Liên Âu rạn nứt vì khủng hoảng năng lượng và nhập cư, "món quà chính trị" cho Putin
Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraine đã tác động mạnh đến cuộc sống của người dân cũng như nền kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, nhưng lãnh đạo của 27 nước thành viên lại chậm chạp đưa ra giải pháp.
Nhà máy điện Scholven của công ty năng lượng Uniper, ở Gelsenkirchen, Đức. Ảnh chụp ngày 22/10/2022. AP - Michael Sohn
Hầu hết các báo Pháp ra hôm nay 25/11/2022 đều quan tâm đến tình hình chiến sự ở Ukraine, đặc biệt là hậu quả các trận pháo kích gần đây của Nga. Nhiều thành phố chìm trong bóng tối. Hàng triệu người Ukraine phải đối mặt với cảnh không điện, không nước, không có máy sưởi dưới thời tiết giá lạnh của mùa đông ở Đông Âu. Trong khi phóng sự của Le Monde tại Kiev chỉ ra rằng nhiều toà nhà, cơ sở dân sự đã bị phá huỷ, thì Le Figaro và La Croix mô tả cách thích ứng của người dân, tìm mua máy phát điện, tích trữ nước và xăng. Chính quyền Kiev cho biết sẽ mở các trung tâm hỗ trợ, cung cấp điện, nước ấm và có hệ thống sưởi.
Pháp cũng bấp bênh vì mùa đông
Còn tại Pháp, sưởi ấm vào mùa đông cũng là vấn đề của nhiều gia đình. Le Monde chạy tựa lớn trang nhất hôm nay "Năng lượng : sự rối rắm của các hỗ trợ cải tạo nhà". Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang và mùa đông đến gần. Các hỗ trợ tài chính để cải tạo hệ thống sưởi nhà, cần thiết để hạn chế tiêu thụ năng lượng, được đưa ra từ năm 2020, cho đến nay dường như vẫn chưa khả thi. Trong hồ sơ về chủ đề này, Le Monde nêu ra những bất cập của trang web cho phép đăng ký xin tài trợ từ Nhà nước MaprimeRenov. Trang web thường xuyên bị treo, khiến nhiều người có kế hoạch cải tạo lại nhà nản lòng, thậm chí là từ bỏ xin hỗ trợ của chính phủ hoặc bỏ dự án cải tạo vì chi phí đắt đỏ.
Trong một bài đăng khác, Le Monde cho biết, tại Pháp, 22% các gia đình phải chịu lạnh ở trong nhà vào năm 2021, (tăng 8% so với năm 2020). Những ngôi nhà không có hệ thống giữ nhiệt tốt, có thể phải trả 800-1200 euro vào mùa đông. Đây là con số quá lớn đối với những hộ gia đình khó khăn, nhất là trong bối cảnh lạm phát phi mã như hiện nay. Từ năm 2019 đến 2021, số hóa đơn không được thanh toán tăng thêm 17%. Pháp đã công bố hỗ trợ tài chính dưới hình thức chi phiếu năng lượng, trị giá từ 100 đến 200 euro, tùy theo mức thu nhập để đối phó với lạm phát, nhưng theo tổ chức phi chính phủ Fondation Pierre Albert, mức hỗ trợ này không đủ. Vì "để có thể sưởi ấm đủ vào mùa đông", chi phí này có thể lên đến hàng nghìn euro. Năm 2021, khoảng 300 000 hộ gia đình đã tắt hệ thống sưởi, vì chi phí cao. Đại diện của Fondation Pierre Albert, ông Christophe Robert cho rằng nếu vấn đề sưởi ấm được giải quyết, thì có thể giúp "tiết kiệm 800 triệu euro liên quan đến chi phí về sức khỏe và cứu mạng hàng ngàn người". Giải pháp tốt nhất được đưa ra về lâu về dài đó là cải tạo hệ thống giữ nhiệt tốt hơn cho những gia đình có thu nhập thấp nhất.
"Châu Âu đi vào ngõ cụt"
Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn là tâm điểm trong các bàn đàm phán tại Bruxelles. Theo Les Echos, cuộc họp của 27 bộ trưởng năng lượng của Liên Hiệp Châu Âu hôm thứ Năm, bàn về việc áp dụng áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/Megawatt giờ [MWh], đã không đạt được đồng thuận. Một số nước cho rằng đây là mức giá quá cao, nhất là so với mức giá hiện nay là 120 euro/ MWh. Theo Le Figaro, "Châu Âu đi vào ngõ cụt". Bởi vì việc không áp được giá trần khí đốt kéo theo nhiều hệ lụy. Giá khí đốt quyết định giá điện. Nếu như giá điện tăng cao thì gần như tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất, tiêu thụ rất nhiều điện. Như vậy, giá sản phẩm cũng sẽ tăng theo trong khi mà các sản phẩm làm từ Châu Âu đã phải cạnh tranh gay gắt với các phẩm sản xuất tại Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ.
