Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/12/2021

Điểm báo Pháp - Angela Merkel và Aung San Suu Kyi

RFI tiếng Việt

Angela Merkel, Aung San Suu Kyi : Hai gương mặt, hai kết cục

Cùng là phận nữ, là người đứng đầu một quốc gia, nhưng Angela Merkel - thủ tướng nước Đức và Aung San Suu Kyi - "cố vấn đặc biệt" của Miến Điện lại có hai kết cục trái ngược. Người thứ nhất kết thúc sự nghiệp chính trị trong ánh hào quang, thong dong từ giã chính trường và sống một cuộc sống an nhàn tự tại. Ngược lại, người thứ hai có nguy cơ chấm dứt những ngày còn lại trong cảnh lao ngục đen tối chỉ vì đấu tranh cho nền dân chủ đất nước.

angela1

Thứ Tư 08/12/2021, Angela Merkel chính thức rời chính trường sau 5.860 ngày tại chức. Ảnh chụp ngày 04/09/2005.  AP - Jockel Finck

Le Figaro trên trang nhất dành một góc nhỏ chạy tựa "sau 16 năm cầm quyền, Angela Merkel ra đi trên đỉnh cao của sự tín nhiệm". Trải qua 5.860 ngày làm thủ tướng, thứ Tư 08/12/2021, Angela Merkel chính thức rời chính trường, trước sự chứng kiến của người kế nhiệm, Olaf Scholz, thuộc đảng Xã hội – Dân chủ. Một trang sử dài sẽ khép lại, dù rằng kỷ lục cầm quyền vẫn thuộc về ông Helmut Kohl, với 9 ngày dài hơn.

Nhưng bà rời chính trường với một tỷ lệ được lòng dân có thể khiến nhiều đối tác phải ganh tỵ : 80% người dân Đức đánh giá rằng Mutti (Mẹ), cách gọi thân mật của dân đối với bà, đã làm tốt vai trò người đứng đầu đất nước, so với tỷ lệ 17% có ý kiến ngược lại, theo như thăm dò của Viện Thống kê quốc gia Destatis.

Sự giản dị, gần gũi với người dân giải thích vì sao bà chiếm được phần lớn cảm tình của dân chúng. Đó là nhờ bà được hưởng một sự giáo dưỡng từ người cha là mục sư đến từ phía bên kia bức tường sắt : Cộng hòa Dân chủ Đức – RDA. Thấm nhuần đạo đức Tin Lành, Angela Merkel không màng sự xa xỉ, lối sống kiểu cách như bao chính khách khác.

Rời chính trường, Angela Merkel để lại bao sự nuối tiếc. Một người thân cận nhìn nhận : "Tại Đức, người ta sẽ không bao giờ làm chính trị như trước được nữa sau Angela Merkel. Trong vòng 16 năm, bà đã điều hành đất nước không một tai tiếng, không tham nhũng, không thái quá. Đây là một điểm tích cực rất là lớn đối với phần lớn người dân (…)".

Chính sách khắc khổ : bên khen ngợi, kẻ chê bai

Không chỉ có người dân Đức, "nước Ý cũng ca ngợi nữ lãnh đạo thời khủng hoảng", tựa một bài viết khác của Le Figaro. Người dân Ý hẳn không quên cách bà xử lý cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2011, khiến chính phủ của thủ tướng Berlusconi bị sụp đổ. Nhà sử học Federico Niglia, trường đại học Perouse nhận định về bà như sau : "Một mặt, Angela Merkel từ lâu là hiện thân cho một dân tộc Đức thống trị, luôn tìm cách áp đặt chính sách khắc khổ với Ý và tước của Ý sự tăng trưởng. Mặt khác, trong giới lãnh đạo, bà là nguồn cảm hứng cho sự tôn trọng và là hiện thân cho một đại cường công nghiệp mà Ý hội nhập cùng".

