EU : ‘Global Gateway’ đối đầu với "Con đường tơ lụa mới" Trung Quốc
Phương Tây tố cáo Trung Quốc làm cho các quốc gia mới nổi ngập trong nợ nần, duy trì tham nhũng, không tôn trọng nhân quyền, phá hoại môi trường với các dự án "Con đường tơ lụa mới", nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng. Để đối phó, Liên Hiệp Châu Âu tung ra chương trình "Global Gateway" với 300 tỉ euro, hứa hẹn minh bạch, công bằng.
Tuyến đường xe lửa nối Budapest (Hungary) với Beograd (Serbia) do Trung Quốc tài trợ tái thiết, là dự án hàng đầu nhằm gia tăng ảnh hưởng Bắc Kinh tại Châu Âu. Trong ảnh minh họa : Công nhân và quan chức dự lễ khánh khánh thành ngày 28/11/2017. AP - Darko Vojinovic
Kế hoạch của Liên Hiệp Châu Âu nhằm đối phó với "Con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc, áp lực quân sự Nga lên Ukraine, khủng hoảng di dân, các ứng cử viên tổng thống Pháp tìm kiếm nguồn tài chính cho cuộc đua. Đó là các chủ đề chính của báo Pháp hôm nay 02/12/2021.
Minh bạch và công bằng, không tạo ra lệ thuộc
Les Echoschạy tựa trang nhất "Sự đáp trả của Châu Âu trước bành trướng Trung Quốc" và nhấn mạnh ở trang trong : "Con đường tơ lụa : Châu Âu muốn huy động 300 tỉ euro để cạnh tranh". Hôm qua Ủy Ban Châu Âu đã giới thiệu "Global Gateway" (Cửa ngõ toàn cầu), kế hoạch hỗ trợ phát triển để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Liên Hiệp Châu Âu và trên thế giới, một kế hoạch kinh tế mang ý nghĩa địa chính trị.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen hồi tháng Chín đã tuyên bố, "sẽ vô nghĩa nếu Châu Âu xây dựng những xa lộ hoàn hảo nối một mỏ đồng của Trung Quốc với một hải cảng cũng của Trung Quốc. Chúng ta phải tỏ ra thông minh hơn trước kiểu đầu tư này". Châu Âu muốn bù đắp sự chậm trễ bằng việc mang lại cho các nước nghèo một chọn lựa khác ngoài "Con đường tơ lụa", công cụ gây ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Phương Tây tố cáo Trung Quốc làm cho các quốc gia mới nổi ngập trong nợ nần, duy trì tham nhũng, không tôn trọng nhân quyền, phá hoại môi trường với các dự án của mình, nhằm phục vụ cho mưu đồ bành trướng. Le Figaro nhắc nhở ngay tại Châu Âu, Montenegro không trả được món tín dụng để làm 42 kilomet xa lộ, có nguy cơ bị Bắc Kinh siết nợ. Liên Hiệp Châu Âu hứa hẹn minh bạch cao độ, quản lý tốt và chất lượng cao, dành cho đối tác "những điều kiện công bằng và thuận lợi để tránh mang nợ quá nhiều". Bà Leyen nhấn mạnh, EU "muốn tạo ra mối quan hệ chứ không phải sự lệ thuộc".
Theo ước tính của G20, thế giới cần đến 13.000 tỉ euro đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ nay đến 2040, còn Nhà Trắng ước lượng đến 40.000 tỉ đô la từ nay đến 2035. Kế hoạch EU ưu tiên cho đầu tư vào kỹ thuật số, y tế, khí hậu, năng lượng, giao thông và giáo dục. Châu Âu muốn duy trì vị thế hàng đầu về tiêu chuẩn công nghiệp và khuếch trương cơ sở hạ tầng "xanh". Nguồn tài trợ từ 2022 tới 2027 gồm 135 tỉ euro của Quỹ Châu Âu vì phát triển bền vững (EFSD), 20 tỉ của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (BEI), số 145 tỉ còn lại từ các quốc gia thành viên, định chế tài chính và các ngân hàng phát triển đa phương. Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre dự đoán chủ yếu đầu tư trong Châu Âu và một phần Châu Phi, còn Châu Á và Châu Mỹ la-tinh thì có vẻ khó.
