Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/07/2020

Điểm báo Pháp - Liên Âu lên kế hoạch phục hồi kinh tế

RFI tiếng Việt

Kế hoạch phục hồi kinh tế : Bước tiến lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu

Với một sự nhất trí hiếm thấy, tất cả các tờ báo Pháp ra ngày hôm nay 22/07/2020 đều giành tít lớn trang nhất và nhiều bài bình luân, phân tích, tường thuật về thành công của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu kết thúc hôm qua ở Bruxelles, với từ ngữ được nhắc đi nhắc lại là "lịch sử" và "bước tiến" hay "khúc quanh".

lienau1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel hợp báo tại Bruxelles (Bỉ) ngày 21/07/2020 sau khi Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Châu Âu kết thúc.  AP - John Thys

Trang nhất Le Monde nổi bật với một bức ảnh màu lớn, trải dài trên 5 cột báo, chiếm 1/3 trang khổ lớn, cho thấy tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel đang ngồi họp tại Bruxelles, ở giữa là hàng tựa "Châu Âu : Một kế hoạch phục hồi lịch sử".

Tính từ "lịch sử" cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Figaro, trong hàng tựa lớn : "Châu Âu : Những câu hỏi vẫn tồn tại về một thỏa thuận lịch sử".

Hai tờ La Croix và Les Echos thì không hẹn mà gặp, đều nhấn mạnh trên bước tiến lịch sử mà Liên Hiệp Châu Âu vừa làm được. Trong lúc La Croix chạy tựa "Châu Âu vượt qua một cái mốc", Les Echos thấy rằng "Liên Âu đang tiến bước".

Riêng Libération thì chọn hẳn một giọng điệu vui vẻ, chạy trên trang nhất lời cám ơn bằng nguyên văn tiếng Đức "Châu Âu : danke schön" nghĩa là "cám ơn rất nhiều".

Bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập

Đối với Libération, chính là nhờ việc thủ tướng Đức thay đổi hoàn toàn quan điểm, chấp nhận việc toàn khối cùng gánh vác món nợ tái thiết của các thành viên, mà Liên Hiệp Châu Âu 27 nước đã thông qua được một thỏa thuận lịch sử vào hôm qua, mở đường cho biến Liên Hiệp thành liên bang.

Tờ báo cánh tả Pháp không ngần ngại tự hỏi : "Phải chăng ngày 21 tháng 7 năm 2020 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là "thời điểm Hamilton" của Liên Hiệp Châu Âu, một thời điểm đánh dấu việc khổi Liên Âu chuyển mình từ một liên hiệp lỏng lẻo hiện nay sang một liên bang kiểu Mỹ ?".

Đối với Libération, tình hình Liên Hiệp Châu Âu năm 2020 rất giống tình hình nước Mỹ năm 1790, khi ông Alexander Hamilton, bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ còn non trẻ, đã giành được từ Quốc hội quyền tạo ra một khoản nợ liên bang và đứng ra bảo đảm các món nợ của các bang sắp sửa phá sản. Sự kiện này đã đặt nền móng cho sức mạnh tương lai của nước Mỹ.

Hai trăm ba mươi năm sau, kịch bản tương tự dường như được lặp lại, lần này tại Châu Âu. Theo tổng thống Pháp Macron, việc Ủy Ban Châu Âu được trao quyền vay 750 tỷ euro trong thực tế không khác gì việc tạo ra một khoản nợ "liên bang" như ở Mỹ, và đây là một cuộc "cách mạng", một thời khắc "lịch sử". Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Macron khẳng định : "Đây là thời điểm quan trọng nhất ở Châu Âu kể từ khi tạo ra đồng euro".

Bước đầu tiến tới một hình thức Liên Bang Châu Âu

Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn : "Lịch sử", Libération đã phản bác ngay những luận điệu mà giới hoài nghi Châu Âu có thể đưa ra để bác bỏ tính chất lịch sử của những gì vừa diễn ra.