Có ca ngợi nhưng cũng có phê phán. "Hy Lạp không tiếc nuối gì chính sách khắc khổ của nữ thủ tướng". Hẳn người ta còn nhớ khẩu hiệu "Go back Mrs Merkel" khi người dân Hy Lạp ùn ùn xuống đường phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng do bà áp đặt đối với Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 01/2015-07/2019.

Makis Papapetrou, giáo sư kinh tế giải thích với Le Figaro : "Chính sách của nước Đức thời Angela Merkel có lẽ đã tạo ra một cảm giác bài Đức rất mạnh tại Hy Lạp. Nhiều người trong số họ đã tẩy chay hàng hóa của Đức. Đó chỉ là một chi tiết, nhưng cho thấy một hình thức nổi dậy thầm lặng, mà ở đó các cuộc biểu tình đã không đi đến kết quả".

Vào thời điểm bà rời chính trường chỉ có 30% người dân Hy Lạp (so với 70% tại nhiều nước khác ở Liên Hiệp Châu Âu) là tin tưởng vào Angela Merkel. Đến Hy Lạp để nói lời từ biệt, nữ thủ tướng nhìn nhận, người dân Hy Lạp đã "trả giá quá đắt trong cuộc khủng hoảng kinh tế đó". Lời thừa nhận muộn màng đã không được người dân Hy Lạp sẵn sàng tha thứ.

Giờ đây, sau 16 năm cầm quyền, bà rời chính trường ở tuổi 67. Với bản tính kín đáo, kiệm lời về đời sống tư, bà cho biết chưa có dự định gì cho sắp tới. Một thời gian "lắng đọng" để suy nghĩ ? Nhưng có một điều chắc chắn, bà sẽ không như người tiền nhiệm, Gerhard Schroder, được tập đoàn Gazprom của Nga tuyển dụng.

Chức vụ thủ tướng đủ bảo đảm cho bà trong suốt ba tháng đầu nghỉ hưu một mức thu nhập hàng tháng là 25.000 euro, mức lương này có thể giảm xuống còn một nửa cho 21 tháng sau đó. Bà có xe công vụ đến mãn đời và một văn phòng ở Nghị Viện, cùng nhiều cộng sự thân cận cũng như hai tài xế riêng.

Aung San Suu Kyi trong chiếc "lồng sắt" đến mãn đời ?

Tại Châu Á, cựu lãnh đạo Miến Điện, Aung San Suu Kyi lại không có được kết thúc tốt đẹp như đồng nhiệm Đức. Le Monde ra sớm chiều tối hôm trước thông báo cựu lãnh đạo Miến Điện, "Aung San Suu Kyi bị kết án bốn năm tù". Le Figaro khẳng định : "Tập đoàn quân sự Miến Điện trấn áp Aung San Suu Kyi".

angela2

Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi giơ ba ngón tay lên nhà lãnh đạo Myanmar trong cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/2/2021 (Ảnh : doc).

Chủ đề này cũng được các báo La CroixLibération đề cập đến. Hầu hết các báo đều có cùng một nhận định : Đây chỉ là bản án đầu tiên trong một chuỗi các phiên xử dài có nguy cơ kết án tù đến mãn đời giải Nobel Hòa Bình, và nhằm gạt bà hoàn toàn ra khỏi chính trường Miến Điện.

Theo Le Figaro, cựu lãnh đạo Miến Điện bị đe dọa kêu án đến 102 năm tù giam do việc bà bị cáo buộc đến 11 tội danh, từ tội nặng nhất là tham nhũng, cho đến cáo buộc tầm thường nhất là sở hữu các bộ điện đàm. Hiện không ai được biết bà bị giam và sẽ bị giam ở đâu.

Libération trong bài viết có tựa đề "Aung San Suu Kyi, một bản án để "chặt đầu" phe đối lập", nhắc lại : Quý Bà Rangun luôn trong tầm ngắm của giới quân sự. Dù rằng bà đã tìm cách xích lại gần với quân đội (mà bà được coi trọng với tư cách là con gái của một vị tướng – cha đẻ của nền độc lập Miến Điện), cho dù bà đã bảo vệ sắc tộc Bamar chiếm đa số mà bà xuất thân, cho dù bà đã ủng hộ quân đội qua chính sách thanh trừng sắc tộc, nhất là đối với người Rohingya, nhưng bà không bao giờ có được quy chế đối tác với giới quân sự.

