Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/11/2021

Điểm báo Pháp - Tình báo Ukraine, phù thủy non tay

RFI tiếng Việt

Âm mưu gài bẫy lính đánh thuê của Nga

"Kiev đã gài bẫy lính thuê Nga như thế nào : một chiến dịch táo bạo của ngành tình báo Ukraine" trước khi chính quyền của tổng thống Zelensky bị phản đòn và bị cáo buộc là một nhà phù thủy non tay. Trên đây là bài viết trên Le Figaro với nội dung gay cấn như truyện trinh thám.

ammuu1

Ảnh trích từ video do KGB Belarus, đài phát thanh và truyền hình Nhà nước Belarus công bố ngày 29/07/2020, cho thấy các sĩ quan KGB Belarus đang bắt giữ những người đàn ông Nga trong một nhà điều dưỡng ở ngoại ô Minsk, Belarus.  © Belarusian KGB, State TV and Radio Company of Belarus via AP

Truyền thông Ukraine gọi hồ sơ này là vụ "Wagnergate", lấy tên gọi từ lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga : "một nước cờ đầy mạo hiểm" mà bất ngờ Belarus nhập cuộc, phá hỏng âm mưu của Kiev. Mạng lưới điều tra Bellingcat nhắc lại vụ tai tiếng "Wagnergate" bị lộ ra ánh sáng ngày 29/07/2020 khi 33 lính đánh thuê của Nga bị bắt tại tại một khách sạn ở thủ đô Minsk-Belarus .

Ai cũng biết "đội quân trong bóng tối" của Vladimir Putin tiếp tay với phe nổi dậy ở miền đông Ukraine trong suốt giai đoan 2014-2020. Chính vì muốn thu thập được bằng chứng về "tội ác chiến tranh" của những "tay trung gian" này và trách nhiệm của Moskva trong xung đột tại Donbasss, sát biên giới với Nga, cuối năm 2019 Bộ Quốc phòng Ukraine đã bật đèn xanh cho nhân viên mở một chiến dịch "tuyển mộ" lính đánh thuê của Wagner. Các "ứng viên" đua nhau ghi tên, khai báo đầy đủ lý lịch, thành tích và nhất là những "chiến công" trên lãnh thổ Ukraine. Le Figaro thuật lại điều tra của nhóm Bellingcat : quá chủ quan trước những bằng chứng về trách nhiệm của Nga trong xung đột ở sườn đông, tình báo Ukraine "tham lam" muốn câu được thêm những con cá mập khác. Tháng 5/2020, tình báo Ukraine bầy kế "bắt" 33 trong số 180 lính đánh thuê của Nga. Theo kế hoạch, những người này từ Nga sang Belarus ngày 25/07/2020, để rồi họ sẽ lấy máy bay từ thủ đô Minsk lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ. Kiev dự tính trước sẽ chặn chiếc máy bay với 33 hành khách đặc biệt này và bắt giữ họ.

Kế hoạch không thành

Belarus chuẩn bị bầu cử lại tổng thống ngày 09/08/2020. Alexander Lukashenko không lo mất ghế tổng thống, nhưng bất ngờ trước làn sóng phản kháng của phe đối lập và nghi ngờ có bàn tay của Nga trong vụ này.

Chính quyền Minsk tăng cường lực lượng an ninh và nhờ vậy phát hiện nhóm 33 lính đánh thuê của Nga trên lãnh thổ Belarus. Nhóm này bị bắt ngay tại Minsk ngày 29/07/2020 và sau đó được trả về Moskva. Tại Kiev, câu hỏi lớn đặt ra là tại sao phải đợi đến 4 ngày từ khi toán hành khách 33 người nói trên đặt chân lên lãnh thổ Belarus cho đến khi trên nguyên tắc họ đáp máy bay rời khỏi Minsk ? Ai đã báo động cho Minsk và Moskva về âm mưu của Kiev gài bẫy lính đánh thuê Nga ?

