Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/12/2021

Điểm báo Pháp - Khủng hoảng người tị nạn...

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng người tị nạn : Giáo hoàng "nổi giận" với Liên Âu

Pháp bán được gần 100 chiến đấu cơ Rafale cho một quốc gia vùng Vịnh. Chủ tịch vùng Ile de France (bao gồm thủ đô Paris và một số tỉnh phụ cận) – bà Valérie Pécresse - được chọn làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp. Giáo hoàng Francis tới Hy Lạp nhằm gây áp lực với giới chính trị Châu Âu, công luận Châu Âu, về tình trạng khốn cùng của người nhập cư bị ngăn chặn nhập cảnh, bị giam giữ. Trên đây là các chủ đề lớn của báo Pháp ngày 06/12/2021.

tinan1

Giáo hoàng Francis đến đảo Lebos, Hy Lạp ngày 05/12/2021.  via Vatican Media

"Người di cư : Giáo hoàng nổi giận với Liên Âu" là tựa trang nhất báo công giáo La Croix, trên nền hình ảnh người đứng đầu Tòa Thánh xoa đầu một em bé tị nạn tại đảo Lebos, Hy Lạp (giáp với Thổ Nhĩ Kỳ). "Từ đảo Chyprus đến Hy Lạp, giáo hoàng tố cáo "chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy khắp nơi" và việc người Châu Âu đóng cửa với dân tị nạn" là hàng tựa phụ. La Croix dành xã luận và nhiều bài báo đầu tiên cho hồ sơ này.

Hy Lạp nằm ở cửa ngõ đông nam của Liên Âu, nơi đổ về làn sóng người tị nạn từ Trung Cận Đông và cả những người đến xa hơn từ Châu Phi, Trung Á. Các trại giam giữ người tị nạn trên các đảo Hy Lạp đã trở thành một biểu tượng cho cuộc khủng hoảng tị nạn Châu Âu. Giờ đây không chỉ có Hy Lạp và các nước nam Âu, mà khủng hoảng còn lan sang khu vực phía tây bắc Châu Âu.

Nhưng Hy Lạp cũng chính là cái nôi của nền dân chủ Châu Âu. "Nền dân chủ do người Hy Lạp sáng tạo ra… đã trở thành một phần của bản sắc Châu Âu", La Croix nhấn mạnh. Chính theo nghĩa đó mà Hy Lạp là một biểu tượng. Bài xã luận La Croix, mang tựa đề "Trung thành", chất vấn Liên Hiệp Châu Âu : Liệu các nền dân chủ Châu Âu có "trung thành" với các giá trị của chính mình hay không ? Liệu Châu Âu có muốn tiếp tục truyền thống dân chủ ấy, bảo vệ nó "trước các đe dọa từ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc…" ?

Cuộc chiến của Lương tri : "Tiếng kêu giữa sa mạc" của Francis

La Croix khẳng định : "dù là người Argentina, giáo hoàng Francis hiểu rất rõ các vấn đề mà người Châu Âu chúng ta đang tranh luận. Ông hiểu rằng các cuộc thăm dò dư luận và các cuộc tranh cử đang khiến giới lãnh đạo của chúng ta bị bó lại trong một khuôn khổ chật hẹp, và ngày càng chật hẹp hơn nữa".

Giáo hoàng có chuyến công du Hy Lạp ba ngày "trong bối cảnh căng thẳng và đầy ưu tư này". Nhật báo La Croix lưu ý người đứng đầu đạo công giáo "đã chọn chính thời điểm này để dốc toàn lực cho cuộc chiến của lương tri". Hành động của ông có thể ví như "tiếng kêu giữa sa mạc", của nhà tiên tri, buộc Liên Âu phải "đối diện với những mâu thuẫn của chính mình". "Tiếng kêu giữa sa mạc" là một đoạn trích trong Kinh Thánh, được giáo hoàng dẫn lại hôm Chủ Nhật 05/12, tại đảo Lebos.

Châu Âu đã hứa với toàn thế giới, "tôn trọng con người và nhân quyền", nhưng đã không bảo đảm cam kết đó được tôn trọng. La Croix nhấn mạnh : "Giáo hoàng đã xoáy đúng vào chỗ đau". Ông kêu gọi người Châu Âu đừng quên, hãy "một lần nữa đặt lại câu hỏi nhức nhối" về "bản sắc của mình", về "những bản sắc của mình".

La Croix dành riêng một bài để nói về "tiếng kêu" của giáo hoàng Francis trong ngày công du thứ tư tại bờ đông Địa Trung Hải. Bài viết mang tiêu đề "Hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh !". Cũng tại Lebos, nơi cách nay 5 năm ông có chuyến viếng thăm đầu tiên, giáo hoàng Francis dường như đã ghi nhận sự "thất bại" của Châu Âu, trong việc tiếp nhận có tổ chức người nhập cư tị nạn. Thất bại trong khả năng tổ chức, nhưng có thể cũng là thất bại trong việc đánh thức lương tri người Châu Âu, bất kể những lời tố cáo, lên án "mạnh mẽ" được "thường xuyên" đưa ra. 