Theo tờ báo Pháp, những người chống lại khả năng Liên Âu hội nhập chặt chẽ hơn có lẽ sẽ chế nhạo từ "lịch sử", một loại sáo ngữ rất thường được dùng sau các cuộc "họp kín" tại Bruxelles. Họ cũng sẽ mỉa mai thời gian 4 ngày họp đầy kịch tính và sẽ nhấn mạnh trên các nhượng bộ đối với các nước "keo kiệt" để giảm nhẹ tầm quan trọng thỏa thuận đạt được.

Thể nhưng, Libération cho rằng những người này hoàn toàn sai lầm. Bước tiến mà 27 thành viên Liên Âu vừa thực hiện quả thực lịch sử, không chỉ vì khoản tiền rất to lớn được thông qua, mà còn là vì việc toàn khối đã chấp nhận nguyên tắc chưa từng thấy về sự tương trợ đoàn kết trên mặt tài chính giữa các quốc gia.

Ẩn mình đằng sau con số 390 tỷ trợ cấp cho những quốc gia bị tác hại nhiều nhất là một bước đầu tiến tới một hình thức Liên Bang Châu Âu, dù đã được thực hiện trong đau đớn, nhưng đã làm cho những kẻ bài bác Châu Âu từ đủ mọi xu hướng phải vỡ mộng.

Và cũng như thường lệ, khi liên quan đến Châu Âu, mọi thỏa thuận đều là kết quả của một quá trình thỏa hiệp khó nhọc, và một lần nữa, nhờ sự liên kết - cũng phải nói là lịch sử - giữa ông Macron và bà Merkel.

Không có sự kiên trì thúc đẩy hồ sơ của tổng thống Pháp thì sẽ không có kết quả gì cả, nhưng sự kiên trì của Macron sẽ vô ích nếu không có sự hướng ứng của thủ tướng Đức Merkel, cách đây vài tuần, đã phá bỏ cấm kỵ truyền thống của nước Đức về việc chia sẻ nợ công.

Đối với Libération, bà Merkel đã thay đổi lập trường vì quyền lợi của Đức, nhưng quyết định của bà đã cứu được Châu Âu.

Lịch sử, nhưng không phải là không có vấn đề

Tính chất lịch sử của kế hoạch phục hồi kinh tế Châu Âu vừa được thông qua tại Bruxelles cũng được Le Figaro công nhận. Thế nhưng, tờ báo thiên hữu Pháp nhấn mạnh rằng vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về cách sử dụng khoản tiền khổng lồ trong kế hoạch, cũng như các điều kiện giải ngân.

Theo Le Figaro, một trong những yếu tố giúp cho kế hoạch này thành công là các nước phải quyết tâm "sử dụng tốt" các khoản vay và trợ cấp không hoàn lại đến từ Châu Âu, bằng cách "ưu tiên đầu tư để giúp các quốc gia bị khủng hoảng thay đổi, thay vì tài trợ cho các khoản chi tiêu thường nhật".

Le Figaro còn phàn nàn về việc kế hoạch chấn hưng kinh tế đã tạo ra một nạn nhân : đó là kế hoạch tăng cường nền quốc phòng Châu Âu, mà ngân sách đã bị giảm xuống mức tối thiểu. Một cựu bộ trưởng Pháp cố biện bạch, cho rằng giữa kế hoạch ban đầu và thượng đỉnh mang tính chất quyết định vừa qua đã có một trận đại dịch chen vào, khiến cho các ưu tiên bị đảo lộn.

Một chiến thắng của tổng thống Macron

Cùng một nhận định với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo La Croix cho rằng không ai có thể chối cãi thực tế là hội nghị thượng đỉnh Bruxelles lần này mang một ý nghĩa lịch sử to lớn.

Theo La Croix, ngoài việc Ủy Ban Châu Âu sẽ có thể đứng tên vay khoản tiền khổng lồ 750 tỷ euro, điều chưa từng thấy, còn phải thấy rằng hơn một nửa số tiền đó sẽ được tháo khoán dưới hình thức trợ cấp cho các quốc gia bị tác hại nhiều nhất từ ​​cuc khng hong y tế và hu qu kinh tế kèm theo.

Đối với La Croix, cũng phải thừa nhận rằng thỏa thuận phục hồi kinh tế Châu Âu là một chiến thắng chính trị thực sự đối với tổng thống Pháp Macron, người đã kiên trì thúc đẩy công cuộc xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu hội nhập.

