Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/11/2021

Không gian : Mỹ vì nhân loại, Trung Quốc chỉ vì mình

RFI tổng hợp

NASA phóng phi thuyền đâm vào một tiểu hành tinh

Thanh Phương, RFI, 24/11/2021

Mong muốn tăng cường và mở rộng quan hệ với Indonesia đã được ngoại trưởng Pháp công khai thể hiện vào hôm qua tại Jakarta khi ông loan báo việc Pháp dấn thân vào một "quan hệ đối tác tăng cường" với Indonesia. Để cụ thể hóa điều này, ông Jean-Yves Le Drian đã ký với đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi "một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược" đã có giữa hai nước từ năm 2011. 

space1

Phi thuyền DART của cơ quan không gian Mỹ NASA được phóng lên từ Los Angeles (California, Hoa Kỳ) ngày 23/11/2021. Ảnh chụp màn hình ngày 24/11.  © Stephen Saux via Reuters

Chuyến bay này được đặt tên là DART. Phi thuyền đã được phóng lên từ căn cứ Vandenberg ở bang California, trên một hỏa tiễn Falcon 9 của hãng SpaceX.

Theo hãng tin AFP, trong một cuộc họp báo, nhà khoa học Tom Statler của cơ quan NASA tuyên bố đây là một cuộc thử nghiệm mang tính "lịch sử": Lần đầu tiên, nhân loại sẽ làm thay đổi đường di chuyển của một thiên thể trong không gian. 

Đúng hơn đây là một cuộc "tổng diễn tập", bởi vì tiểu hành tinh bị nhắm tới không đe dọa gì Trái Đất chúng ta. Nhưng cơ quan không gian Hoa Kỳ xem mục tiêu của chuyến thử nghiệm này là rất quan trọng. 

Hiện giờ NASA đã liệt kê được hơn 27.500 tiểu hành tinh đủ mọi kích thước bay gần Trái Đất và trong số này không có một tiểu hành tinh nào là một mối đe dọa đối với nhân loại trong khoảng 100 năm tới. 

Nhưng theo AFP, các chuyên gia chỉ mới nắm được khoảng 40% số tiểu hành tinh có kích thước từ 140 mét trở lên, tức là có thể phá hủy hoàn toàn cả một vùng nếu va chạm vào Trái Đất. Đa số các tiểu hành tinh kia còn cần phải được khám phá. Cho nên, phải phát triển một kỹ thuật để bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi các hiểm họa trong tương lai. 

Phi thuyền vừa được NASA phóng lên có kích thước nhỏ hơn một xe hơi, theo dự kiến trong 10 tháng nữa sẽ đâm với vận tốc 24.000 km/giờ vào một tiểu hành tinh có kích thước bằng một sân bóng đá (đường kính khoảng 160 mét). Tiểu hành tinh mang tên Dimorphos thật ra là một "Mặt Trăng" nằm trên quỹ đạo chung quanh một tiểu hành tinh khác có kích thước lớn hơn (đường kính 780 mét) , có tên là Didymos.  

Sau khi phi thuyền đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos, các viễn vọng kính từ Trái Đất sẽ tính toán độ chệch hướng của tiểu hành tinh này. Các nhà khoa học sẽ dựa trên kết quả tính toán để xác định trong tương lai nên dùng một khối lượng như thế nào để đâm vào một loại tiểu hành tinh nào để làm chệch hướng bay đủ để tránh cho nó va vào Trái Đất.

Thanh Phương

***********************

Trung Quốc thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh, công nghệ Mỹ - Nga chưa có

Thùy Dương, RFI, 23/11/2021

Hồi mùa hè năm 2021, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng phóng đầu đạn, một công nghệ mà cả Mỹ và Nga, hai cường quốc về tên lửa, cho đến nay vẫn chưa đạt được.

space2

Tên lửa DF-17 của Trung Quốc trong lễ diễu binh mừng 70 năm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01/10/2019. AP - Mark Schiefelbein  AP - Ng Han Guan

Báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 22/11/2021, xác nhận thông tin mà báo Anh Financial Times công bố hôm Chủ Nhật 20/11, theo đó vào hồi tháng 7/2021, Trung Quốc đã thực hiện một vụ thử liên quan đến một "hoạt động tinh vi trong đó một đầu đạn được bắn ra từ một tên lửa siêu thanh đang bay".

The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ ẩn danh nhận định vụ thử nghiệm này cho thấy năng lực chế tạo tên lửa siêu thanh của Trung Quốc tốt hơn những gì được biết đến từ trước đến nay.

Còn theo Financial Times, "các chuyên gia của DARPA, Cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm Góc, không biết nhờ cách nào Trung Quốc đã bắn thành công được một đầu đạn từ một thiết bị bay ở tốc độ siêu thanh", tức là với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Các chuyên gia có quyền truy cập thông tin từ các cơ quan tình báo Anh cũng không biết đầu đạn rơi xuống biển thuộc loại nào. Một số chuyên gia cho rằng đó là tên lửa không đối không, một số khác lại nghĩ rằng đó là loại pháo mồi được bắn ra để bảo vệ tên lửa siêu thanh trong trường hợp tên lửa này bị nhắm bắn.

AFP nhắc lại là vào tháng 10/2021, Financial Times loan tin hồi tháng 8, Bắc Kinh đã phóng một tên lửa siêu thanh bay quanh quỹ đạo Trái đất trước khi tên lửa lao xuống mục tiêu, nhưng bị chệch vài km. Bắc Kinh khi đó phủ nhận vụ phóng thử tên lửa, khẳng định đó chỉ là thử nghiệm công nghệ tàu vũ trụ có thể tái sử dụng.

Tuy nhiên, tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Mark Milley, vài ngày sau đó đã nói về một "vụ thử nghiệm rất quan trọng về một hệ thống vũ khí siêu thanh", nhưng không nêu rõ ngày tháng. Tướng Mark Milley so sánh vụ thử nghiệm đó với vụ phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô hồi tháng 10/1957, khiến nước Mỹ bị bất ngờ và phải phát động cuộc chạy đua chinh phục không gian.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương, Thùy Dương
Read 325 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)