Giáo hoàng : "Hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh !" 

Trở lại đảo Lebos 5 năm sau. Người đứng đầu đạo Công giáo có những lời lẽ mạnh mẽ hơn nữa : "Tôi cầu xin quý vị, hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh !", đừng để Địa Trung Hải biến thành "một nghĩa trang lạnh lẽo không bia mộ". Giáo hoàng dùng hẳn cụm từ "chiếc gương của tử thần" để nói về thảm kịch "vùng biển chết" Địa Trung Hải, mồ chôn bao người liều mình tìm miền đất tị nạn.

Phát biểu của giáo hoàng nhắm đến nhiều đối tượng. Nhiều quốc gia Châu Âu đã từ chối trách nhiệm về phần mình, trong lúc Hy Lạp và đảo Chyprus gánh vác gấp bội so với khả năng. Giáo hoàng lên án một số lãnh đạo Châu Âu tìm cách tranh thủ thiện cảm trong công luận "bằng cách gieo rắc nỗi sợ người khác", tức sợ người nhập cư. Người đứng đầu đạo Công giáo cũng lên án các tín đồ Thiên Chúa giáo "từ chối tiếp nhận người nhập cư nhân danh việc bản sắc Thiên Chúa giáo có nguy cơ biến mất" do việc đón nhận những người có đức tin khác.

Cũng về chuyến công du Địa Trung Hải của giáo hoàng, Le Monde có bài "Giáo hoàng lên án các trại giam giữ, tra tấn người tị nạn". Về chủ đề người tị nạn, La Croix trong một bài viết khác, tố cáo việc Châu Âu "trở mặt", khi siết chặt các điều kiện nhập cư đối với khoảng 2.000 người muốn xin tị nạn tại Châu Âu, hiện có mặt tại vùng biên giới Ba Lan, Latvia và Litva.

Pháp : Phi cơ chiến đấu Rafale "được mùa"

Hợp đồng bán phi cơ chiến đấu chưa từng có của Pháp, với tổng cộng 80 chiếc Rafale, là hồ sơ trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Tờ báo chạy tựa : "Làm thế nào Rafale trở thành vô địch về xuất khẩu ?". 80 phi cơ chiến đấu với tổng cộng khoảng 14 tỉ euro tiền đặt mua của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, không kể vũ khí kèm theo. Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất trở thành khách hàng số một của Dassault, vượt Ai Cập. Chưa bao giờ hãng Dassault gặt hái được một thành công như vậy, và đây cũng là thành công kỷ lục của nền công nghiệp quân sự Pháp. Les Echos cho biết đây là đỉnh điểm của hàng loạt thành công về xuất khẩu của hãng từ nhiều năm nay.

Lý do thành công của tập đoàn Dassault bắt nguồn từ mối quan hệ lâu dài giữa Pháp với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, mà theo tổng thống Pháp được đặt nền móng từ thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ năm 1995. Quan hệ song phương "được đẩy mạnh những năm gần đây trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố và các nỗ lực ổn định khu vực gia tăng".

Thêm một lý do khác : Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất quyết định siết chặt hợp tác với Pháp, trong bối cảnh Hoa Kỳ giảm bớt quan tâm đến khu vực. Việc Hoa Kỳ lưỡng lự trong việc bán F-35 cho Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng mang lại lợi thế cho Pháp.

Les Echos cũng giải thích rõ là hợp đồng phi cơ chiến đấu nói trên khác hẳn với hợp đồng tầu ngầm với Úc (bị chính quyền Úc đơn phương hủy bỏ). Toàn bộ các máy bay đều sản xuất tại Pháp. Tổng cộng Pháp có hợp đồng bán 242 phi cơ Rafale ra nước ngoài.

Cũng liên quan đến vấn đề vũ khí, Les Echos có bài "Quốc phòng : Hãy đoàn kết hợp lực !". Nhân thành công lịch sử của Pháp trong hợp đồng Rafale, nhật báo kinh tế kêu gọi các đồng minh Châu Âu hãy tăng cường hợp tác với đối tác Châu Âu, để đẩy nhanh sự tự chủ của khối trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng đỉnh cao. Les Echos chê trách nhiều nước Châu Âu thích mua F-35 của Mỹ, thay vì hợp tác với Pháp. Dù sao, nhật báo cũng hoan nghênh việc Đức và Pháp đã vượt qua các bất đồng, rút ra các bài học, để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hứa hẹn rất nhiều thách thức này.

