Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/05/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Người làm "nổ tung" hệ thống chính trị Pháp

RFI tiếng Việt

Macron : Người làm "nổ tung" hệ thống chính trị Pháp

Các vận động chính trị mới sau chiến thắng của Macron là trọng tâm của các tuần báo Pháp. Trở thành tổng thống, cựu lãnh đạo Tiến Bước ! chuẩn bị cho cuộc chiến quyết định tại bầu cử Quốc Hội, vòng một sẽ diễn ra trong ba tuần tới.

macron1

Thủ tướng E. Philippe (T), một nhân vật được tổng thống Macron (P) lựa chọn để chuẩn bị một "Big Bang" chính trị. Ảnh chụp ngày 01/02/2016 tại Saint-Nazaire, khi bộ trưởng Kinh Tế Macron gặp thị trưởng Le Havre trong một lễ khánh thành du thuyền Meraviglia - LOIC VENANCE / AFP

Trang bìa L'Obs chạy tựa "Ông ấy mạo hiểm mọi thứ", với hình tân tổng thống hoạt bát, hồ sơ trong tay, bước chân khẩn trương. "Macron, người phá đổ tất cả" : tựa chính của L’Express. "Thế hệ Macron" : tựa của Le Point. Bài "Cuộc chơi mạo hiểm" trên L’Obs tìm cách giải mã hiện tượng "Big Bang chính trị", tức niềm hy vọng đặt vào một "vụ nổ lớn" khiến toàn bộ vũ trụ chính trị truyền thống bung ra, để từ đó một thế giới mới bắt đầu.

"Macron, người đặt mìn phá vỡ hệ thống chính trị hiện hành không phải là một đệ tử của nền Cộng Hòa thứ tư (1946-1958), với các cuộc thương thuyết hành lang, các liên minh hay chính phủ ra đời hay tan vỡ, tùy theo tâm trạng của thủ lĩnh các đảng phái". L’Obs nhấn mạnh đến quyết tâm tập hợp hết thảy mọi người, từ tả qua hữu, của tân tổng thống để có được "một đa số tuyệt đối" ngay từ đầu. Quyết tâm được so sánh với tham vọng của tướng De Gaulle, vào giai đoạn khởi đầu khó khăn của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp những năm 1950.

Để có được "một đa số" trung thành với tân tổng thống rộng rãi nhất cần phải "đánh nhanh và mạnh". Có nghĩa là tìm ra được một cơ chế kích phát những thay đổi mạnh mẽ và mang tính dây chuyền. Tân tổng thống Macron đã gạt sang một bên các ứng cử viên cánh trung, trước hết là lãnh đạo cánh trung kỳ cựu François Bayrou, đồng minh trụ cột từ nhiều tháng nay, để đưa một chính trị gia cánh hữu, không nổi tiếng trên bình diện quốc gia, vào chức vụ thủ tướng.

Cú "Big Bang chính trị" dự kiến không phải ở cánh trung, mà nằm phía đảng Những Người Cộng Hòa (LR), một đảng lớn của cánh hữu, do vậy người được chọn làm thủ tướng là ông Edouard Philippe, một chính trị gia trẻ tuổi thuộc phe thiểu số trong đảng LR. Phe này do thị trưởng Bordeaux Alain Juppé - ứng cử viên thất cử trong vòng bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng LR - lãnh đạo.

Theo L’Obs, sau thất bại của ứng cử viên tổng thống François Fillon, đảng LR đã phân thành hai phe "không thể hòa giải", một phe hữu "cứng rắn" hy vọng trở thành đối lập chính trị và một phe hữu của Alain Juppé, sẵn sàng liên minh với đảng Cộng Hòa Tiến Bước (La République En Marche !) của tổng thống, nếu đảng này không giành được đa số trong cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 6.

Sau việc đảng Xã Hội tan hàng, cánh hữu là nơi đang được chờ đợi sẽ có những đảo lộn. L’Obs đặt câu hỏi : "cú Big Bang chính trị" mà tổng thống Macron hy vọng phải chăng đi liền với sự trở lại của Alain Juppé, chính trị gia từng được người Pháp đặt nhiều kỳ vọng ?