Les Echos cũng cho biết các bộ trưởng năng lượng đã nhất trí về việc triển khai các biện pháp để cùng mua chung khí đốt, hạn chế biến động giá năng lượng và đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo. Thế nhưng, để thông qua các biện pháp này thì phải đợi đến phiên họp ngày 13/12. Theo Les Echos, trên thực tế, không còn nhiều thời gian nếu chưa áp được giá trần khí đốt, nhằm ngăn chặn việc tăng giá phi mã. Hậu quả là không chỉ toàn bộ ngành công nghiệp Châu Âu bị suy yếu mà còn phản ánh hình ảnh mất đoàn kết ở Lục địa già, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến tranh Ukraine. Như vậy thì chẳng khác nào tặng "món quà chính trị" cho Putin, từng là nhà cung cấp khí đốt lớn của khối.
Pháp – Đức có giải quyết được bất đồng ?
Thêm vào đó, mối quan hệ giữa hai thành viên lớn trong Liên Hiệp Châu Âu là Pháp và Đức đang có nhiều căng thẳng cũng được nhiều báo số ra hôm nay quan tâm. Ngay trước chuyến công du của tổng thống Macron đến Hoa Kỳ, thủ tướng Pháp Elizabeth Borne đến Đức, gặp thủ tướng Olaf Scholz hôm nay tại Berlin. Theo Libération, chuyến thăm này nhằm giúp hai đối tác thân cận hàn gắn những rạn nứt kể từ khi Đức có chính phủ mới. Libération liệt kê lại các hồ sơ khiến hai bên căng thẳng : từ các hợp đồng sản xuất vũ khí giữa Pháp Đức và Tây Ban Nha cho đến việc Đức đơn phương hủy cuộc họp Hội đồng bộ trưởng Pháp - Đức vì lý do các bộ trưởng của Berlin bận đi nghỉ dưỡng, hay cả việc Berlin muốn tăng cường mua thêm vũ khí từ Hoa Kỳ và Israel khiến Đức có nguy cơ phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Theo Le Monde, thủ tướng Đức dường như được đánh giá là "lạnh nhạt", "hờ hững" đối với Pháp, mặc dù biết rằng Pháp là một đối tác quan trọng. Olaf Scholz là một "ẩn số". Chính vì điều này mà Pháp đang tìm cách làm thân với các thành viên khác trong chính phủ Đức, đặc biệt là đảng Xanh, một trong liên minh 3 đảng cầm quyền của Berlin. Còn theo Nhật báo kinh tế Les Echos, nhân chuyến thăm này thủ tướng Pháp muốn "bảo vệ dự thảo luật Buy european act", một đạo luật mà Emmanuel Macron đã đề xuất vào tháng 10, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi ở Châu Âu, trước đối thủ Trung Quốc cũng như là để đáp trả lại chính sách bảo hộ, khuyến khích sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, thông qua đạo luật Inflation Reduction Act (IRA), được Joe Biden thông qua gần đây.
Nhiều doanh nghiệp chủ chốt của công nghiệp Đức, như Siemens Energy hay BMW đã bị các khoản hỗ trợ từ chính sách của Biden thu hút, đã lên kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ. Les Echos cho biết các bộ trưởng thương mại của 27 nước Liên Âu sẽ họp tại Bruxelles hôm nay để thảo luận về vấn đề này.
Làn sóng nhập cư mới ở Châu Âu
Liên quan đến chủ đề nhập cư, Les Echos chạy tựa "Paris muốn tìm cách thoát khỏi khủng hoảng ở Bruxelles", nhân cuộc họp của 27 bộ trưởng nội vụ của Liên Hiệp Châu Âu ngày hôm nay. Trang nhất nhật báo thiêu hữu Le Figaro đăng hình ảnh tàu Ocean Viking chở hơn 200 người tị nạn cập bến ở Toulon Pháp, sau khi bị đưa qua đẩy lại với Ý.
Từ 10 tháng qua, Cơ quan Bảo vệ Biên giới Châu Âu (Frontex) đã ghi nhận khoảng 280 000 người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ của Liên Hiệp Châu Âu, đây là con số lớn nhất kể từ năm 2016. Xã luận Le Figaro mô tả một làn sóng di cư mới đang lan rộng ở biên giới Liên Hiệp Châu Âu. Từ vùng Balkan cho đến Địa Trung Hải, Châu Âu đang cố gắng bịt lỗ hổng. Thế nhưng, các cải cách về tị nạn và nhập cư do Ủy ban Châu Âu trình bày cách đây hơn hai năm, khó đi vào thực thi tức thì. Trong khi đó, một số nước như Bỉ và Áo đã bị quá tải, khó có thể giải quyết hết số lượng đơn xin tị nạn cũng như vấn đề nhà ở, Le Figaro lưu ý trong một bài đăng cùng hồ sơ.