Muộn còn hơn không, trước các rủi ro kinh tế và địa chính trị
Les Echos nhận xét, muộn còn hơn không. Sau thời gian dài trì hoãn, rốt cuộc Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng đã có được tầm nhìn chiến lược mới. Mùa xuân vừa rồi, đại diện thường trực của 27 nước thành viên trong một đồng thuận hiếm hoi đã kêu gọi EU phải tập trung đối phó với kế hoạch tấn công tổng lực của Trung Quốc từ năm 2013, tại các quốc gia đang phát triển.
Sau thời gian dài đánh giá thấp chương trình cơ sở hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh, các nước Châu Âu mới nhìn thấy những nguy cơ. Trước hết là về kinh tế, vì các doanh nghiệp Châu Âu bị đe dọa trên thị trường các nước trước những cuộc gọi thầu thiếu minh bạch và hằng hà sa số công ty cạnh tranh Trung Quốc. Bên cạnh đó là nguy cơ địa chính trị : phía sau những con đường, hải cảng, hệ thống viễn thông, là mạng lưới ảnh hưởng lớn được Bắc Kinh dệt nên. Như một nguồn tin Châu Âu nhận xét : "Sự kết nối ở thế kỷ 21 có tác động như các hoạt động quân sự trong thế kỷ 20, giúp bắt rễ sâu vào các lãnh thổ". Tại Trung Á, Châu Phi, Đông Âu, vùng Balkan, dấu ấn Bắc Kinh không ngừng tăng lên.
Tờ báo đặt ra các câu hỏi : nên ưu tiên cho những khu vực địa lý nào, tài trợ cho loại cơ sở hạ tầng nào, mục đích nào là chính ? Và cũng cần nói thẳng ra, hy vọng thu được lợi ích gì từ đầu tư ? Để đối phó với chiến lược chính trị cao độ của Trung Quốc, Ủy Ban Châu Âu cần có cuộc cách mạng về tư duy, phải khôn ngoan gấp đôi, chứng tỏ sự khác biệt bằng chất lượng chứ không chỉ đơn thuần dán nhãn "Global Gateway" là xong.
Trung Quốc giảm tốc "Con đường tơ lụa"
Tại Châu Á, ngày mai tuyến tàu cao tốc do Trung Quốc xây dựng dài 414 kilomet với 75 đường hầm và 167 chiếc cầu sẽ được khánh thành tại Lào, đất nước chỉ có 7,2 triệu dân. Tuyến đường được Bắc Kinh đầu tư 6 tỉ đô la nối Côn Minh, Trung Quốc với thủ đô nước Lào, trong tương lai sẽ đi qua Thái Lan, Malaysia, Singapore, là một mắt xích của "Con đường tơ lụa mới", ông Tập Cận Bình sẽ dự lễ khai trương qua video.
Thật ra số dự án "Con đường tơ lụa mới" (đã được đổi thành "Sáng kiến Vành đai & Con đường") đã giảm đi đáng kể do kinh tế tăng trưởng chậm lại, và tại một số nước có những tiếng nói chỉ trích, rằng người dân địa phương không được lợi gì mà lại lệ thuộc vào Trung Quốc. Bắc Kinh đã giảm tốc ngay cả trước khi đại dịch Covid xảy ra, năm 2019 số tiền cho vay từ hai ngân hàng phát triển lớn của Trung Quốc chỉ còn 4 tỉ đô la. Sau "ngoại giao khẩu trang", ưu tiên nay được dành cho "ngoại giao vac-xin", và theo Viện Merics, sự chuyển hướng trong "Con đường tơ lụa mới" phù hợp với nhu cầu phát triển của chính Trung Quốc.
Tập Cận Bình bị tố trực tiếp chỉ đạo "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ
Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết về "Những tài liệu khẳng định vai trò của Tập Cận Bình trong việc trấn áp Tân Cương". Những bằng chứng mới được công bố ngày 29/11 chứng tỏ chủ tịch Trung Quốc liên quan trực tiếp đến nạn đàn áp mà các nghị viện phương Tây coi là nhằm "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ.