Tân thủ tướng : Ẩn số của Big Bang

Bổ nhiệm chính trị gia cánh hữu Edouard Philippe làm thủ tướng là quyết định gây bất ngờ nhất của tổng thống Macron xuất thân cánh tả, trong tuần lễ cầm quyền đầu tiên. Trang bìa của Le Point, dưới hàng tựa "Thế hệ Macron" là hình ảnh tân thủ tướng.

Le Point có cuộc phỏng vấn thị trưởng Le Havre, đúng ba ngày trước khi quyết định bổ nhiệm được công bố chính thức. Bổ nhiệm làm thủ tướng một chính trị gia cánh hữu, chưa hề có kinh nghiệm lãnh đạo chính phủ ở cấp bộ trở lên, gây ngạc nhiên với chính đương sự. Giữa hai vòng bầu cử tổng thống, thị trưởng Le Havre cũng mới chỉ tỏ ý ủng hộ tổng thống tương lai, sẵn sàng chung tay với Macron.

Tuy nhiên, đằng sau sự khác biệt của màu cờ sắc áo, của phe phái chính trị, Le Point ghi nhận những tương đồng lớn giữa hai nhà lãnh đạo. Năm 2015, thị trưởng Le Havre từng tuyên bố ông chia sẻ đến 90% tư tưởng của Macron. Edouard Philippe thuộc về nhóm những người tin tưởng là "đoàn kết toàn dân" làm nên sức mạnh, chứ không phải là quan điểm bè phái, và văn hóa và giáo dục là chìa khóa giúp cho nước Pháp trỗi dậy.

Cũng Le Point có bài giới thiệu về các hoạt động chính trị của thủ tướng tương lai tại thành phố Le Havre, vốn là một trong những căn cứ địa của cánh tả. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2014, ông đã giành được đa số tuyệt đối ngay trong vòng một. Đây ắt hẳn là một thành tích khiến chính trị gia này lọt vào mắt xanh của tổng thống Macron.

Bên cạnh sở thích quyền anh của tân thủ tướng có vóc người khá mảnh khảnh, được Le Point giới thiệu, L’Obs giới thiệu kỹ hơn về nghiệp viết văn của Edouard Philippe, một nghề tay trái. Ông là đồng tác giả của hai tiểu thuyết chính trị, "Giờ của sự thật" (2007) và "Dưới bóng" (2011).

Macron : "không tả, không hữu", nhưng cũng "vừa tả, vừa hữu"

Đời sống chính trị Pháp đang thay đổi mạnh, rất khó lường đoán. Một chính trị gia gần như không tên tuổi trở thành tổng thống, với một phong trào chính trị chỉ ra đời trước đó một năm, hiện đang nỗ lực để có được một đa số trong Quốc Hội.

L’Obs tìm cách lý giải chủ thuyết chính trị của Macron, chính trị gia được mệnh danh là "không tả, không hữu" qua nhận định của nhà chính trị học Roland Cayrol (tác giả cuốn "Các lý do của sự phẫn nộ" ra mắt hồi tháng 3/2017).

Theo Roland Cayrol, nước Pháp đã từng sáng chế ra khái niệm "cánh tả" và "cánh hữu" hồi Cách mạng 1789, để rồi khái niệm này được phổ biến ra toàn thế giới (về quan điểm chính trị, cứ 10 người, thì có đến 9 có thể được xếp vào một thang bậc từ tả đến hữu). Tuy nhiên, chính tại nước Pháp hiện nay, người dân ngày càng chán ngán sự đối lập triệt để tả hữu và chán ghét kể cả giới chính trị nói chung.

Theo nhà chính trị học, "sức mạnh lớn" của Macron là đã hiểu được tình cảm đó của người dân Pháp. Ông chủ trương "không tả, không hữu", tức vượt qua tả, vượt qua hữu, nhưng đồng thời lại "vừa tả, vừa hữu, vừa trung, bởi đông đảo người Pháp mong muốn tả, hữu phối hợp với nhau" để giải quyết các vấn đề của đời sống.