Báo Le Figaro kết luận : Trước mắt Bellingcat và điều tra của Quốc Hội Ukraine đều không thể đưa ra những bằng chứng để trả lời các câu hỏi này. Chỉ biết rằng, vụ việc cho thấy Kiev "dường như đã phạm phải một số sai lầm" và điều đó cho thấy tình báo Ukraine là những nhà phù thủy non tay. Trong khi đó, truyền thông Moskva xem thất bại ê chề này của Ukraine là "một trong những chiến dịch đặc biệt thành công nhất, phức tạp nhất trong lịch sử tình báo Nga trong giai đoạn hậu Xô Viết".

Liên Âu yếu thế với Nga

Cũng về liên quan đến Nga, Belarus và Liên Âu, Le Monde tiếp tục nói về cảnh "địa ngục trần gian" của những người nhập cư Trung Đông, dở sống, dở chết tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Kèm theo đó là hàng loạt những tiếng nói, đặc biệt là từ Pháp, kêu gọi điện Kremlin can thiệp, răn bảo chính quyền Lukashenko ngừng mang sinh mạng của người nhập cư ra mặc cả với Liên Hiệp Châu Âu.

Cây bút bình luận Alain Frachon của tờ báo ghi nhận : cứ mỗi lần gặp khó khăn, một số người lại có phản xạ cầu cứu Vladimir Putin như thể ông này có phép lạ giải quyết được tất cả. Châu Âu tin tưởng rằng đối thoại với Vladimir Putin cho phép giải quyết khủng hoảng từ ở Ukraine đến Syria và gần đây nhất là trên vấn đề với Belarus, nhưng theo nhà báo Frachon, đó là một quan điểm đã lỗi thời.

Câu hỏi đặt ra là Putin có muốn "nói chuyện" với Liên Hiệp Châu Âu hay không ? Moskva quan niệm như thế nào về "đàm phán", "nhượng bộ" ?

Trong trường hợp của Pháp, tổng thống Macron từng trải thảm đỏ tiếp Vladimir Putin tại cung điện Versailles (tháng 5/2017) khi mới vừa nhậm chức, ông đã thân chinh đến Saint Petersburg dự diễn đàn kinh tế năm 2018 để bắc nhịp cầu với Nga. Tiếp theo đó là những cử chỉ thân mật với cá nhân tổng thống Putin. Đổi lại Paris nhận được những gì ? Nga không một bước nhượng bộ trên hồ sơ Ukraine, về Syria mà còn tăng hỏa lực, bắt rễ vào Châu Phi chống phá nước Pháp, phá hoại nỗ lực của Châu Âu trong vùng Balkan và giờ đây là dùng Belarus mở thêm một mặt trận mới tấn công Liên Âu.

Làm thế nào giải thích cho thái độ bất hợp tác đó của nước Nga ? Alain Frachon trả lời : đơn giản là tổng thống Putin "không quan tâm". Ưu tiên của ông là đưa nước Nga trở lại vị trí một siêu cường và để thực hiện được mục tiêu đó Moskva cần có một đối thủ nếu không muốn nói là kẻ thù mà kẻ thủ đó chính là phương Tây. Trên hồ sơ vũ khí hạt nhân tầm trung, Nga đồng ý đối thoại với Mỹ nhưng không màng đến Châu Âu. Ưu tiên của Moskva là làm suy yếu Liên Âu để chia rẽ Bruxelles với Washington. Trong những điều kiện đó, Châu Âu khó mà "đối thoại với Nga (…) khi mà Moskva quan niệm không việc gì phải nhân nhượng".

Sai lầm khi nói tới "Chiến tranh lạnh" giữa Mỹ-Trung Quốc

Từ một sai lầm này đến một sai lầm khác, thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Frédéric Lemaître có một bài nhận định khá thú vị : Tập Cận Bình không phải là Mao và công luận đã lạm dụng từ ngữ khi cho rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc "chiến tranh lạnh" thời đại mới.

Về điểm thứ nhất, nhà báo này đưa ra những khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc : Mao Trạch Đông là một nhà cách mạng, chủ trương đấu tranh giai cấp, xem tư bản là kẻ thù. Cố lãnh tụ Trung Quốc không ngần ngại huy động quần chúng chống lại tầng lớp tinh hoa, để duy trì quyền lực.

