công du Cận Đông, hy vọng vào một thành công ngoại giao "để đánh lạc hướng chú ý về xì-căng-đan Watergate. Tuy nhiên báo chí Mỹ vẫn không ngớt tập trung vào vụ này, các tiết lộ tiếp tục chồng chất…".
Thụy My
*******************
Thứ trưởng Tư pháp điều trần kín trước Hạ Viện (VOA, 20/05/2017)
Thứ Trưởng Tư Pháp Rosenstein, ảnh chụp tại Điện Capitol.
Thứ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ Rosenstein trở lại điện Capitol hôm thứ Sáu để dự cuộc điều trần kín trước các dân biểu Hạ viện về quyết định bổ nhiệm cựu Giám Đốc FBI Robert Mueller ra dẫn đầu một cuộc điều tra độc lập vào khả năng có sự "thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Trump với người Nga.
Thứ Trưởng Tư Pháp Rosenstein xuất hiện trước các dân biểu Hạ viện tại điện Capitol, một ngày sau một cuộc điều trần kín trước toàn thể Thượng viện.
Tiếp theo sau cuộc họp kín hôm thứ Sáu, dân biểu Darrel Issa thuộc Đảng Cộng hoà, đại diện bang California, nói có đồng thuận là công tố viên đặc biệt sẽ có phạm vi quyền hạn cần thiết để tiến hành một cuộc điều tra công bằng vào những cố gắng của Nga nhằm ảnh hưởng tới cuộc bầu cử của Mỹ.
"Tôi tin rằng có sự đồng thuận lớn về cuộc điều tra vai trò của người Nga, can dự vào cuộc bầu cử của chúng ta là một vấn đề phi đảng phái, và được cả hai đảng quan tâm, đây cũng là một vấn đề mà hai bên cần giải quyết trước cuộc bầu cử kế tiếp, chứ không thuần chỉ là tìm hiểu làm cách nào họ đã thực hiện được điều đó, và làm sao để tránh, không để chuyện đó xảy ra thêm một lần nữa".
Dân biểu Elijah Cummings của Đảng Dân chủ, đại diện bang Maryland, nói với các nhà báo rằng truyền thông cũng có một vai trò quan trọng trong vụ này.
"Nếu có bất cứ thời điểm nào trong lịch sử đất nước mà truyền thông phải đóng một vai trò quan trọng, thì đây chính là thời điểm đó. Đây là thời khắc của quý vị. Quý vị phải làm nhiệm vụ như thế nào để công chúng hiểu được những gì đang diễn ra. Trước đây tôi đã nói và tôi xin lặp lại ở đây một lần nữa : đây là một cuộc đấu tranh để giành lại linh hồn của nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta không thể thất bại trong cuộc chiến này".
Dân biểu Cummings nói ông tin rằng ông Mueller là một chọn lựa tối ưu để đảm nhiệm vai trò công tố viên đặc biệt. Ông mô tả ông Mueller là "một người chính trực", sẽ không khuất phục bất cứ một ai, và là người có thể "mang lại sự bình thường cho tiến trình điều tra".