Theo tác giả, về cuộc bầu cử sắp tới, dù có dành được đa số tuyệt đối, nhưng nếu trong bối cảnh phe đa số có nhiều dòng phái, tổng thống Macron sẽ không có cách nào khác là đi theo con đường xây dựng các thỏa hiệp, như đa số các nền dân chủ nghị viện Châu Âu. Và điều này cũng chính là trở lại với các nền tảng của Hiến Pháp 1958 (của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa). Đó là một chế độ bán tổng thống, bán nghị viện được tổ chức hợp lý, một "Đệ Ngũ Cộng Hòa bis".

Ba mô hình Châu Âu : Điểm gần, điểm xa

Vẫn trong số báo này, L’Obs có bài tổng hợp rất đáng chú ý, để hiểu về hiện tượng Macro. Theo tuần báo Pháp, Emmanuel Macron không phải "từ trên trời rơi xuống". Có rất nhiều kinh nghiệm chính trị của các nước Châu Âu đã gây cảm hứng cho nhà lãnh đạo trẻ tuổi. L’Obs dẫn ra ba ví dụ.

Thứ nhất là mô hình "tìm kiếm các thỏa hiệp một cách bền bỉ" của các nước Bắc Âu, thứ hai là mô hình của các liên minh chính trị lớn của Đức.

Theo một chuyên gia của trường EHESS (École des hautes études en sciences sociales-Trường Cao đẳng khoa học xã hội), Yohann Aucante, nếu như tổng thống Pháp có thể học hỏi nhiều từ mô hình Bắc Âu, điểm khác biệt là vấn đề phương pháp. Thụy Điển đã phải mất 10 năm để cải cách chế độ hưu trí, và đối thoại với nghiệp đoàn được tiến hành bất chấp các thay đổi chính trị. Trong khi đó, tổng thống Pháp chủ trương cải cách mau chóng, thông qua các sắc lệnh.

Cũng tương tự, mô hình thương thuyết lâu dài giữa các đảng phái Đức, để tạo lập các liên minh, đặc biệt thông qua các cuộc bầu cử địa phương, cũng rất khó áp dụng tại Pháp. Tuy nhiên, theo L’Obs, kết quả bầu cử Quốc Hội rất có thể sẽ buộc tổng thống Macron phải đi theo hướng này.

Bên cạnh hai mô hình thành công, L’Obs dẫn ra một mô hình thứ ba, mang tính phản biện, của thủ tướng Ý Matteo Renzi, một nhà cải cách trẻ tuổi. Thực dụng, táo bạo và quá tự tin, ông Matteo Renzi cũng 39 tuổi khi nhậm chức thủ tướng, rốt cục đã bị 60% cử tri Ý quay lưng, sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến Pháp.

Nhược điểm của cựu thủ tướng Ý là đã "áp đặt các cải cách không thông qua con đường hòa giải, không tính đến sự phẫn nộ của cánh tả trong đảng và của các nghiệp đoàn".

L’Obs cũng lưu ý đến một nguy cơ mới đối với các nền dân chủ Châu Âu, mà nước Pháp cũng đang phải đối mặt, đó là khi các đối lập tả-hữu truyền thống tan vỡ, các đảng phái chống hệ thống, đặc biệt là cực hữu nổi lên như thế lực đối lập chính trị duy nhất. Phong trào dân túy Năm Sao tại Ý, đang đứng đầu theo các thăm dò dư luận, là một cảnh báo.

Thiếu đồng minh : Thế khó của tổng thống Hàn

Nhìn sang Châu Á, nhật báo nổi tiếng Hàn Quốc Hankyoreh, tờ báo đối lập thực sự duy nhất tại Hàn Quốc dưới thời độc tài và suốt giai đoạn chuyển tiếp sang dân chủ sau này, có bài phân tích về tình thế muôn vàn khó khăn của tân tổng thống Moon Jae-in, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu.

Vừa đối phó với chính sách khó lường của Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Mỹ Donald Trump, vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trở nên rất căng thẳng sau khi lá chắn tên lửa THAAD được triển khai. Vừa tìm cách hòa dịu với Nhật Bản, vốn nhiều mặc cảm lịch sử, vừa phải sẵn sàng chủ động xích lại gần chế độ toàn trị Bắc Triều Tiên.

