Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/11/2021

Điểm báo Pháp - Thuốc chữa và vac-xin Covid-19 mới

RFI tiếng Việt

Covid 19 : Hy vọng vào thuốc chữa và vac-xin mới

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng lên trở lại một cách dữ dội khắp Châu Âu và nước Pháp cũng bắt đầu đối mặt với làng sóng dịch thứ 5, cuộc chiến phòng chống dịch Covid lại nổi lên là mối quan tâm của nhiều tờ báo.  Le Figaro chạy tựa chính trang nhất : "Vac-xin, điều trị : Những vũ khí mới chống lại Covid".

vaccine1

Thuốc trị Covid-19 molnupiravir của hãng dược phẩm Merck. Ảnh do Merck cung cấp ngày 17/05/2021.  © Merck & Co Inc/Handout via Reuters/File Photo

Le Figaro ghi nhận "Những con số kinh ngạc về virus lây lan (hơn 20 nghìn ca mỗi ngày ở Pháp), những dự báo thảm họa của Tổ chức Y tế Thế giới (thêm 700 nghìn người chết ở Châu Âu từ nay đến mùa xuân), hàng loạt nước từ Đông đến Bắc Âu trở lại với các biện pháp phòng dịch ngặt nghèo… không còn nghi ngờ gì nữa làn sóng dịch thứ 5 đã xuất hiện".

Trong khung cảnh u ám đó vẫn có những tia sáng hy vọng. Trang sự kiện của Le Figaro phản ánh "cuộc chiến chống dịch sẽ được tăng cường với việc xuất hiện hai loại thuốc kháng virus và một loại vac-xin mới nhiều hứa hẹn để tiêm liều bổ sung".

Ngay khi những vac-xin có công hiệu tốt đầu tiên được cấp phép, các nhà nghiên cứu không ngừng tìm kiếm các liều thuốc điều trị. Le Figaro cho biết, hai phòng thí nghiệm lớn của Mỹ Merck Sharp and Dhome và Pfizer đã có thành công lớn bào chế được các loại thuốc chữa Covid, người bệnh có thể sử dụng tại nhà ngay khi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Loại thuốc có tên thương mại Lagevrio này giảm rất nhiều nguy cơ bệnh chuyển nặng. Những liều thuốc đầu tiên này có thể được kê đơn tại Pháp từ giữa tháng 12 này. Trong khi đó trên mặt trận vac-xin, hãng dược Novavax, cũng vẫn là một tập đoàn của Mỹ, giới thiệu một loại thuốc chủng mới có công hiệu trên 90%, được bào chế bằng công nghệ protein truyền thống vẫn làm trước đây. Đáng chú ý là loại vac-xin mới này thích ứng hoàn toàn với tất cả các loại vac-xin hiện hành để tiêm thêm liều nhắc lại. Cơ quan quản lý dược Châu Âu đang khẩn trương xem xét hồ sơ để cấp phép lưu hành cho loại vac-xin mới này.

Trong khi ở chính quốc Pháp, quy định về chứng nhận y tế tỏ ra có hiệu quả thúc đẩy tiêm chủng thì tại vùng lãnh thổ hải ngoại Guadeloupe của Pháp quy định này đang làm dấy lên làn sóng chống đối chưa từng có.

Nhật báo Libération có bài phóng sự dài ghi nhận : Từ hơn một tuần nay, quần đảo này bị tê liệt vì phong trào phản kháng và bạo lực bùng phát dữ dội. Lý do là để chống lại quy định bắt buộc chứng nhận y tế như ở chính quốc, vì tại Guadeloupe tỷ lệ tiêm ngừa Covid mới chỉ đạt chưa đến 40%. Nhưng thực tế, nguyên nhân sâu xa của phong trào phản kháng hiện nay là đời sống kinh tế của người dân đảo đang bị xuống cấp, Hơn một phần ba dân Guadeloupe sống dưới mức nghèo khó, thất nghiệp. Đại dịch Covid-19 càng làm cho tình hình kinh tế của quần đảo, vốn phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào du lịch, xấu đi thêm. Người dân đảo cảm thấy bị chính quốc bỏ rơi. Nỗi bất bình đã lên rất cao, giờ đây quy định về chứng nhận y tế, chỉ là giọt nước làm tràn ly nước, theo ghi nhận của Libération.