Trung Cận Đông : Pháp bị chỉ trích vì bỏ lơ nhân quyền

Hợp đồng bán phi cơ là một thành công của chính quyền Macron, tuy nhiên, Le Monde cũng cho ý đến một "mặt trận" khác với chính quyền Pháp. "Macron bảo vệ chính sách ngoại giao thực dụng của Paris tại vùng Vịnh" là nhan đề bài viết. Trước thềm chuyến công du của tổng thống Pháp đến vùng Vịnh, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã cảnh báo Paris không được thỏa hiệp với chính quyền Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, thường xuyên bị lên án là độc tài. Trong chuyến công du nói trên, tổng thống Pháp đã không hề một lần nhắc đến cuộc chiến tranh tại Yemen, mà Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia là hai bên tham chiến.

Tổng thống Pháp cũng có thái độ tương tự với Saudi Arabia, thể hiện qua cuộc gặp thái tử Salman (tên gọi tắt là "MBS") hôm thứ Bảy tại Qatar. Tổng thống Pháp là một trong các nguyên thủ phương Tây đầu tiên nối lại quan hệ với chính quyền Saudi Arabia, sau vụ nhà báo đối lập Khashoggi bị sát hại dã man trong sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thách thức với "Thượng đỉnh vì dân chủ" của chính quyền Biden

Cho đến nay Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia vẫn được coi là các quốc gia độc tài. Hai quốc gia vùng Vịnh này không được mời tham dự thượng đỉnh các nền dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức vào hai ngày 08 và 09/12 tới. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài bình luận đáng chú ý của nhà báo Dominique Moisi với tựa đề "Hoa Kỳ vẫn còn là mô hình của các nền dân chủ ?".

Cuộc thượng đỉnh do chính quyền Biden tổ chức nhằm khẳng định sự trở lại của nước Mỹ, trong vai trò quốc gia đứng đầu khối các nước dân chủ, sau bốn năm chính sách "nước Mỹ trên hết" của Donald Trump. Tuy nhiên, "liên minh các nền dân chủ" ở trong một tình thế khác hẳn. Thay vì "thế công" so với cách nay 20 năm, giờ là thế thủ.

"Các nền dân chủ" cần có chính sách nào trong bối cảnh hiện nay ? Thiên về thực dụng, hay nhấn mạnh chủ yếu vào các giá trị là vấn đề chính nhà phân tích Les Echos đặt ra. Theo Dominique Moisi, đối với các quốc gia dân chủ, "cuộc chiến vì các giá trị" vẫn là một thế mạnh chứ không phải là mặt yếu. Liên Âu vừa công bố một kế hoạch đầy tham vọng trợ giúp phát triển dựa trên khuyến khích dân chủ. Kế hoạch mang tên "Global Gateway" được coi là đối trọng lại kế hoạch Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc.

Les Echos cho biết rõ Thượng đỉnh dân chủ này là một "thượng đỉnh vì dân chủ", chứ không phải là "thượng đỉnh của các nước dân chủ", bởi trong số 110 quốc gia tham dự, có nhiều nước không được coi là thực sự dân chủ, cũng như các nước có nền dân chủ suy yếu. Mục tiêu của thượng đỉnh là hướng đến các giá trị dân chủ, việc mời một số quốc gia được xếp loại không thực sự dân chủ như trên có thể coi là quyết định "mang tính thực tế". Tuy nhiên, ranh giới cũng rất rõ ràng. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong danh sách mời. Riêng tại Trung Cận Đông, chỉ có Israel và Iraq tham gia thượng đỉnh này.

Tranh cử Pháp : Chiến thắng vòng một của ứng cử viên tổng thống cánh hữu

Trở lại nước Pháp, tranh cử tổng thống là chủ đề chính của nhiều nhật báo. Nhật báo thiên hữu Le Figaro vui mừng trước chiến thắng của ứng cử viên Valérie Pécresse, đương kim chủ tịch vùng Ile de France, trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng LR (Những người Cộng hòa). Tờ báo chạy tít trang nhất : "2022 : Pécresse mở màn cuộc đấu chống Macron".

Bà Valérie Pécresse giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ lọt vào vòng hai, với hơn 60% phiếu bầu. Bài xã luận Le Figaro, với nhan đề "nếu Pécresse đứng vững được ở phía hữu…", hoan hỉ khẳng định : cánh hữu của nước Pháp đã "tái sinh", sau một thời gian dài tưởng như bị chôn vùi. Thách thức hiện nay đối với ứng cử viên chính thức của LR là phải tập hợp được toàn bộ các cánh khác nhau trong nội bộ cánh hữu để giành chiến thắng trước tổng thống Emmanuel, sẽ ra tái tranh cử.

La Croix có bài giải thích các lý do ứng cử viên Valérie Pécresse đã vượt xa đối thủ Eric Ciotti. Les Echos phân tích các thách thức chờ đón ứng cử viên tổng thống Những người Cộng hòa. Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération tỏ ra không hài lòng với không khí tranh cử tổng thống trong giai đoạn hiện nay qua bài xã luận "Pot-pourri" (tạm dịch là Lẩu thập cẩm).

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 298 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)