Ngoài ra, cuộc chiến xâm lược của Nga đã khiến hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn sang Châu Âu. Le Figaro cho biết, Đức đã tiếp đơn hơn 1 triệu người đến từ Ukraine, con số này cao hơn nhiều so với giai đoạn 2015-2016 do xung đột ở Syria. Nhiều địa phương tại Đức quá tải, đã kêu gọi các phương án hỗ trợ khẩn cấp. Trong khi đó, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Thụy Sỹ, dẫn đường cho người nhập cư không có giấy tờ từ Áo đến Bale, để chuyển hướng đến Đức hoặc Pháp, thay vì tiếp nhận họ. Xã luận Le Figaro kết luận rằng áp lực di cư đang đẩy các quốc gia rút lui về biên giới của họ, thay vì hợp lực, cùng nhau giải quyết.
Thế giới xoay quanh Qatar
Về giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup 2022, diễn ra tại Qatar. Hầu hết các báo đều cập nhật, đưa phân tích về các trận đấu. Chẳng hạn như trên Le Monde, việc các cầu thủ của tuyển quốc gia Đức biểu tình, tất cả "che miệng", ngay trước trận đấu với Nhật Bản để phản đối FIFA vì đã cấm bày tỏ ủng hộ cộng đồng LGBT. Hay trận đấu giữa Pháp và Đan Mạch diễn ra vào ngày mai 26/11 cũng khiến La Croix tốn nhiều giấy mực, phân tích sức mạnh của hai đội tuyển. Libération thì quan tâm đến những chuyện bên lề bóng đá ở Doha. Ví như chuyện các cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới phải trả 200 euro/1 đêm để lưu trú tại một nơi không khác gì trại tị nạn, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Mặc dù đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng phục vụ World Cup, nhưng quốc gia có diện tích chỉ bằng thành phố Paris, khó có thể tiếp đón hàng triệu người trong điều kiện tốt nhất.
Chi Phương
Pháp bán được gần 100 chiến đấu cơ Rafale cho một quốc gia vùng Vịnh. Chủ tịch vùng Ile de France (bao gồm thủ đô Paris và một số tỉnh phụ cận) – bà Valérie Pécresse - được chọn làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp. Giáo hoàng Francis tới Hy Lạp nhằm gây áp lực với giới chính trị Châu Âu, công luận Châu Âu, về tình trạng khốn cùng của người nhập cư bị ngăn chặn nhập cảnh, bị giam giữ. Trên đây là các chủ đề lớn của báo Pháp ngày 06/12/2021.
Giáo hoàng Francis đến đảo Lebos, Hy Lạp ngày 05/12/2021. via Vatican Media
"Người di cư : Giáo hoàng nổi giận với Liên Âu" là tựa trang nhất báo công giáo La Croix, trên nền hình ảnh người đứng đầu Tòa Thánh xoa đầu một em bé tị nạn tại đảo Lebos, Hy Lạp (giáp với Thổ Nhĩ Kỳ). "Từ đảo Chyprus đến Hy Lạp, giáo hoàng tố cáo "chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy khắp nơi" và việc người Châu Âu đóng cửa với dân tị nạn" là hàng tựa phụ. La Croix dành xã luận và nhiều bài báo đầu tiên cho hồ sơ này.
Hy Lạp nằm ở cửa ngõ đông nam của Liên Âu, nơi đổ về làn sóng người tị nạn từ Trung Cận Đông và cả những người đến xa hơn từ Châu Phi, Trung Á. Các trại giam giữ người tị nạn trên các đảo Hy Lạp đã trở thành một biểu tượng cho cuộc khủng hoảng tị nạn Châu Âu. Giờ đây không chỉ có Hy Lạp và các nước nam Âu, mà khủng hoảng còn lan sang khu vực phía tây bắc Châu Âu.
Nhưng Hy Lạp cũng chính là cái nôi của nền dân chủ Châu Âu. "Nền dân chủ do người Hy Lạp sáng tạo ra… đã trở thành một phần của bản sắc Châu Âu", La Croix nhấn mạnh. Chính theo nghĩa đó mà Hy Lạp là một biểu tượng. Bài xã luận La Croix, mang tựa đề "Trung thành", chất vấn Liên Hiệp Châu Âu : Liệu các nền dân chủ Châu Âu có "trung thành" với các giá trị của chính mình hay không ? Liệu Châu Âu có muốn tiếp tục truyền thống dân chủ ấy, bảo vệ nó "trước các đe dọa từ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc…" ?
