Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/05/2017

TPP không có Mỹ, ai ở lại, ai bỏ đi và ai lãnh đạo ?

Tổng hợp

Các thành viên còn lại cố hồi sinh TPP mà không có Mỹ (RFI, 19/05/2017)

Họp tại Hà Nội bên lề các hội nghị của Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC, 11 thành viên còn lại trong hiệp định tự do thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP vào hôm nay, 19/05/2017, đang nỗ lực đàm phán về một bản tuyên bố nhằm khẳng định quyết tâm thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này, bất chấp sự rút lui của thành viên quan trọng nhất là Hoa Kỳ.

tpp1

Bản đồ 12 nước trước đây tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương -TPP - Nguồn : Freemalaysiatoday.com

Theo hãng tin Anh Reuters, một số nguồn thạo tin có liên hệ với các cuộc thảo luận cho biết, nhóm quốc gia được gọi là TPP-11, tức là 12 nước đã ký kết hiệp định trừ Mỹ, dự trù ra bản tuyên bố này vào ngày mai, 20/05.

Nhật Bản - nước đầu tiên trong nhóm - đã phê chuẩn TPP, là động lực đi đầu trong cố gắng thường được gọi là "hồi sinh" bản hiệp định tự do mậu dịch này, vốn bị tân tổng thống Mỹ Donald Trump khai tử ngay sau khi nhậm chức, nhân danh chủ trương "nước Mỹ trên hết" của ông. Và mới đây, Nhật Bản đã được New Zealand tiếp sức sau khi Wellington phê chuẩn hiệp định này.

Một nguồn tin xin ẩn danh đã xác định với Reuters rằng bản tuyên bố có hai điểm chính : Một là làm sao để hiệp định sớm có hiệu lực cho khối TPP-11, mà thời điểm dự trù là vào năm 2018. Điểm thứ hai cần chú ý là tạo điều kiện để cho một nước đã ký kết thỏa thuận, nhưng sau đó rút ra, có thể quay trở lại. Điểm thứ hai này được cho là nhằm để ngỏ cửa cho Hoa Kỳ trở lại vào khối nếu chính quyền Donald Trump thay đổi ý kiến.

Trên bình diện thuần túy kỹ thuật, 11 thành viên còn lại phải đồng ý xóa bỏ một điều khoản trong thỏa thuận, quy định rằng để có hiệu lực, hiệp định phải được ít nhất 6 nước phê chuẩn và các nước này phải chiếm 85% tổng GDP của toàn khối.

Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, việc hồi sinh TPP không phải không gặp những trở ngại. Một trong số những thách thức này liên quan đến việc làm sao giữ được Việt Nam và Malaysia trong khối.

Trong trường hợp của Việt Nam, đây là nước được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất từ TPP nếu Hoa Kỳ còn là thành viên. Khi đàm phán TPP, vì những lợi ích đó, Việt Nam đã đồng ý với Hoa Kỳ là sẽ tôn trọng một số điều khoản nghiêm ngặt về quyền của người lao động hay về việc bảo vệ tác quyền. Nay Hoa Kỳ không còn trong khối, Việt Nam có thể sẽ đòi đàm phán lại những điều khoản đó. Một viên chức Việt Nam xin giấu tên đã nêu bật khả năng trên với hãng tin Anh.

Một vấn đề thứ hai, dù xa xôi hơn, nhưng liên quan đến hai nước đầu tàu trong việc hồi sinh TPP là Nhật Bản và New Zealand. Cho đến nay, Nhật Bản được cho là không muốn mở cửa TPP đón Trung Quốc, và thủ tướng Nhật Shinzo Abe vẫn nuôi hy vọng là Mỹ sẽ hồi tâm chuyển ý và quay trở lại TPP. Trong lúc đó, New Zealand - một nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc - lại muốn lôi kéo người khổng lồ này vào TPP.

