Covid : Hố ngăn cách giàu – nghèo sâu thêm đe dọa tương lai nhân loại
Ba đảng chính trị Đức thỏa thuận lập được chính phủ sớm hơn dự kiến. Chính phủ "Đèn Ba Màu" của nước Đức có ý nghĩa gì với Pháp, với Liên Hiệp Châu Âu ? Đây là chủ đề lớn của nhiều báo Pháp hôm nay, 08/12/2021. Hố sâu ngăn cách giàu – nghèo ngày càng nghiêm trọng hơn đe dọa tương lai nhân loại là chủ đề chính của Le Monde, nhân kết quả điều tra chưa từng tại hơn 100 quốc gia, công bố hôm qua.
Covid làm sâu thêm hố ngăn cách giàu-nghèo: Trong 18 tháng đại dịch, các tỉ phú kiếm thêm 3.600 tỉ đô la, thêm 100 triệu người rơi vào nghèo đói (Lucas Chancel – WIL). Ảnh minh họa : Chờ xét nghiệm Covid tại New York, 03/12/2021. Reuters – Jeenah Moon
Le Monde nhấn mạnh : Chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh là con đường mà nhân loại buộc phải tiến hành trong những thập niên tới, "thách thức lớn nhất" là bảo đảm được "công bằng xã hội" trong tiến trình gian nan này. Nhật báo cánh trung Pháp với tựa đề "Bất bình đẳng hủy hoại hành tinh như thế nào" giới thiệu kết quả điều tra "chưa từng có" của World Inequality Lab (WIL), tổng kết tình trạng "bất bình đẳng về thu nhập và tài sản" từ hai thế kỷ nay, để định vị xem xã hội đương đại của chúng ta đang ở đâu về chuyện này.
Các đại gia kiếm thêm hàng nghìn tỉ đô la nhờ Covid
Với Covid, các đại gia đã giàu càng giàu hơn, dân đã nghèo càng nghèo hơn. Bài xã luận Le Monde, nhan đề "Để xã hội được bình đẳng hơn, giải pháp phải là chính trị", giải thích : hố sâu ngăn cách giàu nghèo không phải là chuyện mới, tuy nhiên tình hình trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều với đại dịch Covid-19. Trong đại dịch, nhóm những người giàu nhất càng giàu hơn nữa, tình trạng của nhóm những người nghèo khổ bấp bênh nhất lại càng trở nên tệ hại hơn nữa.
Năm 2020 trong đại dịch, các tỉ phú đã kiếm thêm được hơn 3.000 tỉ đô la, nhờ giá bất động sản và cổ phiếu gia tăng. Hơn 10% dân số giàu nhất thế giới sở hữu hơn ba phần tư tài sản của nhân loại, trong lúc 50% dân cư thế giới, gồm những người nghèo nhất, sở hữu 2%.
Le Monde nhấn mạnh là đại dịch Covid là nhân tố làm hố sâu ngăn cách giàu - nghèo thêm rộng ra, khác hẳn với nhiều cuộc đại khủng hoảng, khiến khoảng cách giảm bớt, như hai cuộc đại chiến thế giới, hay khủng hoảng kinh tế 1929. Tại các nước phát triển, chính quyền rót những khoản tiền trợ cấp khổng lồ để bảo vệ doanh nghiệp, duy trì thu nhập, tránh nghèo đói bùng phát, nhưng bên hưởng lợi, phần lớn là các đại gia, điều này khiến khoảng cách giàu nghèo tăng mạnh hơn.
Ba điều khẩn cấp : Tăng thuế, đẩy mạnh giáo dục-y tế và chia sẻ "trách nhiệm môi trường"
Theo Le Monde, có "ba sự thật hiển nhiên" mà chính quyền các nước phải đối mặt. Thứ nhất là không thể tránh khỏi việc tăng thuế nhắm vào các tài sản lớn, được hưởng lợi nhờ đại dịch, để bù lấp hố ngăn cách giàu – nghèo. Việc cộng đồng quốc tế thỏa thuận đánh thuế tối thiểu 15% các công ty đa quốc gia chỉ là bước đầu.
