Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/11/2021

Thế Vận Hội Bắc Kinh có nguy cơ bị tẩy chay

RFI tổng hợp

Vương quốc Anh cân nhắc tẩy chay về ngoại giao Thế Vận Hội Bắc Kinh

Thùy Dương, RFI, 20/11/2021

Hai ngày sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden xác định "đang cân nhắc" khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh - về mặt ngoại giao - để phản đối các hành động vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, hôm nay 20/11/2021 Reuters trích dẫn The Times cho biết đến lượt thủ tướng Anh Boris Johnson làm điều tương tự.

olympic1

Tượng vận động viên trượt băng nghệ thuật với các vòng tròn Olympic tại một công viên gần trụ sở của Ban tổ chức Thế Vận Hội Olympic (BOCOG) ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/11/2021.  © AP / Mark Schiefelbein

Ngoại trưởng Anh Liz Truss, người được cho là ủng hộ việc tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, cho biết là chính phủ Anh đang tiến hành "thảo luận". Một trong những giả thuyết mạnh nhất được đưa ra là các bộ trưởng Anh sẽ không tham dự Thế Vận Hội, mà chỉ có đại sứ Anh tại Trung Quốc đến dự.

Báo Anh The Times còn cho biết có 5 thành viên đảng bảo thủ đã kêu gọi thủ tướng Boris Johnson cấm mọi đại diện chính thức của ngành ngoại giao Anh hiện diện tại Thế Vận Hội Bắc Kinh, dự kiến được tổ chức từ ngày 04 đến 20/02/2022.

Việc tổ chức Thế Vận Hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh đã gây ra nhiều chỉ trích và những lời kêu gọi tẩy chay đã được đưa ra trên khắp thế giới, liên quan đến tình hình vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Thùy Dương

********************

Khả năng Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022 bị tẩy chay rõ dần, ít ra là về mặt ngoại giao

Trọng Nghĩa, RFI, 19/11/2021

Chỉ còn không đầy 3 tháng nữa là Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh mở ra, chính thức là từ ngày 04 đến ngày 20/02/2022. Đây là một sự kiện được giới lãnh đạo Trung Quốc hết sức mong đợi để tô bóng hình ảnh của mình. Thế nhưng vào hôm 18/11/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã phủ áng mây đen trên sự kiện này, xác định "đang cân nhắc" khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh - về mặt ngoại giao - để phản đối các hành động vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

olympic2

Một người đàn ông đi qua các vòng tròn Olympic, bên ngoài sân vận động quốc gia, địa điểm tổ chức Thế Vận Hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh, ngày 02/02/2021. © AP Photo/Mark Schiefelbein

Tẩy chay ngoại giao là một hình thức phản đối "mềm", nghĩa là không cử các quan chức chính phủ đến dự Olympic Bắc Kinh, nhưng vẫn để cho các vận động viên thể thao đến thi đấu, cho phép các Nhà nước biểu thị thái độ cứng rắn đối với nước chủ nhà của sự kiện, nhưng không làm ảnh hưởng đến các vận động viên. 

Tẩy chay ngoại giao khác với hình thức tẩy chay hòan toàn, tức là cấm toàn bộ việc tham gia, điều đã từng xẩy ra nhân hai kỳ Thế Vận Hội Mùa Hè Moskva năm 1980, bị Mỹ tẩy chay, và Los Angeles năm 1984, bị Liên Xô trả đũa. 

Quyết định của Mỹ, nếu thành hiện thực, sẽ làm cho Trung Quốc giận dữ, và Bắc Kinh đã từng phản ứng dữ dội trong quá khứ khi vấn đề tẩy chạy được đặt ra, dù dưới bất kỳ hình thức tẩy chay nào.

Theo hãng tin Pháp AFP, từ nhiều tháng qua, Washington đã cố tìm cách tốt nhất để tỏ thái độ về một sự kiện toàn cầu như Thế Vận Hội, nhưng lại được tổ chức ở một quốc gia bị Mỹ cáo buộc là phạm tội ác "diệt chủng" đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vùng tây bắc Trung Quốc. 

Cho đến nay, khi được đặt câu hỏi về quyết định tẩy chay hay không tẩy chay, chính quyền Biden vẫn giữ thái độ thận trọng, cho biết là họ muốn phối hợp với các đồng minh để có một "cách tiếp cận chung".

Nhưng với ngày khai mạc Thế Vận Hội đã gần kề, chính quyền Biden như không còn chờ đợi được. Ngày 16/11/2021, nhật báo Mỹ The Washington Post tiết lộ rằng vào cuối/11/tổng thống Mỹ có thể sẽ "thông qua" phương án tẩy chay ngoại giao do các cố vấn của ông chính thức đề xuất. Trước đó, chính ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói rằng Washington đang thảo luận với các đồng minh khắp thế giới về vấn đề tham dự Olympic Bắc Kinh, nhưng không nói rõ về hạn chót để đưa ra quyết định.

Dẫu sao thì việc chính quyền Biden quyết định tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh đáp ứng một đòi hỏi trong công luận Mỹ. Theo AFP, trong những tháng gần đây, càng lúc càng có thêm các nghị quyết và dự luật được đưa ra trước Quốc Hội Hoa Kỳ, một số nhắm việc trừng phạt các công ty đồng ý tài trợ cho Thế Vận Hội Bắc Kinh, số khác kêu gọi Ủy Ban Olympic Quốc Tế chuyển sự kiện sang nước khác. Phương án tẩy chay ngoại giao đã được chủ tịch Hạ Viện, bà Nancy Pelosi, thuộc đảng Dân Chủ đề xuất vào tháng 5.

Trong tình hình đó, quyết định tẩy chay chắc chắn sẽ được rất nhiều người tán đồng, cho dù sẽ vấp phải một số phản ứng chống đối, nhưng từ phía những người muốn đi xa hơn.

Một số nghị sĩ thuộc diện diều hâu trong đảng Cộng Hòa đã kêu gọi ông Joe Biden tuyên bố tẩy chay hoàn toàn Thế Vận Hội Bắc Kinh, chứ không chỉ là tẩy chay ngoại giao.

Theo hãng AFP, phát biểu vào hôm qua, dân biểu Mỹ Mike Waltz cho rằng "Làm sao mà chúng ta có thể vẫy cờ Mỹ" ở Bắc Kinh và qua đó "làm ngơ trước tất cả những hành vi tội ác" của Trung Quốc.

Nghi sĩ này không ngần ngại tố cáo phản ứng yếu ớt của Ủy Ban Olympic Quốc Tế về số phận của nhà vô địch quần vợt Trung Quốc Bành Súy, đã "mất tích" sau khi tố cáo một cựu phó thủ tướng là đã cưỡng ép cô về tình dục. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Trọng Nghĩa
Read 318 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)