Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/11/2021

Điểm báo Pháp – Putin không muốn bị quên

RFI tiếng Việt

Sợ bị quên lãng, Tổng thống Nga Putin không dễ để yên cho Mỹ chú tâm đối phó với Trung Quốc

Điều mà tổng thống Nga Vladimir Putin không thích là ông bị rơi vào quên lãng. Theo cách riêng của mình, trong những tuần gần đây, tổng thống Nga Vladimir Putin đã gợi nhắc lại một kỷ niệm cho Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới, vốn sợ mất địa vị này đến mức hiện giờ chỉ chú tâm vào đối thủ mới Trung Quốc.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại dinh thự ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva, ngày 20/10/2021. AP - Alexei Druzhinin

Trong mục Địa chính trị, Thời luận, cây bút Sylvie Kauffmann của Le Monde nhắc lại hồi năm 2014 tổng thống Mỹ Barack Obama đã phạm sai lầm khi gọi Nga là "cường quốc khu vực", đồng nhiệm Vladimir Putin cảm thấy bị xúc phạm vì hành động "thiếu tôn trọng" này. Kể từ đó, Putin đã làm mọi việc để chứng minh với các nhà lãnh đạo Mỹ rằng đất nước ông, cho dù không còn rộng lớn như Liên Xô trước kia, vẫn có vai trò trên toàn thế giới.

Sự "tôn trọng" kể trên, trong suy nghĩ của ông chủ điện Kremlin, được thể hiện chủ yếu qua các cuộc gặp thượng đỉnh, như thời của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Trong hai thập niên cầm quyền, phương pháp của Vladimir Putin là nếu hội nghị thượng đỉnh chậm được tổ chức thì luôn có cách để thúc đẩy nó sớm diễn ra hơn. Theo phương pháp này, vào tháng 9/2015, trong bối cảnh bị Tây phương tẩy chay vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014, tổng thống Nga đã lần đầu tiên điều máy bay tiêm kích Sukhoï đến vùng trời Syria, làm tiền đề cho sự can thiệp nhằm hỗ trợ chế độ Assad. Ngày 28/09/2015, lần đầu tiên sau hai năm tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ Obama. 

Putin luôn tìm ra cách…

Đến thời Joe Biden, ông Putin biết rằng mọi chuyện sẽ không dễ dàng như từng diễn ra với Donald Trump. Quả thực, vào ngày 22/03, theo thông báo của Moskva, Nhà Trắng đã từ chối một đề nghị tổ chức thượng đỉnh trực tuyến. Đến đầu tháng 4, Kiev và tình báo phương Tây quan sát thấy Nga tập trung rất đông quân ở dọc biên giới với Ukraine. Câu hỏi về ý đồ của điện Kremlin đã được đặt ra.

Không lâu sau đó, câu trả lời đã có : vào ngày 13/04, Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga Putin. Thượng đỉnh sau đó diễn ra vào 16/06, tại Genève, Thụy Sĩ. Trong thời gian đó, quân lính mà Nga điều thêm đến biên giới đã được rút hết. Về phía tổng thống Mỹ, tin rằng đôi bên đã hiểu đâu là các lằn ranh đỏ mà đối phương vạch ra, Joe Biden trở về Washington với cảm giác đã giải quyết xong vấn đề liên quan đến Châu Âu để có thể tập trung vào chiến dịch rút lui khỏi Afghanistan, và sau đó có thể "toàn tâm toàn ý" vào mục tiêu Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhà báo Sylvie Kauffmann, tính toán như vậy là quá lạc quan. Hai sự kiện không lường trước ở Châu Âu đã khiến mọi việc không diễn ra như ý Washington. Thứ nhất, Paris bị tổn thương về thông báo thành lập liên minh AUKUS cho rằng bị đồng minh Mỹ phản bội. Thứ hai, đối với điện Kremlin, vẫn còn một chủ đề lớn chưa được giải quyết : Ukraine. Vì thế, giới ngoại giao Mỹ đã buộc phải quay trở lại Châu Âu vào mùa thu. Các phái đoàn quan chức cao cấp của Mỹ đã phải đến Paris để khắc phục hậu quả liên quan tới liên minh AUKUS. Đến tháng 11, đại diện CIA Mỹ, một người am hiểu về Nga, đã đến Moskva, bởi vì Nga lặp lại kịch bản điều thêm quân đến biên giới với Ukraine.

Ai ám ảnh ai ?

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö hôm 22/11 lưu ý tại một diễn đàn của Quỹ Körber ở Berlin, rằng Nga và Mỹ đang chuẩn bị một cuộc gặp thượng đỉnh mới và nhận định "sẽ rất tốt nếu điều đó sớm diễn ra". Joe Biden đã có cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 11. Theo logic của điện Kremlin, ông Biden cũng sẽ phải có cuộc họp với tổng thống Nga Putin : Washington bị ám ảnh bởi Trung Quốc, ngược lại Moskva lại bị Mỹ ám ảnh.