Tuy nhiên, La Croix cũng thận trọng cho rằng ở cấp độ kinh tế quốc gia, lợi ích mà nước Pháp thu được từ thỏa thuận không nhiều, chỉ được khoảng 40 tỷ, trong khi Ý được đến 60 tỷ và Tây Ban Nha 70 tỷ.

Đối chọi trên nhà nước pháp quyền

Sau cùng, về thỏa thuận đạt được hôm thứ Ba, Le Figaro đã chú ý đến quy định tôn trọng những nguyên tắc dân chủ mà các nhà lãnh đạo Châu Âu lần đầu tiên đã gắn với việc tài trợ.

Le Figaro ghi nhận tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel hoan nghênh việc "lần đầu tiên trong lịch sử Châu Âu mà ngân sách được gắn với việc tôn trọng Nhà Nước Pháp Quyền".

Thế nhưng, theo Le Figaro, Hungary và Ba Lan, hai học trò xấu trong lãnh vực này, đã phản bác kết luận của ông Michel. Thủ tướng Hungary Vicktor Orban khẳng định : "Tất cả những nỗ lực gắn Nhà nước pháp quyền vào ngân sách đã bị ngăn chặn".

Theo ông Orban : "Trước, và ngay cả trong các cuộc thảo luận, đã có những nỗ lực, tôi không thể nói là để hạ nhục, nhưng ít ra là để giáo dục chúng tôi về Nhà nước pháp quyền. Thế nhưng chúng tôi không những đã nhận được một khoản tiền lớn, mà còn bảo vệ được phẩm giá của đất nước chúng tôi".

Chris Patten : Không nên tự hạ thấp sức mạnh của mình trước Bắc Kinh

Về tình hình quốc tế, nhật báo Le Monde đặc biệt có bài phỏng vấn cựu toàn quyền Hồng Kông Chris Patten, khẳng định rằng : "Chúng ta - tức phương Tây - đã đánh giá thấp sức mạnh của mình trước Trung Quốc".

Ông Chris Patten, toàn quyền cuối cùng tại Hồng Kông (1992-1997), và là người quản lý việc trao trả lãnh thổ này về Trung Quốc, trả lời các báo nước ngoài trong đó có Le Monde, nhận định là luật an ninh ở Hồng Kông cho thấy không thể tin vào Trung Quốc.

Ông Patten giải thích tại sao, các nước Châu Âu, đứng đầu là Anh, phải ngưng việc đánh giá thấp khả năng của minh khi đối phó với siêu cường Châu Á.

Trả lời câu hỏi là Châu Âu phải có hành động ra sao để ngăn ngừa những hành vi "tấn công" của Trung Quốc, cựu toàn quyền Anh cho là trước tiên các nước phải liên minh với nhau. Ông hy vọng là vào tháng 11 có được một thổng thống ở Mỹ tin tưởng vào sức mạnh liên minh.

Đối với Châu Âu, theo ông, rất khó mà xây dựng một chiến lược nhất quán trên những vấn đề lớn khi không có Mỹ tham gia. Nếu không làm việc cùng nhau, thì Trung Quốc sẽ tấn công vào từng nước : Úc, rồi Ấn Độ, v.v… Nhưng cũng không nên để bị hù dọa. Nếu cùng hành động thì sẽ đối mặt được với một Trung Quốc cư xử tốt hơn, điều này là trong quyền lợi của cả hai bên.

Về việc Châu Âu đang đánh giá thấp sức mạnh của mình đối với Bắc Kinh, ông Patten nhắc lại khi nhà văn Lưu Hiểu Ba được giải Nobel Hòa Bình, Bắc Kinh ngay lập tức đe dọa Na Uy là sẽ không mua gì nữa. Na Uy bán cá hồi cho Trung Quốc. Và điều gì đã xẩy ra sau dó ? Cá hồi Na Uy bán cho Việt Nam đã tăng vọt, và cá hồi Việt Nam bán sang Trung Quốc lại tăng vọt sau đó.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 739 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)