Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/11/2021

Điểm báo Pháp – Ủy ban Olympic và Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Ủy Ban Olympic Quốc tế ban "phước lành" cho Trung Quốc để nhận chìm vụ Bành Súy ?

Vụ tay vợt nữ Trung Quốc Bành Súy tái xuất hiện sau hai tuần biệt tăm tiếp tục được báo chí Pháp đề ngày 23/11/2021 phân tích, đặc biệt là diễn biến mới nhất : Cuộc nói chuyện của vận động viên Trung Quốc với chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc tế Thomas Bach. Nhật báo Pháp Le Monde không ngần ngại cho rằng Ủy ban Omympic Quốc tế "ban phước lành" cho việc Bắc Kinh nhận chìm vụ Bành Súy. 

olympic1

Trụ sở Ủy ban Omympic Quốc tế tại Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 21/03/2020. AFP

Cũng liên quan đến Trung Quốc và ít nhiều đến vụ Bành Súy, nhật báo công giáo La Croix đã nêu bật trên trang nhất câu hỏi "Nên chăng tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh ?" và ở trang trong đã nêu hai ý kiến trái ngược nhau của một sử gia và một chuyên gia địa chính trị. 

CIO giúp Bắc Kinh nhận chìm vụ Bành Súy

Về vụ Bành Súy, Le Monde đã nêu bật trong một khung nhỏ trên trang nhất điều được tờ báo gọi là "Bắc Kinh muốn dập tắt vụ Bành Súycùng với CIO" - CIO (Comité international olympique) là tên tắt tiếng Pháp của Ủy ban Thế Vận Quốc tế - ghi nhận sự kiện chủ tịch Ủy ban Omympic Quốc tế đã nói chuyện với nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc, và đã nhanh chóng ra thông báo về cuộc gặp qua cầu truyền hình. 

Trong bài phân tích bên trong, Le Monde thể hiện quan điểm rõ ràng hơn khi cho rằng "Bắc Kinh mưu toan nhận chìm xuồng vụ Bành Súy với ‘phước lành’ từ Ủy ban Thế Vận Quốc tế", vì khi nói chuyện với nhà cựu vô địch, chủ tịch Ủy ban Thế Vận Quốc tế không thấy đề cập đến lời tố cáo ép buộc tình dục của cô nhắm vào một quan chức cấp cao Trung Quốc. 

Theo thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải, sau hai tuần lễ không có bất kỳ tin tức nào kể từ khi tung ra lời cáo buộc hiếp dâm nhắm vào một cựu phó thủ tướng Trung Quốc hôm 2/11, giờ đây mọi người đã biết là cô Bành Súy đang ở Bắc Kinh, có thể là vẫn ở nhà của cô và đã có thể ra ngoài nhiều lần để tham dự các sự kiện.

Không có gì khẳng định Bành Súy được tự do

Vấn đề mà tờ báo Pháp nêu bật là không có gì để khẳng định rằng nhà vô địch quần vợt được tự do, và trên vấn đề này, thông cáo về cuộc nói chuyên giữa ông Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Omympic Quốc tế chỉ đơn thuần lập lại quan điểm của Bắc Kinh, mà phớt lờ cáo buộc hãm hiếp của cô nhắm vào ông Trương Cao Lệ, người từng là nhân vật số 7 trong chế độ Bắc Kinh, cáo buộc được cho là đã khiến cô bị "mất tích". 

Theo Le Monde, đối với Ủy ban Thế Vận Quốc tế, như vậy là mọi việc đều ổn, và mọi người nên để yên cho cô Bành Súy theo yêu cầu của chính đương sự. Thế nhưng, nhật báo Mỹ The New York Times đã phát hiện là trong cuộc nói chuyện, cô Bành Súy đã có một "người bạn" tháp tùng theo, gọi là để giúp cô biểu đạt bằng tiếng Anh, một điều lạ lùng bởi nữ vận động viên này nói thành thạo Anh Ngữ sau 15 năm tham gia các cuộc thi đấu quốc tế.  