2222222222222222

Một người Miến Điện tị nạn ở Thái Lan trương ảnh kêu gọi trả tự do cho cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, bị quân đội giam giữ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2020.  AP - Sakchai Lalit

Tuy nhiên, theo La Croix, bất chấp các hành động trấn áp của quân đội, "phong trào phản kháng chống tập đoàn quân sự không suy yếu". Nhật báo công giáo dẫn nhận định của nhà đấu tranh người Rohingya, cô Wai Wai Nu, 33 tuổi, hiện đang sống lưu vong ở Mỹ khẳng định, với tập đoàn quân sự "Aung San Suu Kyi là một mối họa". Do vậy, "họ sẽ chẳng bao giờ trả tự do cho bà ấy. Nhưng một mối nguy hiểm khác còn lớn hơn đang đe dọa giới quân sự, vốn dĩ từ 10 tháng nay, không dập tắt được mọi sự phản kháng, đó chính là quyết tâm của toàn thể người dân Miến Điện, tiếp tục đấu tranh để bảo vệ tự do và nền dân chủ".

Ngoại giao "lằn ranh đỏ" : mốt thời thượng ?

Trở lại thời sự Châu Âu, hôm nay, Le Figaro Le Monde cùng quan tâm đến cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa hai nguyên thủ Nga và Mỹ, lần này được tổ chức qua trực tuyến. Căng thẳng ở biên giới giữa Nga và Ukraine là trọng tâm cuộc họp.

Trước hết, Le Figaro trong bài viết có tựa đề "Biden và Putin tìm cách hạ nhiệt" ghi nhận một kiểu ngoại giao mới đang nở rộ : Chính sách "lằn ranh đỏ". Khái niệm này bắt đầu từ việc Israel vạch ra những giới hạn với Iran về chương trình phát triển hạt nhân. Giờ đây, những "lằn ranh đỏ" đó cũng sẽ được đề cập đến trong thượng đỉnh lần này giữa Nga và Mỹ.

Không có những lời dọa dẫm qua lại lẫn nhau nữa, chủ nhân điện Kremlin rất rõ ràng khi đưa ra những "lằn ranh đỏ" về Ukraine. Theo đó, Moskva thẳng thừng tuyên bố không muốn Ukraine gia nhập NATO cũng như là việc NATO đến "cắm trại" ở Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí hay nhiều thứ khác.

Nhưng đối với người dân Ukraine, nguồn hậu thuẫn này là thiết yếu cho phép họ đối phó về mặt quân sự với Nga một cách mạnh mẽ hơn so với hồi năm 2014. Vào ngày các lực lượng binh chủng quốc gia, Kiev đã phô trương xe bọc thép và tuần tra "Made in USA". Ở Moskva, giới chuyên gia cũng đánh giá rằng một cuộc tấn công quân sự có nguy cơ khiến Nga trả giá đắt – như khả năng bị sa lầy do việc Ukraine sử dụng các loại drone có trang bị vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vậy thì ông Putin muốn gì từ người đồng nhiệm Mỹ, Joe Biden ? Chuyên gia Dmitri Treni, Viện Carnegie ở Moskva nhận định : "Có gia nhập NATO hay không, việc nhìn thấy Ukraine biến thành hàng không mẫu hạm neo đậu ngay trước cửa biên giới là điều không thể chấp nhận đối với Nga, như là Cuba đã từng làm như thế cách đây 60 năm đối với Nhà Trắng".

Do vậy, nguyên thủ Nga muốn có được những "thỏa thuận cụ thể" về việc NATO không mở rộng sang phía Đông. Lời yêu cầu này gợi nhắc lại những "hứa hẹn không được giữ" mà phương Tây cam kết với Mikhail Gorbatchov.