Dẫu sao, theo nhận xét của Reuters, Trung Quốc chắc chắn sẽ không muốn thấy TPP hồi sinh, kể cả khi không có Mỹ, vì thỏa thuận đó cạnh tranh với Hiệp Định Đối Tác Kinh tế Toàn Diện Khu Vực RCEP mà Bắc Kinh muốn thúc đẩy.

Trọng Nghĩa

**********************

Bộ trưởng 11 nước đến Hà Nội thảo luận về TPP không có Mỹ (RFA, 19/05/2017)

tpp2

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement, viết tắt là TPP) gồm 12 quốc gia thành viên bao gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản. File photo

Các nhà đàm phán và bộ trưởng từ 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ gặp nhau tại Hà Nội vào cuối tuần này để quyết định tương lai của một TPP không có Hoa Kỳ.

Ông Nobuteru Ishihara, Bộ trưởng Bộ phục hồi kinh tế của Nhật Bản, trước khi lên đường sang Việt Nam tham dự cuộc họp, đã nói với các phóng viên ngay tại phi trường Haneda, Tokyo vào sáng thứ Sáu 19 tháng 5, rằng các nước thành viên sẽ cố gắng thúc đẩy việc ký kết bản hiệp định TPP trong thời gian ngắn.

Tin từ báo Kyodo cho hay, tại cuộc họp lần này, Nhật muốn đạt được một thỏa thuận về các nguyên tắc cấp cao đã được thống nhất trong khuôn khổ TPP. ông Ishihara mong muốn hỗ trợ xây dựng những quốc gia thành viên còn lại.

Riêng Tokyo và New Zealand muốn duy trì các điều khoản đã được thống nhất trước khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định.

Trong khi đó, Việt Nam và Malaysia có thể sẽ đòi hỏi sửa đổi nột số điều khoản trong bản thỏa thuận đang có, vì được soạn thảo trong tinh thần giúp Việt Nam và Malaysia thuận lợi khi xuất khẩu hàng vào Mỹ.

"Một vài nước muốn có những điều chỉnh thích hợp cho hàng hóa của họ đối với thị trường Mỹ. Chúng tôi sẽ không loại trừ bất cứ lựa chọn nào, với hy vọng sẽ tìm ra được giải pháp tốt nhất để phù hợp với tất cả các nước tham gia", Bộ trưởng kinh tế Nhật Ishihara nói với báo Nikkei Asian Review

Ông Ishihara cũng dự trù sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với đại diện các nước tham gia TPP, nhằm cố gắng thuyết phục các nước này ủng hộ các đề nghị của Nhật Bản.

Tin tức cũng cho hay, tại cuộc gặp ở Hà Nội cuối tuần này, Bộ trưởng kinh tế của 11 nước tham gia TPP có thể thông qua một bản dự thảo tuyên bố chung về TPP không có Mỹ, được gọi là TPP11.

********************

Liệu Việt Nam có rút khỏi TPP khi không còn Mỹ ? (RFA, 18/05/2017)

thue4

Tổng thống Hoa Kỳ ký sắc lệnh rút khỏi TPP hôm 23/1/2017. AFP photo

Một trong những thách thức lớn nhất liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là làm sao giữ được 2 thành viên Việt Nam và Malaysia.

Hãng Reuters loan tin như vừa nêu ngày 18/5 cho biết một trong những lợi ích chính hai quốc gia này tham gia vào TPP là mở rộng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, nhưng hiện Hoa Kỳ đã rút lui.

Tin cho biết thêm, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nói rằng mặc dù Hoa Kỳ vắng mặt trong TPP nhưng ông tin tưởng mọi thỏa thuận thương mại giữa 11 quốc gia còn lại vẫn sẽ phát triển bình thường.

Cuối tuần này, các vị bộ trưởng những nước đàm phán TPP sẽ gặp nhau tại Hà Nội, bên lề hội nghị cấp bộ trưởng thương mại APEC, ông Todd McClay cũng hy vọng một đường lối rõ ràng sẽ được các bên đưa ra.

Quay lại trang chủ
Read 712 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)