Le Monde nhắc lại rằng trong quá khứ, Trung Quốc nổi tiếng là hay dàn dựng những vụ cưỡng bức thú tội của những người bất đồng chính kiến, trí thức hoặc quan chức bị phế truất. 

CIO hoàn tất nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh

Đối với tờ báo Pháp, lời kêu gọi để yên cho cô Bành Súy của Ủy ban Thế Vận Quốc tế đã hoàn tất nỗ lực tuyên truyền của Bắc Kinh trước đó, đã liên tiếp sử dụng các kênh truyền thông như Twitter, bị cấm ở Trung Quốc, để công bố những hình ảnh và video về sinh hoạt của cô Bành Súy tại Bắc Kinh, nhằm cho thấy là cô vẫn được tự do, qua đó phủ nhận việc cô bị chính quyền phiền hà. 

Thậm chí ông Hồ Tích Tiến, chủ bút tờ Hoàn Cầu Thời Báo, còn khẳng định thêm là nữ vận động viên Trung Quốc vẫn sống "tự do ở nhà" và "không muốn bị quấy rầy", những lời lẽ giống y như trong thông cáo báo chí của Ủy Ban Thế Vận ra sau đó. 

Theo Le Monde, ngay từ đầu vụ việc, Ủy ban Thế Vận đã nói theo Bắc Kinh. Ngay từ hôm 8/11, tổ chức này đã cho biết họ "yên tâm với những đảm bảo của chính quyền Trung Quốc theo đó cô Bành Súy vẫn ổn", sau khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc công bố một bức email đáng ngờ được cho là do cô Bành Súy gởi đến. 

Nên hay không nên tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh

Vụ Bành Súy cũng đã được nhật báo La Croix nhắc đến khi tìm cách trả lời cho câu hỏi : "Nên chăng tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh ?", một vấn đề được tờ báo gợi lên ngay trang nhất trong một hàng tựa nhỏ. 

Theo La Croix, tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết ông đang cân nhắc khả năng tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022, để phản đối các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản đối ý định đó, cho rằng không nên "lẫn lộn giữa chính trị và thể thao". Căng thẳng Mỹ-Trung trên vấn đề này bùng lên vào lúc nhiều lo ngại vẫn tồn tại về số phận của nữ vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy. 

Nên tẩy chay để gởi thông điệp nhân quyền đến Trung Quốc ?

Trả lời báo La Croix về việc nên hay không nên tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, kể cả việc tẩy chay chỉ về mặt ngoại giao, sử gia Patrick Clastres, giáo sư khoa Khoa học Xã hội và Chính trị Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) khẳng định : Đó sẽ là "một tín hiệu mạnh mẽ về nhân quyền" gởi đến Trung Quốc. 

Giáo sư Clastres bác bỏ quan điểm cho rằng tẩy chay Thế Vận Hội là một hành động vô nghĩa, một lập luận mà theo ông đã được ông Thomas Bach, đương kim chủ tịch Ủy ban Omympic Quốc tế, đưa ra khi nêu ví dụ việc Hoa Kỳ tẩy chay Thế Vận Hội Moskva 1980 không có kết quả, vì không dẫn đến việc quân đội Liên Xô phải rút khỏi Afghanistan.  

Đối với vị giáo sư Thụy Sĩ, đó là một phân tích sai lịch sử, vì lẽ vụ Mỹ tẩy chay Thế Vận Hội Moskva không nhằm mục đích buộc Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan, mà nó đã được gợi lên từ hai năm trước Thế Vận Hội, nhằm tố cáo trước cộng đồng quốc tế những vi phạm nhân quyền ở Liên Xô. Cuộc xâm lược Afghanistan vào tháng 12/1979 chỉ tạo ra một cái cớ để tổng thống Mỹ tuyên bố tẩy chay. 