Tập Cận Bình không mảy may đi theo con đường cũ. Đương kim lãnh đạo Trung Quốc cũng khai thác lá bài dân tộc chủ nghĩa để cai trị đất nước nhưng họ Tập ghét cay ghét đắng những rối loạn trong xã hội. Ông cũng không quay lưng lại với tầng lớp nhân sĩ trí thức. Tập Cận Bình ước mơ người dân Trung Quốc là những nhà khoa học, là những kỹ sư… và xem "sự thịnh vượng chung" là kim chỉ nam trong chính sách phát triển để mỗi công dân "đều có cơ hội làm giàu".

Cũng khác với những năm tháng Mao, người dân Trung Quốc giờ đây được tự do hơn nhiều : họ được tự do kết hôn, tự do ra nước ngoài và được quyền làm việc hay định cư ở bất cứ nơi nào, kể cả ở ngoại quốc. Đó là một khác biệt rất lớn so với thời kỳ "chiến tranh lạnh" giữa Liên Xô với Hoa Kỳ xưa kia. Đó là lý do thứ nhì giải thích vì sao gọi cuộc đối đầu Mỹ-Trung hiện tại là chiến tranh lạnh phiên bản mới là một sai lầm, theo tác giả bài báo. Trung Quốc ngày nay không phải là Liên Xô và cũng không có một bức màn sắt nào ngăn cách Trung Quốc với thế giới. Sự đối đầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày nay không chỉ thu hẹp về ý thức hệ hay quân sự mà đó là một sự đối đầu trên nhiều mặt từ địa chính trị, đến kỹ thuật, kinh tế, văn hóa …

Dù vậy, theo Frédéric Lemaître, cả Trung Quốc lẫn phương Tây cùng đem bóng ma quá khứ "chiến tranh lạnh" ra hù dọa thiên hạ, với những dụng ý khác nhau. Bắc Kinh thì muốn làm sống lại cảm tình của cánh tả tại các nước phương Tây và kể cả một số thành phần cánh hữu của Châu Âu để bài "đế quốc Mỹ". Còn các nền dân chủ phương Tây thì chĩa mũi dùi vào Trung Quốc để đánh lạc hướng công luận trước những khó khăn của chính mình.

Sống mãi với virus corona

Mệt mỏi vì phải chung sống quá lâu với Covid-19 là hồ sơ lớn trên báo La Croix. Còn Le Figaro ghi nhận "chưa ngồi vào chiếc ghế thủ tướng Đức, ông Olaf Scholz đã bị virus corona hành hạ" : thủ tướng Đức tương lai bị chỉ trích thụ động vào lúc đất nước phải đối mặt với đợt dịch mới. Mỗi ngày có thêm khoảng 50 ngàn ca nhiễm. "Virus corona xâu xé chính trường Đức", tựa của nhật báo kinh tế Les Echos.

Trong phần trang xã hội, Libération có bài viết mang kêu gọi "Tất cả cùng nhau hô to câu hỏi Bành Súy cô ở đâu ?" Tờ báo muốn nói đến hoàn cảnh của nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy đã mất tích sau lời cáo buộc cựu phó thủ tướng Trương Cao Lệ cưỡng bức tình dục, ép cô trở thành người tình. Tờ báo kể lại câu chuyện của nữ vận động viên trẻ và người tình già đầy thế lực trong guồng máy đảng Cộng Sản Trung Quốc trước khi kết luận rằng hai tháng trước Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, đây là cơ hội để đòi Trung Quốc trả lời câu hỏi tay vợt "Bành Súy đang ở đâu ?".

Về thời sự Pháp, Le Monde dành hồ sơ lớn cho việc Pháp khởi động lại ngành năng lượng hạt nhân, một trong những chủ đề gây nhiều tranh cãi trước bầu cử tổng thống vào tháng 4/2022. Cũng để chuẩn bị cho cuộc tuyển cử này, cánh hữu đảng Những Người Cộng Hòa có dấu hiều "hồi sinh" - chủ đề lớn trên báo Le Figaro thiên hữu. Tờ báo kinh tế Les Echos thực sự phấn khởi với tin tập đoàn chế tạo máy bay Châu Âu Airbus tận dụng cơ hội Boeing gặp khó khăn để "gặt hái hợp đồng" tại hội chợ hàng không Dubai.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 344 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)