Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/11/2021

Điểm báo Pháp - Nga động binh ở Ukraine

RFI tiếng Việt

Phương Tây lo sợ nước Nga động binh ở Ukraine

Châu Âu căng thẳng với những đe dọa, tranh chấp địa chính trị, mà tâm điểm là nước Nga, Châu Âu căng thẳng trước làn sóng dịch Covid mới đang nổi lên trở lại ở khắp nơi trên lục địa. Đó là những chủ đề thời sự nổi bật được nhiều tờ báo Pháp ra hôm nay đề cập

dongbinh1

Ảnh tư liệu chụp ngày 22/04/2021, do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp : Xe quân sự của Nga tham gia tập trận ở Crimea. © Russian Defense Ministry Press Service via AP, File

Le Monde chạy tựa lớn "Covid : Châu Âu lại trở thành tâm dịch", đồng thời tờ báo trở lại với vụ "bắn tên lửa Nga làm dấy lên căng thẳng trong không gian". Nhật báo Le Figaro, bên cạnh lo lắng về kinh tế, với "lạm phát trở lại đang phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế" toàn cầu, là mối lo nguy cơ chiến sự nổ ra ở Ukraine khi Nga tập trung quân về biên giới với Ukraine. Trong khi đó, tựa chính trang nhất của Libération Les Echos đều dành cho làn sóng dịch mới đang bùng phát ở Châu Âu.

Những ngày gần đây nước Nga được dư luận báo chí Châu Âu nhắc đến nhiều trong các sự kiện lớn. Trang quốc tế nhật báo Le Figaro ghi nhận : "Ukraine lo sợ một cuộc tấn công của Nga ở vùng Donbass". Nguyên do là vì, từ cuối tháng 10, Nga đã dồn một lực lượng khoảng 100 nghìn quân áp sát biên giới với Ukraine. Việc di chuyển quân này khiến Mỹ và các nước Châu Âu lo ngại Nga có thể hỗ trợ lực lượng nổi dậy ly khai ở miền Đông Ukraine. Đó là vùng đất mà từ năm 2014 đến giờ, lực lượng ly khai và quân chính phủ vẫn giành giật nhau từng ngày. Từ khi quân đội Nga tập trung gần biên giới phía đông Ukraine, chiến sự giữa quân đội của Kiev và lực lượng ly khai lại nổ ra thường xuyên hơn.

Le Figaro lưu ý, từ mùa xuân năm nay, Nga đã cho tập trung quân sát biên giới với Ukraine, rồi sau đó đã cho rút bớt quân, nhưng vẫn để lại thiết bị vũ khí. Một quan chức cao cấp của Ukraine được tờ báo dẫn lời khẳng định : "Về mặt kỹ thuật, quân Nga sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh mới từ hồi tháng 3. Họ chỉ cần đưa quân trở lại và tổ chức tấn công".

Những chuyển động quân sự lớn và bất thường của Nga từ cuối tháng 10 đang khiến không chỉ Ukraine mà Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây không khỏi lo ngại tái diễn kịch bản thôn tính Crimea.

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken khẳng định : "Chúng tôi sợ rằng Nga phạm phải sai lầm nghiêm trọng là định lặp lại những gì họ đã làm năm 2014". Cùng mối lo đó, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh cáo sẽ chống lại mọi hành động xâm lược mới ở biên giới Ukraine. Các nước trụ cột của EU như Đức và Pháp cũng đồng thanh tỏ lo ngại.

Trong khi đó tại Ukraine, giới chính trị có những diễn giải khác nhau về hành động của Nga. Một số người cho rằng đó là chỉ để gây áp lực với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, để buộc ông phải có chính sách mềm dẻo hơn với Moskva và cũng là gây áp lực với tổng thống Mỹ Joe Biden để Washingon giữ khoảng cách với Kiev.

Một câu hỏi Le Figaro đặt ra : Giữa lúc Nga đang tập trung vào cuộc chiến năng lượng, khí đốt và khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan – Belarus, liệu Kremlin có thể cho phép mình mở một mặt trận mới trong vùng ? 