Theo giáo sư Clastres, tẩy chay Thế Vận Hội không ảnh hưởng đến chiến lược quân sự hoặc kinh tế của quốc gia liên quan, nhưng có tác động chính trị rất lớn. Trong trường hợp Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022, nếu nhiều quốc gia, dẫn đầu là Hoa Kỳ, sử dụng biện pháp tẩy chay, dù chỉ là ngoại giao, điều đó sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến công luận thế giới về vấn đề nhân quyền và gây bất lợi cho giới lãnh đạo Trung Quốc.  

Một dấu hiệu đầu tiên được giáo sư Clastres nêu lên là trường hợp của vận động viên quần vợt Bành Súy. Theo ông, chính Trung Quốc cũng không thể làm ngơ trước những phản ứng của dư luận quốc tế, mà trong thời đại mạng xã hội, được lan truyền với tốc độ và sức mạnh chưa từng có. 

Không chạm đến văn hóa, kinh tế, sao lại tẩy chay thể thao ?

Nếu sử gia Thụy Sĩ  Patrick Clastres cho rằng nên tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, thì ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến tược IRIS), chuyên gia Pháp về địa chính trị của thể thao cho có ý kiến ngược lại, cho rằng tại sao lại bắt giới vận động viên phải trả giá bằng lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc, vào lúc mà họ đã phải khổ luyện nhiều năm trước đó để chuẩn bị cho các cuộc thi ? 

Đối với ông Boniface, các nước không hề yêu cầu cộng đồng văn hóa hoặc kinh tế tẩy chay Trung Quốc, thế thì tại sao lại đòi tẩy chay về mặt thể thao ?  

Riêng về trường hợp của vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy, một vụ đã góp phần làm lu mờ hình ảnh của Bắc Kinh, chuyên gia Boniface cho rằng Trung Quốc đã hết sức bất ngờ trước phản ứng dữ dội của giới vận động viên thể thao, như vậy áp lực từ phong trào thể thao đã có hiệu quả. 

Interpol bị các thể chế áp bức lũng đoạn ?

Riêng trang nhất các báo được dành cho những chủ đề hệ trọng hơn, đặc biệt là nhật báo thiên tả Libération đã dành tựa chính để nói về cuộc bầu cử ban lãnh đạo tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol sắp mở ra tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tờ báo ghi nhận "Chức chủ tịch Interpol : Giải thưởng cho những kẻ độc tài". 

Theo Libération, tổ chức cảnh sát quốc tế có trụ sở chính tại Lyon sẽ bầu ra lãnh đạo mới vào thứ Năm 25/11. Vấn đề đặt ra là một viên tướng bị cáo buộc về các hành vi tra tấn rất có khả năng được bầu, một điều minh họa cho trọng lượng của các chế độ áp bức. 

Đối với tờ báo Pháp, trừ phi có diễn biến bất ngờ vào giờ chót, chủ tịch mới của Interpol sẽ là một kẻ tra tấn khét tiếng, xuất thân từ một chế độ bị ám ảnh về an ninh. Đó là tướng Ahmed Nasser al-Raisi, tổng thanh tra Bộ Nội vụ Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Ông là ứng viên nhiều triển vọng nhất so với hai đối thủ còn lại là phó chủ tịch Interpol hiện tại, Sarka Havrankova, người Slovakia, và Adamu A. Mohammed, người Nigeria. 

Ngay khi đến Istanbul vào hôm qua để chuẩn bị cho cuộc họp của Đại hội đồng Interpol, tướng al-Raissi đã viết trên tài khoản Twitter của ông rằng : "Với tư cách là chủ tịch, tôi muốn giúp hiện đại hóa Interpol, dựa trên 40 năm kinh nghiệm trong việc chuyển đổi lực lượng cảnh sát UAE".  

Tuy nhiên, theo Libération, trong nhiều tuần qua, tướng al-Raisi đã bị những người bảo vệ nhân quyền phản đối do "thành tích" đàn áp của ông trong nước. Một số tổ chức phi chính phủ cho biết : "Dưới sự lãnh đạo của ông ta, các cơ quan an ninh của ông phải chịu trách nhiệm về việc giam giữ tùy tiện và các hành động tra tấn có hệ thống và lặp đi lặp lại đối với các tù nhân lương tâm và những người bảo vệ nhân quyền, những hành vi hoàn toàn không bị trừng phạt".  