Thứ hai là cần phải có chính sách thu hẹp bất bình đẳng thông qua đầu tư cho giáo dục, y tế, lĩnh vực vốn được nhiều nơi coi là gánh nặng ngân sách. Về điểm này, việc Hoa Kỳ bắt đầu hướng sang học tập mô hình Châu Âu, nơi "dịch vụ công" được coi là "phát triển nhất thế giới" là một dấu hiệu tích cực.
Điều hiển nhiên thứ ba thứ ba là phải bảo đảm gánh nặng đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải công bằng. Những gia đình có tài sản lớn nhất phải đóng góp nhiều hơn. Le Monde nhắc lại bài học của phong trào phản kháng "Áo Vàng" tại Pháp, khi gánh nặng "chuyển đổi sinh thái" bị chính quyền đặt chủ yếu lên vai những người nghèo nhất. Nhật báo cánh trung Pháp khép lại với lời cảnh báo : "cuộc khủng hoảng hiện nay bắt buộc chúng ta phải tính đến ba sự thật hiển nhiên nay, trước khi quá muộn".
Du lịch không gian gây tổn hại khủng khiếp cho khí hậu
Nhật báo thiên tả Libération có nhiều bài viết về chủ đề "bất bình đẳng". Về bất bình đẳng trong trách nhiệm với môi trường, Libération có bài tố cáo các chuyến bay du lịch lên không gian là thủ phạm gây ô nhiễm trầm trọng. Minh chứng rõ ràng cho tình trạng bất bình đẳng khủng khiếp giữa những người giàu nhất với xã hội. Tỉ phú Nhật Yusaku Maezawa có chuyến bay lên trạm không gian quốc tế hôm nay. Ngày mai, đến lượt tỉ phú Mỹ Jeff Bezos có chuyến bay lên không gian với 6 người khác. Mỗi chuyến bay như thế xả ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tấn CO2, trong lúc để thực thi hiệp định Khí hậu Paris, giữa Trái đất không tăng quá 1,5°C, mỗi người không được phép phát thải quá 2 tấn CO2/năm. Libération cho biết tình hình sẽ càng trở tồi tệ hơn trong những năm tới, khi dịch vụ du lịch không gian phát triển mạnh.
Libération điểm mặt các thủ phạm chính của những "hành động điên rồ" này ("xét về mặt xã hội và sinh thái") : Space X, Blue hay Virgine Galactic. Libération nhấn mạnh là 10% người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm về một nửa số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Dân nước nghèo ít tiêm chủng: Nguy cơ biến thể mới "kháng mọi vac-xin"
Trang nhất Libération hôm nay cũng dành cho chủ đề bất bình đẳng với tựa lớn "Hãy cấp thật nhanh vac-xin cho các nước nghèo nhất". Libération nhấn mạnh là, đúng một năm sau mũi tiêm chủng Covid đầu tiên tại Châu Âu, cho đến nay mới chỉ có 8% dân các nước nghèo nhất nhận được liều đầu tiên. Tỉ lệ này ở các nước phát triển là 65%.
Bài xã luận của Libération "Ích kỷ" lưu ý là không phải ngẫu nhiên mà biến thể Omicron mới đang gây lo lắng xuất hiện tại Nam Phi, nơi tỉ lệ tiêm chủng mới là khoảng 25%. Tờ báo nhắc lại là xác suất cao cho việc virus lưu truyền mạnh, dẫn đến các biến thể mới, là nơi dân cư ít được tiêm chủng. Libération cảnh báo, "sự ích kỷ" của một số nước giàu và tập đoàn dược phẩm có thể dẫn đến hệ quả là trong tương lai xuất hiện một biến thể "kháng được tất cả các vac-xin".