Các tài liệu của thời điểm từ tháng 4/2014 đến tháng 5/2018 được nhà nhân chủng học Đức cư ngụ tại Hoa Kỳ, Adrian Zenz, tiết lộ sau khi tham khảo hai chuyên gia khác. Ông làm việc cho một think tank chuyên về "nạn nhân cộng sản". Một nguồn tin ẩn danh đã chuyển giao các thông tin cho "Tòa án Duy Ngô Nhĩ", một cơ chế độc lập gồm các chuyên gia và luật sư ở Luân Đôn, và họ đã trao lại cho Adrian Zenz để kiểm chứng.
Tập tài liệu 317 trang cung cấp những chi tiết cụ thể cho các tiết lộ của New York Times trong "Hồ sơ Tân Cương" (Xinjiang Papers) tháng 11/2019, và "China Cables" từ Liên minh quốc tế các nhà báo điều tra. Đây là lần đầu tiên những tài liệu tuyệt mật của chủ tịch nước Trung Quốc được đưa ra ánh sáng. Theo đó, chủ trương đưa người Duy Ngô Nhĩ đi cải tạo hàng loạt, cưỡng bức lao động, đồng hóa, đàn áp tín ngưỡng…là từ chính quyền trung ương.
Năm 2014, Tập Cận Bình ra lệnh "bắt giữ những ai cần phải bắt, và kết án những kẻ cần kết án". Tài liệu cho thấy gần ba triệu lao động nông thôn người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa đi làm việc tại các nhà máy ở Tân Cương và có thể những nơi khác tại Hoa lục, để chống nạn "lười biếng". Đích thân ông Tập kêu gọi công dân Tân Cương sang miền đông Trung Quốc sinh sống, và có thể chính ông đã ra lệnh hủy bỏ ưu tiên xưa nay để áp dụng chính sách một con đối với người Duy Ngô Nhĩ. Mục tiêu đặt ra cho miền nam Tân Cương, nơi hầu hết người Duy Ngô Nhĩ cư ngụ, là đến năm 2019 phải giảm sinh suất. Hàng trăm ngàn công chức người Hán được đưa đến sống chung với các hộ dân Duy Ngô Nhĩ để trở thành "thành viên của gia đình".
Grab được Wall Street chú ý
Cũng liên quan đến Châu Á nhưng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos chú ý đến sự kiện ứng dụng Grab hiện đang phổ biến ở Đông Nam Á, đã chinh phục được Wall Street. Vì tình trạng mất an ninh, cô sinh viên Hooi Ling Tan ở Malaysia mỗi đêm khi đi taxi về nhà đều phải gọi thường xuyên cho mẹ nói rõ từng chi tiết về tài xế và đoạn đường đi qua. Mẹ cô sống trong nỗi sợ hằng đêm như thế, thúc đẩy cô nghĩ đến một giải pháp an toàn. Năm 2011, tại đại học Havard, ở khu vực thức ăn Châu Á của căng-tin, cô gặp một sinh viên Malaysia khác là Anthony Tan, thuộc một gia đình rất giàu có. Cả hai xây dựng một dự án ứng dụng gọi xe, giành được giải nhì trong cuộc thi của trường cùng với 25.000 đô la để biến kế hoạch thành hiện thực.
Khi trở về Kuala Lumpur, hai sinh viên chính thức tung ra ứng dụng "MyTeksi" (taxi của tôi) với khẩu hiệu "Về nhà an toàn", nhưng có ít tài xế tham gia và điện thoại thông minh cũng chưa phổ biến. Hai nhà sáng lập phải đến các trạm xăng và bãi đậu xe gần sân bay, tặng các smartphone Samsung giá rẻ và thức ăn, cố thuyết phục từng tài xế một. Đến hôm nay, thứ Năm, công ty đã được đổi tên là "Grab" chỉ sau 9 năm đã được niêm yết tại Nasdaq với giá trị ước tính khoảng 40 tỉ đô la.