Tân tổng thống Hàn Quốc tìm đâu ra hậu thuẫn để thành công trong chủ trương tạo lập hòa bình cho bán đảo Triều Tiên ?

Bên cạnh việc khôn khéo tìm ra giải pháp "không làm mất mặt Trung Quốc" trong vấn đề THAAD, đồng thời được Hoa Kỳ chấp thuận, và tái thương lượng lại thỏa thuận về hồ sơ "gái giải sầu" với Nhật Bản (tức phụ nữ Triều Tiên bị quân đội Nhật bắt làm nô lệ tình dục thời Thế Chiến Hai), vốn bị nhiều chỉ trích trong nước, khó khăn hàng đầu với tân chính phủ là sự chống đối của phe hữu bảo thủ trong nước.

Chủ tịch hiệp hội phi chính phủ Hàn Quốc Peace Korea, ông Chong Uk-shik, đề nghị chính phủ thi hành chính sách "hợp tác, vượt qua các phe phái chính trị".

Iran : Nổi loạn tình dục chống xã hội cấm kỵ

Iran bầu cử tổng thống. Trong cuộc bầu cử bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chế độ chính trị Hồi giáo, nhiều hy vọng được đặt vào tổng thống mãn nhiệm Rohani, có tư tưởng mở cửa. Mục "360 độ" của Le Courrier International tuần này, trong phóng sự mang tựa đề "Bởi tất cả đều bị cấm, nhưng cũng chính vì thế mà tất cả đều có thể" (trích từ báo Bỉ De Morgen), chú ý đến xu thế giải phóng tình dục đang sôi sục tại quốc gia Hồi giáo này. Cuộc cách mạng xã hội và văn hóa diễn ra tại đất nước này, rất ít được thế giới Hồi giáo biết đến.

Le Courrier International giới thiệu nghiên cứu được thực hiện trong 7 năm liền, của một nhà nhân học người Mỹ gốc Iran, bà Pardis Mahdi. Nữ khoa học gia nhấn mạnh đến một cuộc nổi loạn tình dục tại một quốc gia mà mọi hình thức phản kháng chính trị đều dễ dàng bị đàn áp. Hai cảnh gây ấn tượng mạnh đối với nhà nhân học.

Thứ nhất là cảnh làm tình tập thể tại một bể bơi không có nước, nơi tất cả những người tham gia đều trong trang phục của Adam và Eva. Cảnh tượng thứ hai là một cuộc làm tình tập thể khác tại nhà riêng của một lãnh đạo tôn giáo cao cấp, trong thời gian nhân vật này đi xa. Người tổ chức là con gái của đương sự.

Theo nhà nhân học, tại Iran, phụ nữ là người chủ động nhiều hơn trong cuộc nổi loạn tình dục hiện nay, bởi chính họ là những người phải trả giá đắt nhất do các bộ luật hà khắc của chế độ chính trị Hồi giáo.

Chính quyền không nương tha những kẻ nổi loạn. Hồi đầu năm nay, tư pháp nước này tổ chức một đợt trấn áp toàn quốc chống lại những cuộc vui bí mật. Bản thân nữ khoa học gia gốc Iran đã phải bỏ trốn, vì sợ bị trả thù, do các nghiên cứu của bà.

Bài phóng sự lưu ý đến tình trạng giới trẻ Iran còn rất ít hiểu biết về vệ sinh tình dục. Gần một phần ba không sử dụng bao cao su, dù có nhiều bạn tình, trong khi nhiều người tin tưởng ngây thơ là những người bề ngoài khỏe mạnh chắc chắn không nhiễm virus HIV/AIDS.

Tuy nhiên, theo Le Courrier International, nhìn chung điều quan trọng là bất chấp uy quyền của lãnh đạo tối cao Khamenei, giới trẻ thủ đô Tehran, qua lối sống, sự năng động của mình, "đang đoạn tuyệt với giới chính trị truyền thống", "sáng tạo nên một đất nước Iran mới mẻ, hiện đại, cởi mở, và tự do".

Trong Thành

Quay lại trang chủ
Read 740 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)