Các nước nghèo không có đủ vac-xin vì rào cản bằng sáng chế. Libération có bài phỏng vấn chủ tịch tổ chức Y Sĩ Không Biên Giới, bà Carine Rolland với tựa đề "Chúng ta có thể sẽ phải trả giá đắt cho các sai lầm của chúng ta trong nhiều năm". Chủ tịch Y Sĩ Không Biên Giới kêu gọi dỡ bỏ ngay lập tức quy định bảo vệ bằng sáng chế với vac-xin Covid-19, để thế giới có thể thoát được cuộc khủng hoảng y tế hiện nay. Bà Carine Rolland cũng chỉ rõ vì sao bế tắc. Ví dụ cụ thể là, công ty BioNtech (Đức) sở hữu vac-xin Pfizer chống lại việc dỡ bỏ bằng sáng chế, bởi họ sẽ thu được nhiều lời lãi nhất do việc bán được vac-xin cho các nước giàu với giá cao, hơn là bán vac-xin với giá thấp cho các nước nghèo.
Chính phủ liên minh Đức : Những thách thức đầu tiên
Nước Đức có chính mới là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. "Những thách thức với tân thủ tướng Olaf Scholz" là tít trang nhất của Le Figaro. "Thách thức đầu tiên" với tân thủ tướng Đức Xã hội – Dân chủ là phải dung hòa được các cương lĩnh về kinh tế gần như đối lập nhau của hai đảng khác trong liên minh "chưa từng có", đảng Xanh và đảng Tự do – Dân chủ. Đảng Xanh muốn đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế Xanh, đảng Tự do – Dân chủ muốn trở lại với chính sách kinh tế khắc khổ trước đại dịch.
"Olaf Scholz, vị thủ tướng tạo niềm tin"
Báo Le Monde tỏ ra rất tin tưởng vào ê-kíp mới lãnh đạo nước Đức, với bài "Olaf Scholz, vị thủ tướng tạo niềm tin". Le Monde thuật lại cuộc phỏng vấn đầu 2020, với hai cố vấn của ông Olaf Scholz, lúc đó là bộ trưởng Tài Chính trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel. Hai cố vấn của Olaf Scholz dự báo cấp trên của họ là người nhiều khả năng nhất trở thành thủ tướng Đức. Vào thời điểm đó, đảng Xã hội – Dân chủ chỉ đạt 15% ủng hộ của cử tri, trong lúc đảng CDU-CSU được 40%, đảng Xanh gần 20%. Vào thời điểm đó, một trong hai cộng sự của Olaf Scholz nhấn mạnh "người Đức sẽ chọn sự ổn định và liên tục" trong bối cảnh đầy bất trắc hiện nay. Và "người có khả năng nhất để làm được điều này là Olaf Scholz".
Le Monde cũng có bài phân tích về "Những cân bằng tinh tế của chính phủ liên minh ‘‘Đèn Ba Màu’’". Đặc biệt đáng chú ý là thế đối đầu giữa hai nhân vật hàng đầu của chính phủ, sau thủ tướng. Bộ trưởng Tài chính Linner, đảng Tự Do – Dân Chủ, và bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Habeck, đảng Xanh.
Khát vọng Đức hướng đến Liên Bang Châu Âu đồng điệu với Pháp
Chính phủ mới của nước Đức có ý nghĩa thế nào với Pháp và Liên Âu là câu hỏi mà Le Figaro và La Croix cùng đặt ra. Xã luận Le Figaro nhan đề "Châu Âu của nước Đức" nhấn mặt đến phương diện xây dựng Châu Âu. Thứ nhất là tân chính phủ Đức sẽ giúp cho chính quyền Macron "thúc đẩy việc xây dựng Châu Âu". "Khát vọng Châu Âu" của tân thủ tướng Olaf Scholz có thể cộng hưởng với khát vọng Châu Âu của tổng thống Pháp, được đưa ra năm 2017, nhưng đã không được các đồng minh Châu Âu hưởng ứng. Mong muốn của Pháp tăng cường khả năng quốc phòng của Châu Âu có thể nhận được hậu thuẫn của Đức.
Chính trị gia đảng Xanh Annalena Baerbock, tân ngoại trưởng Đức, ủng hộ chính sách tăng cường thống nhất chính sách đối ngoại của Châu Âu, từ bỏ quy tắc đồng thuận 100% giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh là : một nước Đức ủng hộ mạnh mẽ cho việc nâng cao sự thống nhất của Châu Âu, cũng sẽ khiến Châu Âu "mang đậm chất Đức".