Hiện diện tại 450 thành phố thuộc Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Cam Bốt và Miến Điện, Grab có các dịch vụ taxi, đi chung xe, giao thức ăn, căng-tin chung, mua hàng trên mạng, riêng tại Việt Nam và Indonesia còn có dịch vụ xe ôm. Bắt chước WeChat và Alipay của Trung Quốc, Grab còn làm dịch vụ tài chính, bảo hiểm xe. Thị trường tại Đông Nam Á còn nhiều tiềm năng phát triển, dù đại dịch Covid khiến nhiều nơi phải phong tỏa. Các chuyên gia cho rằng việc Tập Cận Bình đàn áp các tập đoàn công nghệ như Alibaba, Tencent, Didi đã tạo điều kiện cho những công ty công nghệ Đông Nam Á đặt chân vào thị trường chứng khoán Mỹ, tuy phương Tây lâu nay ít quan tâm đến khu vực này.
Cam Bốt : Norodom Ranariddh, thủ tướng bị quên lãng qua đời tại Pháp
Cũng về Đông Nam Á, Le Monde nhắc đến Norodom Ranariddh, cựu thủ tướng Cam Bốt vừa qua đời tại Pháp ở tuổi 77. Ông Ranariddh là con của quốc vương Norodom Sihanouk với người vợ đầu trong số bảy bà vợ, và đang ở Pháp khi Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh năm 1975, dìm Cam Bốt trong biển máu. Vua Sihanouk và gia đình bị quản thúc, mãi đến năm 1979 mới được giải thoát nhờ quân đội Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng. Khmer Đỏ đã sát hại ít nhất 1,9 triệu người dân Cam Bốt, nhưng sự can thiệp của Việt Nam bị phương Tây cho là xâm lược.
Norodom Ranariddh được Sihanouk gọi về Bangkok lãnh đạo mặt trận Funcipec chống chính phủ được Việt Nam ủng hộ. Theo thỏa thuận Paris, bầu cử được tổ chức năm 1993, nhưng Hun Sen từ chối rời ghế, rốt cuộc Norodom Ranariddh trở thành đồng thủ tướng cho đến ngày 05/07/1997, Hun Sen giành trọn quyền lực. Các nước phương Tây từ lâu vẫn bực bội trước thái độ của Ranariddh và nạn tham nhũng của phe ông ta, mặc nhiên công nhận cuộc "đảo chính". Ranariddh là chủ tịch quốc hội đến 2006, rồi mất quyền kiểm soát đảng mình, lập ra đảng mới nhưng chỉ được số phiếu vô cùng ít ỏi, và còn bị các cộng sự cũ thưa kiện. Cựu thủ tướng dần dà bị quên lãng trên chính trường Cam Bốt.
Nga chuẩn bị xâm lăng Ukraine ?
Quay lại với Châu Âu, nguy cơ xung đột giữa Nga và Ukraine được nhiều tờ báo đề cập đến. Hoa Kỳ và Nga trong hai ngày qua đã liên tục đe dọa, cảnh báo lẫn nhau, trước việc Kremlin tập trung gần 100.000 quân gần biên giới Ukraine, với các trang bị quân sự hạng nặng, xe bọc thép, máy bay không người lái, đại bác, phi cơ, hỏa tiễn. Một sự triển khai quân ồ ạt chưa từng có cả về số lượng lẫn chất lượng. Hôm qua ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định có những bằng chứng cho thấy Kremlin "muốn xâm lăng Ukraine" với "các chiến dịch quân sự quy mô".
Trước đó tổng thư ký NATO cho biết có "nhiều cách" để đáp trả, nêu ra những trừng phạt nặng nề về kinh tế, tài chính và cả chính trị. Và ông Blinken đe dọa Moskva sẽ "trả một cái giá rất đắt" qua một loạt trừng phạt mà trong quá khứ Mỹ đã cố kềm chế. Về phía tổng thống Ukraine vẫn còn tin vào một giải pháp ngoại giao, nhưng dường như Moskva không mấy quan tâm, và còn tố ngược lại phương Tây đang đe dọa Nga.
Thụy My