Tờ báo trích dẫn phân tích của nhà nghiên cứu chính trị Alexandra Goujon : "Mục đích của Nga là làm cho Ukraine sợ bằng đe dọa thường xuyên trong vùng. Mục tiêu của ông Vladimir Putin là sáp nhập Crimea và gây mất ổn định Ukraine thì đã đạt được. Từ giờ, ý đồ của ông là duy trì Ukraine trong trạng thái bất ổn thường trực".

Tuy nhiên, tờ báo lưu ý là không thể nói trước được gì, như giới quan sát đã nhắc lại, hồi năm 2013, không có ai nghĩ rằng Nga lại sáp nhập Crimea.

Không gian : Tên lửa Nga gây lo ngại

Chuyển qua sự kiện khác liên quan đến Nga cũng đang gây ồn ào dư luận quốc tế những ngày qua. Nhật báo Le Monde trở lại với vụ Nga bắn tên lửa phá hủy vệ tinh hôm 15/11 khiến cả thế giới lo lắng vì "viễn ảnh về một cuộc chiến tranh không gian lại được khơi dậy", tựa của tờ báo.

Le Monde nhận thấy, sau vụ Nga bắn tên lửa phá hủy những vệ tinh cũ không hoạt động của mình, nhiều thắc mắc đang đặt ra về động cơ thực sự của Nga trong việc này. Tại sao Nga lại dùng tên lửa nhiều rủi ro như vậy khi mà 2 phi hành gia của họ cũng đang có mặt trên Trạm Không gian quốc tế ISS ? Liệu đó có phải là hành động chỉ để biểu dương sức mạnh trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Nga và phương Tây ?

Có một điều mà Le Monde ghi nhận : ngay sau hôm chính quyền Nga xác nhận và ca ngợi thành công của vụ bắn tên lửa này, một loạt các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã đồng thanh phản ứng lên án tính chất nguy hiểm của việc làm trên.

Nhưng theo Le Monde, vụ bắn phá vệ tinh bằng tên lửa của Nga là tín hiệu cho thấy không gian đang trở thành một môi trường có thể gây xung đột như những nơi khác trên trái đất, mà chủ yếu diễn ra giữa các cường quốc. 

Điều lo ngại ở đây là những chuẩn mực hay hiệp ước quốc tế trong không gian không rõ ràng, còn gây tranh cãi từ năm 1967. Việc dùng tên lửa phá vệ tinh cũ thì Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã nhiều lần thử làm. Thách thức hiện nay là xác định đó có phải là hành động quân sự hóa không gian, hay là hành động thù địch..

Vấn đề này đã gây tranh luận về nhiều khía cạnh kỹ thuật, pháp lý, chính trị, nhưng có điều là đến giờ, không tồn tại chính thức khái niệm "lãnh thổ" trong không gian. Theo Le Monde, đã có nhiều cuộc thảo luận về chủ đề này tại Liên Hiệp Quốc, trong cuộc họp thượng đỉnh mới đây tại Bruxelles, NATO đã xác định "các cuộc tấn công hướng tới không gian, từ không gian hay trong không gian" là "thách thức có thực" đối với an ninh của Liên minh. Vẫn lại là những câu chữ chung chung, không rõ ràng.

Châu Âu : Làn sóng dịch Covid-19 từ đông sang Tây

Châu Âu đang bước vào một mùa đông với mối lo dịch Covid 19 bùng lên mạnh ở khắp nơi, lục địa này một lần nữa đang trở thành tâm dịch.

Tất cả các báo đều nói đến một "làn sóng dịch mới" đang nổi lên. Les Echos chạy tựa chính "Covid : Làn sóng mới". Trang nhất của Libération đăng hình một biểu đồ đỏ rực đi lên theo chiều thẳng đứng với hàng tựa lớn "Covid ở Châu Âu : Đối mặt với sóng". Trang sự kiện của Libération dành toàn bộ cho chủ để dịch Covid ghi nhận : "Covid ở Châu Âu : phía đông mất kiểm soát, phía Tây mất niềm tin".