Cuộc chiến của Lương tri : "Tiếng kêu giữa sa mạc" của Francis
La Croix khẳng định : "dù là người Argentina, giáo hoàng Francis hiểu rất rõ các vấn đề mà người Châu Âu chúng ta đang tranh luận. Ông hiểu rằng các cuộc thăm dò dư luận và các cuộc tranh cử đang khiến giới lãnh đạo của chúng ta bị bó lại trong một khuôn khổ chật hẹp, và ngày càng chật hẹp hơn nữa".
Giáo hoàng có chuyến công du Hy Lạp ba ngày "trong bối cảnh căng thẳng và đầy ưu tư này". Nhật báo La Croix lưu ý người đứng đầu đạo công giáo "đã chọn chính thời điểm này để dốc toàn lực cho cuộc chiến của lương tri". Hành động của ông có thể ví như "tiếng kêu giữa sa mạc", của nhà tiên tri, buộc Liên Âu phải "đối diện với những mâu thuẫn của chính mình". "Tiếng kêu giữa sa mạc" là một đoạn trích trong Kinh Thánh, được giáo hoàng dẫn lại hôm Chủ Nhật 05/12, tại đảo Lebos.
Châu Âu đã hứa với toàn thế giới, "tôn trọng con người và nhân quyền", nhưng đã không bảo đảm cam kết đó được tôn trọng. La Croix nhấn mạnh : "Giáo hoàng đã xoáy đúng vào chỗ đau". Ông kêu gọi người Châu Âu đừng quên, hãy "một lần nữa đặt lại câu hỏi nhức nhối" về "bản sắc của mình", về "những bản sắc của mình".
La Croix dành riêng một bài để nói về "tiếng kêu" của giáo hoàng Francis trong ngày công du thứ tư tại bờ đông Địa Trung Hải. Bài viết mang tiêu đề "Hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh !". Cũng tại Lebos, nơi cách nay 5 năm ông có chuyến viếng thăm đầu tiên, giáo hoàng Francis dường như đã ghi nhận sự "thất bại" của Châu Âu, trong việc tiếp nhận có tổ chức người nhập cư tị nạn. Thất bại trong khả năng tổ chức, nhưng có thể cũng là thất bại trong việc đánh thức lương tri người Châu Âu, bất kể những lời tố cáo, lên án "mạnh mẽ" được "thường xuyên" đưa ra.
Trở lại đảo Lebos 5 năm sau. Người đứng đầu đạo Công giáo có những lời lẽ mạnh mẽ hơn nữa : "Tôi cầu xin quý vị, hãy ngừng đánh đắm cả một nền văn minh !", đừng để Địa Trung Hải biến thành "một nghĩa trang lạnh lẽo không bia mộ". Giáo hoàng dùng hẳn cụm từ "chiếc gương của tử thần" để nói về thảm kịch "vùng biển chết" Địa Trung Hải, mồ chôn bao người liều mình tìm miền đất tị nạn.
Phát biểu của giáo hoàng nhắm đến nhiều đối tượng. Nhiều quốc gia Châu Âu đã từ chối trách nhiệm về phần mình, trong lúc Hy Lạp và đảo Chyprus gánh vác gấp bội so với khả năng. Giáo hoàng lên án một số lãnh đạo Châu Âu tìm cách tranh thủ thiện cảm trong công luận "bằng cách gieo rắc nỗi sợ người khác", tức sợ người nhập cư. Người đứng đầu đạo Công giáo cũng lên án các tín đồ Thiên Chúa giáo "từ chối tiếp nhận người nhập cư nhân danh việc bản sắc Thiên Chúa giáo có nguy cơ biến mất" do việc đón nhận những người có đức tin khác.
Cũng về chuyến công du Địa Trung Hải của giáo hoàng, Le Monde có bài "Giáo hoàng lên án các trại giam giữ, tra tấn người tị nạn". Về chủ đề người tị nạn, La Croix trong một bài viết khác, tố cáo việc Châu Âu "trở mặt", khi siết chặt các điều kiện nhập cư đối với khoảng 2.000 người muốn xin tị nạn tại Châu Âu, hiện có mặt tại vùng biên giới Ba Lan, Latvia và Litva.