Còn theo chuyên gia Nga Alexandre Baunov, "Moskva rất muốn có được như những gì ông Biden cam kết với Tập Cận Bình : Không lao vào một cuộc xung đột công khai với Bắc Kinh và không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị ở Trung Quốc". Tuy nhiên, vị chuyên gia Nga này lưu ý : "Không như Trung Quốc, dường như Nga không có được tầm quan trọng cần thiết để có được những hứa hẹn như thế".

Điện Kremlin cảnh báo sẽ không có được những đột phá nào trong cuộc đối thoại lần này. Le Figaro cho rằng Joe Biden vẫn còn nhiều lá chủ bài để đối phó Nga. Chỉ có điều như ghi nhận của Le Monde, đó là những "giải pháp rất hạn chế của Washington trước các cuộc động binh của Nga ngay trước cửa nhà Ukraine".

Covid-19 lại xen vào những bàn tiệc cuối năm

Làm sao đón lễ tết cuối năm an lành cùng gia đình và bạn bè trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành với biến thể mới Omicron, là mối bận tâm của nhiều báo Pháp. Liération hóm hỉnh cho biết "Covid : Ở trường học, các quy định an toàn dịch tễ lại cất cánh".

Hôm qua, 06/12/2021, thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo siết lại một số biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là đối với bậc tiểu học do các em chưa được chích ngừa như bắt buộc đeo khẩu trang trong sân trường, bắt đầu kế hoạch tiêm chủng cho những trẻ được cho là nguy cơ nhiễm bệnh cao… Ngoài ra, để cứu vãn mùa lễ và giảm nguy cơ bệnh viện quá tải, thủ tướng Pháp thông báo đóng cửa các vũ trường trong vòng 4 tuần. Các hoạt động chợ Noel vẫn được duy trì nhưng tăng cường các biện pháp chống dịch.

Nhật báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến hệ quả nghiêm trọng cho đại dịch Covid-19 gây ra : "Tại các trường cấp hai và ba, kết quả học tập bị sút giảm". Điều tra do nhà nghiên cứu Georges Fotinos thực hiện trong khoảng 16/3 – 06/5/2021, cùng với nghiệp đoàn các lãnh đạo trường học (SNPDEN) và Ngân hành hợp tác hành chính công (Casden).

Kết quả là, trong số 4.400 hiệu trưởng được hỏi, có đến 67% lên tiếng báo động tình trạng sụt giảm trình độ về tiếng Pháp, toán và gia tăng lo lắng ở học sinh cấp hai. Tỷ lệ này cao hơn gấp hai lần so với 29% của năm 2008. Cũng theo điều tra, đại dịch Covid-19 còn làm cho các mối quan hệ giữa nhà trường và các bậc phụ huynh, giữa hiệu trưởng với giáo viên xuống cấp nghiêm trọng theo.

Về phần mình, La Croix cho biết "để cứu vãn các kỳ lễ, Ý siết chặt các biện pháp phòng dịch với những người không tiêm ngừa". Cụ thể là chính phủ thủ tướng Mario Draghi cho thiết lập hai loại giấy chứng nhận y tế. Một là Green Pass Base, có giá trị trong vòng 48 giờ đối với những kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính và 72 giờ cho xét nghiệm PCR.

Loại thứ hai là Super Green Pass, có giá trị đến 9 tháng cho những ai tiêm ngừa đây đủ và 6 tháng đối với những người được chữa lành bệnh Covid-19. Ngoài ra, chính phủ Ý còn áp dụng một biện pháp mới khác là trẻ từ 12 tuổi phải có giấy chứng nhận y tế mới được phép dùng các phương tiện công cộng.

Trong một bài viết khác La Croix cho biết thêm thuốc uống molnupiravir ngừa Covid-19 kém hiệu quả hơn như dự báo. Thông cáo của hãng dược Mỹ Merck, trong một đoạn ngắn, thừa nhận hiệu quả của thuốc đối với thể nặng chỉ ở mức 30%, trong khi kết quả thử nghiệm sơ bộ được công bố là đến 50%.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 323 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)