Bài phóng sự của Libération cho thấy từ Bulgari, Cộng hòa Czech, Áo rồi qua Đức, một làn sóng dịch thứ 5 đang nổi lên với mức độ lây lan đáng lo ngại. Tờ báo ghi nhận, "không có gì ngạc nhiên, những nước bị dịch nặng nhất trong đợt dịch thứ 5 là những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc những nước tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng lại buông lỏng hay từ bỏ các hạn chế phòng dịch".

Hậu quả là các ca nhiễm mới tăng vọt. Các nước như Cộng hòa Czech hay Slovakia liên tiếp những ngày qua lập kỷ lục ca nhiễm hàng ngày với trên dưới 20 nghìn. Các nước Ba Lan, Hungary có số ca nhiễm trở lại mức như hồi mùa xuân năm nay. Số người bệnh nhập viện cũng tăng nhanh chóng. Khu vực Trung Âu trở lại là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới.

Làn sóng dịch mới bùng lên dữ dội ở Đông Âu giờ đang nhanh chóng lan sang phần Tây Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Đức, Áo rồi Hà Lan, Bỉ. Ở những nước này tỷ lệ tiêm chủng dường như mới đủ để bảo vệ hệ thống y tế không bị quá tải, chứ không thể đủ để ngăn đà lây lan của dịch. Một loạt nước bắt đầu giật mình vì đã buông lỏng các biện pháp phòng chống dịch, bắt đầu phải lục lại những công cụ cũ : Làm việc từ xa, chứng nhận y tế, hay phong tỏa từng phần, và nhất là tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng. 

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Châu Âu một lần nữa trở thành "tâm đại dịch". Liberation cho biết, trong tuần đầu/11/Châu Âu có số ca nhiễm mới tăng 60% và số ca tử vong cũng tăng 55%. Duy nhất chỉ còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp dường như vẫn kháng cự được khá tốt. Nhưng được bao lâu nữa ? Tờ báo hoài nghi đặt câu hỏi.

Châu Âu tấn công nạn phá rừng trên toàn cầu

Sau hội nghị khí hậu toàn cầu COP 26 vừa diễn ra tại Glasgow, Scotland, Liên Hiệp Châu Âu đã bắt tay ngay vào việc bằng hành động cụ thể. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin : "Liên Hiệp Châu Âu muốn loại bỏ các sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng". Theo tờ báo, hôm 17/11, Ủy Ban Châu Âu đã giới thiệu một cơ chế để đóng cửa thị trường EU đối với sản phẩm có nguồn gốc liên quan đến nạn phá rừng. Các quy định mới sẽ được áp dụng đối với một loạt sản phẩm nông nghiệp như đậu tương, ca cao, cà phê và dầu cọ, thịt bò và gỗ rừng, cũng như các sản phẩm phụ khác.

Theo Les Echos, trong khoảng từ 1990 đến 2020, Trái đất đã mất đi 180 triệu ha rừng, một diện tích rộng gấp 3 nước Pháp. Châu Âu và Trung Quốc là 2 nơi nhập khẩu lớn nhất thế giới các sản phẩm có nguồn gốc từ phá rừng. Dự án của Châu Âu có tham vọng là trong bốn năm nữa, thị trường của Châu lục sẽ sạch bóng các sản phẩm có liên quan đến phá rừng.

Dự án của Ủy Ban Châu Âu được nhiều nước ủng hộ, nhưng sẽ còn phải đưa ra thảo luận tại Hội Đồng Châu Âu trước khi trình Nghị Viện Châu Âu thông qua. Nếu được áp dụng, cơ chế này của Châu Âu sẽ có tác động đến nhiều hiệp định thương mại mà Châu Âu đã ký với các khu vực, trong đó có nhiều nơi mà hoạt động phá rừng làm nông nghiệp vẫn không kiểm soát được. 

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 337 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)