Hợp đồng bán phi cơ chiến đấu chưa từng có của Pháp, với tổng cộng 80 chiếc Rafale, là hồ sơ trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Tờ báo chạy tựa : "Làm thế nào Rafale trở thành vô địch về xuất khẩu ?". 80 phi cơ chiến đấu với tổng cộng khoảng 14 tỉ euro tiền đặt mua của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, không kể vũ khí kèm theo. Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất trở thành khách hàng số một của Dassault, vượt Ai Cập. Chưa bao giờ hãng Dassault gặt hái được một thành công như vậy, và đây cũng là thành công kỷ lục của nền công nghiệp quân sự Pháp. Les Echos cho biết đây là đỉnh điểm của hàng loạt thành công về xuất khẩu của hãng từ nhiều năm nay.
Lý do thành công của tập đoàn Dassault bắt nguồn từ mối quan hệ lâu dài giữa Pháp với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, mà theo tổng thống Pháp được đặt nền móng từ thỏa thuận hợp tác quốc phòng từ năm 1995. Quan hệ song phương "được đẩy mạnh những năm gần đây trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố và các nỗ lực ổn định khu vực gia tăng".
Thêm một lý do khác : Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất quyết định siết chặt hợp tác với Pháp, trong bối cảnh Hoa Kỳ giảm bớt quan tâm đến khu vực. Việc Hoa Kỳ lưỡng lự trong việc bán F-35 cho Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng mang lại lợi thế cho Pháp.
Les Echos cũng giải thích rõ là hợp đồng phi cơ chiến đấu nói trên khác hẳn với hợp đồng tầu ngầm với Úc (bị chính quyền Úc đơn phương hủy bỏ). Toàn bộ các máy bay đều sản xuất tại Pháp. Tổng cộng Pháp có hợp đồng bán 242 phi cơ Rafale ra nước ngoài.
Cũng liên quan đến vấn đề vũ khí, Les Echos có bài "Quốc phòng : Hãy đoàn kết hợp lực !". Nhân thành công lịch sử của Pháp trong hợp đồng Rafale, nhật báo kinh tế kêu gọi các đồng minh Châu Âu hãy tăng cường hợp tác với đối tác Châu Âu, để đẩy nhanh sự tự chủ của khối trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng đỉnh cao. Les Echos chê trách nhiều nước Châu Âu thích mua F-35 của Mỹ, thay vì hợp tác với Pháp. Dù sao, nhật báo cũng hoan nghênh việc Đức và Pháp đã vượt qua các bất đồng, rút ra các bài học, để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hứa hẹn rất nhiều thách thức này.
Hợp đồng bán phi cơ là một thành công của chính quyền Macron, tuy nhiên, Le Monde cũng cho ý đến một "mặt trận" khác với chính quyền Pháp. "Macron bảo vệ chính sách ngoại giao thực dụng của Paris tại vùng Vịnh" là nhan đề bài viết. Trước thềm chuyến công du của tổng thống Pháp đến vùng Vịnh, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã cảnh báo Paris không được thỏa hiệp với chính quyền Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, thường xuyên bị lên án là độc tài. Trong chuyến công du nói trên, tổng thống Pháp đã không hề một lần nhắc đến cuộc chiến tranh tại Yemen, mà Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia là hai bên tham chiến.
Tổng thống Pháp cũng có thái độ tương tự với Saudi Arabia, thể hiện qua cuộc gặp thái tử Salman (tên gọi tắt là "MBS") hôm thứ Bảy tại Qatar. Tổng thống Pháp là một trong các nguyên thủ phương Tây đầu tiên nối lại quan hệ với chính quyền Saudi Arabia, sau vụ nhà báo đối lập Khashoggi bị sát hại dã man trong sứ quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cho đến nay Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Saudi Arabia vẫn được coi là các quốc gia độc tài. Hai quốc gia vùng Vịnh này không được mời tham dự thượng đỉnh các nền dân chủ do Hoa Kỳ tổ chức vào hai ngày 08 và 09/12 tới. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài bình luận đáng chú ý của nhà báo Dominique Moisi với tựa đề "Hoa Kỳ vẫn còn là mô hình của các nền dân chủ ?".
Cuộc thượng đỉnh do chính quyền Biden tổ chức nhằm khẳng định sự trở lại của nước Mỹ, trong vai trò quốc gia đứng đầu khối các nước dân chủ, sau bốn năm chính sách "nước Mỹ trên hết" của Donald Trump. Tuy nhiên, "liên minh các nền dân chủ" ở trong một tình thế khác hẳn. Thay vì "thế công" so với cách nay 20 năm, giờ là thế thủ.
"Các nền dân chủ" cần có chính sách nào trong bối cảnh hiện nay ? Thiên về thực dụng, hay nhấn mạnh chủ yếu vào các giá trị là vấn đề chính nhà phân tích Les Echos đặt ra. Theo Dominique Moisi, đối với các quốc gia dân chủ, "cuộc chiến vì các giá trị" vẫn là một thế mạnh chứ không phải là mặt yếu. Liên Âu vừa công bố một kế hoạch đầy tham vọng trợ giúp phát triển dựa trên khuyến khích dân chủ. Kế hoạch mang tên "Global Gateway" được coi là đối trọng lại kế hoạch Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc.