Trong một bức thư ngỏ gửi đến đại diện của các quốc gia thành viên của Đại hội đồng Interpol, Trung tâm Nhân quyền Vùng Vịnh (GCHR), Liên đoàn Nhân quyền và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền đã bày tỏ thái độ lo lắng trước việc tướng Ahmed Nasser al-Raisi ứng cử vào ban lãnh đạo Interpol, kêu gọi "bác đơn ứng cử của ông tại Đại hội đồng Interpol sắp mở ra". 

Một lời kêu gọi tương tự đã được đưa ra vào tuần trước chống lại một ứng cử viên gây tranh cãi khác cho một chức vụ khác, chức đại biểu Châu Á trong ủy ban điều hành của Interpol : Hồ Bân Sâm người Trung Quốc. Khoảng 50 nghị sĩ, chủ yếu là người Châu Âu, đã gửi thư cho 20 bộ trưởng Nội vụ, trong đó có bộ trưởng Pháp Gérald Darmanin, để yêu cầu bác bỏ ứng viên Trung Quốc. 

Sự phẫn nộ của những người lương thấp và Guadeloupe bùng cháy

Thời sự Pháp nổi bật trên hai tờ báo Le MondeLa Croix nhưng dưới hai góc cạnh khác nhau : Nỗi bất bình của những người lương thấp tại Pháp trên Le Monde và bạo động bùng lên trên đảo Guadeloupe, vùng hải ngoại thuộc Pháp. Les Echos cũng đề cập đến tình hình Pháp, nhưng trong khuôn khổ dịch Covid-19 lây lan mạnh trở lại ở Châu Âu. 

Le Monde chạy tựa chính đề cập đến vấn đề xã hội đang nhức nhối tại Pháp, nêu bật "Nỗi tức giận của giới lương thấp, bị lãng quên khi kinh tế phục hồi

Các cuộc đình công đang xuất hiện ở Decathlon, H&M, Leroy-Merlin hoặc Labeyrie, trong những lĩnh vực mà cho đến nay đình công cực kỳ hiếm. 

Lạm phát, và đặc biệt là giá năng lượng tăng, cũng như chi phí nhà ở chủ yếu ảnh hưởng đến những người lao động có thu nhập thấp nhất. Họ tố cáo việc công lao ít được các doanh nghiệp công nhận, nhất là khi nhiều doanh nghiệp vẫn mở cửa và thu lợi nhuận trong thời kỳ khủng hoảng y tế.

Vào thời điểm tăng trưởng trở lại và khó khăn trong việc tuyển dụng, các nhân viên đang yêu cầu được tăng lương. 

Còn La Croix, trên nền cảnh rào cản bốc cháy trên một con đường một bên có trồng dừa, chạy hàng tựa lớn "Guadeloupe, tình trạng nghi kỵ".

Theo tờ báo công giáo, phong trào nổi dậy đang bùng lên ở vùng quần đảo Antilles, đặc biệt với chiêu bài chống vac-xin, đã được nuôi dưỡng bằng những yêu sách thường thấy trong hơn 10 năm qua, mà điển hình là vụ tai tiếng sử dụng chất chlordecone. 

Mùa đông Châu Âu sẽ khó khăn hơn vì Covid

Riêng Les Echos đã dành tựa lớn trang nhất để nêu bật tình trạng "Đà bùng phát trở lại của dịch Covid đang được giám sát". 

Tờ báo kinh tế Pháp ghi nhận là các biện pháp hạn chế y tế đang được nhân lên khắp Châu Âu, với hệ quả là vào mùa đông sắp tới, đà khôi phục các hoạt động kinh tế tại Châu Âu sẽ bị cản trở. 

Les Echos đặc biệt nhấn mạnh đến "tình trạng hỗn loạn ở Đức bắt nguồn từ vac-xin ngừa Covid", và quyết định "siết chặt thêm" các biện pháp hạn chế tại Ý. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 311 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)