Le Figaro cũng cho biết rõ là tân chính phủ ba đảng của Đức cho biết muốn nhanh chóng khởi động đối thoại với Pháp về các cải cách liên quan đến Châu Âu. Quyết tâm hành động vì Châu Âu của tân thủ tướng mạnh hơn nhiều so với người tiền nhiệm, Angela Merkel, có thể thúc đẩy "Liên Hiệp Châu Âu hướng đến một Nhà nước Liên Bang". Mục tiêu này được ghi rõ trong thỏa thuận lập chính phủ liên hiệp ba đảng nước Đức. "Một Liên Âu có chủ quyền" đặc biệt là chủ trương của đảng Xanh.
Khác biệt lớn Đức - Pháp đòi hỏi tinh thần thỏa hiệp
Chủ đề lớn của báo công giáo La Croix hôm nay cũng là chính phủ liên minh ba đảng của Đức, nhưng với một góc nhìn rất khác. Tựa lớn của La Croix là : "Thỏa thuận của Đức làm Paris chao đảo", nhấn mạnh đến những điểm khác biệt lớn trong chương trình hành động của chính phủ Đức, về nhập cư hay năng lượng tái tạo.
Xã luận nhật báo công giáo, với nhan đề "Sau sức mạnh bình thản" (giai đoạn 16 năm cầm quyền của bà Merkel), nhấn mạnh đến việc nước Đức sắp bước vào giai đoạn của "các cải cách táo bạo". Về mặt hình thức, tân thủ tướng Đức thể hiện là người tiếp nối "phong cách" của thủ tướng tiền nhiệm, nhưng theo La Croix, về thực chất, các cải cách của nước Đức trong thời gian tới sẽ tác động rất mạnh đến các nước láng giềng, trước hết là Pháp. Về mặt chính trị Châu Âu, khác hẳn bà Merkel, tân chính phủ Đức sẽ thúc đẩy những cải cách triệt để đối với các định chế Châu Âu theo hướng mô hình Liên Bang. Về mặt môi trường, chủ trương của chính phủ Đức là 80% điện năng sẽ xuất xứ từ năng lượng tái tạo trước 2030. Lập trường này là khác hẳn với các chính trị hàng đầu của Pháp. Bầu cử Pháp sẽ diễn ra trong ít tháng nữa, chắc chắn hai bên sẽ có nhiều thảo luận sôi nổi. Cho dù thế nào, La Croix kết luận, để tránh cho Liên Âu bị tê liệt, Pháp và Đức phải tìm được thỏa hiệp.
Bảy start-up gắn bó với đời sống hàng ngày người Pháp
Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay dành trang nhất để giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp của nước Pháp, mới nổi lên trong những năm gần đây, chinh phục được đông đảo người sử dụng. Tổng cộng có 7 start-up đang "có mặt trong đời sống hàng ngày của người Pháp" trong số 22 doanh nghiệp khởi nghiệp có trị giá hơn một tỉ đô la.
Như Lydia, dịch vụ thanh toán trực tiếp giữa các cá nhân, được 5, 5 triệu người dùng tại Pháp, tăng hơn 1 triệu trong một năm. Đây là start-up mới nhất được định giá hơn một tỉ đô la. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ nổi tiếng khác được dẫn tên như Blablacar trong lĩnh vực giao thông (20 triệu thành viên) hay Doctolib trong lĩnh vực đăng ký y tế trên mạng, có đến khoảng 40 triệu đăng ký hàng tháng. ManoMano trong lĩnh vực đồ đạc gia dụng có hơn 7 triệu khách hàng. Black Market, chuyên về sửa chữa dụng cụ điện tử… Voodoo, chuyên về trò chơi trên mạng, có hơn 300 triệu người sử dụng hàng tháng.
Vở nhạc kịch đầu tay của đạo diễn Steven Spielberg
Đạo diễn Mỹ nổi tiếng Steven Spielberg, 74 tuổi, cho ra mắt vở nhạc kịch đầu tay West Side Story (Câu Chuyện Phía Tây) - còn được nhiều người gọi là "Romeo và Juliet phiên bản hiện đại". Đây là chủ đề trang nhất của Libération.
Trọng Thành