Les Echos cho biết rõ Thượng đỉnh dân chủ này là một "thượng đỉnh vì dân chủ", chứ không phải là "thượng đỉnh của các nước dân chủ", bởi trong số 110 quốc gia tham dự, có nhiều nước không được coi là thực sự dân chủ, cũng như các nước có nền dân chủ suy yếu. Mục tiêu của thượng đỉnh là hướng đến các giá trị dân chủ, việc mời một số quốc gia được xếp loại không thực sự dân chủ như trên có thể coi là quyết định "mang tính thực tế". Tuy nhiên, ranh giới cũng rất rõ ràng. Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong danh sách mời. Riêng tại Trung Cận Đông, chỉ có Israel và Iraq tham gia thượng đỉnh này.
Trở lại nước Pháp, tranh cử tổng thống là chủ đề chính của nhiều nhật báo. Nhật báo thiên hữu Le Figaro vui mừng trước chiến thắng của ứng cử viên Valérie Pécresse, đương kim chủ tịch vùng Ile de France, trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng LR (Những người Cộng hòa). Tờ báo chạy tít trang nhất : "2022 : Pécresse mở màn cuộc đấu chống Macron".
Bà Valérie Pécresse giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ lọt vào vòng hai, với hơn 60% phiếu bầu. Bài xã luận Le Figaro, với nhan đề "nếu Pécresse đứng vững được ở phía hữu…", hoan hỉ khẳng định : cánh hữu của nước Pháp đã "tái sinh", sau một thời gian dài tưởng như bị chôn vùi. Thách thức hiện nay đối với ứng cử viên chính thức của LR là phải tập hợp được toàn bộ các cánh khác nhau trong nội bộ cánh hữu để giành chiến thắng trước tổng thống Emmanuel, sẽ ra tái tranh cử.
La Croix có bài giải thích các lý do ứng cử viên Valérie Pécresse đã vượt xa đối thủ Eric Ciotti. Les Echos phân tích các thách thức chờ đón ứng cử viên tổng thống Những người Cộng hòa. Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération tỏ ra không hài lòng với không khí tranh cử tổng thống trong giai đoạn hiện nay qua bài xã luận "Pot-pourri" (tạm dịch là Lẩu thập cẩm).
Trọng Thành
Với một sự nhất trí hiếm thấy, tất cả các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay 22/07/2020 đều giành tít lớn trang nhất và nhiều bài bình luân, phân tích, tường thuật về thành công của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu kết thúc hôm qua ở Bruxelles, với từ ngữ được nhắc đi nhắc lại là "lịch sử" và "bước tiến" hay "khúc quanh".
Trang nhất Le Monde nổi bật với một bức ảnh màu lớn, trải dài trên 5 cột báo, chiếm 1/3 trang khổ lớn, cho thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đang ngồi họp tại Bruxelles, ở giữa là hàng tựa "Châu Âu : Một kế hoạch phục hồi lịch sử".
Tính từ "lịch sử" cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Figaro, trong hàng tựa lớn : "Châu Âu : Những câu hỏi vẫn tồn tại về một thỏa thuận lịch sử".
Hai tờ La Croix và Les Echos thì không hẹn mà gặp, đều nhấn mạnh trên bước tiến lịch sử mà Liên Hiệp Châu Âu vừa làm được. Trong lúc La Croix chạy tựa "Châu Âu vượt qua một cái mốc", Les Echos thấy rằng "Liên Âu đang tiến bước".
Riêng Libération thì chọn hẳn một giọng điệu vui vẻ, chạy trên trang nhất lời cám ơn bằng nguyên văn tiếng Đức "Châu Âu : danke schön" nghĩa là "cám ơn rất nhiều".
Đối với Libération, chính là nhờ việc thủ tướng Đức thay đổi hoàn toàn quan điểm, chấp nhận việc toàn khối cùng gánh vác món nợ tái thiết của các thành viên, mà Liên Hiệp Châu Âu 27 nước đã thông qua được một thỏa thuận lịch sử vào hôm qua, mở đường cho biến Liên Hiệp thành liên bang.
Tờ báo cánh tả Pháp không ngần ngại tự hỏi : "Phải chăng ngày 21 tháng 7 năm 2020 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là "thời điểm Hamilton" của Liên Hiệp Châu Âu, một thời điểm đánh dấu việc khổi Liên Âu chuyển mình từ một liên hiệp lỏng lẻo hiện nay sang một liên bang kiểu Mỹ ?".