Ai Cập – Pháp : Mặt trái của quan hệ đối tác quân sự

Chuyển qua với các chủ đề thời sự quốc tế. Nhật báo Le Monde chạy tựa chính trang nhất : "Ai Cập đã sử dụng sai trợ giúp quân sự của Pháp thế nào".

Pháp và Ai Cập có sự hợp tác quân sự khá chặt chẽ từ lâu nay. Le Monde nêu ra mặt trái của quan hệ đối tác quốc phòng từ những tiết lộ của trang tin Disclose của Pháp, theo đó Cairo đã sử dụng các tin tức tình báo nhằm chống khủng bố được Paris cung cấp để đánh vào các mục tiêu dân sự, những đối tượng buôn lậu. Một chiến dịch do thám trên không của Pháp đã giúp cho Ai Cập tiến hành nhiều lần các vụ không kích vào những mục tiêu dân sự ở biên giới Lybia.

Theo tiết lộ của trang tin chuyên về các điều tra nói trên thì phía Pháp đều biết việc sử dụng tin tức tình báo sai mục đích như vậy của phía Ai Cập. Nhưng do Ai cập là bạn hàng vũ khí lớn của Pháp nên Paris đành nhắm mắt làm ngơ cho các hành động trấn áp của chính quyền của tổng thống Al-Sissi. Ngoài ra Le Monde cũng cho biết là Paris cũng không muốn minh bạch trong việc cung cấp các thiết bị công nghệ cao phục vụ nghe lén thông tin cho Ai Cập.

Hung thần làm cảnh sát trưởng thế giới ? 

Trang thế giới báo La Croix chú ý tới một nhân vật của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, từng bị nhiều tố cáo là hung thần tra tấn, lại đang có khả năng được bầu làm lãnh đạo tổ chức Cảnh sát Quốc tế Interpol.

Theo La Croix, 194 nước thành viên tổ chức Cảnh sát Quốc tế, ngày 25/11 này bầu chủ tịch mới. Ứng viên chủ chốt là ông Ahmed Nasser Al Raisi, một nhân vật đang là đối tượng bị kiện ở Pháp và Anh vì những cáo buộc can dự vào các vụ tra tấn người.

Gần như chắc chắn tướng Ahmed Nasser Al Raisi, tổng thanh tra của Bộ Nội vụ Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), là thành viên ban chấp hành của Interpol từ 2018, sẽ trở thành chủ tịch của tổ chức cảnh sát quốc tế.  Đối thủ cạnh tranh với ông hiện có 2 người : là bà phó chủ tịch Interpol, Sarka Havrankova, người Cộng hòa Czech và ông Amadu Mohamed, người Nigeria.

Có điều là tướng Al Raisi, người từng qua những vị trí lãnh đạo chủ chốt về an ninh của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế không ít lần cáo buộc đã can dự vào các vụ bắt bớ, tra tấn một cách có hệ thống những tù nhân bất đồng chính kiến hay những nhà bảo vệ nhân quyền.

Ở Anh và Pháp, nhân vật này đã bị nhiều đơn kiện vì các cáo buộc như trên, nhưng đều không có sự trả lời từ chính quyền Pháp. Bởi Paris cũng không muốn ngáng đường đại diện của một quốc gia đang được coi là "đối tác chiến lược" và là một khách hàng lớn của ngành công nghiệp vũ khí Pháp.

Theo La Croix, đầu tháng 12 tới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới thăm Abu Dhabi, có thể nước này sẽ ký mua của Pháp 60 chiến đấu cơ Rafale. Ngoài ra tờ báo cũng cho biết là từ năm 2016, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn là nước đóng góp tài chính cho Interpol đứng hàng thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ.

Nếu Al Raisi được bầu thì đúng là điều trớ trêu. Viên tướng cảnh sát Ả Rập Thống Nhất đang có nguy cơ bị bắt và khởi tố ở Pháp hay một số nước khác, sẽ đàng hoàng đến trụ sở chính của Interpol tại Lyon với tư cách lãnh đạo.