Để nhắc nhở Washington, ngày 18/11 Vladimir Putin đã có một bài phát biểu tại Bộ ngoại giao Nga, chỉ trích gay gắt phương Tây đã lơ là các "lằn ranh đỏ" về Ukraine và về sự mở rộng NATO sang phía đông. Theo ông Putin, Nga gặp rắc rối với "những đối tác không đáng tin cậy và dễ dàng từ bỏ các cam kết của họ". Le Monde kết luận dù là trò chơi ngoại giao đi chăng nữa, tình hình ở trung tâm Châu Âu đang biến động một cách nguy hiểm và không dễ để Washington thoát ra.  

Châu Âu và 1.000 km hàng rào biên giới

Hồ sơ nổi bật trên báo Le Figaro hôm nay là cuộc khủng hoảng di dân ở cửa ngõ Châu Âu. Cả trang nhất, bài xã luận và nhiều trang bài bên trong đều dành nói về đề tài này. Ở trang nhất, trên nền bức ảnh hàng rào thép gai và chốt biên phòng của Ba Lan là dòng tít "Châu Âu bị chia rẽ về việc bảo vệ biên giới" kèm theo đó là nhận định bất chấp sức ép từ nhiều nước thành viên để đối phó với dòng người nhập cư ồ ạt, Bruxelles vẫn từ chối cấp kinh phí xây tường và hàng rào cản đường di dân.

Trong bài xã luận có nhan đề "Nguyên tắc thực tế", Le Figaro nhấn mạnh sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của bức tường Berlin từng được cho là đánh dấu sự kết thúc của tất cả các tường lũy ở Châu Âu, mở ra một thời kỳ "hòa bình bất tận" và "toàn cầu hóa hạnh phúc" nay đã khép lại. Lý tưởng đã tan vỡ trước những thực tế mới... Kể từ năm 1989 tới nay, cùng với khủng hoảng nhập cư, hơn 1.000 km rào chắn, dài gấp 6 lần bức tường Berlin, đã được dựng lên ở Châu Âu.

Tuy nhiên, việc dựng các bức tường mới không còn là một vấn đề chính trị, không còn để phân chia Châu Âu thành hai nửa đông - tây, mà là biểu tượng chia rẽ những người ủng hộ một Châu Âu mở cửa và những người đòi hỏi Liên Hiệp Châu Âu phải hành động để đối phó với mối nguy hiểm về di dân.

Một số người coi đó là một "biểu tượng đáng ghét" về "một Châu Âu đã biến thành pháo đài", về "sự trở lại của bức tường Berlin". Đối với một số người khác, đó là cách duy nhất để bảo vệ hiệu quả hơn biên giới ngoại khối. Le Figaro ghi nhận cứ mỗi lần có một bức tường, hàng rào được dựng lên, là những sự căng thẳng, khó chịu lại bùng trở lại, đặc biệt từ các tổ chức phi chính phủ. Nhưng lần này, sức ép đối với Ủy ban Châu Âu đặc biệt gia tăng. Hiện giờ, có đến 14 nước, hơn nửa số thành viên Liên Âu, chính thức ủng hộ việc Bruxelles chi tiền xây tường biên giới.  

Di dân : Biển Manche chưa bao giờ tang thương đến thế

Trong khi báo thiên hữu Le Figaro tập trung vào cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới Ba Lan - Belarus, báo thiên tả Libération lại quan tâm đến bi kịch 31 di dân, trong đó có một phụ nữ đang mang thai và một em nhỏ, thiệt mạng hôm qua trên biển Manche khi từ Pháp vượt biển sang Anh. Trong số 34 người vượt biển, chỉ có 2 người được cứu sống nhưng đang trong tình trạng nguy kịch, người còn lại vẫn mất tích.

Libération gọi đây là "một thảm kịch vô song" và chạy tựa trang nhất "Biển Manche chưa bao giờ tang thương đến thế". Vụ việc nghiêm trọng tới mức tổng thống Pháp Macron đã phải lên tiếng, hứa "nước Pháp sẽ không để biển Manche biến thành một nghĩa trang". Bộ trưởng Nội vụ Pháp Darmanin gọi thảm họa này là "một đám tang lớn cho cả nước Pháp và Châu Âu" và nhấn mạnh thủ phạm là những tên tội phạm đã tổ chức đưa người di cư trái phép, nhưng phần nào cũng do Anh và Pháp thiếu hợp tác.

Sự thắt chặt kiểm soát an ninh ở Calais, Pháp và đầu đường hầm Eurotunnel phía Anh Quốc đã thúc đẩy di dân quốc tế từ Calais dùng xuồng nhỏ bơm hơi vượt biển Manche, với chi phí 2.000-4.000 euro/người. Hôm 10/10, chỉ trong một đêm, phía Anh đã cứu sống hoặc chặn bắt tổng cộng 1.115 người nhập cư qua ngả biển Manche.   