Đối với Libération, tình hình Liên Hiệp Châu Âu năm 2020 rất giống tình hình nước Mỹ năm 1790, khi ông Alexander Hamilton, bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ còn non trẻ, đã giành được từ Quốc hội quyền tạo ra một khoản nợ liên bang và đứng ra bảo đảm các món nợ của các bang sắp sửa phá sản. Sự kiện này đã đặt nền móng cho sức mạnh tương lai của nước Mỹ.
Hai trăm ba mươi năm sau, kịch bản tương tự dường như được lặp lại, lần này tại Châu Âu. Theo tổng thống Pháp Macron, việc Ủy Ban Châu Âu được trao quyền vay 750 tỷ euro trong thực tế không khác gì việc tạo ra một khoản nợ "liên bang" như ở Mỹ, và đây là một cuộc "cách mạng", một thời khắc "lịch sử". Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Macron khẳng định : "Đây là thời điểm quan trọng nhất ở Châu Âu kể từ khi tạo ra đồng euro".
Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : "Lịch sử", Libération đã phản bác ngay những luận điệu mà giới hoài nghi Châu Âu có thể đưa ra để bác bỏ tính chất lịch sử của những gì vừa diễn ra.
Theo tờ báo Pháp, những người chống lại khả năng Liên Âu hội nhập chặt chẽ hơn có lẽ sẽ chế nhạo từ "lịch sử", một loại sáo ngữ rất thường được dùng sau các cuộc "họp kín" tại Bruxelles. Họ cũng sẽ mỉa mai thời gian 4 ngày họp đầy kịch tính và sẽ nhấn mạnh trên các nhượng bộ đối với các nước "keo kiệt" để giảm nhẹ tầm quan trọng thỏa thuận đạt được.
Thể nhưng, Libération cho rằng những người này hoàn toàn sai lầm. Bước tiến mà 27 thành viên Liên Âu vừa thực hiện quả thực lịch sử, không chỉ vì khoản tiền rất to lớn được thông qua, mà còn là vì việc toàn khối đã chấp nhận nguyên tắc chưa từng thấy về sự tương trợ đoàn kết trên mặt tài chính giữa các quốc gia.
Ẩn mình đằng sau con số 390 tỷ trợ cấp cho những quốc gia bị tác hại nhiều nhất là một bước đầu tiến tới một hình thức Liên Bang Châu Âu, dù đã được thực hiện trong đau đớn, nhưng đã làm cho những kẻ bài bác Châu Âu từ đủ mọi xu hướng phải vỡ mộng.
Và cũng như thường lệ, khi liên quan đến Châu Âu, mọi thỏa thuận đều là kết quả của một quá trình thỏa hiệp khó nhọc, và một lần nữa, nhờ sự liên kết - cũng phải nói là lịch sử - giữa ông Macron và bà Merkel.
Không có sự kiên trì thúc đẩy hồ sơ của tổng thống Pháp thì sẽ không có kết quả gì cả, nhưng sự kiên trì của Macron sẽ vô ích nếu không có sự hướng ứng của thủ tướng Đức Merkel, cách đây vài tuần, đã phá bỏ cấm kỵ truyền thống của nước Đức về việc chia sẻ nợ công.
Đối với Libération, bà Merkel đã thay đổi lập trường vì quyền lợi của Đức, nhưng quyết định của bà đã cứu được Châu Âu.
Tính chất lịch sử của kế hoạch phục hồi kinh tế Châu Âu vừa được thông qua tại Bruxelles cũng được Le Figaro công nhận. Thế nhưng, tờ báo thiên hữu Pháp nhấn mạnh rằng vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về cách sử dụng khoản tiền khổng lồ trong kế hoạch, cũng như các điều kiện giải ngân.
Theo Le Figaro, một trong những yếu tố giúp cho kế hoạch này thành công là các nước phải quyết tâm "sử dụng tốt" các khoản vay và trợ cấp không hoàn lại đến từ Châu Âu, bằng cách "ưu tiên đầu tư để giúp các quốc gia bị khủng hoảng thay đổi, thay vì tài trợ cho các khoản chi tiêu thường nhật".
Le Figaro còn phàn nàn về việc kế hoạch chấn hưng kinh tế đã tạo ra một nạn nhân : đó là kế hoạch tăng cường nền quốc phòng Châu Âu, mà ngân sách đã bị giảm xuống mức tối thiểu. Một cựu bộ trưởng Pháp cố biện bạch, cho rằng giữa kế hoạch ban đầu và thượng đỉnh mang tính chất quyết định vừa qua đã có một trận đại dịch chen vào, khiến cho các ưu tiên bị đảo lộn.