Miến Điện : quân nhân đào ngũ tăng

Liên quan đến khu vực Châu Á, Le Figaro chú ý trở lại với tình hình ở Miến Điện. Từ sau khi làm đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, chính quyền quân sự đang bị áp lực từ bên ngoài đến trong nước.  Le Figaro ghi nhận tại Miến Điện chính quyền quân sự đang phải đối mặt với thách thức mới vì quân nhân đào ngũ.

Theo tờ báo, từ khi đảo chính (02/2021), đã có hơn 2.000 quân nhân gia nhập lực lượng đối lập có vũ trang. Ngày càng có nhiều binh lính, sĩ quan quân đội đào ngũ đứng về phía phong trào bất tuân dân sự. Thực ra thì con số 2.000 quân nhân đào ngũ không nhiều so với con số 350.000 quân của quân đội Miến Điện, nhưng xu hướng này đang tăng đều từ đầu năm nay. 

Ở Miến Điện, quân nhân đào ngũ là chuốc lấy rủi ro vào mình. Họ có thể bị bỏ tù, trừng phạt thể xác hay thậm chí những ai bị đuổi bắt có thể còn bị bắn bỏ. 

Gần 10 tháng sau cuộc đảo chính, trong lúc Miến Điện lún sâu vào cuộc nội chiến, lôi kéo các binh sĩ đào ngũ là một trong những chủ trương mới của phong trào dân chủ. Chính phủ Đoàn Kết Quốc Gia (NUG) chống chính quyền quân sự đã công khai kêu gọi các quân nhân, cảnh sát đứng về phía nhân dân để chống lại tập đoàn quân sự. Chính phủ lưu vong này còn hứa tiếp tục trả phụ cấp cho họ trong tương lai.

Theo tờ báo, những tháng qua, phong trào dân chủ đã thành lập được các đơn vị du kích quân chống lại tập đoàn quân sự. Những quân nhân đào ngũ sẽ là nguồn đào tạo quân sự rất quý giá cho lực lượng kháng chiến vốn xuất thân từ dân thành thị, học sinh sinh viên, hầu như không có kiến thức về quân sự, vũ trang.

Chính quyền quân sự đã nhận thấy mức độ nguy hiểm của hiện tượng quân nhân đào ngũ gia tăng. Quân đội mới đây đã ra hàng loạt các quy định nhằm thắt chặt quản lý quân nhân của mình như cấm binh sĩ ra khỏi doanh trại hay cấm sử dụng điện thoại di động…

Đồng thuận hiếm hoi giữa Mỹ và Trung Quốc trên mặt trận dầu lửa

Phần cuối mục điểm báo hôm nay là thông tin liên quan đến kinh tế. Giá dầu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh trong nhiều tuần qua đang đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Nhật báo Les Echos cho biết, tổng thống Mỹ Joe Biden đã có quyết định phản công các nước sản xuất dầu với hy vọng hạ nhiệt thị trường. Hôm 23/11, ông thông báo Mỹ sẽ đưa ra bán trên thị trường 50 triệu thùng dầu thô lây từ kho dự trữ chiến lược của nước Mỹ. 

Biện pháp này còn đặc biệt ở chỗ, Mỹ còn phối hợp được với các nước lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh Quốc cũng chấp nhận vét kho dự trữ mỗi nước vài triệu thùng để tung ra thị trường nhằm làm giảm giá dầu, ít nhất là trong trước mắt. Trước đó Hoa Kỳ đã kêu gọi các nước sản xuất dầu chính của thế giới trong nhóm APEC và Nga tăng lượng dầu bán ra trên thị trường, nhưng không có ai nghe theo.

Theo nhật báo kinh tế, thì các nước nhập khẩu dầu lớn mới chỉ dùng đến biện pháp đặc biệt trên có 3 lần từ khi họ lập kho dự trữ chiến lược của quốc gia sau cuộc khủng hoảng dầu lửa hồi năm 1973. Lần gần đây nhất là vào năm 2011, khi xảy ra cuộc nội chiến ở Libya, nhưng khi đó Trung Quốc không tham gia. Cuộc phản công lần này được cho là mang tính lịch sử.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 279 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)