Năm 2021, số di dân vượt biển Manche thành công và cập bờ biển Anh Quốc là 23.000 người, nhiều gấp 3 lần năm 2020. Libération dẫn số liệu của Hội đồng di dân Anh, cho biết 2/3 số này đến từ Iran, Iraq, Sudan, Syria và Việt Nam. Đây là những nước bị bộ nội vụ Anh xếp vào danh sách các nước "có nguy cơ cao" về di dân.

Quân đội Pháp và cuộc đua công nghệ mới trong ngành vũ trang 

Chủ đề của báo kinh tế Les Echos hôm nay rất dàn trải, từ các gương mặt lãnh đạo mới của Đức, Ankara dưới sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài, sự bình đẳng nam-nữ trong chính giới ở Bắc Âu, các công ty trẻ về xe điện trên thị trường, hồi chuông báo động mới của FAO về tình trạng dễ bị tác động của hệ thống sản xuất và phân phối thực phẩm của thế giới …

Liên quan đến nước Pháp, trong mục Giải mã, báo kinh tế Les Echos quan tâm đến "Bằng cách nào quân đội Pháp tìm lại được con đường sáng chế, phát minh". Đi đầu trong lĩnh vực sáng chế, phát minh trong suốt một thời gian dài, lĩnh vực quốc phòng Pháp từng bị lung lay mạnh do sự bùng nổ kỹ thuật số. Nhưng dưới sự lãnh đạo của bộ trưởng Quân lực Florence Parly, quân đội Pháp lại trở lại cuộc đua dẫn đầu, hướng nhiều hơn tới các công nghệ dân sự.

Mỗi tháng, Cơ quan Sáng chế Quốc phòng nhận được 30 - 50 dự án mới, chẳng hạn phát minh xe bọc thép tự động ngụy trang như tắc kè hoa nhờ màn hình pixel, vòi cứu hỏa phun rất ít nước nhờ tạo ra những tia nước mịn như sương nhưng với tốc độ cao, quy trình nuôi cấy da tự thân mới để chữa những ca bỏng nặng, vải thông minh có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu ô-xy của phi công đang bay.

Với sự gia tăng các nghiên cứu về laser, trí tuệ nhân tạo, giám sát bằng vệ tinh…, ngành quốc phòng Pháp muốn chứng tỏ họ đã quay trở lại cuộc đua sáng chế ở mức nào, sau khi bị giới dân sự, đặc biệt là giới kỹ thuật số "vượt mặt". Các nguồn lực dành riêng cho sáng chế đã được tăng từ 730 triệu euro hồi năm 2019 lên thành 1 tỷ euro, theo đạo luật tài chính năm 2022, các phương pháp và quy trình hỗ trợ phát minh đã được cải cách phần nào để tăng tốc các nghiên cứu, sáng chế như trí tuệ nhân tạo, lượng tử, giám sát không gian, vũ khí năng lượng định hướng… và giúp binh lính phát triển các ý tưởng, sáng kiến.

Les Echos trích dẫn ông Emmanuel Chiva, giám đốc Cơ quan Sáng chế Quốc phòng của Pháp, theo đó một cuộc chạy đua công nghệ mới đã được phát động trong ngành vũ trang. Và nước Pháp cho đến nay vẫn không bị tụt lại phía sau.

Bắc Kinh : Zero Covid là chiến lược "không thể lay chuyển"

Hầu hết các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến làn sóng dịch Covid-19 ở Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng. Riêng Le Monde đưa độc giả đi một vòng quanh thế giới, đến các nước từng chủ trương Zero Covid, đặc biệt là Úc, New Zealand và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, với nhận định "Phần lớn các quốc gia từng ủng hộ Zero Covid phải bỏ cuộc". Chính sách kiểm soát chặt chẽ đại dịch không còn phù hợp trước sự lây lan quá nhanh của virus corona biến chủng Delta. Về mặt y tế, Zero Covid hiệu quả nhưng kéo dài về kinh tế là không thể được. Hiện giờ trên thế giới chỉ còn Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero Covid.

Riêng về Trung Quốc, thông tín viên Le Monde, Frédéric Le Maitre, cho biết đối với Bắc Kinh, Zero Covid là chiến lược "không thể lay chuyển". Cho đến nay, Trung Quốc dường như vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ chiến lược này. Le Monde kết luận, đối với Bắc Kinh, đây vừa là thử thách về y tế, vừa là thách thức về chính trị. Tập Cận Bình đã từng tuyên bố Trung Quốc đã "chiến thắng" virus corona và Đảng cộng sản ưu tiên bảo vệ "sự sống". Bắc Kinh cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác làn sóng Covid-19 ở Châu Âu, coi đó là biểu hiện cho sự yếu kém của các nền dân chủ.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 400 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)