Cùng một nhận định với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo La Croix cho rằng không ai có thể chối cãi thực tế là hội nghị thượng đỉnh Bruxelles lần này mang một ý nghĩa lịch sử to lớn.
Theo La Croix, ngoài việc Ủy Ban Châu Âu sẽ có thể đứng tên vay khoản tiền khổng lồ 750 tỷ euro, điều chưa từng thấy, còn phải thấy rằng hơn một nửa số tiền đó sẽ được tháo khoán dưới hình thức trợ cấp cho các quốc gia bị tác hại nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng y tế và hậu quả kinh tế kèm theo.
Đối với La Croix, cũng phải thừa nhận rằng thỏa thuận phục hồi kinh tế Châu Âu là một chiến thắng chính trị thực sự đối với tổng thống Pháp Macron, người đã kiên trì thúc đẩy công cuộc xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu hội nhập.
Tuy nhiên, La Croix cũng thận trọng cho rằng ở cấp độ kinh tế quốc gia, lợi ích mà nước Pháp thu được từ thỏa thuận không nhiều, chỉ được khoảng 40 tỷ, trong khi Ý được đến 60 tỷ và Tây Ban Nha 70 tỷ.
Sau cùng, về thỏa thuận đạt được hôm thứ Ba, Le Figaro đã chú ý đến quy định tôn trọng những nguyên tắc dân chủ mà các nhà lãnh đạo Châu Âu lần đầu tiên đã gắn với việc tài trợ.
Le Figaro ghi nhận tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hoan nghênh việc "lần đầu tiên trong lịch sử Châu Âu mà ngân sách được gắn với việc tôn trọng Nhà Nước Pháp Quyền".
Thế nhưng, theo Le Figaro, Hungary và Ba Lan, hai học trò xấu trong lãnh vực này, đã phản bác kết luận của ông Michel. Thủ tướng Hungary Vicktor Orban khẳng định : "Tất cả những nỗ lực gắn Nhà nước pháp quyền vào ngân sách đã bị ngăn chặn".
Theo ông Orban : "Trước, và ngay cả trong các cuộc thảo luận, đã có những nỗ lực, tôi không thể nói là để hạ nhục, nhưng ít ra là để giáo dục chúng tôi về Nhà nước pháp quyền. Thế nhưng chúng tôi không những đã nhận được một khoản tiền lớn, mà còn bảo vệ được phẩm giá của đất nước chúng tôi".
Về tình hình quốc tế, nhật báo Le Monde đặc biệt có bài phỏng vấn cựu toàn quyền Hồng Kông Chris Patten, khẳng định rằng : "Chúng ta - tức phương Tây - đã đánh giá thấp sức mạnh của mình trước Trung Quốc".
Ông Chris Patten, toàn quyền cuối cùng tại Hồng Kông (1992-1997), và là người quản lý việc trao trả lãnh thổ này về Trung Quốc, trả lời các báo nước ngoài trong đó có Le Monde, nhận định là luật an ninh ở Hồng Kông cho thấy không thể tin vào Trung Quốc.
Ông Patten giải thích tại sao, các nước Châu Âu, đứng đầu là Anh, phải ngưng việc đánh giá thấp khả năng của minh khi đối phó với siêu cường Châu Á.
Trả lời câu hỏi là Châu Âu phải có hành động ra sao để ngăn ngừa những hành vi "tấn công" của Trung Quốc, cựu toàn quyền Anh cho là trước tiên các nước phải liên minh với nhau. Ông hy vọng là vào tháng 11 có được một thổng thống ở Mỹ tin tưởng vào sức mạnh liên minh.
Đối với Châu Âu, theo ông, rất khó mà xây dựng một chiến lược nhất quán trên những vấn đề lớn khi không có Mỹ tham gia. Nếu không làm việc cùng nhau, thì Trung Quốc sẽ tấn công vào từng nước : Úc, rồi Ấn Độ, v.v… Nhưng cũng không nên để bị hù dọa. Nếu cùng hành động thì sẽ đối mặt được với một Trung Quốc cư xử tốt hơn, điều này là trong quyền lợi của cả hai bên.
Về việc Châu Âu đang đánh giá thấp sức mạnh của mình đối với Bắc Kinh, ông Patten nhắc lại khi nhà văn Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình, Bắc Kinh ngay lập tức đe dọa Na Uy là sẽ không mua gì nữa. Na Uy bán cá hồi cho Trung Quốc. Và điều gì đã xẩy ra sau dó ? Cá hồi Na Uy bán cho Việt Nam đã tăng vọt, và cá hồi Việt Nam bán sang Trung Quốc lại tăng vọt sau đó.
Trọng Nghĩa